Bài viết này sẽ phân tích những manh mối trong truyện để tìm ra chân tướng sư phụ của Vương Trùng Dương.
Sức mạnh của Ngũ Tuyệt thiên hạ
Trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, những cao thủ ẩn mình đều có những mối ân oán giang hồ phức tạp. Đây chính là sức hút của câu chuyện Kim Dung. Ông mô tả một thế giới võ lâm luôn có những cao thủ với võ công cái thế. Ví dụ như trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ có nhắc đến một cao thủ ẩn dật, đó là Trung Thần Thông Vương Trùng Dương. Tứ tuyệt Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái đều đã là cao thủ tuyệt đỉnh, vậy mà võ công của Vương Trùng Dương còn cao hơn cả họ. Người này mạnh đến mức nào?
Ngũ Tuyệt chính là năm người tham gia Hoa Sơn luận kiếm năm xưa. Cuộc chiến năm đó long trời lở đất. Chu Bá Thông từng hồi tưởng lại: "Năm đó vào lúc cuối đông, trên đỉnh Hoa Sơn, tuyết phủ kín núi. Năm người bọn họ vừa nói chuyện vừa so tài, giữa trời tuyết lớn cứ thế so chiêu suốt bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng, Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái bốn người đều phải bái phục võ công thiên hạ đệ nhất của sư huynh tôi là Vương Trùng Dương".
Trong các tình tiết tiếp theo, Nam Đế, Bắc Cái, Đông Tà, Tây Độc đều xuất hiện. Ngoại trừ Nam Đế đã xuất gia, sống ẩn dật, ba cao thủ còn lại gần như hoành hành ngang dọc trong võ lâm.
Lấy Hoàng Dược Sư làm ví dụ, một mình ông có thể đối phó với cả Toàn Chân thất tử cùng Kha Trấn Ác. Trong khi đó, Giang Nam thất quái liên thủ cũng chỉ có thể đánh ngang tay với một trong Toàn Chân thất tử là Khâu Xứ Cơ. Từ đó có thể thấy được danh xưng "Ngũ Tuyệt" danh xưng biểu thị địa vị võ lâm cao đến nhường nào.
Ngay cả Hoàng Dược Sư, một người kiêu ngạo như vậy, khi nhắc đến Vương Trùng Dương cũng chỉ có thể ngưỡng mộ. Ông từng nói: "Từ khi Vương Trùng Dương chân nhân qua đời, thiên hạ không còn ai xứng đáng với danh hiệu võ công đệ nhất nữa". Hoàng Dược Sư là người kiêu ngạo đến thế, nếu Vương Trùng Dương chỉ hơn ông ta một chiêu nửa thức, e rằng ông ta cũng không bội phục Vương chân nhân đến vậy. Như vậy, có thể thấy, thực lực của Vương Trùng Dương vượt xa bốn người còn lại. Vậy một cao thủ mạnh như vậy, sư phụ của ông ắt hẳn cũng là một cao nhân tuyệt thế.
Bí ẩn nguồn gốc của giường hàn ngọc
Muốn biết sư phụ của Vương Trùng Dương là ai, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về giường hàn ngọc. Xuất xứ của chiếc giường này lại có liên hệ với người sáng lập ra phái Cổ Mộ, Lâm Triều Anh. Bà cũng là một cao thủ tuyệt đỉnh nhưng cũng giống như Vương Trùng Dương, Lâm Triều Anh chưa từng chính thức xuất hiện.
Trong Thần Điêu Hiệp Lữ có nhắc đến một sự kiện xảy ra trong thời điểm Anh Hùng Xạ Điêu, đó là việc Lâm Triều Anh bị người khác đánh trọng thương. Với trình độ võ công của Lâm Triều Anh, ai có thể đánh bà thương nặng như vậy? Thế nhưng, điều đáng suy ngẫm hơn chính là việc Vương Trùng Dương đi đến vùng đất cực lạnh để tìm băng hàn ngọc. Ông nói: "Ta nghe nói ở vùng đất cực bắc giá lạnh, có một loại đá gọi là hàn ngọc, có thể chữa khỏi bệnh nặng, trị được bệnh nan y, ta phải đi tìm cho muội muội ta."
Đó chính là nguồn gốc của giường hàn ngọc. Lâm Triều Anh nằm trên giường hàn ngọc mới giữ được tính mạng. Nhưng vùng đất cực bắc mà ông nhắc đến là nơi nào? Có lẽ không phải là Bắc Cực, bởi với điều kiện của người xưa, đến Bắc Cực chẳng khác nào đi chịu chết. Không chỉ Bắc Cực, e rằng đến Siberia hay vùng Đông Bắc ngày nay, họ cũng không chịu nổi. Vì vậy, vùng đất cực bắc mà Vương Trùng Dương nhắc đến, rất có thể là vị trí của Tây Hạ ngày xưa.
