Kỳ 1 - Cuộc gặp lần đầu giữa luật sư Michelle và thực tập sinh Barack Obama

25/09/2019 08:00
Kỳ 1 - Cuộc gặp lần đầu giữa luật sư Michelle và thực tập sinh Barack Obama

Dù có hơi dửng dưng về những tin đồn trước khi anh xuất hiện, nhưng tôi phát hiện mình ngưỡng mộ Barack. Anh ấy thú vị, khác thường và lịch thiệp một cách kỳ lạ…

Cứ mỗi mùa xuân, các nhà tuyển dụng từ các tập đoàn lớn sẽ đến trường Princeton để nhắm trước những sinh viên sắp tốt nghiệp. Nếu bỗng nhiên bạn nhìn thấy một người bạn bình thường hay mặc quần jeans rách và áo sơ mi không đóng thùng, nay lại băng qua sân trường trong bộ com-lê kẻ sọc nhã nhặn, thì điều đó có nghĩa là anh chàng hay cô nàng đó có lẽ sẽ đến một tòa nhà chọc trời ở Manhattan làm việc vào một ngày không xa. Quá trình phân loại nghề nghiệp này diễn ra khá nhanh - những nhân viên ngân hàng, luật sư, bác sĩ và các nhà quản lý tương lai đang vội vàng hướng đến bệ phóng kế tiếp của mình, có thể là học sau đại học hoặc làm một công việc được-dọn-sẵn-đường thuộc chương trình đào tạo nhân viên mới của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500.

Cuộc gặp lần đầu giữa luật sư Michelle và thực tập sinh Barack Obama (kỳ 1) - 1

Chắc chắn trong số chúng tôi cũng có những người nghe theo tiếng gọi con tim để vào ngành giáo dục, nghệ thuật và các tổ chức phi lợi nhuận, có người sẽ chọn đi xa để tham gia các sứ mệnh của Peace Corps hoặc gia nhập quân ngũ - nhưng tôi không quen nhiều người như vậy. Tôi đang bận trèo lên chiếc thang của mình, một chiếc thang vững vàng, thực tế và nhắm thẳng một đường.

Nếu chịu dừng lại để ngẫm nghĩ, có lẽ tôi đã nhận ra trường đại học đã vắt kiệt tôi bằng guồng xoay của bài giảng, khóa luận và các kỳ thi, và biết đâu sẽ có ích nếu tôi hành động khác đi. Thay vì vậy, tôi đã chọn kỳ kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào trường luật, viết luận văn tốt nghiệp và chuyên tâm cho chặng sắp tới: nộp đơn vào những trường luật xuất sắc nhất nước Mỹ. Tôi nhận định mình là người thông minh, có óc phân tích và tham vọng. Tôi được nuôi dạy từ những cuộc tranh luận hăng hái và cởi mở quanh bàn ăn với cha mẹ. Tôi có thể tranh luận một quan điểm đến tận cốt lõi của nó và tự hào chưa bao giờ nao núng trước bất kỳ xung đột nào. Chẳng phải đó là những gì luật sư cần có hay sao? Tôi nghĩ đúng là như vậy đấy.

Giờ đây tôi có thể thừa nhận là khi đó tôi không chỉ quyết định dựa vào logic mà còn bị thôi thúc bởi mong muốn có được sự công nhận của người khác. Hồi còn bé, tôi thầm tận hưởng sự ấm áp mình nhận được mỗi khi tuyên bố với giáo viên, hàng xóm, hoặc một trong những người bạn của bà Robbie trong dàn hợp xướng là mình muốn trở thành bác sĩ nhi khoa. Khi đó họ thường sẽ biểu hiện ý, Ồ, ấn tượng đấy!, và tôi thích thú với điều đó.

Nhiều năm sau, mọi thứ hóa ra cũng không khác. Giáo sư, họ hàng, những người tôi tình cờ gặp gỡ hỏi về dự định của tôi, và khi tôi nói mình nhắm đến trường luật - mà về sau tôi xác định là Trường Luật Harvard - thì đó là một lời tuyên bố khiến họ phải trầm trồ. Tôi được khen ngợi chỉ vì đã được nhận vào trường, mặc dù sự thật là tôi được chọn từ danh sách dự bị. Nhưng tôi đã được mời nhập học. Người ta nhìn tôi như thể tôi đã để lại dấu ấn cá nhân trên thế gian này rồi.

