"Trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn ở tương lai đừng quên mình ở hiện tại" - cô gái không tay Lê Thị Thắm, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa - chia sẻ với phóng viên Dân trí sau nhiều năm gặp lại. Thắm từng là nhân vật "truyền cảm hứng", cô bé ngày nào giờ đã trưởng thành, tràn đầy sức sống và hoài bão.
Cô bé Lê Thị Thắm sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, cơ thể khiếm khuyết. Ngày Thắm mới chào đời, mẹ của em là bà Nguyễn Thị Tình ngất lịm khi thấy con gái không có hai cánh tay. Còn bà con, hàng xóm ngạc nhiên, hiếu kỳ kéo đến xem đứa bé "kỳ lạ".
Nhớ lại những ngày đầu gian nan ấy, bà Tình kể, gia đình bà trước kia nghèo túng, quanh năm sống dựa vào vài sào ruộng. Thắm là con gái đầu, khi mang thai em được vài tháng, bà Tình bị ốm nặng sau buổi ra đồng phun thuốc diệt cỏ. Bản thân bà cũng không thể ngờ rằng, chính trận ốm hôm ấy đã "cướp" đi đôi tay của con mình.
"Ngày ấy không có tiền để thăm khám đều đặn. Đến khi đi sinh thì mới phát hiện con gái bị dị tật do di chứng từ trận ốm, cơ thể phát triển không bình thường. Thắm chào đời chỉ bé như cái kẹo, nặng gần 1kg và không có tay", bà Tình kể.
Khi Thắm chào đời, gia đình hai bên nội ngoại ai cũng biết chuyện đứa con của bà Tình sinh ra không có tay. Nhưng vì sợ bà Tình bị sốc, Thắm được ông bà trùm khăn kín, người thân thay nhau bồng bế. Mọi công việc thay tã, chăm sóc cho Thắm đều do ông bà nội, ngoại làm. Để hạn chế cho người mẹ tiếp xúc với Thắm, lúc em đói, ông bà đưa cháu vào bú mẹ rồi vội vã bế cháu rời đi.
Ban đầu, nhìn hành động khác lạ của người thân trong gia đình, bà Tình hoài nghi. Chỉ đến khi Thắm tròn một tuần tuổi, do ông bà bận công việc đồng áng, người mẹ trẻ tự tay vào thay tã thì mới tá hỏa phát hiện con gái mình sinh ra không có tay. "Lúc đó tôi giật mình và ngất lịm đi", bà Tình nhớ lại.
Những tháng ngày sau đó, bà Tình không ngừng lo lắng về tương lai của con gái. Mỗi khi nhìn con gái, bà lại buồn bã ngồi trong góc giường khóc.
"Không có tay, mãi đến năm 4 tuổi, Thắm mới chập chững những bước đi đầu đời. Cứ nhìn thấy con là tôi ứa nước mắt. Tôi sợ con sau này lớn lên sẽ vất vả, không được đến trường, không có tương lai như những đứa trẻ khác, rồi cuộc sống của con sẽ ra sao", bà Tình tâm sự.
Thời gian trôi qua, cô bé Thắm không tay dần làm quen với cuộc sống hằng ngày, em tự dùng chân chải tóc, đánh răng rồi đến trường như đám bạn cùng trang lứa.
Lê Thị Thắm ngày nào giờ đã bước sang tuổi 25 với đầy khát vọng và hoài bão. Nói về hành trình vượt lên chính mình, Thắm cho biết bản thân chưa bao giờ cho phép mình gục ngã, dù chỉ một lần. Cô gái "chim cánh cụt" cũng chia sẻ, bước ngoặt lớn nhất cuộc đời em chính là được đi học.
"Em đã trải qua vô vàn khó khăn và thử thách. Đặc biệt là khoảng thời gian miệt mài tập viết chữ bằng chân. Khi bước vào lớp 1, nhìn các bạn viết chữ, em cảm thấy rất thích nhưng vì không có tay nên em xin cô giáo một tờ giấy rồi kẹp chiếc bút vào chân để tập viết như các bạn. Lúc đó nhiều bạn cười nhạo, nói em là chim cánh cụt", Thắm nhớ lại.
Để học viết chữ, cả tuổi thơ của cô bé chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ. Sau mỗi buổi học trên lớp, Thắm lại lôi sách vở ra luyện viết chữ, có hôm em tập viết đến phồng rộp, chảy cả máu chân. Thấy con như vậy, vợ chồng bà Tình khuyên con cứ từ từ làm quen, nhưng cũng âm thầm hỗ trợ con tập viết.
