Sau Lô-tô, Huỳnh Tuấn Anh tiếp tục một dự án khác cũng về đề tài người đồng tính "Ngôi nhà bươm bướm" và mời NSƯT Thành Lộc vào vai Hồ Ngọc Hân, một người có hai tính cách nam và nữ đối lập. Nhân dịp đầu năm, phóng viên đã có buổi trò chuyện thân mật và thẳng thắn với Huỳnh Tuấn Anh về đề tài giới tính và nghệ thuật.
Tôi không phải đạo diễn chuyên làm về phim đồng tính
Trước tiên, hãy nói một chút về câu chuyện của "Ngôi nhà bươm bướm". Khi chọn kịch bản này để dựng phim, Huỳnh Tuấn Anh hướng tới điều gì?
Hạnh phúc là phải có sự đoàn viên. Đoàn viên đó bắt đầu từ "ngôi nhà". Nền tảng của sự đoàn viên được xây dựng bởi sự đa dạng, chấp nhận cá tính trong sự yêu thương thông cảm và chấp nhận những khuyết điểm của nhau.
Bươm bướm như cách tôi muốn hướng tới là chỉ sự đa dạng về màu sắc cá tính. Cứ nghĩ thật kỹ, không có gia đình, người ta chỉ sống hạnh phúc có một nửa.
Tôi xin phép không tiết lộ nội dung phim nhưng rõ ràng "Ngôi nhà bươm bướm" không phải là một bộ phim về người đồng tính treo tuyên ngôn nêu triết lý mà là một bộ phim của tình thương thiết tha dành cho sự khác thường.
Trong đó, sẽ có nước mắt chứ không phải chỉ toàn nụ cười và nước mắt các nhân vật trong phim hài là sự tưới tắm và ủi an. Cười và khóc ngập tràn các phân cảnh để cuối cùng chúng ta nhận ra: Tất cả có thể khác biệt nhưng thương yêu thì luôn như nhau. Thương yêu làm người ta phục thiện và được nâng đỡ.
NSƯT Thành Lộc là diễn viên chính thủ vai nhân vật đồng tính trong phim Ngôi nhà bươm bướm - một dự án điện ảnh của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.
Vì sao Huỳnh Tuấn Anh lại chọn NSƯT Thành Lộc vào vai người đàn ông đồng tính trong phim này khi mà anh ấy đã hóa thân vào loại vai này quá nhiều. Anh không sợ khán giả cảm thấy nhân vật dạng này của anh ấy đã quá cũ?
Lần này chúng ta sẽ thấy một con người tự nhiên, lẽ thường và bình thản không hề thấy anh Thành Lộc là diễn vai một người đồng tính.
Tôi không miêu tả điều đó trên phim, tôi miêu tả một nhân vật Hồ Ngọc Hân rất tự nhiên mà bất cứ ai cũng có thể bắt gặp đâu đó, cái lúc đàn ông lúc đàn bà được nhắc chỉ là cái vỏ bên ngoài, chính xác nhất Hân là một nghệ sĩ hoá trang và một ca sĩ nổi tiếng của bộ môn nghệ thuật Ragqueen.
Tôi chọn NSƯT Thành Lộc vì anh ấy là người hóa thân tinh tế vào tính cách nhân vật và anh ấy có đủ các kỹ năng của nhân vật như diễn, hát, múa, hóa trang. Quan trọng hơn, anh ấy có một niềm đam mê vô hạn với nghệ thuật diễn xuất.
Huỳnh Tuấn Anh đã thành công với Lô-tô, một bi kịch thân phận của người đồng tính. Giờ đây lại làm Ngôi nhà bươm bướm. Có vẻ như Huỳnh Tuấn Anh đau đáu với những sự thiệt thòi mà số phận dành cho những người thuộc cộng đồng LGBT. Vì sao vậy?
Tôi không phải đạo diễn chuyên làm phim về người đồng tính mà tôi là người làm phim về thân phận con người. Từ Lô-tô nối dài sang Ngôi nhà bươm bướm, từ Lệ Liễu sang đến Hồ Ngọc Hân đó là những âm bản của đời sống cần được soi rọi.
Nghịch cảnh ở đâu cũng có chỉ có con người luôn là bản nguyên của chính nó. Hân và Liễu chỉ khác nhau về nghề nghiệp: Liễu là nữ hoàng Lô-tô về chiều còn Hân là bà hoàng của nghệ thuật hóa trang trình diễn đang độ hạnh phúc.
Ngọc Hân còn có khát vọng được bình an, yêu cuồng nhiệt, muốn được yêu, sợ hãi sự ruồng rẫy và đầy đức hy sinh.
Không là đồng giới, người dị giới cũng như thế và ai cũng đi trên hành trình của mình bằng trái tim rung cảm. Còn nếu khác những điều ấy, đó không phải là con người. Tôi không an ủi, vuốt ve, tôi miêu tả chân thành và tỉ mỹ về nhân bản.
Nói người đồng tính phóng túng, không chung thuỷ là sai
Là người am tường đời sống của cộng đồng LGBT, là đạo diễn làm nhiều phim về đề tài này, Huỳnh Tuấn Anh cảm nhận khát khao yêu thương giữa một người đàn ông và một người đàn ông như thế nào?
Là lòng yêu thương, ngoài nhu cầu về thể xác còn là sự nương náu chở che của phần hồn. Đứng xa ra, với cao lên, nhìn rộng ra, đàn ông đàn bà đều như nhau. Chỉ có tình yêu thương là thứ thanh xuân bất tử. Không có thứ đó đàn ông hay đàn bà cũng thế thôi.
