Lần đầu tiên nhìn thấy nhan đề của cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh, tôi đã nghĩ rằng cuốn sách này sẽ mang những khái niệm trừu tượng của tôn giáo và triết học. Tưởng chừng cuốn sách sẽ là những triết lý khô khan, nhưng không, đó là một câu chuyện đầy sinh động và hấp dẫn. Ta như đang đọc quyển nhật kí của Thomas vì từng mạch truyện sao mà giàu cảm xúc mà chân thật, tỉ mỉ như tác giả đặt mình vào từng tình huống truyện. Đây không phải là tài liệu nghiên cứu hay một cuộc phỏng vấn dài với những câu hỏi và trả lời.... Đây sẽ là một-cuốn-sách-đặc-biệt!
Muôn kiếp nhân sinh là hành trình của bạn tác giả Nguyên Phong - Thomas hồi tưởng lại những tiền kiếp (những kiếp ông từng sống tại đó) như là một cuốn phim đồ sộ, sống động. Về những kiếp sống huyền bí, trải dài từ nền văn minh Atlantis hùng mạnh đến vương quốc Ai Cập cổ đại của các Pharaoh quyền uy.
Đặc trưng sáng tác là quá trình sáng tác mà nhà văn là người cài vào đó những mã code nghệ thuật, tạo ra những khoảng trắng, dấu lặng, độc giả phải là người giải đáp, lấp đầy những khoảng trống ấy. Và tác giả Nguyên Phong vẫn không quên điều đó. Từng nội dung, kiến thức đã được ẩn dưới nét bút của tác giả đòi hỏi độc giả phải suy luận để nhận thấy vấn đề cốt lõi của luận điểm. Cả cuốn sách không phải là những góc chụp nhất thời hay sự gán ghép cơ học của những mẫu đối thoại mà là một hành trình Thomas kiếm lại những bản ngã của mình ở hai tiền kiếp là Alantis và Ai Cập. Đây có thể là điểm sáng, tạo cho câu chuyện không nhàm chán mà giữ được sự uyên thâm trong quan niệm tôn giáo, vũ trụ, v.v.
Mở đầu câu chuyện là cuộc đối thoại của giáo sư Yeh, phi hành gia Edgar Mitchell, Thomas K, hoàng thượng Thánh Nghiêm và tác giả.
Hiện nay thế giới đang trải qua giai đoạn hỗn loạn, xáo trộn, mà thật ra thì mọi quốc gia đều đang gánh chịu những nghiệp quả mà họ đã gây ra trong quá khứ. Mỗi quốc gia, cũng như mọi cá nhân, đều có những nghiệp quả riêng do những nhân mà họ đã gây ra. Cá nhân thì có ‘biệt nghiệp‘ riêng của từng người, nhưng quốc gia thì có ‘cộng nghiệp‘ mà tất cả những người sống trong đó đều phải trả.
Thường thì con người, khi hành động, ít ai nghĩ đến hậu quả, nhưng một khi hậu quả xảy đến thì họ nghĩ gì, làm gì? Họ oán hận, trách trời, trách đất, trách những người chung quanh đã gây ra những hậu quả đó? Có mấy ai biết chiêm nghiệm, tự trách mình và thay đổi không? Tôi mong chúng ta - những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người. Tương lai của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và cả hành tinh này sẽ ra sao trong giai đoạn sắp tới là tùy thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó tạo nên. Nếu muốn thay đổi, cần khởi đầu bằng việc nhận thức, chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và chia sẻ sự hiểu biết từ mỗi người chúng ta trước.
Theo ông, khoa học như cuộc sống. Nó luôn luôn vận động, biến đổi. Thế giới quan của chúng ta luôn thay đổi, nay đây mai đó, những học thuyết xem là đúng sẽ bị phủ định. Cách đây không lâu chúng ta cho rằng vật thể nhỏ nhất trên thế giới là phân tử (Molecule), nhưng sau đó chúng ta tìm ra nguyên tử là vật thể nhỏ nhất. Hiện nay, chúng ta biết rằng nguyên tử không phải là nhỏ nhất mà còn có những hạt lượng tử nhỏ hơn nhiều (Quark).
