Howard Schultz - Từ cậu bé nghèo đã trở thành linh hồn của đế chế Starbucks

09/01/2022 12:00
Howard Schultz - Từ cậu bé nghèo  đã  trở thành linh hồn của đế chế Starbucks

Chính sự kết hợp giữa lòng quyết tâm, khối óc tư duy độc lập, cùng với đạo đức nghề nghiệp, đã giúp Schultz đạt được những sự thành công rực rỡ như ngày hôm nay!

Schultz là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Starbucks từ năm 1986 đến năm 2000 và một lần nữa từ 2008 đến 2017.

Tháng 4 năm 2017, Schultz từ chức CEO của Starbucks và trở thành chủ tịch điều hành của công ty này. Sau đó, vào tháng 6 năm 2018, Schultz đã nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch điều hành và trở thành chủ tịch danh dự của Starbucks.

Theo tạp chí Forbes, Howard Schultz hiện có khối tài sản ròng lên đến 3,3 tỷ USD.

Chính sự kết hợp giữa lòng quyết tâm, khối óc tư duy độc lập, cùng với đạo đức nghề nghiệp, đã giúp Schultz đạt được những sự thành công rực rỡ như ngày hôm nay!

Xuất phát điểm khiêm tốn!

Howard Schultz được sinh ra vào ngày 19 tháng 7 năm 1953, tại Mỹ. Ông xuất thân trong một gia đình vô cùng nghèo khó và thiếu thốn về mọi mặt, và vì vậy, tuổi thơ của ông cũng chẳng được êm đềm như bao đứa trẻ khác.

Cả gia đình ông cùng sống trong căn hộ giá rẻ được chính phủ trợ cấp. Cha của ông, Fred, chưa từng học xong trung học và phải làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, trong đó có tài xế xe tải, công nhân nhà máy và tài xế taxi. Dù lăn lộn với cuộc sống như vậy, nhưng người đàn ông này chưa bao giờ kiếm được quá 20.000 USD một năm và với việc phải nuôi đến ba đứa con, Fred không bao giờ có đủ khả năng để mua nổi một căn nhà.

Tuy nhiên, trong cuốn sách của mình, "Dốc hết trái tim", Howard vẫn mô tả về cha của mình theo một hướng tích cực nhất, rằng ông là một người đàn ông trung thực, làm việc chăm chỉ, hay chơi bóng với các con vào cuối tuần và rất hâm mộ đội bóng chày Yankees.

Tuy nhiên, ở cha ông cũng có những khuyết điểm khác. Schultz đã chia sẻ với tạp chí "60 Minutes" rằng, cha của ông là một người tốt, nhưng ông ta đã lạm dụng sức khỏe của mình quá nhiều. Howard Schultz cũng từng mô tả về cha của mình như "một kẻ bị vùi dập", một người "đã cố gắng hòa nhập vào một hệ thống, nhưng chính hệ thống đó đã bóp chết ông ta. Vì thiếu lòng tự trọng, Fred đã không bao giờ có thể leo ra khỏi cái hố đó và cải thiện cuộc sống của mình".

Schultz kể thêm:Vào năm 1961, trong khi làm việc, cha của ông đã gặp tai nạn và bị vỡ mắt cá chân. Điều này đồng nghĩa với việc Fred sẽ không thể đi làm và cũng không có thu nhập nữa. Lúc đó mẹ của Schultz thì lại đang mang thai được 7 tháng. Gia đình ông đã rơi vào hoàn cảnh khốn đốn khi không có tiền. Thậm chí để đối phó với nhân viên thu tiền điện nước, cha mẹ của Schultz đã dặn những đứa con của mình, khi nhấc điện thoại phải giả vờ rằng, bố mẹ không có ở nhà.

Schultz chia sẻ: "Lúc đó, cả gia đình chúng tôi không có thu nhập, không có bảo hiểm y tế, không có tiền bồi thường cho người lao động, và chẳng còn gì để mất".

