Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được xây dựng vào năm 2006 tại một sơn đảo nằm dưới dãy quần sơn Bạch Mã, thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi đây được bao bọc bởi hồ Truồi nước trong xanh bốn mùa.
Sau hai năm xây dựng vô cùng gian khó do giao thông cách trở và sự nỗ lực “khai sơn phá thạch” không mệt mỏi của nhiều tăng ni, Phật tử; năm 2008 Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hoàn thành, trở thành một địa chỉ tu tập và hành thiền của các tăng ni Phật tử muôn nơi.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thấp thoáng trong núi rừng non xanh nước biếc - Ảnh: Nhật Lam
Thuyền đưa khách vượt lòng hồ Truồi đến với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã - Ảnh: Nhật Lam
Quan khách tham quan, chiêm bái thiền viện - Ảnh: Nhật Lam
Thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi Thiền viện đầu tiên tại miền Trung, do Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ sáng lập. Với vị trí, cảnh quan đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, nơi đây không chỉ góp phần làm sống dậy tinh thần thiền tông Việt Nam mà nhanh chóng thu hút du khách thập phương, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn của vùng đất cố đô.
Trong những ngày đầu năm Kỷ Hợi, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đã đón hàng ngàn lượt Phật tử, du khách trong và ngoài nước đến lễ Phật, tham quan, vãn cảnh, đắm mình trong không gian trầm mặc yên tĩnh được núi non, mây nước bao quanh.
Để đến với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, từ TP.Huế du khách có thể di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy theo hướng vào Đà Nẵng chừng 35km, đến cầu Truồi (Lộc Điền, H.Phú Lộc) rẽ phải, men theo sông Truồi 5km nữa là đến khu vực đập Truồi (xã Lộc Hòa). Hoặc từ Đà Nẵng du khách có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy theo QL1A chừng khoảng 60km, đến Ngã ba Đá Giầm (Lộc Điền, H.Phú Lộc) thì rẽ trái, vào chừng 3km là đến khu vực đập Truồi. Sau đó du khách gửi xe vào bãi giữ xe và mua vé đi ôtô trung chuyển vượt đoạn đường đèo dốc khoảng 800m để đến bến thuyền. Tiếp đó, du khách lên thuyền, vượt chừng 15 phút qua hồ Truồi để đến chân thiền viện.
Vượt 172 bậc cấp là một trong những thử thách với du khách - Ảnh: Nhật Lam
Phật đài Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã giữa sơn đảo thâm nghiêm - Ảnh: Nhật Lam
Sau khi đặt chân lên bờ nghỉ ngơi giây lát, du khách cần vượt 172 bậc tam cấp gần như dựng đứng mới đến được cổng tam quan cao vút giữa trời xanh. Khi vượt qua cổng tam quan, du khách mới vào được chánh điện, thật sự bước vào chốn thiền môn. Nhưng ngoái đầu nhìn lại quãng đường mình vừa đi qua dường như người ta vừa trải qua một quãng “hành thiền”, đã khám phá được phần nào về bản thân qua nhịp thở, qua cái hiển hiện trước mắt và cả cái hư ảo như khói, như mây... Không ít du khách đến với Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã đã cảm nhận được điều đó.
Và tuyệt vời hơn, sau khi lễ Phật, thăm viếng tăng đường, trai đường, các thiền thất, lầu chuông… du khách, Phật tử đón nhận món quà từ nhà chùa, từ quý thầy trụ trì là bộ sách về đạo, về đời. Du khách có thể mang về đọc, hoặc tựa lưng vào trường lang, trên chiếc ghế ở vườn chùa đọc sách chiêm nghiệm. Đấy là những cuốn sách do chính Đại đức Thích Tâm Hạnh, trụ trì thiền viện chấp bút, được một số nhà xuất bản trong nước ấn hành, như Hãy được sống là chính mình, Tốt hơn cho mình (NXB Hồng Đức) hay một số sách khác được Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thỉnh về tặng quan khách, Phật tử như bộ Không tranh biện (nhà văn Lâm Thanh Huyền); Sử 77 vị Tổ (Hòa thượng Thích Đắc Huyền)…
Sách tặng miễn phí cho Phật tử, quan khách viếng thiền viện - Ảnh: Nhật Lam
Khách thỉnh sách ở Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã - Ảnh: Nhật Lam
Chị Hằng Ny, du khách đến từ TP.Huế thảnh thơi đọc sách bên trường lang của thiền viện - Ảnh: Nhật Lam
“Mình đọc thấy trong những cuốn sách này, cách hành văn và nội dung khá gần gũi, mộc mạc, dễ hiểu và thiết thực, rất có ích. Năm ngoài mình từng đến thiền viện này vào dịp Tết nhưng không thấy có việc tặng sách như vậy, năm nay đến đây, được đắm mình trong không gian yên tĩnh, lại thư thái đọc từng trang sách thấy rất thú vị. Tự dưng tinh thần mình thấy rất tốt, không xô bồ, không huyễn hoặc”, chị Hằng Ny, du khách đến từ TP.Huế chia sẻ.
Còn với nhà chùa, thiền viện, khi được hỏi về việc tặng sách miễn phí cho du khách thập phương, một vị tỳ kheo nói rằng thiền viện đã chuẩn bị khá nhiều sách cho dịp tết Kỷ Hợi để Phật tử, quan khách thỉnh về đọc sau khi đến chùa lễ Phật, chiêm bái, tham quan. “Ở chùa là thế mà, chỉ cho đi chứ không nhận lại… Khách thỉnh hết rồi thì chúng tôi tiếp tục mang ra thêm, cho đến hết sách thì thôi”, vị tỳ kheo nói.
Hoa đỗ quyên, loài hoa đặc trưng của dãi quần sơn Bạch Mã - Ảnh: Nhật Lam
Dạ ngọc minh châu là một trong nhiều loài hoa thơm cỏ lạ được tăng ni, Phật tử vun trồng, trang trí cho thiền viện - Ảnh: Nhật Lam
Bài, ảnh: Nhật Lam