Nhìn theo góc độ triết học vận động hiểu theo nghĩa chung nhất bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy. Vật chất chỉ có thể tồn tại bằng cách vận động và thông qua vận động mà biểu hiện, bộc lộ sự tồn tại của mình. Và đương nhiên trong quá trình ấy có sự phát triển của sự vật có thể đi lên cũng có thể cạnh tranh với nhau hoặc đi xuống. Cuộc sống cũng vậy, có thể ngành nghề ấy, chỉ qua vài năm có thể tự nhiên “hot” hoặc giảm nhiệt không còn được ưa chuộng. Theo nhà triết học Ăng-ghen đã nói:
Tất cả những gì cố định đều biến thành mây khói, và tất cả những gì người ta cho là tồn tại vĩnh cửu thì nay đã trở thành nhất thời, và người ta đã chứng minh rằng toàn bộ giới tự nhiên đều vận động theo một vòng tuần hoàn vĩnh cửu.
Vậy liệu chúng ta sẽ phản ứng như thế nào với những dữ kiện mới được khám phá? Liệu chúng ta có chấp nhận rằng những gì chúng ta tin tưởng từ bấy lâu nay chỉ là những lý thuyết không còn giá trị nữa không? Hay chúng ta vẫn bám lấy quan niệm cũ vì đã coi chúng như là chân lý tuyệt đối? Nghe cao siêu nhưng thật ra là vấn đề của rất nhiều người hiện nay. Rất nhiều người khi đạt đến một mức độ nào đó, không chịu tìm tòi thay đổi, cuối cùng bị đè bẹp bởi bánh xe thời gian. Vậy nếu là bạn đứng trước sự thay đổi, bạn sẽ thích ứng như thế nào?
Hai luận điểm chính được đề cập trong ấn phẩm Muôn kiếp nhân sinh là Luật nhân quả, luân hồi và quy luật của vũ trụ: Thành - Trụ - Hoại - Diệt. Đó cũng chính là tiền đề cho tất cả những lần “hồi kiếp” của Thomas.
Bàn luận dưới góc độ Phật Giáo về Luật Nhân quả, ta phải hiểu rằng: Tất cả những người ta gặp ở kiếp này, không phải do duyên thì cũng là nợ. Đó là quả mà ta gieo từ kiếp trước mà có thể đến những kiếp sau ta mới nhận. Kiếp sống của một con người thì ngắn ngủi nhưng nghiệp quả thì kéo dài. Chớ nghĩ là không có nhân quả. Vạn vật luôn vận động, và cái chết không phải là dấu chấm hết. Đó là bản lề, là quá trình chất vấn lại nội tâm xem một kiếp qua ta đã học được gì. Đừng bao giờ nghĩ cứ qua một kiếp, uống chén canh của Mạnh Bà mà quên hết. Cách ta ứng xử, nhận thức ở kiếp này cũng là do kiếp trước của chúng ta mà thành.
Có người học được ngay, có người phải trải qua nhiều kiếp mới học được. Tuy nhiên, cũng có người mặc dù trải qua biết bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đau khổ, vẫn u mê, không học được gì. Nếu nhìn vào vũ trụ, ông sẽ thấy có hàng triệu, hàng tỷ hành tinh. Có những hành tinh đang được hình thành và có những hành tinh đang bị hoại diệt. Tất cả đều tuân theo luật Chu kỳ. Trái Đất của chúng ta cũng thế, khi chu kỳ của Trái Đất tiến đến giai đoạn hoại diệt, nó sẽ tan vỡ. Nhưng không phải Trái Đất này hoại diệt rồi thì mọi người cũng bị hủy diệt đâu. Những người đã học bài học của chu kỳ đó sẽ tái sinh vào chu kỳ của thế giới khác để học những bài học mới. Những người không học được gì, trình độ hiểu biết thấp kém, không thể tái sinh vào nơi khác có trình độ cao hơn, sẽ bị loại bỏ. Vì Trái Đất đã tan, những người này phải ở trong tình trạng đau khổ liên miên bất tận, phải chờ đợi khi Trái Đất được thiết lập lại, để học lại bài học mà họ chưa học được. Sự thiết lập một hành tinh như Trái Đất đòi hỏi một thời gian dài, có lẽ hàng triệu hay hàng tỉ năm. Hãy thử tưởng tượng những người bị bỏ lại bơ vơ, lạc võng, vất vưởng thì trạng thái khổ sở đó kinh khủng như thế nào.