Cuộc gặp lần đầu giữa luật sư Michelle và thực tập sinh Barack Obama (kỳ 1) - 2

Đây có thể là vấn đề cốt lõi khi quá bận tâm đến những gì người khác nghĩ: nó có thể đặt bạn vào con đường được định sẵn, mà trong trường hợp của tôi chính là con đường chẳng phải như vậy rất ấn tượng hay sao, và nó sẽ giữ bạn ở đó thật lâu. Có lẽ nó sẽ cản trở bạn đổi hướng, thậm chí là ngăn cản bạn có suy nghĩ về việc đổi hướng, vì bạn cảm thấy cái giá phải trả cho việc không thỏa mãn kỳ vọng của người khác là quá đắt. Có thể bạn bỏ ra ba năm ở Massachusetts, học luật hiến pháp và thảo luận về lợi ích liên quan của các thỏa thuận dọc về việc loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong các vụ kiện chống độc quyền. Quá trình này có thể là thú vị đối với một số người, nhưng bạn thì không cảm thấy như vậy.

Có thể trong suốt ba năm đó bạn kết bạn với những người mà bạn sẽ luôn yêu thương và tôn trọng, đó là những người thật sự say mê tính phức tạp và lạnh lùng của ngành luật, nhưng bản thân bạn thì không cảm thấy đó là tiếng gọi đam mê của mình. Sự nhiệt tình của bạn có thể thấp, nhưng trong mọi tình huống, thành tích của bạn không được kém cỏi. Bạn sống theo quy luật của nỗ lực/kết quả, như trước giờ vẫn thế, và với cách sống đó, bạn tiếp tục gặt hái thành quả cho đến khi bạn nghĩ mình biết câu trả lời cho mọi câu hỏi - bao gồm câu hỏi quan trọng nhất: Mình có đủ giỏi hay không? Có, thực tế là mình đủ giỏi.

Tiếp đó, phần thưởng sẽ xuất hiện. Bạn leo lên nấc thang kế tiếp, và lần này thì đó là một công việc được trả lương tại một công ty luật cao cấp mang tên Sidley & Austin trong khu văn phòng ở Chicago. Bạn quay về nơi bắt đầu, tại chính thành phố nơi bạn được sinh ra, chỉ là giờ đây bạn đi làm trên tầng bốn mươi bảy của một tòa nhà ở trung tâm thành phố, nơi có một quảng trường rộng và một bức tượng điêu khắc đặt ở mặt tiền. Bạn từng đi ngang qua đó khi còn là một đứa trẻ vùng South Side đón xe buýt đi học, lặng lẽ nhìn qua cửa sổ để ngắm những con người đang sải bước đến công sở trong bộ dạng giỏi giang và chuyên nghiệp. Giờ đây bạn trở thành một trong số họ. Bạn bước ra khỏi chiếc xe buýt đó, băng qua quảng trường và bước vào thang máy để lên tầng trên - thang chạy êm ru đến mức bạn tưởng như nó đang lướt đi. Bạn đã “nhập hội”.

Ở tuổi hai mươi lăm, bạn có một trợ lý. Thu nhập của bạn nhiều hơn số tiền mà cha mẹ bạn từng kiếm được trong đời. Đồng nghiệp của bạn lịch sự, trí thức và đa số là người da trắng. Bạn mặc com-lê Armani và đăng ký dịch vụ thưởng thức các loại rượu vang mới ra mắt. Hàng tháng bạn trả khoản vay mà bạn đã mượn để học trường luật, và bạn đến lớp học thể dục thẩm mỹ sau khi tan sở. Bạn tậu cho mình một chiếc Saab vì bạn có khả năng làm thế.

Có còn gì phải ngờ vực nữa không? Có vẻ là không. Giờ đây bạn đã là một luật sư. Bạn đã đón nhận mọi điều được trao cho mình - tình yêu của cha mẹ, niềm tin của thầy cô, âm nhạc của ông Southside và bà Robbie, những bữa ăn của bà Sis cùng với vốn từ vựng được ông Dandy vun bồi - và bạn biến chúng thành thành quả của ngày hôm nay. Bạn đã leo lên ngọn núi. Và bên cạnh nhiệm vụ phân tích những vấn đề trừu tượng về luật sở hữu trí tuệ cho các tập đoàn lớn, một phần công việc của bạn là hun đúc thế hệ luật sư trẻ đang được công ty chiêu mộ. Một luật sư cấp cao hỏi xem bạn có đồng ý hướng dẫn một luật sư tập sự sắp vào công ty theo chương trình thực tập mùa hè hay không, và câu trả lời thật dễ dàng: đương nhiên bạn sẵn lòng. Lúc đó bạn không biết câu trả lời “đồng ý” đơn giản đó lại có thể tạo ra sự thay đổi to lớn thế nào.

