Ba hồn ma đêm Giáng sinh và món quà từ Charles Dickens

Lê Hồng Lâm19/12/2018 14:10
Ba hồn ma đêm Giáng sinh và món quà từ Charles Dickens

A Christmas Carol thuộc loại tiểu thuyết mỏng nhất và dễ đọc nhất của Charles Dickens (bản song ngữ của First New chỉ khoảng 300 trang in). Nó được xem là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi nhưng thực ra người lớn mới là đối tượng mà ông nhắm đến.

Trong số những nhà văn thời đại Nữ hoàng Victoria (1837-1901), Charles Dickens vẫn là nhà văn được yêu thích hơn cả. Những cuốn tiểu thuyết xuất chúng của ông với tài năng kể chuyện tuyệt vời và cách xây dựng nhân vật đóng đinh vào trí nhớ khán giả, được đọc đi đọc lại trong suốt gần một thế kỷ rưỡi qua, kể từ lúc ông qua đời.

Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông như A Christmas Carol (Giáng sinh yêu thương or Bài ca mừng Giáng sinh), Great Expectations (Những kỳ vọng lớn lao), Oliver Twist, David Copperfield hay A Tale of Two Cities (Hai kinh thành)... được in với số lượng lên đến cả trăm triệu bản và được dịch khắp thế giới. Kỷ lục in nhiều nhất chắc thuộc về A Christmas Carol, được xem là "Cuốn sách hay nhất về Giáng sinh", được tái bản có... 2583 lần và được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ khác nhau.

Điều gì làm nên sức hấp dẫn và không bị nhạt phai theo năm tháng từ những cuốn sách của Charles Dickens? Ngoài tài kể chuyện và xây dựng nhân vật bậc thầy của ông, điều làm nên những giá trị kinh điển của Dickens chính là tinh thần nhân đạo và phản biện xã hội của ông. Vốn là một nhà văn hiện thực, ông luôn hướng ngòi bút của mình đến thân phận của những người nghèo khổ, những kẻ bị bóc lột dưới đáy xã hội và cũng không ngần ngại bóc trần bộ mặt giả dối, hám lợi, ích kỷ của đám nhà giàu. Một trong những cuốn tiểu thuyết thể hiện rõ nhất các chủ đề này là A Christmas Carol.

A Christmas Carol thuộc loại tiểu thuyết mỏng nhất và dễ đọc nhất của Charles Dickens (bản song ngữ của First New chỉ khoảng 300 trang in). Nó được xem là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi nhưng thực ra người lớn mới là đối tượng mà ông nhắm đến.

Cuốn tiểu thuyết này kể về lão Ebenezer Scrooge, một lão già nhà giàu hám lợi, keo kiệt, bần tiện, xấu tính và cô độc. Đến hai đồng tiền mà lão đặt lên mắt của người đồng nghiệp quá cố, cuối cùng lão cũng lấy lại vì quá số tiền ma chay lão chi ra.

Xét về độ keo kiệt, bủn xỉn thì lão chẳng kém Lão hà tiện của Molière hay Lão Grande trong tiểu thuyết của Honoré de Balzac. Ba lão già giàu có bủn xỉn này một người một vẻ mười phân vẹn mười. Các cụ chúng ta thường nôm na gọi bọn này là "ăn một ký đinh thải ra ba ký sắt" đấy. Nhưng điều khác biệt của A Christmas Carol là khi trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết khép lại, lão Scrooge đã hoàn toàn thay đổi. Thay đổi một cách ngoạn mục. Và chỉ có Charles Dickens mới làm cho sự thay đổi này hợp lý hợp tình đến vậy.

Mở đầu tiểu thuyết, lão đáng ghét và keo kiệt bao nhiêu thì cuối truyện lão đáng yêu, tử tế và hào phóng bấy nhiêu.

Lão là một nhân vật được đem ra làm trò giễu trong trò chơi "Có và Không" đêm Giáng sinh của bọn bạn bè đứa cháu lão. Đại loại một đứa đố: "Một sinh vật còn sống, hung tợn, ương bướng, hay càu nhàu và gầm gừ, đôi khi cũng nói chuyện, sống ở London, đi bộ trên đường phố, hay lánh né mọi người và chẳng cận kề với ai, chẳng để bị ai sai khiến, không bị nuôi nhốt trong chuồng , không bao giờ bị giết thịt trong chợ, chẳng phải là ngựa cũng chẳng phải là lừa, bò sữa, bò đực hay cọp, chó, heo, mèo và gấu". Câu đố dễ nhất trần đời, cả đám gào lên: lão Scrooge.

Trong một đêm Giáng sinh nọ, lão cô độc trở về nhà trong khi thiên hạ đang quây quần bên gia đình thì bị hồn ma vất vưởng của Marley - người chết 7 năm trước viếng thăm. Chưa hết kinh hồn táng đởm, ba hồn ma khác cũng xuất hiện và đưa lão quay ngược lại quá khứ, ở hiện tại và đến tương lai để lão thấy được chân dung của mình trong thời ấu thơ, trong con mắt của người khác và trong tương lai gần, khi lão được chứng kiến những điều ghê rợn đang chờ đợi lão ở phía trước.

