Kỳ cuối: Phạm Xuân Ẩn: 'Chú bộ đội nào cũng có thể giết tôi...'

17/08/2018 08:00
Kỳ cuối: Phạm Xuân Ẩn: 'Chú bộ đội nào cũng có thể giết tôi...'

Phạm Xuân Ẩn đã trải qua những lo lắng tồi tệ nhất trước khi chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nhưng cuối cùng sứ mệnh làm tình báo của ông đã hoàn thành trong thanh bình cho đến những năm cuối đời.

Tòa soạn báo Time thúc giục Phạm Xuân Ẩn cùng vợ và bốn con phải ra đi gấp và đã dự kiến đưa hết nhân viên rời khỏi Việt Nam bằng máy bay. Tình hình lúc bấy giờ rất khó xử: các đồng nghiệp Mỹ không thể hiểu tại sao ông lưỡng lự trước việc ra đi, trừ khi có trường hợp bất khả kháng.

Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn sứ mệnh hoàn thành

Sau khi hỏi ý kiến Bob Shaplen, Ẩn quyết định đề nghị cho vợ và các con đi trước. Thế là, năm mẹ con lên đường ngày 23 tháng Tư, còn Vượng cùng vợ và con trai ba ngày sau cũng ra đi nốt. Ông Ẩn nói ông không thể bỏ lại bà mẹ đang ốm. Năm 1989, ông kể chuyện với Morley Safer: “Dù tôi muốn đi thì cũng không đi được vì còn mẹ già, bà cụ không đủ sức khỏe để đi xa”. Ông nói tiếp: “Lúc đầu, sau chiến thắng năm 1975, tôi nghĩ là có thể tìm được ai chăm sóc mẹ già và tôi sẽ đi Pháp hay Mỹ để đoàn tụ gia đình, nhưng họ (Đảng) đã nói rõ không để tôi ra đi được”. Một lần khác, ông đã tuyên bố rằng ông không thể ra đi vì còn nhiều việc phải làm sau giải phóng.

Trước khi Sài Gòn thất thủ, Phạm Xuân Ẩn có những lý do khác để lo lắng thật sự. Thành phố cực kỳ hỗn loạn. Từng đám quân lính trút bỏ quân phục. Những cuộc thanh toán nhau đã xảy ra. Những người cộng sản có thể nhanh chóng nhận ra ông thực tế chỉ tính bằng đầu ngón tay. Không thể loại trừ khả năng một người láng giềng nào đó tố cáo ông đã cộng tác với người Mỹ. Trong trường hợp bị chính quyền mới bắt giữ, ông không có cách nào để minh oan, chứng thực được thân phận của mình. Ông ở trong tình trạng không có tin tức gì của kháng chiến.

Hình ảnh đời thường của ông Phạm Xuân Ẩn sau ngày thống nhất đất nước. 

Ông nói: “Chú bộ đội nào cũng có thể giết tôi và nướng cả con chó của tôi”, ám chỉ người miền Bắc thích ăn thịt chó. Cuối cùng, ông nghe lời đề nghị của Bob Shaplen - ông này cũng đi di tản ngày 29 tháng Tư - đưa mẹ già về ở khách sạn Continental nương náu trong căn buồng của người bạn Mỹ ở trước đây. Việt Cộng biết rõ khách sạn Continental là nơi đón tiếp các nhà báo nước ngoài. Khẩu hiệu hành động của Cộng sản là không được đụng đến khách sạn, Đại sứ quán Pháp nơi có đông Pháp kiều tị nạn và bệnh viện Grall. Trong những ngày hỗn loạn đó, khách sạn Continental có lẽ là một trong những nơi an toàn nhất ở Sài Gòn. “Tôi ở đó đúng một tuần lễ”. Ông đi lại như con thoi giữa tòa soạn báo Time bỏ trống vì các phóng viên Mỹ đã di tản hết và phòng của Bob ở tầng trên, nơi mẹ ông đang nghỉ. Các cán bộ Việt Cộng nhanh chóng đến giám sát nhân viên khách sạn và một phái viên mật đã bắt liên lạc với ông. Cuộc chiến tranh kết thúc trong tình thế có vẻ không rõ ràng tại Dinh Độc Lập cách đó vài trăm mét.

