Chỉ vài hôm sau, những thám tử đã mang đến cho tôi một báo cáo đầy đủ. Tôi giật mình khi thấy ngân quỹ triều đình đã phải chi một khoản rất lớn vào việc xây cất lăng tẩm cho tôi và hoàng hậu Nedjem. Nhưng ngân quỹ xây cất đền thờ của các giáo sĩ còn nhiều hơn thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm đền thờ to lớn, nguy nga được xây cất, tu bổ dọc theo bờ sông Nile, trong đó hàng ngàn giáo sĩ và gia đình của họ sống sung sướng với hàng chục ngàn nô lệ được đem tới để hầu hạ, phục vụ những người này.
Thảo nào bao nhiêu vàng bạc, châu báu, ngọc ngà thu thập được từ trước đến nay trong ngân quỹ triều đình gần như đã cạn sạch. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao một số quan lại trong triều yêu cầu cho tăng thuế gấp đôi và các tướng lãnh đòi mở rộng biên giới, xâm lăng những quốc gia lân cận.
Tôi đứng trong vườn thượng uyển nhìn ra dòng sông và tự nhiên cảm thấy trong lòng dâng lên một nỗi cô đơn khôn tả. Những người như tôi không có ai để tâm sự, không có ai để chia sẻ, vì ở địa vị tối cao này ai cũng sống trong sợ hãi. Pharaoh nào cũng sợ bị phản bội. Pharaoh nào cũng sợ phải trải lòng với người khác.Pharaoh nào cũng sợ vì họ có những điều không thể nói cho người khác nghe.
Tất cả những người đã thành công, đã thành danh, đã giàu sang tột đỉnh, đều sống trong lo âu sợ hãi vì đó là những địa vị uy quyền nhất nhưng cũng cô đơn nhất.
Tôi thẫn thờ nhìn đàn chim đang bay ở cuối chân trời, rồi như có một cái gì đó thúc đẩy, tôi khoác vội chiếc áo choàng cũ, kéo chiếc khăn lên che mặt rồi một mình bước ra khỏi cung điện. Tôi vội vã bước đi theo con đường mà cách đây mấy hôm tôi đã đi qua. Tôi tìm đến nhà người y sĩ vì ông là người mà tôi có thể nói chuyện tự nhiên, không phải lo sợ gì hết. Dĩ nhiên ông ta không biết tôi là ai; và là một người hay nói, ông dám nói những điều mà có lẽ không một ai tại Ai Cập dám thốt lên trước mặt một Pharaoh quyền uy như tôi.
Vừa bước vào, tôi thấy người y sĩ già đang cặm cụi bào chế những vị thuốc bằng rễ cây nhưng không thấy Cihone ở đâu hết. Thấy ông lão ngước mắt nhìn tôi, ngập ngừng muốn nói nhưng lại thôi nên tôi bắt chuyện: “Là y sĩ, tại sao ông không hành nghề trong khu chợ đông đúc mà lại chọn một nơi vắng vẻ như thế này? “
Ông lão nói: “Muốn hành nghề tại những nơi đó thì phải đóng thuế. Phần lớn bệnh nhân của tôi là những gia đình nghèo, không mấy ai có tiền để trả nên tôi cũng không đủ tiền để đóng thuế cho Pharaoh.”
Tuy tức giận vì câu nói phạm thượng nhưng tôi cố kiềm lại: “Ông nghĩ rằng tiền thuế quá cao hay sao?”
Ông lão gật đầu: “Càng ngày thuế càng cao nên những người như tôi phải dọn đến nơi xa như thế này. Đa số người dân tại đây đều làm việc trong công trường xây cất lăng tẩm cho Pharaoh và đền thờ cho các giáo sĩ, tiền lương đã ít mà còn bị bóc lột, đánh đập nữa.”
Ông lão chỉ vào nồi thuốc đang sôi trên bếp lò: “Hôm nay mọi người phải ra sông Nile để di chuyển pho tượng Pharaoh vào lăng tẩm. Đó là một pho tượng khổng lồ được tạc từ hầm đá cách đây rất xa. Công trình chuyên chở từ đó về đây đã khiến cho bao nhiêu người thiệt mạng và không ít người gãy tay, què chân nên hôm nay tôi phải bào chế những vị thuốc băng bó các vết thương cho họ.”
Dĩ nhiên tôi biết pho tượng này, đây là một công trình vĩ đại vì nó sẽ đứng sừng sững trước lăng tẩm của tôi. Nó tượng trưng cho tôi, một Pharaoh đã mang lại thịnh vượng cho Ai Cập qua những chiến công hiển hách. Chính tôi đã ra lệnh tạc pho tượng này vì nó sẽ tồn tại mãi với thời gian. Biết bao thế hệ tương lai sẽ biết đến công lao của tôi và tên tuổi của tôi sẽ được ghi khắc vào lịch sử, trên những bức bích họa khắp các đền thờ tại Ai Cập.