"Cuộc sống của một người sẽ báo trước kết cục của họ, mà nếu không thay đổi, họ sẽ phải hứng chịu. Nhưng nếu họ thay đổi cách sống, kết cục cũng sẽ thay đổi." - chuyến phiêu lưu với ba hồn ma trong đêm Giáng sinh đã giúp lão nhận ra điều đó trước khi quá muộn.

Charles Dickens đã biến cuốn tiểu thuyết thiếu nhi này trở thành một tác phẩm tràn ngập hài hước nhưng cũng đầy cảm động. Bên cạnh tài năng kể chuyện bậc thầy, Dickens còn thể hiện sự tài hoa và sâu sắc của ông khi đưa vào tác phẩm những điển tích từ các câu chuyện cổ, từ Kinh Thánh và từ những câu thoại nổi tiếng trong các vở kịch của Shakespeare. Vì vậy mà quý vị phải dành thời gian đọc hết phần Phụ lục (chú giải) mới hiếu hết những thâm ý tác giả gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết thiếu nhi này.

Ví dụ như khi viết về những điều nuối tiếc muộn màng của hồn ma Marley, ông ta nói rằng điều ân hận nhất khi sống là "khi đi ngang mọi người mà mắt cứ nhìn cắm xuống đất, chẳng bao giờ ngẩng lên nhìn ngôi sao phước lành đã dẫn dắt những con người khôn ngoan hướng đến những nơi nương náu tồi tàn nọ."

Một câu văn rất bình thường thôi, nhưng nó ẩn chứa một điển tích trong Kinh Thánh mà Charles Dickens muốn gửi gắm: "Cái ngịch lý của ánh sao là như thế. Ánh sao đó xuất hiện cho những người thành tâm thiện chí, soi đường cho những người khát khao muốn tìm chân lý; nhưng ánh sao đó lại biến mất trước những người chỉ mải mê xây dựng "ngai vàng" cho cuộc đời mình."

Còn rất nhiều điều thú vị về cuốn tiểu thuyết này mà mỗi lần đọc ta lại khám phá ra một điều gì đó mà tác giả gửi gắm, và quan trọng là nó vẫn rất thời sự trong thời đại hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà tờ tạp chí The Gentleman's Magazine của Anh đã cho rằng "chính tác phẩm A Christmas Carol đã khơi mào cho sự bùng nổ bất ngờ của hoạt động từ thiện ở Anh quốc lúc bấy giờ."

Vì mức độ phổ biến, sức hấp dẫn của cốt truyện và biệt tài xây dựng nhân vật, tiểu thuyết của Dickens được xem là mỏ vàng của Hollywood và được chuyển thể lên phim không biết bao nhiêu lần.

Oliver Twist, David Copperfield, A Tale of Two Cities, Great Expectations và đặc biệt nhất là A Christmas Carol đã được chuyển thể lên phim không biết bao nhiêu lần.

Tối Chủ nhật tuần này, 23.12.2018, tại Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy (38 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) sẽ có buổi chiếu A Christmas Carol, phiên bản phim hoạt hình bom tấn của Walt Disney (với kỹ thuật mô phỏng diễn xuất của các diễn viên như Jim Carrey, Colin Firth, Gary Oldman...) của đạo diễn Robert Zemeckis sẽ được trình chiếu ngay trước đêm Giáng sinh. Sau đó, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm sẽ có buổi trò chuyện ngắn với chủ đề “Điện ảnh chuyển thể từ văn học: Được gì và mất gì?”. Đăng ký (miễn phí) để thưởng thức một trong những tác phẩm Giáng sinh hay nhất và có ý nghĩa nhất mọi thời đại.

 Điện ảnh và văn học vẫn thường gặp nhau ở một giao lộ nào đó. Nếu không phải là văn học nảy mầm từ thước phim sống động thì cũng là những tác phẩm điện ảnh được khơi nguồn từ tiểu thuyết. Thông thường trong quá trình giao thoa ấy, cả nguyên tác văn học lẫn phiên bản điện ảnh chuyển thể đều được công chúng đưa lên “cán cân” so sánh, nếu không muốn nói là có phần thiên vị hơn cho nguyên tác.

Thế nhưng, hiếm có một tác phẩm nào mà nguyên tác và chuyển thể đều được đánh giá cao như cuốn sách Giáng sinh yêu thương (A Christmas Carol) của đại văn hào Charles Dickens và bộ phim cùng tên của đạo diễn Robert Zemeckis ra mắt năm 2009. Tuy nhiên, giữa hai tác phẩm này lại có nhiều điểm khác biệt nhất định không chỉ trong hình thức biểu hiện mà còn trong cách sắp xếp nội dung, diễn giải nhân vật…

Để làm rõ nét hơn những nét khác biệt này và sự kế thừa của phiên bản điện ảnh, nhà báo – nhà phê bình Lê Hồng Lâm sẽ có buổi trò chuyện với khán giả về chủ đề: “Điện ảnh chuyển thể từ văn học: Được gì và mất gì?”. Qua đó, nhìn nhận lại hướng đi của một số tác phẩm điện ảnh chuyển thể tương tự ở Việt Nam và trên thế giới.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024