Tướng Trần Văn Trà: “Giữa chúng ta không có người thắng, người thua"

Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhớ rất kỹ lúc các sĩ quan Việt Cộng tiến vào Dinh Độc Lập. Ngày 28 tháng Tư khi tướng Dương Văn Minh được trao quyền đứng đầu Nhà nước thì đại tá Hạnh đang ở Cần Thơ, miền đồng bằng sông Cửu Long. Minh gọi viên cựu tham mưu trưởng riêng trước đây về ngay Sài Gòn gặp ông, vì trụ sở Bộ Tổng Tham mưu Lực lượng Vũ trang đã bị bỏ trống. Minh đề bạt Hạnh lên cấp thiếu tướng và giao cho ông phụ trách Cục Tác chiến. Để về được Sài Gòn, Nguyễn Hữu Hạnh phải đi đường vòng xuống tận Gò Công vì Quốc lộ 4 nối liền Cần Thơ và Sài Gòn đã bị một đơn vị Việt Cộng phong tỏa.

Sáng 30 tháng Tư, tướng Hạnh đã ở trong Dinh Độc Lập. Đầu buổi sáng, tướng Hạnh đến Đài Phát thanh Sài Gòn mang theo lệnh ngừng bắn của Minh Lớn đã được ghi âm để phát lên đài. Tướng Hạnh kể lại: “Khi tôi trở về Dinh Độc Lập, hai cánh cổng sắt đã đóng lại trong khi tướng Minh đã ra lệnh mở từ sáng”. Lý do: Bình, nghị sĩ và cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn đã quyết định đóng lại vì sợ binh sĩ cộng hòa nổi loạn hoặc tràn vào Dinh, chỉ đơn giản là cướp phá. Đơn vị bảo vệ Dinh tan tác vì tướng Minh đã cho phép ai đi đâu được thì cứ đi.

Sau này, cách giải thích được lưu hành rộng rãi là quân cộng sản có lẽ đã đóng cổng lại rồi cho xe tăng húc đổ để chụp ảnh. Ngược lại, hình như các xe bọc thép Bắc Việt đã nhận được lệnh đến Dinh Độc Lập đầu tiên vượt lên trước các đơn vị Quân đoàn 4 gồm nhiều người quê ở miền Nam để biểu tượng chiến thắng không còn chút nhập nhằng. Hà Nội đã làm chủ cả nước.

Tướng Hạnh ngồi trên tràng kỷ trong ngôi nhà giản dị của ông ở ngoại thành Sài Gòn kể lại: “Lúc đó là 11 giờ 30, Nguyễn Văn Diệp, cựu Bộ trưởng Kinh tế và là cộng sản bí mật đứng đợi các sĩ quan cộng sản trong đại sảnh ở tầng trệt. Tôi lúc đó ở trên lầu một đầu cầu thang, còn tướng Minh đang nói chuyện với mọi người xung quanh ở đầu hành lang. Tôi ra lệnh cho một đại tá biết rõ cấu trúc bên trong Dinh, chỉ đường lên mái cho người lính cộng sản lên treo cờ Việt Cộng rồi tôi đưa các sĩ quan đi vào phòng khách. Tại đây, Minh Lớn và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng các thành viên khác trong chính phủ đã gặp họ!”.

Trung tá Bùi Văn Tùng, chính trị viên Trung đoàn xe tăng Bắc Việt - lúc này đang chiếm lĩnh vị trí trong sân cỏ trước Dinh - liền soạn thảo một văn kiện và yêu cầu tướng Minh đến đọc tại đài phát thanh. Thủ tướng Mẫu nghe theo và đến đài phát thanh dưới sự hộ tống của Việt Cộng trong một thành phố hỗn loạn. Khi trở về, tất cả chúng tôi chia nhau phòng của Nguyễn Cao Kỳ, tướng không quân đã lái trực thăng bỏ trốn trước đó ít hôm. Gia đình Minh Lớn ở phòng bên cạnh. Đến buổi tối, trung đoàn xe tăng Bắc Việt rút khỏi Dinh và được lính Quân đoàn 4 của Cộng sản miền Nam thay thế. Tướng Hạnh nhớ lại: “Buổi tối lính Quân đoàn 4 đã cho tôi một bữa no nê như ăn tiệc”.

