Đúng như Jean-Claude Carrière và Umberto Eco – hai độc giả vĩ đại, hai người chuyên sưu tập sách cổ và hiếm lừng danh đã trò chuyện với nhau trong cuốn sách "Đừng mơ từ bỏ sách giấy" - những cuốn sách giấy, cũng giống như bánh xe, là một dạng của sự hoàn hảo không thể hoàn thiện hơn trong trật tự của óc tưởng tượng, và là “bánh xe của tri thức và của trí tưởng tượng” mà các cuộc cách mạng công nghệ đáng gờm sẽ không bao giờ ngăn chặn được.
Nếu cần một minh chứng cho thấy con người vẫn thích vật phẩm cầm được trên tay hơn là đồ vật ảo, thị trường sách có thể là một điển hình. Hàng loạt khảo sát cho thấy sau một vài năm hăm hở trải nghiệm các thiết bị đọc sách điện tử như Kindle, nay nhiều người vẫn thích đọc sách giấy hơn là sách điện tử.
Sách in vẫn lấn lướt
Một khảo sát của Statista (đồ họa bên dưới) cho thấy trong năm 2020, ở nhiều nước trên thế giới, tỉ lệ mua sách giấy luôn cao hơn tỉ lệ mua sách điện tử. Cao nhất là Đức (58% mua sách giấy so với chỉ 10,4% mua sách điện tử), cao không kém là Pháp (52,1% so với 7,5%) và Anh (48,7% so với 20%). Điều đáng ngạc nhiên là tỉ lệ này tương đối khác ở Trung Quốc, nơi theo khảo sát có 32% mua sách giấy và 24,4% mua sách điện tử.
Một khảo sát khác của Pew Research tiết lộ sách in vẫn được mọi người ưa chuộng hơn nhiều so với ebook. Trong khảo sát này, tiến hành vào năm 2019 tại Mỹ, có 37% người tham gia khảo sát cho biết chỉ đọc sách giấy và 7% nói chỉ đọc sách điện tử (trong đó tính cả sách nói), còn đọc cả sách giấy và sách điện tử thì tỉ lệ là 28%.
Trong năm 2020, có đến 750 triệu bản sách in được bán ra ở Mỹ so với 191 triệu bản sách điện tử, tính ra lượng sách in bán được cao gấp 4 lần sách điện tử. Một con số khác cũng đáng lưu ý là năm 2020, 19% người Mỹ trưởng thành có sở hữu máy đọc sách, một mức giảm đáng kể so với tỉ lệ 32% vào năm 2014.
Sự yêu ghét này thể hiện rõ nhất trên doanh thu của các nhà xuất bản. Mặc dù nhà nào cũng thử nghiệm các hình thức làm sách khác nhau, đặc biệt gần đây là sách nói, nguồn thu chủ yếu của họ là từ sách in. Tổng doanh thu ngành xuất bản sách ở Mỹ năm 2019 lên đến 26 tỉ USD nhưng gần 75% là do sách in đem lại; doanh thu ebook chỉ chiếm 7,5%
Vì sao?
Trước đây khi so sánh lợi thế giữa sách in và sách điện tử, ai nấy đều liệt kê những chuyện hiển nhiên như một máy đọc sách có thể chứa hàng ngàn cuốn sách điện tử, font chữ có thể tăng giảm tùy thích, máy lại có sẵn từ điển để gặp từ khó có thể tra cứu ngay…
Thế nhưng những lợi thế này không giúp sách điện tử lấn sân sách in. Cũng như xem phim trên Netflix, giữa một rừng phim hay một rừng sách, rất dễ đọc lướt sách này rồi bỏ qua, nhảy đến sách khác như kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Càng có nhiều chọn lựa, người ta càng dễ lúng túng và chóng chán.
Quan trọng hơn, sách điện tử đã “bình dân hóa” ngành xuất bản; bất kỳ ai cũng có thể “ra sách” đều đặn bất kể chất lượng, bất kể số lượng bán được. Trên các nền tảng như Amazon, Smashwords… không hiếm sách rao giá 1 USD, thậm chí biếu không. Sau một thời kỳ hăm hở tải loại sách này về máy, người ta sực tỉnh nhận thấy chất lượng của chúng còn không đáng để lưu trên máy chứ đừng nói bỏ thời gian ra đọc.