Qua lời thoại của Thomas, ta hiểu rõ hơn về khái niệm Thành - Trụ - Hủy - Diệt. Hay như ông bà ta thường nói: "Sinh - lão - bệnh -tử". Con người ta có xu hướng sợ đối mặt với cái chết, nhưng ta có thể hiểu rằng cái chết chỉ là cuối cùng của chu kỳ (Diệt) và rồi sẽ bắt đầu một chu kỳ mới. Cái con người cần học thì nhiều vô kể và mỗi người có một bài học riêng. Việc của ta phải học, chiêm nghiệm ra những bài học cho nhiều kiếp sau. Vì có người học được ngay, có người phải trải qua nhiều kiếp sống mới học được, nên không phải cứ trải qua mỗi kiếp sống thì càng tiến bộ. Con người có thể đầu thai thành những dạng sống khác, gánh lại những nghiệp mình đã tạo, cho đến khi nào học được bài học đó thì thôi. Ví dụ như Thomas đã trải qua 2 kiếp sống để học được bài học về tình yêu thương. Và thường, người ta sẽ phải trải qua đau khổ để học được một bài học mới. Nếu mãi không chịu nhận thức ra điều đó, đau khổ càng ngày càng nhân lên cho đến khi họ hiểu ra mới thôi.
Tại kiếp sống tại nền văn minh tại Atlantis, Thomas sinh ra tại xứ Arya, được nuôi nấng trong sự bao bọc của một gia đình quyền quý. Trong quá trình tìm kiếm năng lực siêu nhiên - vốn chỉ truyền lại cho các giáo sĩ đến thời Thái Dương, ông đã bị u mê trước sự chiếm đoạt nó, khao khát sở hữu mà quên đi bản chất của năng lực siêu nhiên ấy - xuất phát từ sự an lạc trong tâm hồn, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Ông không kiểm soát được dục vọng, sự tham lam, ích kỷ độc ác của mình. Ông đã dấn thân vào những nghi lễ thờ cúng man rợ, tế súc vật, v.v. Ông chết và học được bài học về tình thương, có trách nhiệm với mọi người và phải sống an lạc không vụ lợi.
Alantis là nền văn minh và phát triển. Tuy nhiên càng phát triển, bản chất của con người lại bị suy thoái.
Con người lúc đó sống bằng bản năng nên tham lam, ích kỷ và có dục tính rất mạnh. Đa số con người lúc đó thường ngẫu phối, không phân biệt nam hay nữ, ngay cả với giống nửa người nửa thú. Một số người như thế tạo nên một xã hội hỗn tạp lúc bấy giờ. Họ tiếp tục thói quen từ trước nên những việc giao phối loạn luân tiếp tục diễn ra, sinh ra nhiều thứ bệnh quái lạ. Nguyên nhân chính là lòng tham lam sinh ra sự luyến ái bệnh hoạn, không phân biệt và không thuận với luật tự nhiên.
Như chúng ta đã thấy, kể cả một thành phố thịnh vượng của Alantis, cũng không thể ngăn được sự chảy trôi của thời gian, chống trả lại quy luật vòng tròn vũ trụ. Alantis đi từ những năm gây dựng lên qua chu kì Thành, sau đó phát triển thịnh vượng, phồn vinh qua quá trình Trụ, rồi cuối cùng mục rữa bởi từng cá thể trong xã hội. Cuối cùng bị diệt vong do thiên tai. Và qua kiếp sống ấy, tác giả đã nhận thức, học được bài học về tình thương, hối hận trước việc làm mình gây ra cho nữ linh mục Kor - tuy bài học về tình thương mới chỉ là hạt giống gieo vào tiềm thức của ông.
Tại Ai Cập, ông đã học được bài học về tình thương. Con người ta sống phải vị tha, làm việc chính nghĩa thì sẽ tự được tôn sùng, kính trọng chứ không phải xây những lăng tẩm, tượng đài uy nguy tráng lệ. Trong kiếp này ông là con của một nô lệ bị bắt trong các cuộc chinh phạt, bị ghẻ lạnh, kinh tởm bởi các hoàng tử trong cung, phải chạy trốn và sống trong đền thờ Thái Dương. Khi ông đủ trưởng thành, bằng mưu mẹo được bày ra bởi những tên giáo sĩ trong đền thờ, ông đã chiếm lĩnh vị trí Pharaoh. Từ đây ông đã trả thù những kẻ từng phỉ báng mình, xây những lăng tẩm, bóc lột sức lao động của người dân. Ông đã áp đặt chế độ độc tài tàn bạo lên xã hội, cứ nghĩ đó là thứ thần linh muốn. Nhưng không, đó chỉ là những định kiến bị gieo rắc vào đầu từ những tên giáo sĩ trong đền thờ Thái Dương mà thôi! Kết thúc kiếp sống ấy, ông học được bài học về tình thương là sự vị tha, sống phải có đức tin của chính mình.
