Chiều ngày 20/4 vừa qua, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đột ngột qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 69 tuổi. Thông tin được gia đình và người bạn thân của anh nhà thơ Trần Đăng Khoa xác nhận. Thời gian mất được ước chừng từ 14 giờ tới 15 giờ.
"Anh Cầm bị bệnh phổi. Có lẽ do tắc nghẽn đột ngột và anh đã ra đi. Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Xin chia buồn với gia đình nhà thơ và những bạn đọc yêu mến Hoàng Nhuận Cầm" – nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã khiến công chúng vô cùng bất ngờ và tiếc thương. Tên tuổi của anh vốn đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ trong lòng khán giả qua hình ảnh "bác sĩ Hoa Súng" tại chương trình Gặp nhau cuối tuần đình đám một thời.
Tài năng thơ ca và truyền hình, chỉ viết nguệch ngoạc 4 dòng thơ trong một lần đi chơi cũng được lên báo
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn học nghệ thuật nên từ nhỏ, Hoàng Nhuận Cầm đã được nuôi dưỡng một tình yêu với thi ca và tâm hồn đầy lãng mạn, qua việc tiếp xúc sớm với tác phẩm của những thi nhân nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Duy…
Nhờ đó, Hoàng Nhuận Cầm từ bé đã học văn rất giỏi và có năng khiếu làm thơ. Có lần, cả nhóm bạn đang đi chơi với nhau, qua tòa soạn báo Nhân Dân, bỗng nhiên Hoàng Nhuận Cầm nảy ra một ý thơ.
Ngay lập tức, anh xé mẩu giấy nhỏ, viết nguệch ngoạc bài thơ 4 câu, ký tên, thả vào hộp thư bên ngoài toà soạn, thế rồi bài thơ ấy cũng được đăng. Có lẽ vì sẵn tài nên thơ đến với anh thật nhanh.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Hoàng Nhuận Cầm theo đuổi đam mê của mình bằng cách thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 16).
Tại đây, anh được tiếp thu kiến thức về văn chương, thi ca một cách hệ thống và đặc biệt say mê tìm hiểu về thơ ca dân gian, thơ Mới Việt Nam. Đây là tiền đề giúp anh đi theo con đường thơ ca chuyên nghiệp sau này.
Tuy nhiên, Hoàng Nhuận Cầm khoác áo sinh viên chưa được bao lâu thì chiến tranh nổ ra. Năm 1971, anh cùng đông đảo bạn bè đồng khoá trong Khoa Ngữ văn đã tình nguyện nhập ngũ, xếp lại sách vở để khoác ba lô ra trận.
Từ đó, Hoàng Nhuận Cầm đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, đặc biệt là mặt trận Trị Thiên - Huế.
Những tháng ngày bom đạn, máu lửa gian khổ mà hào hùng ấy đã tạo nên vốn sống, trải nghiệm sâu sắc và in dấu đậm nét trong cả sự nghiệp thơ ca của anh.
Sau chiến tranh, Hoàng Nhuận Cầm về học lại Khoa Ngữ văn rồi chuyển sang công tác trong ngành điện ảnh truyền hình.
Dù làm trái ngành, nhưng Hoàng Nhuận Cầm vẫn dành trọn tâm trí của mình cho thơ ca và thường xuyên sáng tác thơ một cách đều đặn.
Năm 1981, Hoàng Nhuận Cầm làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó, anh chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2005.
Trước khi qua đời, Hoàng Nhuận Cầm đang sống cùng vợ tại Hà Nội. Anh là một hội viên tích cực của Hội Nhà văn Việt Nam, và cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân.
Từ ngày Hoàng Nhuận Cầm lãnh thêm trách nhiệm là một nhà biên kịch ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam, hầu như anh lúc nào cũng bận rộn.