Khi đó ông không dám nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân như bây giờ. Và ông cũng không nghĩ rằng, chính ông lại là người có thể tạo ra việc làm cho người khác. Tuy vậy, Howard luôn tâm niệm một điều rằng: "Từ rất lâu rồi, trong thâm tâm tôi luôn có một ý niệm đó là nếu tôi ở một vị trí mà tôi có thể tạo ra sự khác biệt, tôi sẽ không bỏ lại bất kỳ ai ở phía sau"

Schultz đã nhận được học bổng bóng đá toàn phần và thuận lợi tốt nghiệp Đại học Bắc Michigan. Ông trở thành người duy nhất trong gia đình tốt nghiệp đại học và ông có chia sẻ rằng: "Đối với cha mẹ tôi, tấm bằng tốt nghiệp chính là giải thưởng lớn nhất mà tôi đã đạt được"

Trước khi tham gia vào Starbucks, Schultz đã từng làm việc trong bộ phận bán hàng và tiếp thị tại Xerox, trong 3 năm. Sau đó ông trở thành phó chủ tịch, kiêm tổng giám đốc của Hammarplast U.S.A, một công ty sản xuất đồ gia dụng của Thụy Điển.

Vươn lên từ những cấp bậc thấp nhất đến cao nhất!

Vào năm 1982, Schultz chuyển từ New York đến Seattle để tham gia vào Starbucks, với tư cách là Giám Đốc Vận Hành và Tiếp thị. Khi đó, công ty Starbucks mới chỉ có khoảng 4 cửa hàng.

Năm 1983, Schulz đã đến Ý du lịch, và thứ ông thích nhất ở nơi này chính là các quán cà phê ở Milan. Chúng mang đậm phong cách đường phố, nơi mọi người có thể gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau, ngoài văn phòng và ngôi nhà của họ. Đây cũng là lý do vì sao, trong cùng một năm đó, ông đã rời Starbucks và thành lập công ty riêng, có tên là Il Giornale.

Đến năm 1987, với sự giúp đỡ của vài nhà đầu tư, Schultz đã trở lại Starbucks để mua lại các cửa hàng cà phê của công ty này. Ông cũng đảm nhận vị trí giám đốc điều hành tại Starbucks. Tại thời điểm đó, toàn bộ hệ thống của công ty đã có khoảng 17 cửa hàng.

Schultz đã giúp Starbucks phát triển vượt bậc, nhưng bên cạnh đó, ông cũng không quên việc đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhân viên của mình. Năm 1988, Schultz cam kết cung cấp bảo hiểm y tế cho những người lao động bán thời gian và toàn thời gian, nếu họ có đủ các điều kiện cần thiết. Năm 1991, Starbucks bắt đầu phát hành cổ phiếu, và tạo điều kiện cho các nhân viên của mình có cơ hội để trở thành đối tác của công ty.

Tuy nhiên, Schultz cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khi điều hành doanh nghiệp này. Vào năm 2015, Schultz đã lập một kế hoạch để các nhân viên pha chế, viết dòng chữ "Race Together" trên các cốc cà phê của Starbucks. Tuy vậy, kế hoạch này đã khiến nội bộ công ty xảy ra mâu thuẫn, và vì thế, Schultz đã hủy bỏ kế hoạch này sau vài ngày triển khai​​.

Vào tháng 4 năm 2015, có một sự kiện hy hữu đã khiến Starbucks bị chỉ trích rất nhiều. Tại một cửa hàng của Starbucks ở Philadelphia, người quản lý đã báo cảnh sát vì 2 người đàn ông da đen, trong lúc chờ đối tác, đã sử dụng nhà vệ sinh mà chưa mua gì. Sau đó, Schultz đã tạm đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Hoa Kỳ, ngay lập tức đào tạo lại các nhân viên và giúp họ thay đổi thành kiến đối với vấn đề phân biệt ​​chủng tộc.