Bạn không biết rằng vào lúc biên bản ghi nhớ được đưa xuống để xác nhận nhiệm vụ đó thì một điều sâu kín và vô hình nào đó mà bạn cố bám víu bấy lâu trong cuộc sống của mình đã bắt đầu rung chuyển, và sợi dây níu giữ nào đó đã bắt đầu lung lay. Bên cạnh tên của bạn là một cái tên khác, tên của một sinh viên luật siêu sao, người cũng đang bận rộn trèo lên nấc thang sự nghiệp của mình. Cũng như bạn, anh ta là người da đen và học ở trường Harvard. Ngoài chuyện đó ra thì bạn không biết gì hơn - bạn chỉ biết một cái tên, và đó là một cái tên lạ.

BARACK OBAMA ĐẾN TRỄ VÀO NGÀY ĐẦU TIÊN.

Tôi ngồi trong văn phòng của mình ở tầng bốn mươi bảy, chờ đợi mà cũng không chờ đợi anh ấy đến. Cũng như đa số những luật sư mới làm việc năm đầu tiên, tôi rất bận. Tôi ngồi trong văn phòng ở Sidley & Austin hàng giờ đồng hồ, thường dùng cả bữa trưa lẫn bữa tối tại bàn làm việc trong lúc chiến đấu với chồng tài liệu không ngừng đổ tới, tất cả đều được viết bằng thứ ngôn-ngữ-luật-sư chuẩn xác và bóng bẩy.

Tôi đọc các biên bản ghi nhớ, tôi viết các ghi nhớ, tôi biên tập biên bản ghi nhớ của người khác. Lúc này, tôi nghĩ mình cơ bản là người thạo ba ngôn ngữ. Tôi hiểu thứ ngôn ngữ thoải mái của vùng South Side, cách diễn đạt đầy trí thức của Ivy League, và bây giờ tôi còn nói ngôn ngữ Luật sư nữa. Tôi được thuê vào nhóm phụ trách marketing và sở hữu trí tuệ của công ty, bộ phận được xem là tự do và sáng tạo hơn các phòng ban khác, mà tôi nghĩ là do chúng tôi có một ít thời gian làm việc trong lĩnh vực quảng cáo. Một phần công việc của tôi là đọc kịch bản quảng cáo truyền hình và truyền thanh cho khách hàng, bảo đảm chúng không vi phạm tiêu chuẩn của Ủy ban Truyền thông Liên bang.

Về sau tôi được vinh dự đảm nhiệm các vấn đề pháp lý của sản phẩm Khủng long Barney. (Đúng vậy, đó chính là tự do trong một công ty luật.)

Là một luật sư cấp trung, vấn đề của tôi là tôi không có nhiều cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng trong công việc, và vì là một thành viên của gia đình Robinson, được nuôi dưỡng trong sự náo nhiệt của một gia đình nhiều thế hệ, được hun đúc bởi bản năng yêu thích đám đông của cha, tôi thèm muốn mọi sự tương tác.

Để khỏa lấp nỗi cô đơn, tôi hay nói đùa với trợ lý Lorraine của tôi, một phụ nữ Mỹ gốc Phi khôi hài và cực kỳ có óc tổ chức. Lorraine lớn hơn tôi vài tuổi, chị ngồi ngay bên ngoài phòng làm việc của tôi và phụ trách trả lời điện thoại. Tôi có các mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện với vài luật sư cấp cao và vui vẻ khi có cơ hội tán gẫu với các luật sư đồng cấp, nhưng nhìn chung thì ai cũng bù đầu bù cổ làm việc và thận trọng không để lãng phí dù chỉ một phút hái ra tiền trong ngày. Điều này đẩy tôi trở về với bàn làm việc, một mình đối mặt với mớ tài liệu chất đống.

Nếu phải trải qua bảy mươi giờ một tuần ở đâu đó, văn phòng của tôi là một lựa chọn đủ thoải mái. Tôi có một chiếc ghế bọc da, bàn làm việc bằng gỗ óc chó đánh bóng và những ô cửa sổ rộng nhìn về hướng đông nam. Tôi có thể phóng tầm nhìn qua khu trung tâm tài chính hỗn tạp và thấy những con sóng bạc đầu trên Hồ Michigan, nơi được điểm xuyết những chiếc thuyền buồm màu sáng vào mùa hè.