Ngày 2 tháng Năm, người phụ trách vây hãm Sài Gòn, tướng Trần Văn Trà mới đến. Ông đã tiếp Minh Lớn và theo tướng Hạnh kể lại, ông Trà nói với Minh Lớn: “Giữa chúng ta không có người thắng, người thua. Chính là nhân dân Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ”. Sau buổi trò chuyện đó, Minh Lớn có thể trở về nhà chỉ cách Dinh có hai bước. Còn tôi, tôi về nhà chú tôi là một cộng sản!”.

Lúc kể chuyện vào năm 2005, tướng Hạnh đã 81 tuổi và là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc, một cơ quan bao trùm các tổ chức bán cộng sản. Ông Hạnh tóm tắt câu chuyện: “Đúng là bộ đội có hô: ‘Giơ tay lên’ với chúng tôi nhưng tuyệt nhiên không có một cử chỉ tàn nhẫn nào”. Sự thực là ngày 29 tháng Tư, đài Sài Gòn và đài Hà Nội nhiều lần phát đi lời kêu gọi ngừng bắn của nhà cầm quyền Hà Nội. Phản ứng của Minh Lớn là đáp lại yêu cầu đó trong một bức thư gửi chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (GRP), một đại tá Việt Cộng có lẽ đã vào trước, bí mật gặp tướng Minh tại Dinh Độc Lập. Minh nhậm chức Tổng thống chỉ để chấm dứt cuộc chiến.

Một lính Mỹ bị bắn chết trên trực thăng, tại chiến trường Việt Nam. Ảnh: Larry Burrous đăng trên Life số 16 - 4 - 1965

Tôi là nhân viên tình báo chiến lược chứ không phải điệp viên

Từ tòa soạn báo Time ở khách sạn Continental, Phạm Xuân Ẩn đã theo dõi các diễn biến của sự việc mà ông không có lý do gì để tham dự. Nhiệm vụ của ông đã hoàn thành. Ngay cả bây giờ đây ông không có nhiều thời gian để nghĩ tới nhưng ông đã đi hết con đường dài bắt đầu từ tuổi thiếu niên, ba chục năm về trước. Những người cộng sản không bắn vào máy bay và trực thăng nối đuôi nhau như một guồng nước chở người Mỹ và một số tay chân của họ di tản khỏi Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng. Họ để cho người Mỹ bình yên rút chạy trong lúc năm sư đoàn Bắc Việt tăng cường sức ép tiến sâu vào vùng đông dân ở phía nam. Phạm Xuân Ẩn đã đạt tới mục đích của ông: người nước ngoài đã mất hết mọi quyền lực.

Công việc của ông, nhất là trong mười lăm năm cuối cùng đã hoàn toàn thắng lợi. Ba mươi năm sau, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế phô-tơi trong phòng khách nhà mình, ông nói về công việc của bản thân với một giọng đầy chiêm nghiệm: “Tôi làm việc một mình, không những thu thập tài liệu, bí mật cũng như công khai, mà tôi còn phải phân tích chúng. Áp lực của Hà Nội là lớn vì cấp trên muốn bảo đảm đó phải là những tài liệu xác thực. Cung cấp cho họ chứng cứ vừa khó lại vừa nguy hiểm. Ba trăm trang tài liệu gói gọn trong mười cuộn phim phải chụp, in tráng và làm sao gửi được đến nơi nhận. Thực sự là chúng tôi thiếu điệp viên”. Chắc chắn ông không phải chỉ là “mắt xích đơn giản”.

Ông làm việc một mình, không có lưới che chắn, trong một thế giới không được cấp trên biết đến. Ông phải tự mình tổ chức một hệ thống bảo vệ, cung cấp tin và đối thoại với ông. Ngay cả với bạn bè gần gũi nhất, ông cũng phải hành động hết sức thận trọng, lượm lặt những nhận xét của họ, nhờ vào sự thông minh của họ. Ông tổ chức lưới của ông như thế nào để có thể đột nhập vào các tài liệu tuyệt mật, dù là kế hoạch tác chiến hay hỏi cung tù binh?

