Ngay từ những năm đầu tiên sau giải phóng, nhằm mở rộng hệ thống giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, Sở Giao thông vận tải TP đã tập trung nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường. Đồng thời, TPHCM cũng xây mới nút giao thông Phú Lâm, nút giao thông Hàng Xanh...
Những năm tiếp theo, nhiều công trình giao thông được hoàn thành, từng bước đánh dấu sự phát triển và thay đổi diện mạo TPHCM như hệ thống trục đường Bắc - Nam với nhiều cầu lớn như cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tân Thuận 2, cầu Khánh Hội... Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng công nghệ mới, TPHCM đã sửa chữa và nâng cấp cầu chữ Y, cầu Tân Thuận, cầu Sài Gòn...
Ngoài ra, TPHCM còn có thêm hệ thống trục đường Đông - Tây với các tuyến đường chính như đường Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13... Từ đó, giao thông TPHCM được kết nối và tạo sự phát triển nhanh dọc hai bờ sông Sài Gòn.
Những năm gần đây, Sở GTVT TPHCM đã đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm, tạo diện mới cho giao thông đô thị thành phố. Một số công trình đáng chú ý như tuyến Đại lộ Đông - Tây từ nút giao Tân Kiên - Bình Chánh đến ngã ba Cát Lái; đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm.
Đại lộ Đông Tây dài gần 22km, điểm đầu là nút giao với quốc lộ 1A chạy qua Bình Chánh và điểm cuối là giao lộ với xa lộ Hà Nội (quận 2). Đại lộ này sau được đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. Đoạn nối chính là hầm vượt sông Sài Gòn.
Hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) dài gần 1,5km, rộng hơn 33m và cao gần 9m với hai chiều xe, mỗi chiều có 3 làn xe gồm hai làn ô tô và một làn xe máy. Công trình được thiết kế có tuổi thọ vận hành 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Năm 2011, đường hầm được đưa vào hoạt động sau hơn 3.000 ngày thi công.
Giao thông TPHCM được cải thiện đáng kể với tuyến đường hướng tâm Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, tức đại lộ Phạm Văn Đồng (12 làn xe).
Đây là trục đường hướng tâm quan trọng của thành phố, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1 và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Tuyến đường này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra diện mạo đô thị mới của thành phố.
Theo Sở GTVT TPHCM, để xây dựng tuyến đường này, thành phố đã di dời, giải tỏa gần 4.000 hộ dân và đơn vị với diện tích hơn 60ha, di dời hơn 42 công trình hạ tầng kỹ thuật. Chi phí xây dựng khoảng 2.915 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ đồng.
Một nét mới tạo đột phá trong giao thông đô thị TPHCM là đưa vào sử dụng các cầu vượt thép để giảm ùn tắc giao thông tại nút giao Hàng Xanh, Thủ Đức, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn - Cộng Hòa, 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ, vòng xoay cây Gõ, ngã 6 Gò Vấp, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, cầu vượt Trường Sơn (trước sân bay Tân Sơn Nhất)...
Ngoài ra, TPHCM cũng đầu tư xây dựng một số cầu bắc qua sông Sài Gòn để giảm ùn tắc giao thông như cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm.
Cầu Sài Gòn 2 được xây dựng song song với cầu Sài Gòn hiện hữu, dài gần 1km, được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Dự án có tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng, theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Cầu được đưa vào khai thác năm 2013.
Dân số tăng nhanh, việc phát triển các loại hình giao thông sức chứa lớn là tất yếu và TPHCM đã quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị.
Cùng với sự phát triển giao thông đô thị, TPHCM cũng xuất hiện nhiều hơn những tòa nhà cao tầng khắp các quận nội thành, đánh dấu sự phát triển đô thị theo hướng hiện đại.
Những tòa nhà như Bitexco, Landmark 81 nằm trong top những tòa nhà cao nhất Việt Nam nổi bật ở trung tâm TPHCM làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị của đầu tàu kinh tế đất nước.
Quốc Anh - Nguyễn Quang - Phạm Nguyễn