Nếu đổi góc nhìn, tôi có thể lờ mờ thấy được bờ biển và khung cảnh của khu South Side trải dài với những mái nhà thấp và những hàng cây tiếp nối nhau. Từ nơi tôi ngồi, những khu phố nơi đó trông thật yên bình và gần giống mô hình đồ chơi, nhưng thực tế thì khác hẳn. Nhiều vùng của South Side giờ đã hóa điêu tàn vì các doanh nghiệp đóng cửa và các gia đình tiếp tục rời đi. Những nhà máy thép trước kia từng mang lại thu nhập ổn định giờ đang cắt giảm hàng ngàn nhân công.

Cơn đại dịch ma túy crack, thứ đã tàn phá cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại những nơi như Detroit và New York, chỉ mới bắt đầu xâm nhập Chicago, nhưng sức hủy diệt của nó ở đây không vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Các băng nhóm giao tranh với nhau để giành địa bàn. Chúng thuê những cậu con trai mới lớn để “chạy hàng” ở các góc đường, thứ công việc nguy hiểm nhưng sinh lời nhiều hơn nhiều so với việc tới trường đi học. Tỷ lệ các vụ án mạng ở thành phố bắt đầu tăng lên, báo hiệu nhiều rắc rối hơn nữa sắp sửa diễn ra.

Tôi có thu nhập khá tốt ở Sidley, dù vậy tôi vẫn đủ thực tế để biết tốt nhất là không nên mạo hiểm chi tiền cho khoản nhà ở. Từ khi tốt nghiệp trường luật tôi đã dọn về khu phố cũ ở South Side, nơi vẫn còn tương đối vắng bóng băng đảng và ma túy. Cha mẹ tôi đã dời xuống sống trong căn hộ của ông bà Terry và Robbie ngày trước, và theo đề nghị của họ, tôi đã sử dụng căn phòng trên lầu, nơi tôi từng sống khi còn bé. Tôi tân trang căn phòng bằng một chiếc trường kỷ màu trắng sữa và những bức tranh treo tường kiểu batik. Lâu lâu tôi viết cho cha mẹ một tấm chi phiếu đại khái là đủ để chi trả hóa đơn điện nước của tôi. Khoản đó chắc chắn không thể tính là tiền thuê nhà, nhưng cha mẹ tôi khăng khăng bấy nhiêu là quá đủ rồi.

Mặc dù căn hộ trên lầu của tôi có lối đi riêng, nhưng tôi thường xuyên đi về qua lối nhà bếp dưới lầu - một phần vì cửa sau căn hộ của cha mẹ tôi mở thẳng ra ga-ra, và phần khác vì tôi vẫn và sẽ mãi là một thành viên của nhà Robinson. Ngay cả khi giờ đây đã trở thành một luật sư trẻ tuổi diện com-lê và lái xe Saab như mong ước, tôi vẫn không mấy thích ở một mình. Tôi củng cố sức mạnh bản thân bằng cách thăm hỏi cha mẹ mỗi ngày. Trên thực tế, buổi sáng hôm đó tôi đã ôm chầm cha mẹ trước khi lao ra cửa và lái xe qua một cơn mưa dông để tới chỗ làm. Chính xác là để tới chỗ làm đúng giờ.

Tôi nhìn đồng hồ. “Có tin gì của anh chàng kia chưa?”, tôi gọi hỏi Lorraine.

Chị ấy thở dài rõ to, “Chưa đâu cô gái à”. Tôi có thể nói là Lorraine đang cảm thấy buồn cười. Chị ấy biết sự trễ nải khiến tôi phát điên ra sao, biết là tôi coi việc đi trễ chẳng khác gì thói ngạo mạn.

Barack Obama đã gây xôn xao ở hãng luật từ trước. Trước tiên, anh chàng này chỉ vừa hoàn thành năm nhất trường luật, mà thông thường chúng tôi chỉ thuê sinh viên năm hai cho các vị trí thực tập hè. Nhưng người ta đồn là anh chàng này xuất sắc lắm. Người ta truyền tai nhau rằng một trong những giảng viên của anh ở Harvard - con gái của một cổ đông trong công ty chúng tôi - nhận định anh là sinh viên luật tài năng nhất mà cô từng gặp. Một vài thư ký đã thấy anh chàng đến phỏng vấn, và họ nói rằng ngoài sự xuất chúng rõ rành rành ra thì anh ấy còn đáng yêu nữa.