Đặc biệt, Hoàng Nhuận Cầm còn từng xuất hiện trên truyền hình qua hình ảnh "bác sĩ Hoa Súng" trong chương trình Gặp nhau cuối tuần. Dù không phải diễn viên chuyên nghiệp, nhưng anh vẫn lôi cuốn công chúng bởi lối ăn nói, đối đáp đầy dí dỏm, hài hước của mình.
Cho đến giờ, hình ảnh "bác sĩ Hoa Súng", vị bác sĩ biết tuốt, chuyên chữa trị những căn bệnh khó nói, oái ăm đã trở thành một phần không thể phai mờ trong lòng công chúng.
Ngoài "bác sĩ Hoa Súng", Hoàng Nhuận Cầm cũng từng vào vai một nhà thơ trong phim Số đỏ.
Một tên tuổi lớn, quan trọng của thế hệ thi nhân sau chiến tranh, được giảng dạy tại các trường đại học
Như bao thi nhân nổi tiếng khác, Hoàng Nhuận Cầm theo đuổi một phong cách thơ lãng mạn, tình tứ và đầy xúc cảm. Độc giả biết đến anh trước tiên qua những bài thơ tình nổi tiếng.
Thơ của Hoàng Nhuận Cầm nói lên tiếng lòng của thế hệ trí thức trẻ, lứa tuổi thanh xuân từng trải qua chiến tranh, bom đạn như chính những gì anh từng trải qua. Đó là những bài thơ mang đậm cái tôi thế hệ của một giai đoạn lịch sử hào hùng, như lời tác giả Hoàng Sơn từng nói;
"Bên cạnh một Nguyễn Duy già dặn, từng trải, một Nguyễn Đức Mậu còn vương lửa khói và đất bụi chiến hào, một Lâm Thị Mỹ Dạ nhẹ nhõm, giàu nữ tính là một Hoàng Nhuận Cầm trẻ trung, tươi rói như màu quân phục mới, như tiếng chim cất lên trên vòm me sân trường…".
Đến nay, Hoàng Nhuận Cầm đã cho ra mắt nhiều tập thơ, trong đó nổi bật là Thơ tuổi hai mươi (1974), Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983), Xúc xắc mùa thu (1993).
Anh cũng từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ do tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 1973, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993.
Là một người từng trải qua bom đạn chiến trường nên Hoàng Nhuận Cầm đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa 2 yếu tố lịch sử và thi ca để tạo nên một thương hiệu thơ riêng của mình.
Trong suốt chặng đường sự nghiệp của mình, Hoàng Nhuận Cầm chưa một phút giây nào ngưng đam mê thơ ca và phụ lòng độc giả.
Có lần, Hoàng Nhuận Cầm đến giao lưu với sinh viên của một trường nghệ thuật và được hỏi rất nhiều về hình tượng xúc xắc trong bài thơ Viên xúc xắc mùa thu, anh đã say sưa giải thích tới mức cả hội trường đều im phăng phắc nghe.
Hoàng Nhuận Cầm dùng hình ảnh con xúc xắc để chỉ ra những bất ngờ, ngã rẽ của thơ ca, nghệ thuật.
Với thơ anh, viên xúc xắc lắc cắc 6 mặt đời và cũng để đời va đập từ mọi phía. Anh chỉ ra những gương mặt tâm hồn đa dạng trong thơ, đồng thời cũng chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa thơ ca với cuộc đời.
Cuối cùng, anh khẳng định: "Thơ tôi chính là hơi thở của tôi. Thiếu nó, tôi không chết ngay nhưng sẽ chết ngạt và chết dần dần…". Những lời giải thích này đã trở thành một câu chuyện đáng nhớ trong văn học, thường được các giáo viên dạy văn kể lại cho học sinh của mình.
Với những cống hiến, đóng góp của mình, Hoàng Nhuận Cầm được xếp vào một trong những tên tuổi quan trọng của thế hệ thi nhân sau chiến tranh 1975. Thơ của anh thường xuyên được giảng dạy tại các trường đại học.
Pháp luật & Bạn đọc