Ngoài ra, tôi đã chuẩn bị trước cho cái chết của mình nên đã cho xây cất một ngôi mộ vĩ đại cùng với rất nhiều vàng bạc châu báu để tôi tiếp tục có một đời sống tốt đẹp ở thế giới bên kia. Công lao của tôi sẽ được thần Osiris phán xét, mà theo các giáo sĩ, vì đã dâng cúng rất nhiều phẩm vật nên tôi sẽ được hưởng một đời sống tốt đẹp vĩnh hằng ở cõi giới của các thần linh.
Ngay lúc đó, có tiếng động bên ngoài và Cihone bước vào. Tôi ngước mắt nhìn gương mặt dịu dàng phúc hậu của người con gái này và nở một nụ cười thân thiện nhưng nụ cười chợt tắt khi tôi nhìn thấy một thanh niên vóc dáng vạm vỡ cùng bước vào theo. Cả hai ngạc nhiên khi thấy có khách lạ trong nhà.
Ông lão giới thiệu: “Đây là người hôm trước có ghé qua đây.”
Cihone liến thoắng: “Phải rồi, cha nói rằng có một người lạ ghé vào hỏi thăm về con.”
Tự nhiên tôi cảm thấy ngượng nghịu không biết phải xử sự như thế nào vì sự hiện diện của người thanh niên kia, nên nói vắn tắt: “Tôi nghe nói cô có thể chữa bệnh mà không dùng thuốc men hay các nghi lễ cầu xin.”
Cihone lắc đầu: “Tôi không biết chữa bệnh gì hết, chỉ biết âu yếm những đứa bé mà cha tôi nhờ tôi trông nom thôi.”
Tôi hỏi: “Nhưng hẳn là cô cũng cầu nguyện thần Thái Dương ban phép lành cho những đứa bé đó?”
Cihone trả lời: “Tôi đâu biết gì về việc cầu nguyện.”
Người thanh niên tự nhiên xen vào: “Cầu nguyện là việc của các giáo sĩ. Là người dân, chúng tôi làm gì có thời giờ để làm việc đó.”
Tôi tức giận: “Vậy anh làm gì mà không có thời giờ? “
Người thanh niên nói: “Tôi làm việc trong công trường xây cất lăng tẩm cho Pharaoh.”
Cihone vô tình: “Việc xây cất khó nhọc lắm, phải làm từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Buổi tối còn phải làm thêm cho công trình xây mồ của các quan lớn nữa.”
Ông lão y sĩ xen vào: “Chúng nó muốn kiếm ít tiền để dành, rồi mới làm lễ thành hôn. Có ít vốn mới có thể trang trải nợ nần, mua phẩm vật dâng cúng cho các giáo sĩ làm lễ thành hôn.”
Câu nói vô tình của ông lão làm tôi tự nhiên thấy đau nhói trước ngực như bị một ngọn dao đâm vào. Cihone vô tình: :Cha tôi hay nói lung tung, tôi đã dặn đi dặn lại là không nên nói nhiều vì có thể mang họa.”
Ông lão cằn nhằn: “Ta đâu nói gì sai mà phải cẩn thận. Ta không sợ gì hết, nói đúng sự thật thì không có gì phải sợ cả.”
Cihone mỉm cười: “Những người dân tầm thường như mình thì đâu thể thay đổi được gì, nên nói nhiều chỉ vô ích thôi.”
Tôi ngạc nhiên: “Cô muốn nói đến việc thay đổi điều gì?“
Người thanh niên xen vào: “Cha tôi hay phàn nàn về việc xây cất các lăng tẩm, đền thờ to lớn, tốn kém mà không có ích lợi gì.”
Tôi giật mình vì việc phê bình chuyện xây cất lăng tẩm, đền thờ là điều cấm kỵ do đụng chạm đến uy quyền của Pharaoh. Trong lịch sử Ai Cập, hầu như mọi Pharaoh đều có những công trình xây cất hết sức vĩ đại, như các kim tự tháp, lăng tẩm và đền thờ các thần linh vì đó là những gì Pharaoh để lại cho đời sau để biết đến công lao của họ.
Ông lão lên tiếng: “Ai sợ Pharaoh chứ ta không sợ. Pharaoh nào cũng thế, chỉ biết đến quyền lợi của mình, chỉ lo xây dựng mồ mả cho thật đẹp để bảo đảm một đời sống tốt đẹp ở thế giới bên kia chứ có nghĩ gì đến nỗi bất hạnh của người dân phải làm công việc xây cất. Pharaoh này còn tệ hơn nữa, không những lo xây cất mồ mả cho mình mà còn bắt phải xây thật nhiều đền thờ Thái Dương cho bọn giáo sĩ và gia đình của chúng hưởng thụ nữa.”
Cihone vội vã lấy tay bịt mồm ông lão lại: “Thôi! Không nên nói nữa. Hôm nay có người lạ ở đây.”
Câu nói của Cihone làm tất cả đều giật mình im lặng nhìn tôi như dò xét. Tôi nhìn mọi người, rồi lên tiếng trấn an: “Các người yên trí, tôi sẽ giữ im lặng không cho ai biết đâu.”
Tuy nhiên, tất cả vẫn nhìn tôi lo ngại và không ai nói thêm gì nữa. Một bầu không khí nặng nề bao trùm lên căn nhà khiến tôi hiểu ngay cuộc gặp gỡ đã đến lúc kết thúc nên đành từ biệt rồi quay lưng ra về.