Cuộc gặp lần đầu giữa luật sư Michelle và thực tập sinh Barack Obama (kỳ 1) - 3

Tôi vẫn rất hoài nghi tất cả chuyện này. Theo kinh nghiệm bản thân, bạn cứ tròng bộ com-lê lên bất cứ anh chàng da đen có vẻ thông minh nào thì người da trắng cũng sẽ mê mẩn đến phát rồ. Tôi không chắc là anh ta được như lời đồn thổi. Tôi đã xem qua ảnh của anh trong hồ sơ thực tập sinh mùa hè, tấm ảnh chụp thiếu sáng không-đẹp-như- lời-đồn của một anh chàng có một nụ cười toe toét và dáng vẻ mọt sách. Tôi không cảm thấy gì đặc biệt.

Hồ sơ ghi rằng anh ta xuất thân từ Hawaii, và ít ra thì điều này đã giúp anh trở thành một tay mọt sách tương đối lạ. Ngoài ra thì chẳng có gì nổi bật. Điều ngạc nhiên duy nhất là việc đã xảy ra vài tuần trước, khi tôi gọi điện thoại cho anh để hoàn thành trách nhiệm tự giới thiệu bản thân. Tôi đã hơi bất ngờ khi nghe giọng nói ở đầu bên kia, đó là giọng nam trung, dày và thậm chí còn có chút quyến rũ - cơ bản là không ăn nhập gì với hình chụp của anh ấy.

Thêm mười phút nữa thì anh chàng mới xuất hiện ở chỗ tiếp tân. Tôi bước ra để chào hỏi và nhìn thấy anh đang ngồi trên trường kỷ - chính là Barack Obama, trong bộ com-lê sẫm màu và còn hơi ướt vì dính mưa. Anh vừa bắt tay tôi vừa ngượng ngùng cười xin lỗi vì đã đến trễ. Anh có nụ cười rộng mở, dáng người cao và gầy hơn những gì tôi hình dung - một người rõ ràng không thuộc dạng ăn nhiều và cũng có vẻ hoàn toàn không thoải mái với việc mặc quần áo công sở.

Anh không có vẻ gì là biết mình đang mang danh tiếng của một người trẻ tuổi tài ba. Anh im lặng, nghiêm túc và chú ý lắng nghe khi tôi dẫn anh qua những dãy hành lang đi tới văn phòng, vừa đi vừa giới thiệu những công việc nhàn hạ của hãng luật. Tôi chỉ cho anh khu xử lý văn bản và máy pha cà phê, giải thích về hệ thống tính giờ làm việc. Khoảng hai mươi phút sau, tôi quay lại bàn làm việc của mình sau khi dẫn anh tới chỗ vị luật sư cấp cao, cấp trên thật sự của anh.

Trưa hôm đó tôi dẫn Barack đến nhà hàng sang trọng ở tầng trệt của tòa nhà, nơi đông đảo nhân viên ngân hàng và luật sư ăn mặc bảnh bao đang trao đổi công việc qua những bữa trưa có giá đắt như bữa tối. Đây là lợi ích của việc dẫn dắt luật sư tập sự: bạn có cớ để đi ăn ngoài, ăn ngon và bằng tiền của công ty. Trong vai trò cố vấn của Barack, nhiệm vụ chủ yếu của tôi chính là làm cầu nối xã hội.

Tôi cần đảm bảo anh hài lòng với công việc, có ai đó để trao đổi khi cần lời khuyên và cảm thấy gắn kết với một đội ngũ lớn hơn. Đó là khởi đầu của một quá trình chiêu mộ quy mô hơn. Ý định của công ty là họ có thể sẽ tuyển dụng anh làm việc toàn thời gian khi anh tốt nghiệp - tương tự như việc họ sẽ làm với tất cả những luật sư thực tập hè khác.

Tôi nhanh chóng nhận ra Barack cần rất ít lời khuyên. Anh ấy sắp bước sang tuổi hai mươi tám, lớn hơn tôi ba tuổi. Không giống như tôi, anh ấy đã đi làm nhiều năm sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Đại học ở Columbia rồi mới vào trường luật. Điều khiến tôi ngạc nhiên chính là sự chắc chắn của anh về định hướng cuộc đời. Anh không mảy may nghi ngờ lựa chọn của bản thân, một điều mà ban đầu có vẻ rất khó hiểu.