Khi nói về sự việc này, Schultz cho biết: "Đây là nghĩa vụ về mặt đạo đức mà một công ty như Starbucks buộc phải có trách nhiệm với nó"

Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Starbucks đã thành công như vậy. Ngày nay, hệ thống các cửa hàng của Starbucks đã có mặt ở hơn 77 quốc gia, với hơn 350.000 nhân viên.

Một nhà lãnh đạo đầy khiêm tốn!

Schultz thật sự là một nhà lãnh đạo rất khiêm tốn.

Ông chia sẻ với đài CNBC rằng: "Starbucks đã kinh doanh được hơn 45 năm. Bạn biết đấy, tôi không đặt mình ngang hàng với Tom Brady hay bất kỳ vận động viên xuất sắc nào khác. Với tôi, kinh doanh là một môn thể thao đồng đội. Điều này luôn đúng dù thế giới này có thay đổi như thế nào đi chăng nữa. Và bạn thấy đấy, Starbucks có một đội ngũ lãnh đạo rất tuyệt vời, và chính vì thế, những gì mà tôi đã đạt được còn nhiều hơn tất cả những thứ mà tôi đã đầu tư vào nó"

Nhưng có một điều mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải hiểu chính là, Schultz mới thật sự là người đóng một vai trò vô cùng quan trọng đằng sau thành công và quá trình phát triển rực rỡ của Starbucks.

Howard Schultz cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng lớn và danh giá như, giải thưởng "Lãnh đạo Xuất sắc" của Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, giải thưởng của Horatio Alger dành cho những người đã vượt qua nghịch cảnh để đạt được thành công, giải thưởng của "Rev. Theodore M. Hesburgh về Đạo đức Kinh doanh" do Trường Kinh doanh Mendoza của Đại học Notre Dame trao tặng, giải thưởng của "Botvinick về Đạo đức Kinh doanh" do Trường Kinh doanh Columbia trao tặng. Ông cũng là người đầu tiên nhận được giải thưởng "Lãnh đạo Toàn cầu của John Wooden" do Trường Quản lý UCLA Anderson trao tặng.

Ngoài ra Schultz cũng là một trong những nhà văn có cuốn sách bán chạy nhất. Sau khi cuốn sách đầu tiên của mình được đón nhận nồng nhiệt, Schultz đã xuất bản thêm 3 cuốn sách nữa bao gồm: cuốn "For Love of Country: What Our Veterans Can Teach Us About Citizenship, Heroism, and Sacrifice", xuất bản vào năm 2014, cuốn "Onward: How Starbucks Fought for Its Life without Losing Its Soul", xuất bản vào năm 2011 và cuốn "From the Ground Up: A Journey to Reimagine the Promise of America", được xuất bản vào năm 2018.

Và có lẽ chẳng còn bao lâu nữa, Schultz sẽ thật sự trở thành một ứng cử viên tổng thống rất nặng ký trong tương lai.

Schultz thừa nhận rằng, hành trình gây dựng sự nghiệp của ông có một chút may mắn, nhưng quá trình đó cũng cần một sự quyết tâm mãnh liệt và sự bền bỉ không ngừng.

Ông chia sẻ: "Tôi nắm lấy cuộc sống của mình trong tay, học hỏi từ bất kỳ ai, nắm lấy mọi cơ hội và từng bước tạo nên thành công cho bản thân mình"

Khi Schultz tuyên bố rời Starbucks vào tháng 6 năm 2018, ông cũng đã có những dòng suy ngẫm về sự khởi đầu khiêm tốn của mình rằng: "Tôi vẫn cảm thấy mình như một đứa trẻ lớn lên trong một ngôi nhà công cộng tại Brooklyn. Tôi đang sống trong Giấc mơ của nước Mỹ và tôi vẫn còn sẽ có nhiều ước mơ khác dành cho Starbucks và cho tất cả mọi người".

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025