"Nhiều hôm nhìn các bạn chạy nhảy, vui đùa, em tủi thân lắm. Những lúc như vậy em chỉ muốn ngồi một mình ở nhà để làm bạn với cây bút. Có những hôm tập viết đau đến chảy nước mắt nhưng em vẫn không bỏ cuộc. Thậm chí, có lúc hai ngón chân quá mỏi, em bảo mẹ dùng giẻ buộc bút quanh ngón chân rồi nhờ mẹ cầm chân cho em tập viết. Tập viết chữ có lẽ là điều khó khăn nhất cuộc đời mà em đã trải qua", Lê Thị Thắm tâm sự.
Sau khoảng một năm khổ luyện, Thắm viết chữ thành thạo và theo kịp các bạn cùng lớp. Kể từ đó, suốt 12 năm học, em luôn xuất sắc đạt thành tích học tập khá, giỏi.
Năm 2016, mặc dù được đặc cách vào đại học, nhưng Lê Thị Thắm vẫn muốn thử sức mình, hạ quyết tâm và thi đậu vào Khoa sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
Con vào đại học, một lần nữa bà Tình lại khăn gói lên thành phố Thanh Hóa để giúp em "viết tiếp ước mơ". Thắm cho biết, quá trình học đại học, thấy Thắm có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã tạo điều kiện cho em được ở ký túc xá, còn bà Tình được nhận vào làm lao công để tiện chăm sóc con.
"Nhờ được đến trường, được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và hơn ai hết đó chính là sự hỗ trợ của mẹ thì em mới có được như ngày hôm nay. Mẹ là người đã đồng hành cùng em suốt 25 năm qua, những lúc khó khăn nhất cũng chính mẹ là người động viên, giúp em vượt qua tất cả. Ngoài việc hỗ trợ em sinh hoạt cá nhân, mẹ còn như cô giáo dạy em viết chữ. Mặc dù em không có tay, nhưng đã có mẹ ở bên cạnh, mẹ chính là cánh tay nối dài ước mơ cho em", Thắm nói.
Năm 2020, Thắm tốt nghiệp đại học trong niềm vui và hạnh phúc vỡ òa của gia đình và người thân. Sau khi ra trường, Thắm về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn gần nhà.
Thấy Thắm dạy tốt, nhiều phụ huynh tìm đến nhờ Thắm kèm cặp cho con mình. "Lúc đầu em chỉ mở lớp dạy miễn phí để hỗ trợ các em nhỏ trong làng. Nhưng về sau, cũng vì chưa xin được việc ở trường học, trong khi đó nhiều phụ huynh ngỏ ý muốn cho con học thêm nên em quyết định mở lớp dạy học tại nhà", Thắm cười nói.
Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, Thắm mua thêm trang thiết bị, máy chiếu rồi mở lớp học rộng hơn 15m2 tại nhà. Những ngày đầu, khi nhìn lớp học đặc biệt với hình ảnh cô giáo cầm bút bằng chân khiến nhiều người chứng kiến, xúc động.
Đến nay, lớp học của Thắm duy trì khoảng 30 học sinh học đều đặn các ngày trong tuần. Ngoài dạy các em bậc tiểu học và trung học cơ sở, Thắm còn dạy kèm các bạn học sinh lớp 11 ôn luyện các dạng đề nâng cao.
Nói về dự định trong tương lai, Thắm chia sẻ: "Thành quả của ngày hôm nay đối với em đã "chạm" đến thành công ngoài mong đợi. Duy chỉ có một điều, em luôn ước mơ một ngày được đứng trên bục giảng giống như bao thầy cô giáo khác. Đã có lần em xin vào một trường học ở địa phương nhưng không còn chỉ tiêu. Hy vọng một ngày không xa, em có thể đứng trên bục giảng, được ươm mầm cho lũ trẻ ở quê nhà".
Ông Phạm Văn Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Sơn cho biết, nghị lực vượt lên chính mình của Lê Thị Thắm thật phi thường và đáng khâm phục.
"Sau khi ra trường, Thắm có nguyện vọng được công tác tại địa phương. Trường hợp của Thắm thuộc đối tượng tuyển dụng bình thường, không có sự phân biệt. Tuy nhiên, thời gian qua do huyện chưa có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ nên Thắm chưa có cơ hội được tuyển dụng, thực hiện ước mơ của mình. Nhưng quan điểm của ngành giáo dục địa phương sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện hết mức để em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình", ông Dũng chia sẻ.
Nội dung, ảnh: Thanh Tùng
Thiết kế: Tuấn Huy