Thế nhưng, tại sao Vương Trùng Dương lại biết nơi ông ta đến có đá hàn ngọc, và tại sao loại đá này lại có thể chữa thương? Rõ ràng, những chi tiết này đều do có người nói Vương Trùng Dương biết, hoặc đây là kiến thức mà ông ta tiếp nhận từ sư phụ của mình. Trang Sohu đưa ra giả thuyết, nhiều khả năng sư phụ của ông là Cung chủ Linh Thứu Cung năm xưa, cũng chính là Hư Trúc, vị phò mã Tây Hạ.
Cao nhân đến từ Tây Hạ
Tại sao lại nói Hư Trúc là sư phụ của Vương Trùng Dương? Thiên Long Bát Bộ và Xạ Điêu Tam Bộ Khúc chưa chắc đã có liên quan. Thế nhưng, bản viết cũ có thể không có liên kết, nhưng trong bản cập nhật có liên quan. Ví dụ như trong hồi cuối của bản viết mới của Thiên Long Bát Bộ có nhắc đến một đoạn như sau: "Nhiều năm sau, trong Cái Bang xuất hiện một thiếu niên anh hùng, tính tình trầm ổn, giỏi giang, được mọi người yêu mến. Các thành viên Cái Bang đều đồng ý, đề cử anh ta làm Bang chủ. Mọi người tôn trọng ý nguyện ban đầu của Tiêu Phong, đưa người này đến Linh Thứu Cung, trước tiên để Hư Trúc khảo nghiệm công nhận, sau đó truyền thụ cho anh ta Đả Cẩu Bổng Pháp và Giáng Long Thập Bát Chưởng. Vị Bang chủ trẻ tuổi này không phụ lòng mong đợi, học được thần công, lại chỉnh đốn Cái Bang ngày càng hưng thịnh. Từ đó về sau, Cái Bang coi Linh Thứu Cung như ân nhân."
Đến Anh Hùng Xạ Điêu, Kim Dung cũng đã đưa ra đáp án: "Thời Bắc Tống, Bang chủ Cái Bang Tiêu Phong dùng võ công này để tỉ thí với các anh hùng thiên hạ, rất ít người đỡ được ba chiêu hai thức của anh ta. Khi đó có Giáng Long Nhị Thập Bát Chưởng, sau được Tiêu Phong và nghĩa đệ Hư Trúc giản lược, chọn lọc những chiêu thức tinh túy, uy lực mạnh mẽ, đổi thành Giáng Long Thập Bát Chưởng. Bộ chưởng pháp này được truyền đến tay Hồng Thất Công, khi luận kiếm trên đỉnh Hoa Sơn với Vương Trùng Dương, Hoàng Dược Sư và những người khác, Vương Trùng Dương cùng những người còn lại đều khen ngợi."
Có thể thấy thế giới quan của hai tác phẩm thực sự là nhất quán. Và điều này cũng đặt ra một vấn đề mới, nếu thế giới quan của Thiên Long Bát Bộ và Xạ Điêu Tam Bộ Khúc là nhất quán, tại sao sau này không thấy Hư Trúc, hoặc là truyền nhân của Tiêu Dao phái, Linh Thứu Cung? Nếu kết hợp với những trải nghiệm của Vương Trùng Dương, mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng.
Hư Trúc có thân phận đặc biệt, ông không chỉ là Chưởng môn Tiêu Dao phái, Cung chủ Linh Thứu Cung, mà còn là phò mã Tây Hạ. Vì vậy, sớm muộn gì ông cũng phải quay về Tây Hạ với Mộng Cô. Tây Hạ và Kim quốc có chút xung đột, mà Vương Trùng Dương thời trẻ lại là người tham gia khởi nghĩa chống quân Kim. Có thể, Hư Trúc chính là người đã dùng thân phận phò mã Tây Hạ để thu nhận Vương Trùng Dương thời niên thiếu làm đồ đệ. Cũng chính trong thời gian này, Vương Trùng Dương đã biết ở Tây Hạ có một hầm băng, bên trong có băng cực lạnh, có tác dụng chữa thương.
Việc Vương Trùng Dương năm xưa có thể áp đảo Tứ Tuyệt, cũng là nhờ sư phụ của ông là Hư Trúc. Điều này cũng giải thích tại sao sau này ông lại xuất gia làm đạo sĩ chứ không phải quy y cửa Phật. Xét cho cùng, Tiêu Dao phái là một môn phái Đạo gia. Như vậy, mọi nguyên nhân và kết quả đều được giải thích rõ ràng.