So với chặng đường thẳng tiến đến thành công của tôi, thẳng như mũi tên bắn từ Princeton đến Harvard rồi hạ cánh ở bàn làm việc của tôi trên tầng bốn mươi bảy, con đường của Barack là một đường zig zag ngẫu hứng băng qua nhiều thế giới khác nhau. Qua các lần dùng bữa trưa cùng nhau, tôi biết anh ấy là một người con lai đúng nghĩa - anh là con trai của một người cha Kenya da đen và một người mẹ da trắng ở Kansas, là kết quả của một cuộc hôn nhân vừa nồng nhiệt lại vừa ngắn ngủi.

Anh được sinh ra và nuôi nấng ở Honolulu nhưng trải qua bốn năm tuổi thơ thả diều bắt dế ở Indonesia. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh có hai năm tương đối thảnh thơi làm sinh viên tại Đại học Occidental ở Los Angeles trước khi chuyển sang Đại học Columbia, nơi anh tự nhận là mình đã sống không hề giống một sinh viên phóng túng ở Manhattan thập niên 1980 mà lại giống một ẩn sĩ thế kỷ mười sáu - anh thường đọc những tác phẩm văn chương và triết học khó nhằn trong một căn hộ tồi tàn ở Đường 109, cũng như viết những bài thơ dở tệ và nhịn ăn vào các ngày Chủ nhật.

Chúng tôi bật cười trước tất cả những chuyện này, chia sẻ với nhau những câu chuyện về hoàn cảnh của bản thân và những điều đã dẫn dắt mình vào con đường luật. Barack nghiêm túc nhưng không ra vẻ đạo mạo. Anh ấy có cung cách phóng khoáng thoải mái nhưng mạnh mẽ trong tư duy. Đó là một sự kết hợp lạ kỳ và cuốn hút. Một điều ngạc nhiên nữa đối với tôi chính là anh ấy hiểu rất rõ về Chicago.

Barack là người đầu tiên tôi gặp tại Sidley đã từng tới các tiệm cắt tóc bình dân, những điểm bán thịt nướng và những giáo xứ ngoan đạo của người da đen ở khu Far South Side. Trước khi vào trường luật, anh ấy đã có ba năm làm việc tại Chicago trong vai trò người tổ chức sự kiện cộng đồng, kiếm được 12.000 đô-la một năm từ một tổ chức phi chính phủ đứng ra liên kết những nhà thờ với nhau. Công việc của anh là hỗ trợ xây dựng lại các khu phố và tái tạo công ăn việc làm.

Theo lời anh thì đó là công việc lợi một mà thất vọng hai: anh mất nhiều tuần để lên kế hoạch tổ chức một buổi họp mặt cộng đồng, nhưng rồi chỉ có khoảng hơn chục người tới tham dự. Các nỗ lực của anh bị các lãnh đạo nghiệp đoàn lao động chế giễu và bị cả người da đen lẫn da trắng soi mói. Nhưng dần dần anh đã giành được những thắng lợi lớn hơn, và có vẻ điều này đã khích lệ anh. Barack giải thích rằng anh học luật vì việc tổ chức phong trào cộng đồng đã cho anh thấy sự thay đổi tích cực trong xã hội không chỉ đòi hỏi nỗ lực của con người tại địa phương, mà còn cần những chính sách hiệu quả hơn cùng với hành động của chính phủ.

Dù có hơi dửng dưng về những tin đồn trước khi anh xuất hiện, nhưng tôi phát hiện mình ngưỡng mộ Barack cả vì sự quả quyết và chân thành của anh. Anh ấy thú vị, khác thường và lịch thiệp một cách kỳ lạ. Thế nhưng tôi chưa từng nghĩ về anh ấy như đối tượng mà mình muốn hẹn hò. Một phần vì tôi là người hướng dẫn anh ấy trong công ty. Một phần vì gần đây tôi vừa mới quyết định gác chuyện yêu đương sang một bên vì quá bận rộn với công việc đến mức không còn tâm trí dành cho nó. Và cuối cùng, thật khủng khiếp khi cuối bữa trưa hôm đó Barack đã đốt một điếu thuốc, một việc đủ để làm tiêu tan bất kỳ hứng thú nào mà tôi có thể có với anh từ đầu đến giờ.

Tôi tự nhủ, anh sẽ là một thực tập sinh ra trò.

Trích sách “Chất Michelle”


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025