Starbucks hiện là chuỗi nhà hàng cà phê lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, đã có một thời, nó chỉ là một quán cà phê nhỏ ven đường chẳng ai để ý tới. Tham vọng biến Starbucks thành một thương hiệu lừng lẫy đã được ấp ủ bởi cậu bé nghèo đến từ Brooklyn, Howard Schultz. Đó là một hành trình dài, trước khi gặt hái được thành công, Schultz đã nếm trải đủ đau thương và thất bại.
Bất chấp những tháng ngày tồi tệ đã phải đối mặt, Starbucks đã thay đổi cách nhìn nhận của quần chúng về cà phê và biến nó thành một trải nghiệm thay vì chỉ là một loại đồ uống. Đây là cách Schultz xây dựng đế chế cà phê trị giá 80 tỷ USD từ con số không.
Howard Schutz là đứa trẻ thuộc thế hệ đầu tiên trong gia đình anh được học đại học. Tuy nhiên, cậu đã không may bị thương trong một trận đấu bóng đá ở trường đại học ở phía bắc Michigan và phải bỏ dở việc học. Sau đó, Howard bắt đầu làm bartender. Khi ấy chàng trai trẻ đã sống những ngày "lay lắt" đến cùng cực, thậm chí đôi khi anh phải bán máu để có đủ tiền mua những thứ cần thiết.
Sau đó, Schultz tìm đến chương trình đào tạo bán hàng để học thêm kiến thức về kinh doanh. Ngoài ra, ông cũng bắt đầu làm việc với một công ty Thụy Điển bán đồ dùng nhà bếp, nhưng Howard cảm thấy mình chưa sống đúng với tiềm năng của bản thân. Ông không cảm thấy hài lòng ngay cả khi trở thành Phó chủ tịch và Tổng giám đốc tại công ty này. Howard Schutz không chỉ muốn một khoản lương 75.000 đô la mỗi tháng, những chiếc xe sang trọng và những kỳ nghỉ - Ông muốn xây dựng một đế chế của riêng mình.
Vào năm 1962, Gordon Bowker, một trong những người sáng lập Starbucks ban đầu đã nếm thử cà phê cappuccino tuyệt hảo tại một quán cà phê ở Rome khi đi du lịch khắp châu Âu. Nó không giống như cà phê hòa tan hay cà phê thông thường mà người Mỹ thường uống.
Sau chuyến chu du vòng quanh thế giới trở về quê nhà ở Seattle, ông bắt đầu theo đuổi sở thích cà phê bằng cách ghé thăm Murchie's, một cửa hàng bán hạt cà phê chưa rang. Khi nảy ra ý tưởng mở một cửa hàng cà phê "độc nhất vô nhị" ở Seattle, ông đã đề nghị những người bạn của mình là Jerry Baldwin và Zev Segal tham gia.
Ba người họ sau đó đã nhận được sự giúp đỡ của Alfred Peet, chủ sở hữu Peet's Coffee. Peet ban đầu là một người nhập cư Hà Lan, ông có kiến thức chuyên môn về tất cả các loại hạt cà phê. Chính Peet là người đã dạy họ cách rang cà phê và pha cà phê sẫm màu theo cách của người châu Âu.
Năm 1981, Starbucks thu hút sự chú ý của Howard Schultz khi ông nhận thấy rằng một doanh nghiệp nhỏ nhưng lại mua rất nhiều sản phẩm, thậm chí nhiều hơn cả Macy's. Ông không thể cưỡng lại việc ghé thăm cửa hàng Seattle của họ ở Pike Place Market. Ở đó, Schultz biết rằng Starbucks chỉ bán hạt cà phê bán lẻ và cung cấp dịch vụ nếm thử cà phê. Khi nếm thử cà phê ở đây, Howard Schultz xác định đây chính là thứ mình tìm kiếm bấy lâu nay.
Howard đã liên hệ với Jerry Baldwin và cố gắng thuyết phục để được góp cổ phần và biến Starbucks thành một thương hiệu toàn cầu. Lúc đầu, ba người họ nghi ngờ Schultz, nhưng cuối cùng, ông cũng nhận được sự chấp thuận của cả ba.
Sau khi gia nhập một năm, Howard được cử đến Milan để tham dự một sự kiện quốc tế. Tại đây, ông đã khám phá ra hương vị thực sự của latte và sau đó trở lại Seattle với ý tưởng biến Starbucks thành một quán cà phê. Ba thành viên khác của nhóm không hài lòng lắm với ý tưởng mới này. Họ muốn gắn bó với Starbucks như ban đầu - một cửa hàng bán lẻ hạt cà phê.
Tại thời điểm này, Jerry Baldwin và hai người bạn của mình quan tâm hơn với việc mua Peet's Coffee thay vì phát triển Starbucks sang một con đường mới. Thương vụ kinh doanh này không có lợi cho Starbucks; nó phát sinh các khoản nợ lớn và đưa họ đến gần phá sản.
Sau đó, Howard đã thực hiện một bước đi táo bạo của mình là mở cửa hàng mang tên Il Gionale, được mô phỏng theo những quán cà phê ở Ý. Nhưng kiểu văn hóa cà phê đó không phổ biến vào những năm 1970 và 80 ở Mỹ.
Howard may mắn hơn khi mua lại Starbucks từ Jerry và đồng nghiệp với chi phí 3,8 triệu đô la. Đồng thời, Il Giornale cũng bắt đầu khởi sắc. Nhưng con đường phía trước vẫn chưa hết chông gai. Một lần nữa Starbucks rơi vào khủng hoảng.
May mắn thay tỷ phú đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates, đã hỗ trợ Schultz tại thời điểm đó. Nhờ huy động tiền từ một nhóm các nhà đầu tư nhỏ, Howard một lần nữa có thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng và khai sinh ra Starbucks tồn tại cho đến ngày nay.
Kể từ thời điểm đó, Starbucks lên như diều gặp gió. Như chúng ta đã thấy, hiện nay thương hiệu này đã "phủ sóng" tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Công lao tất cả thuộc về cậu bé đến từ Brookly, người đã không từ bỏ ước mơ của mình và biến nó thành một công ty trị giá 80 tỷ đô la.
Ngày nay Starbucks sản xuất khoảng 57% lượng cà phê được tiêu thụ trên toàn cầu. Sau những điều đã trải qua, Howard Schultz đã nhấn mạnh 2 bài học quan trọng nhất:
1. Hãy mơ những giấc mơ lớn. Hãy tin rằng bạn có thể thành công. Hãy tin rằng bạn có thể đạt được những điều được cho là không thể.
2. Thay đổi tư duy, nghĩ về những gì bạn có thể đạt được, thay vì những gì mọi người nói với bạn rằng bạn không thể.
Nguồn: The Richest
Nhịp sống kinh tế