Không phải vơ đũa cả nắm, nhưng ngoại trừ một số sách tốt hiếm hoi, sách tự xuất bản gây thất vọng ở người đọc hơn sách do các nhà xuất bản lớn tuyển chọn, biên tập và phát hành. Mua sách giấy từ các nhà xuất bản này là được bảo đảm một phần về chất lượng so với tình trạng thượng vàng hạ cám ở sách điện tử.
Nói gì thì nói, cầm trên tay cuốn sách nằng nặng, còn thơm mùi mực in thích hơn nhiều so với cầm chiếc máy Kindle vô hồn. Sách đọc trên giấy tạo ấn tượng mạnh hơn, thật hơn so với khi đọc trên màn hình. Khi được hỏi, nhiều sinh viên cho rằng họ nhớ nội dung lâu hơn nếu đọc từ sách in so với đọc từ sách điện tử.
Khảo sát cũng cho thấy trẻ em học nhanh hơn với sách giấy so với sách giáo khoa điện tử, kể cả chuyện phát triển các kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng liên tưởng… Chính vì thế sách giáo khoa điện tử lại không phát triển như kỳ vọng, ở ngay những nước giàu như Mỹ, Anh, Canada.
Một lý do khác, cũng khá quan trọng, là người ta thích nhìn ngắm các cuốn sách đã đọc để có cái cảm giác về đích sau một chặng đường có thể rất vất vả. Trưng bày sách in trên tủ sách trong nhà cũng là cách nói với thế giới ta đã đọc gì.
Còn nhớ năm ngoái có trào lưu săm soi qua màn hình tivi những nhân vật nổi tiếng trả lời phỏng vấn, xem thử tủ sách sau lưng họ có cuốn gì. Mặc dù nội dung phỏng vấn nói chuyện khác, báo chí lại phóng lớn hình ảnh để đọc từng tựa đề sách và tập trung phân tích sở thích đọc sách của những người này. Giả thử họ đọc toàn ebook trên Kindle thì làm sao săm soi cho ra?
Kỹ thuật thiết kế bìa, in ấn sách cũng đã có những tiến bộ vượt bậc, khiến việc mua sách về không chỉ để đọc mà còn là thú vui sưu tầm như sưu tầm một tác phẩm mỹ thuật của nhiều người hay cách trang trí tường nhà của nhiều người khác.
Có nhiều tác giả ghét ebook. JD Salinger, tác giả cuốn Bắt trẻ đồng xanh, nhiều lần từ chối xuất bản sách của ông ở dạng điện tử. Chỉ gần đây gia đình ông mới đồng ý làm ebook cho các tác phẩm của ông sau khi nhận thư một độc giả ở Michigan cho biết vì bị tật ở tay phải nên không cầm sách in được và đề nghị gia đình nên cho xuất bản cuốn Bắt trẻ đồng xanh ở dạng ebook.
Nhiều tác giả khác cũng dị ứng với ebook như Ray Bradbury, người từng viết nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng lại không muốn đưa sách lên mạng.
Tuy nhiên một định dạng mới của sách điện tử là sách nói có thể sẽ là xu hướng của tương lai. Cũng như tin ở dạng đọc – podcast – đang được ưa chuộng, tốc độ phát triển sách sách nói đang lấn lướt các định dạng khác.
Năm 2020 doanh thu sách nói ở Mỹ đã cán mốc 1,3 tỉ USD; từ năm 2010 đến 2020 số đầu sách nói tăng từ 6.000 lên hơn 71.000. Có lẽ với dịch Covid-19 người ta ở nhà nhiều hơn, muốn nghe sách nói để có thể vừa làm việc nhà vừa “đọc” được sách.
Trái với suy đoán của nhiều người, giới trẻ đọc sách in nhiều hơn các thế hệ lớn tuổi. Theo khảo sát của Hãng Nielsen, 63% lượng sách in bán ra ở Anh là cho người từ 44 tuổi trở xuống trong khi 52% sách điện tử là bán cho người từ 45 tuổi trở lên. Tình hình cũng tương tự ở Mỹ, theo Pew Research, có đến 75% người từ 18 - 29 tuổi nói có đọc sách in trong năm 2017, cao hơn tỉ lệ chung của toàn dân số trưởng thành là 67%. |