Về cách thu thập tài liệu thực tế, ông không bao giờ nói đến, sợ rằng - theo cách ông nói - có thể gây nguy hiểm cho tính mệnh người cung cấp ngay cả đến tận bây giờ. Ông đã từ chối nhiều giao thông viên do cấp trên đề nghị để chọn một phụ nữ can đảm mà ông khâm phục vô bờ bến.

Ngoài mẹ và người vợ ông cưới năm 1962, người nữ giao liên gan dạ ấy là người duy nhất có thể gặp ông. Vậy là có ba người đàn bà biết rõ hoạt động của ông kể từ đầu năm 1960, tức là sau khi ở Mỹ về. Vài cán bộ tình báo cộng sản đã có dịp gặp ông sau đó phải trả giá bằng bao rủi ro to lớn. Ngoài rừng Hố Bò, nơi ông thỉnh thoảng đến để trực tiếp đưa báo cáo, nhưng họ không thể tiếp xúc trực tiếp với ông.

Ẩn buộc phải tự giam mình trong thế giới tình báo đầy bí ẩn quanh co ở Sài Gòn, nơi có những hang ổ xen lẫn. Ông phải canh chừng những điệp viên hai mang, những kẻ bám đuôi, những người có nhiệm vụ thử thách hay theo dõi mình. Ông còn phải hoàn thành một công việc khó khăn hơn cả là giải thích tài liệu đã thu thập được, phân biệt đâu là tài liệu giả đâu là tài liệu thật, tránh những âm mưu cung cấp tin để đưa mình vào bẫy. Chỉ gửi nguyên các tin tức đó chưa đủ mà còn phải chụp vi phim và phân tích, bình luận trước khi giao cho liên lạc mang đi.

Ông nói với một giọng bực bội: “Hà Nội luôn đòi hỏi tôi phải cung cấp tin tức tình báo. Tôi là nhân viên tình báo chiến lược chứ không phải là một điệp viên chỉ làm công việc do thám. Thu lượm tài liệu không phải quyền hạn của tôi nhưng cũng phải có ai đó làm chứ! Tôi không thể chỉ quan tâm đến việc thu thập tin tức, đó là công việc của một thám tử nhưng những người cộng sản không phân biệt được điệp viên khác với tình báo chiến lược ở chỗ nào”. Ông ham mê phân tích và kết hợp với công việc làm báo. Ông nói: “Phân tích đòi hỏi phải hiểu biết rộng tình thế. Nếu bạn không có đủ tri thức thì làm sao đưa ra được một sự phân tích thông minh! Phải hòa nhập với tất cả trong mỗi lĩnh vực quân sự, xã hội, tài chính và tâm lý. Phải nhận thức sâu sắc về Mỹ. Và quan trọng là phải tìm hiểu ý đồ rồi mới đến hành động.

Sau cuộc tiến công Tết năm 1968, những người cộng sản cũng khá thất vọng, nhất là khi có nhiều thiệt hại về sinh mạng. Và đối với họ, thật khó mà đánh giá tình hình”. Để tóm tắt, ông nói: “Tôi biết rằng ở Sài Gòn, nhiều người bắt đầu bán nhà. Hà Nội không thể đo lường được ý nghĩa của hiện tượng này. Tôi có lợi thế là biết rõ tình hình ở cả hai phe. Tôi tự xoay xở để tiếp cận được những tài liệu cộng sản - những nghị quyết… do CIA và CIO bắt được. Tôi đọc các báo cáo thẩm vấn những người cộng sản bị bắt hay những tên đào ngũ đã chạy sang đầu hàng địch. Tôi đọc các báo cáo thẩm vấn tù binh và cả những tên đang đào hầm để có chỗ đưa pháo tháo rời vào gần đối phương”.

Trích sách Một người Việt Trầm Lặng

Điệp viên hoàn hảo Kỳ 1: Phạm Xuân Ẩn chấp nhận nguy cơ để cứu một phóng viên Mỹ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024