Khởi hành Kỳ 12: Như thế nào là phương pháp học tích cực cho sinh viên năm nhất

28/09/2018 08:00
Khởi hành Kỳ 12: Như thế nào là phương pháp học tích cực cho sinh viên năm nhất

Sinh viên năm thứ nhất không có thói quen học tốt cũng như không biết cách quản lý thời gian và thường phạm sai lầm. Nếu những điều này không được điều chỉnh ngay trong năm nhất thì sinh viên không thể học tốt trong những năm kế tiếp.

Phương pháp học tích cực đòi hỏi sinh viên chịu trách nhiệm về việc học của chính mình. Sinh viên đại học năm thứ nhất tới từ nhiều trường phổ thông khác nhau, bối cảnh khác nhau và có thể có sự chênh lệch về trình độ. Vì vậy nếu không được điều chỉnh ngay thì sinh viên không thể học tốt trong những năm kế tiếp.

Phương pháp học nhóm

Phương pháp học tích cực đòi hỏi sinh viên phải ý thức được tầm quan trọng và lợi thế của việc học theo nhóm. Các cá nhân có thể học nhiều hơn khi họ học cùng người khác. Đây là quan niệm khiến một số giảng viên cảm thấy không thoải mái. Họ quen với việc đọc bài giảng trong lớp hoặc nói cho sinh viên biết điều cần làm thay vì để sinh viên tự học nên thường chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cách học đó. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của phương pháp học tích cực là tạo điều kiện cho sinh viên làm việc với nhau trong suốt quá trình học tập. Đó cũng chính là nền tảng giúp sinh viên hình thành kinh nghiệm làm việc nhóm khi tham gia vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Tôi thường khuyến khích sinh viên đọc tài liệu trước khi lên lớp và dành phần lớn thời gian trên lớp để tổ chức các cuộc thảo luận. Thảo luận trên lớp giúp các sinh viên rèn luyện tư duy phản biện và học cách trao đổi, trình bày quan điểm của bản thân trước nhiều người. Nếu cuộc thảo luận và người hướng dẫn có thể khiến sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân và tích cực bảo vệ quan điểm bằng lý lẽ thì sinh viên sẽ cảm thấy hứng thú và tham gia bài giảng tích cực hơn, học được nhiều hơn thay vì thụ động ngồi nghe giảng hoặc đọc sách.

Bên cạnh phương pháp học theo nhóm, tôi còn thích một phương pháp khác là đôi bạn cùng tiến. Phương pháp này yêu cầu sinh viên đọc trước tài liệu ở nhà và lên danh sách các câu hỏi mà họ thắc mắc về tài liệu. Trong lớp, tôi sẽ chia sinh viên thành từng cặp để sinh viên lần lượt hỏi và trả lời câu hỏi. Những câu hỏi mà cả hai đều không trả lời được sẽ trở thành câu hỏi thảo luận trước lớp.

Trong khoảng thời gian các sinh viên bắt cặp hỏi và trả lời, tôi thường bước xung quanh lớp, đi từ nhóm nọ tới nhóm kia để thu thập câu hỏi thảo luận trên lớp. Bằng việc biến các câu hỏi sinh viên không thể trả lời thành đề tài thảo luận chung, tôi có thể dự đoán các khái niệm sinh viên chưa thực sự hiểu rõ để đưa vào phần tổng kết cuối bài giảng, phân tích cụ thể và chia sẻ thêm để giúp sinh viên hiểu bài giảng hơn.

Tranh luận cũng là một phương pháp học tích cực 

Quá trình này cho phép sinh viên hình thành lập trường riêng, học được cách thu thập thông tin nhằm hỗ trợ và giải thích quan điểm của bản thân trước những người khác. Những cuộc tranh luận không chỉ cho sinh viên cơ hội tham gia vào các hoạt động trên lớp mà còn cho phép họ thu được kinh nghiệm trong việc trình bày ý kiến cá nhân, một trong những kỹ năng mềm quan trọng mà sinh viên cần phải có.

Một trong những phương pháp gợi mở ưa thích của tôi là dùng nhóm câu hỏi 5W và 1H: Who (Ai?), What (Cái gì?), Where (Ở đâu?), When (Khi nào?), Why (Tại sao?) và How (Bằng cách nào?). Bốn câu hỏi W (Who, What, When, Where) sẽ yêu cầu sinh viên phải phân tích hiện tượng.

Câu hỏi “Why” và “How” yêu cầu sinh viên phải tư duy ở mức cao hơn, tự mình đưa ra quan điểm và đánh giá chủ quan. Tôi muốn nhắc lại, mục đích của phương pháp học tích cực không phải chỉ là đánh giá kết quả học tập của sinh viên mà còn hướng dẫn sinh viên phát triển khả năng tư duy độc lập.

Tôi thường yêu cầu sinh viên giải thích lý do tại sao họ lại trả lời như vậy và các nguồn thông tin mà họ đã dùng; sau đó giúp họ xác nhận cách diễn giải của họ có logic và phù hợp với thực tế hay không, cũng như hỗ trợ sinh viên đánh giá tính chính xác của nguồn thông tin mà họ sử dụng.

Có một khoảng cách giữa lý thuyết và quá trình áp dụng lý thuyết vào thực tế. Điều này giải thích cho câu hỏi tại sao một số sinh viên học lý thuyết rất giỏi nhưng lại không có khả năng giải quyết tốt khi phải đối mặt với vấn đề trong thực tế.

Nếu sinh viên muốn đạt được thành công thì họ phải biết cách áp dụng điều họ học vào tình huống thực tế và liên tục thu nhận phản hồi về những điều bản thân đã làm. Để thúc đẩy điều đó, tôi thường cho sinh viên nhiều bài tập mỗi tuần, từ dễ tới khó để giúp họ học cách giải quyết vấn đề. Việc đòi hỏi áp dụng lý thuyết để giải quyết các bài tập sẽ giúp sinh viên học cách suy nghĩ, thông qua đó dần dần cải tiến tư duy.

>> Khởi hành Kỳ 13: Hình thành các thói quen học tập tốt

Trích Khởi hành


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025