Hai người đồng tính yêu nhau hay dị tính đều như nhau vì cốt lõi là 1 con người yêu thương 1 con người. Có tình thương đó mọi thứ còn lại chỉ là loè loẹt tô trét chứ không có thật chất.
Huỳnh Tuấn Anh hiện tại yêu đương thế nào? Liệu có khả năng Huỳnh Tuấn Anh ngã lòng trước một người đàn ông không?
Khả năng tôi ngã lòng trước một người đàn ông, đàn bà hay bất cứ ai, đều có thể vì ở đâu có tình thương ở đó có hạnh phúc.
Chắc tại đổ hết luyến ái tình trường vào nhân vật nên tôi vẫn ế rất bền vững và có nguy cơ ế thâm niên khi không có thời gian cho tình yêu của mình. Tạm thời yêu nhân vật của mình là những cuộc tình an toàn, trạm yêu bình lặng nhất chung thuỷ nhất.
Ngoài đời thực đã và đang có hôn nhân giữa người đàn ông bình thường và người đồng tính nam hoặc chuyển giới. Trong cảm nhận chủ quan của mình, Huỳnh Tuấn Anh có xem đó là tình yêu đích thực bao gồm lòng chung thủy và sự hy sinh?
Tôi không biết rõ, về góc độ khoa học thì đã có nhiều công trình nghiên cứu minh định chưa, riêng cá nhân tôi, xin chỉ nói về tình yêu đó trên góc độ cảm quan cá nhân. Lòng chung thuỷ chỉ có giá trị khi thật sự hiểu rất rõ về đối phương và lên đường yêu đương một cách rất sẵn sàng.
Người đồng tính được cho rằng phóng túng, quảng giao và không chung thuỷ, điều đó hoàn toàn sai.
Dị tính hay đồng tính, họ cũng đều là con người được cấu thành với biết bao cảm xúc đa dạng. Thuỷ chung hay không thuộc về lòng tin. Lòng tin còn được đắp xây một phần từ sự chấp nhận về mặt xã hội nữa.
Chính sự suy tư về bền vững, chính nếp suy nghĩ sai lệch rằng nếu không có mối dây liên kết từ con cái như những người dị tính một phần cũng đẩy họ vào tâm lý chông chênh tự thôi miên mình hoàn toàn không có tương lai vì không có sự ràng buộc nào cả.
Đó là vấn đề tâm lý, nếp nghĩ dán vào những mối quan hệ một lá bùa định mệnh vớ vẫn và tan vỡ bao nhiêu mối quan hệ vì không có niềm tin.
Nếu họ tự có niềm tin, có sự nâng đỡ của xã hội tôi tin họ sẽ hãnh tiến nắm tay nhau đi bền lâu.
Tôi thích nhất câu thoại của nhân vật mà anh Thành Lộc thủ diễn: là ai, làm gì, làm cái gì cũng được, miễn sao mình thấy hạnh phúc là được.
Tôi ước, tôi muốn mình hãy nói với họ câu nói ấy ngay trong chính đời sống ta đang diễn ra chứ không phải trên phim.
Nghệ sĩ đồng tính không áp đảo trong Vbiz
Huỳnh Tuấn Anh có nghĩ rằng nghệ thuật có thể nói hộ nỗi lòng của người nghệ sĩ. Theo đó, định kiến xã hội khiến người nghệ sĩ không thể sống thật với bản ngã của mình và họ phải nương tựa vào nghệ thuật để được sống với khát khao thầm kín?
Không! Với nghệ sĩ chân chính, tất cả chỉ là trò diễn. Về nghề đó là kỹ năng nhưng về nghiệp đó là tài năng. Không được phép ăn gian khi áp đặt phần đời của mình vào nhân vật.
Có thể nói đâu đó là hợp vai, là sự tương thích, nó là cả một tài năng vì nếu bạn không là người đồng tính bạn không thể diễn vai đồng tính sao, bạn diễn vai khuyết tật thì bạn phải hy sinh phần cơ thể sao?
Nếu người diễn viên họ thật sự có lòng trắc ẩn và sự thấu cảm sâu xa về thân phận con người cùng sự khổ luyện, họ sẽ làm được rất nhiều vai diễn. Áp chế cái tôi và sự biểu hiện nhân vật đó là kỹ năng. Thấu cảm và sáng tạo đó là tài năng.
Có ý kiến cho rằng, ngày nay cộng đồng LGBT gần như áp đảo trong showbiz Việt. Ngoài xã hội, định kiến giới tháo gỡ dần và vì thế số lượng người công khai giới tính tăng lên nhiều. Có cảm giác như giờ đây LGBT không còn là cộng đồng nhỏ hẹp, nhóm yếu thế trong xã hội. Bạn có đồng tình với nhận định này?
Chả có số liệu nào chứng minh sự áp đảo. Nếu có thì đếm thành quả, đếm sự cống hiến, đếm những điều thiện nghĩa họ cống hiến áp đảo hơn là số lượng.
Dẹp hết các số liệu vớ vẫn đi mà đo lượng tất cả trên chỉ số phụng sự xã hội. Đồng tính hay dị tính, sự phụng sự bản thân chân chính, sự cống hiến to lớn mới là giá trị cốt lõi của một con người.
Tôi thì nghĩ ngược lại, cộng đồng nào cũng vậy, số lượng không nói lên chất lượng và chất lượng được định giá bằng thành quả cống hiến cho đời sống. Nếu cộng đồng đang lớn mạnh nghĩa là sự tồn tại của họ có giá trị nhất định.
Cảm ơn bạn về buổi trò chuyện. Chúc bạn một năm mới may mắn và thành công!
Nguyễn Huy/ Tri Thức Trẻ