Chạy xe trong một buổi chiều tháng 6, anh Lê Văn Tuấn ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã mất lái khiến phương tiện "chồm lên" vỉa hè. Giật mình trước tình huống này, anh cho biết đã trả lại lái rồi cho xe vào lề đường, dừng lại ít phút định thần những gì vừa xảy ra.
"Tôi không biết đã xảy ra chuyện gì trước đó, dường như cơ thể đã tự thiếp đi trong vài chục giây. Lúc đó tôi đang rất buồn ngủ và dự định sẽ cố gắng lái tiếp vì chỉ còn cách nhà vài cây số", anh nhớ lại. "Hôm ấy tôi đã chạy xe cả ngày, vượt mấy trăm km nên cơ thể cũng tương đối mệt mỏi".
Trường hợp của anh Tuấn không phải cá biệt. Nhiều lái xe cho biết họ không ít lần rơi vào trạng thái buồn ngủ, mắt trở nên nặng trĩu. Một số tài xế truyền tai nhau các cách để chống lại cơn buồn ngủ như sử dụng cà phê, uống trà, nhai kẹo cao su, hạ cửa kính hay lấy gió ngoài cho điều hòa…
Tuy nhiên, những biện pháp trên dường như không mang lại hiệu quả tuyệt đối. Cơn buồn ngủ có thể tiếp tục lấn át nỗ lực của người cầm vô-lăng mà chính họ không biết. Theo kinh nghiệm của các "tài già", trạng thái ấy còn được gọi là "giấc ngủ trắng". Đó là lúc bộ não chỉ đạo cơ thể phải tiếp tục lái xe nhưng các bộ phận lúc này không còn nghe lời tuyệt đối.
"Giấc ngủ trắng" thường ập đến vào thời gian trưa, sau khi lái xe dùng bữa thì "căng cơ bụng, trùng cơ mắt". Đó cũng có thể là lúc chiều tà, cơ thể bắt đầu rệu rã bởi một ngày làm việc mệt mỏi. Đôi mắt tài xế khi ấy có thể vẫn mở, nhưng cơ thể rơi vào trạng thái ngủ, có thể chỉ là vài giây thôi nhưng khi đang lái xe thì lại đặc biệt nguy hiểm.
Với các tài xế ô tô, "giấc ngủ trắng" nguy cơ xuất hiện cao hơn vì ngồi trong khoang xe thoải mái, cộng với sự dịu mát của điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, nó cũng có thể ập đến với cả người đi xe máy.
"Có lần tôi đèo con nhỏ phía sau, chiếc ô tô đi bên cạnh cứ thế chạy song song và gọi lớn. Lúc này tôi mới kịp bừng tỉnh, hóa ra người ta thấy mình vừa đi xe máy vừa ngủ nên đã gọi để đánh thức. Lúc này, mồ hôi túa ra toàn thân tôi, phải tạt vào lề đường để bình tâm lại trong ít phút mới dám đi tiếp", chị Trần Hồng Hải ở Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện.
Theo chị Hải, lúc đó chị không hề ý thức rằng mình buồn ngủ và càng chẳng hay mình đang ngủ trong khi lái xe. Tuy nhiên sau lần đó, chị đã điều chỉnh lại việc đi đường của mình nhằm đảm bảo an toàn.
"Để chống lại cơn buồn ngủ trong khi lái xe thì cách tốt nhất là… để thuận tự nhiên", Nguyễn Văn Tâm, tài xế xe khách với hơn 10 năm cho hay. "Điều đó có nghĩa, khi mình buồn ngủ thì hãy nhanh chóng cho xe vào lề đường, tại nơi được phép dừng đỗ một cách an toàn, rồi chợp mắt trong ít phút. Có thể chỉ là 10-15 phút thôi nhưng sau đó bạn sẽ thấy cơ thể mình hoàn toàn tỉnh táo, từ đó tiếp tục hành trình một cách an toàn".
Theo anh Tâm, một số người vẫn cố chạy xe khi cơn buồn ngủ ập đến và điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. "Chỉ 1-2 giây mất kiểm soát thôi, bạn có thể phải đánh đổi bằng cả sức khỏe và tính mạng của mình cũng như những người trên xe. Tai nạn thường xảy đến trong tích tắc và đừng để cơn buồn ngủ làm bạn giật mình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vừa rồi đã xảy ra chuyện gì?".
Tài xế này cũng cho rằng để tránh rơi vào trạng thái buồn ngủ thì người lái xe nên có lịch trình sinh hoạt phù hợp, ngủ đủ và giữ tinh thần, thể trạng thoải mái trước khi lên đường. Bên cạnh đó, cũng không nên "chạy hết sức" mà có thể chia các chặng để nghỉ ngơi, vừa vệ sinh cá nhân, vừa kiểm tra lại phương tiện nếu di chuyển đường dài.
"Kẹo cao su, mở nhạc sôi động, cà phê… chỉ hỗ trợ tạo tâm lý thoải mái hơn khi lái xe. Theo tôi, đấy không phải lựa chọn tốt để chống lại cơn buồn ngủ. An toàn hơn cả vẫn là chợp mắt ít phút để cơn buồn ngủ qua đi, không nhanh chậm gì 5-10 phút để rồi có thể phải ân hận cả đời", tài xế Tâm nêu quan điểm.
Gia An