Cuối cùng, khi Ai Cập bị xâm lược, đã bị đốt hết những chứng nhân lịch sử. Những chứng tích của nền văn minh huy hoàng khi xưa đã bị xóa bỏ hoàn toàn, chỉ còn những đền đài, lăng tẩm đổ nát, không người săn sóc. Dân Ai Cập sống lầm than, khổ cực, chỉ làm những việc để sống qua ngày, không còn ai tha thiết hay nhắc nhớ gì về thời đại huy hoàng khi xưa nữa.
Hãy đối chiếu với thực trạng hiện nay xem. Những dịch bệnh ghê gớm hiện nay chỉ là sự cảnh cáo về các mối hiểm họa lớn hơn sắp xảy ra nhưng mấy ai để ý tới. Nhưng nếu nó chưa xảy ra cho chính bản thân và người xung quanh, thì họ chẳng quan tâm. Chính vì thái độ vô cảm này mà dịch bệnh tiếp tục phát sinh, truyền đi khắp nơi, mỗi ngày một mạnh. Chẳng hạn như, bệnh sốt xuất huyết Ebola đã bùng phát tại Guinea, Sierra Leone và Liberia, rồi lan ra nhiều nước châu Phi. Gần đây ông có thể thấy những căn bệnh viêm phổi chết người tái phát ở nhiều nơi và có nguy cơ lan rộng khắp thế giới. Một ngày nào đó, những dịch bệnh này sẽ vượt qua mọi sự tưởng tượng và lúc đó thì đã quá muộn.
Đây không phải là điều gì mới lạ vì từ thời xưa đã có những bệnh truyền nhiễm như dịch hạch, lao phổi, đậu mùa,v.v.... Những căn bệnh trong lịch sử đã càn quét, điển hình như Cái chết Đen - càn quét gần ⅓ dân số Châu Âu. Nhưng trong tương lai, có thể lại thêm những dịch bệnh mới với mật độ gần như toàn cầu. Có thể dễ thấy rằng, thế giới đang bước vào chu kỳ Hoại, dần dần bị phá hủy, mục nát bởi cả về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Vậy việc của chúng ta cần làm hiện giờ là gì? Nên nhớ, không ai chống lại được sự vô cảm của định luật thời không, Hoại - Diệt, trước sau gì cũng sẽ đến. Việc chúng ta cần làm chính là "đạp phanh khẩn cấp", tối thiểu chính là dừng những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Cuối cùng, tôi sẽ nói về ý nghĩa nhan đề. Luật nhân quả - Kim chỉ làm hướng con người đến thiện lương. Trong cuộc sống, khi nhắc đến “kim chỉ nam” cũng giống như nhắc đến một lối đi sáng lạn trong tương lai vậy. Nếu như nghĩa đen của “kim chỉ nam” là chỉ về hướng Nam, hướng đế vương và là hướng giúp người lạc đường tìm được lối về, tìm được đích đến, thì “kim chỉ nam” nghĩa bóng cũng chính là một lối đi, một con đường đúng đắn có tầm nhìn xa, chiến lược lâu dài với mục đích cao cả mà chúng ta đã lựa chọn. Bàn dưới góc độ của Phật Giáo, nhân quả đưa đến một góc nhìn rộng lớn, vĩ mô về những kiếp sống.
Sống chính là cho, phải bình tâm, an lạc, nuôi dưỡng tâm từ bi, biết kiềm chế các nhu cầu độc hại, v.v.... "You’re what you eat", càng sát sinh, giết hại động vật, hưởng thụ, thỏa mãn đam mê ăn uống sẽ tạo nên bao hệ lụy, hay có thể gọi đó là "Quả", là "Nghiệp". Vì ta nên hiểu rằng, ta sẽ luân hồi chuyển kiếp rất nhiều. Và cái đi theo ta chính là Luật Nhân quả, bản tính, linh hồn của con người, chứ không phải là thể xác. Chốt lại, có luật nhân quả, con người ta mới thấm thía "Ác giả ác báo", con người ta mới biết sợ, biết tu tâm dưỡng tính và mới hướng đến thiện lương.
Quyển sách Muôn kiếp nhân sinh tuy là những khái niệm trừu tượng nhưng hãy tịnh tiến về cuộc sống của chúng ta, ta sẽ thấy nó nói về bản chất của cuộc sống, của thời cuộc. Tôi chỉ có thể nói theo lăng kính chủ quan của chính bản thân mình. Còn bạn thì sao? Hãy tự trải nghiệm mà chiêm nghiệm nhé!
Review chi tiết bởi: Chí Thành
Hình ảnh: Nguyễn Thảo