Mấy hôm nay, nghe người lớn phàn nàn nhiều về tục lì xì làm hư trẻ con, tôi chỉ cười. Trẻ con mà, lì xì lại là phong tục truyền thống của ông bà ta xưa, có gì đâu mà phải quá lo lắng đến vậy. Nhưng cho đến khi chính tôi chứng kiến thái độ của con cháu khi nhận những phong bao lì xì có vẻ không được nhiều như mong đợi, thì giật mình. Tục lì xì Tết đã ngày càng làm hư trẻ con rồi hay sao?
Trên chuyến xe Sài Gòn-Đà Lạt, tôi nghe một bác trạc 60 kể: Nên bỏ quách đi tục lì xì, làm hư hết đám trẻ con, mà tội này một phần cũng là do bố mẹ, cứ thấy người lớn tới là gọi mấy đứa trẻ rồng rắn ra chào để mong... lì xì. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần nhận lì xì chúng đều so đo, trong phong bao lì xì đó là ít hay nhiều.
Từ "Chị được lì xì bao nhiêu?", "Của em của em", "Con tiếc quá, em đi nhà bác được lì xì 500 ngàn, biết thế con cũng đi", "Con về quê, nội nhớ nhắc các cô các bác lì xì rồi giữ cho con nha!", "Ôi có một trăm ngàn thôi, ít xỉn", "mùng Một tết cho con đi nhận lì xì"...
Bạn tôi người Sài Gòn lấy cô vợ gốc Bắc, một lần về quê vợ chơi, cô vợ hỏi, anh đã chuẩn bị sẵn phong bao mừng tuổi (trong Nam gọi là lì xì) chưa đấy, mà chuẩn bị phải nhiều nhiều một chút đấy. Anh chàng ngớ ra, cười xớ lớ ''Anh không biết phong tục ở quê em'' nhưng cũng vội rút ra xấp tiền mặt khoảng dăm ba triệu. Cô vợ lấy sấp phong bao có sẵn, chia ra bỏ một nhoáng vào các bao lì xì hết vèo. Anh chồng ngớ ra rồi từ tốn kể. Hồi bé mỗi lần tết mẹ đều bảo anh ở trên phòng, dù cho có khách tới, mẹ bảo, không thích lì xì qua lại cho trẻ con như trả nợ, điều đó chỉ làm hư chúng!
Người lớn vẫn dạy trẻ rằng đừng bao giờ mở phong bao trước mặt khách, nhưng bọn trẻ con hồn nhiên thường không nhớ. Chúng sốt ruột, tò mò, và đã quen với việc mỗi năm Tết đến là có tiền "bỏ ống heo". Chúng ghi cả danh sách dài người lì xì với mệnh giá ngay bên cạnh. Hết Tết chúng ngồi "tổng kết" thu nhập năm nay được bao nhiêu. Chúng đã quên/hoặc không biết rằng phong tục lì xì truyền thống và mỗi dịp Tết là để mừng tuổi, là lộc may mắn. Chúng không biết không chỉ trẻ con mà ông bà, cha mẹ, những "người lớn" cũng được nhận những bao xì đỏ, mệnh giá có khi chỉ 10.000đ, 20.000đ... mà ai ai cũng vui.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), bản chất lì xì là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già. Ngày nay, tục lì xì bị biến tướng, vật chất hóa. "Người ta chỉ coi trọng số tiền bên trong chứ không nhớ đến ý nghĩa lì xì nữa", ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm với ông Nam, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An (Hà Nội) cho rằng, lì xì nhiều có thể khiến trẻ em nhìn nhận sai về giá trị tiền bạc, lầm tưởng tiền là biểu tượng của yêu thương và sức mạnh, ai cho mình nhiều tiền thì yêu mình hơn. Trong một số trường hợp, nhất là những gia đình có bố mẹ "làm to", trẻ vô tình trở thành công cụ của người lớn nên dễ mất niềm tin vào người xung quanh. "Những trẻ nhạy cảm có thể nhận ra khách tới nhà lì xì để lấy lòng bố mẹ chúng chứ không xuất phát từ tấm lòng", bà An lý giải.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho rằng mừng tuổi (lì xì) là một phong tục đẹp rất nên được lưu giữ. Tuy nhiên, hiện nay phong tục này ít nhiều đã bị biến tướng, méo mó vì mục đích cá nhân, mà lỗi là do người lớn.
“Ông bà ta khi xưa mừng tuổi chỉ là tiền hào, tiền xu mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt. Bởi họ quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới. Đặc biệt người lớn rất thích mừng tuổi cho trẻ con, với ý nghĩa để cầu mong cho các cháu khỏe mạnh, học hành thông minh, có trí hướng vươn lên và mang đến sự may mắn.
Nhưng hiện nay tục lì xì có tác động của nhiều yếu tố, mặt trái của kinh tế thị trường. Có người nghĩ phải lì xì bằng nhiều tiền thì mới sang. Có người lì xì theo kiểu để trả nợ, để nịnh cấp trên. Rồi có chuyện trẻ con so sánh nhiều ít thiệt hơn, vứt phong bao lì xì đi không chịu lấy. Để trẻ con hiểu nhầm về tục lì xì như vậy, lỗi là do người lớn”- PGS Phạm Ngọc Trung cho biết.
Người lớn nên chăng dạy cho bọn trẻ biết nhiều hơn về ý nghĩa tinh thần của tục lì xì mừng tuổi, để không còn cảnh bọn trẻ "xé toạc" phong bao "kiểm tra coi được nhiêu" trước mặt người tặng.
Đừng để trẻ sớm đã biết toan tính, chọn đi thăm nhà nào có nhiều tiền lì xì hơn, đừng để trẻ so sánh và nhất là đừng để trẻ nghĩ rằng tết là mùa "bội thu" - như một đứa trẻ mà tôi biết trước tết đã đòi mẹ mua heo đất vì "tết là con có tiền triệu đó".
An Hoa (t/h)