Nghệ sĩ Trung Dân: 'Tôi cảm thấy bình yên ở cõi riêng của mình sau những va đập dữ dội của cuộc đời'

12/02/2019 09:28
Nghệ sĩ Trung Dân: 'Tôi cảm thấy bình yên ở cõi riêng của mình sau những va đập dữ dội của cuộc đời'

Ngày Tết, trong khi hầu hết các nghệ sĩ tất bật chạy show, thì Trung Dân an nhiên trong ngôi nhà tọa lạc tại một khu vực yên tĩnh so với cái ồn ào của Sài Gòn

Sáng sớm anh tưới cây, cắt tỉa hoa xong rồi thắp nhang lên bàn thờ cửu huyền và tổ nghiệp. Sau giờ ăn sáng, anh ngồi vào bàn để viết tiếp những truyện ngắn còn dang dở. Dầu mới bước qua tuổi 50, và là một nghệ sĩ tên tuổi, nhưng cách sống của Trung Dân làm người ta liên tưởng đến hình ảnh một cư sĩ vui thú điền viên, lánh bớt cái tất bật của chốn thị thành.

Thực hành lối sống thiền tịnh

Căn nhà mới của Trung Dân nằm khá sâu trong một con hẻm đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh. Trước cánh cổng có màu sắc trang nhã là những chậu cây và chậu hoa. Lúc tôi đến, Trung Dân đang lui cui cắt bớt những nụ hoa và những nhóm lá đã héo. Thấy tôi, anh nở nụ cười tươi đầu xuân, dừng công việc, mời tôi vào nhà.

Nhìn thấy bước đi khập khiễng của anh, tôi hỏi thăm. Theo Trung Dân, hồi giáp tết, anh khiêng chậu kiểng nhỏ từ sân thượng xuống đất, đến tầng một bị vấp chân té ngã lăn cù xuống cầu thang. Cái chậu bể nát, còn cái chân anh bị sưng vù từ đầu gối xuống bàn chân. Anh nói vui: “không biết chừng tai nạn nhỏ này đã xóa cái nạn lớn hơn nên dù đau nhưng vẫn vui xuân”.

Trong lúc chờ đợi chị nhà chuẩn bị món ăn, anh mời tôi lên sân thượng. Tại tầng trên cùng này, có một không gian vô cùng trang nghiêm đó là bàn thờ tổ tiên, và bàn thờ tổ nghiệp. Mùi hương trầm thơm thoang thoảng, cây nhang đang cháy quá nửa chứng tỏ ai đó đã thắp hương khấn nguyện trước khi tôi đến. Như hiểu được câu hỏi trong đầu tôi,

Trung Dân bộc bạch: “Mỗi buổi sáng, ngày thường cũng như ngày Tết, nếu có mặt ở nhà, tôi đều lên đây thắp hương cầu nguyện khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Trong khoảng khắc đó, tôi tập trung mọi suy nghĩ của mình vào những lời khấn nguyện tốt đẹp, không để bất kỳ một tạp niệm nào chen vào”.

Anh bước chân ra phía ngoài, tôi đi theo sau. Đập vào mắt tôi là một khu vườn có nhiều hoa lan, và nhiều cây trái lạ mắt được nhập về từ nước Úc, và Mỹ. Trung Dân đến từng chậu hoa, và chậu cây xăm xoi, xem xét cẩn thận. Xong anh lấy bình nước tưới đều vào các gốc cây. Anh cho biết: “việc chăm sóc cây cối làm tôi thấy lòng nhẹ nhàng. Khi bạn chơi cây kiểng lâu năm, bạn cảm nhận được vạn vật có linh hồn, có niềm vui và nỗi buồn. Vào những buổi sớm mai, hay vào lúc hoàng hôn, tôi thích ngồi tại đây một mình không ngẫm ngợi. Tôi để đầu óc mình thanh thản sau nhưng va đập dữ dội của cuộc đời”.

Tôi hỏi Trung Dân: “Anh đang tu tập theo kiểu cư sĩ tại gia?”. Trung Dân trả lời: “Tôi mới chỉ là một thực tập sinh, muốn tìm phương cách gì đó tránh bớt những buồn vui, những thị phi mà người nghệ sĩ không thể tránh khỏi. Đó là lý do vì sao tôi không nhận show vào mùa Tết. Tôi muốn được nghỉ ngơi trong chốn riêng an tịnh của mình”.

Cảm xúc dồn lên trang sách

Lúc tôi và Trung Dân trở xuống tầng 1, trên bàn đã xuất hiện một mâm thức ăn đẹp mắt gồm hai khoanh bánh tét, cũ kiệu, dưa hành, chả lụa, và nem. Anh cười nói: “Bữa ăn ngày Tết nào của chúng tôi cũng gần như đủ các món truyền thống”. Nhìn vào bữa ăn và cách nói của Trung Dân về món ăn ngày tết, tôi nhận ra anh yêu quý và trân trọng văn hóa cổ truyền đúng như những gì anh gửi gắm vào các vở diễn của mình.

Tôi hỏi Trung Dân: “Tết mà chỉ quanh quẩn ở nhà chắc cũng buồn?”. Anh trả lời: “Mồng 2 tôi về chúc Tết ba tôi và thắp hương cúng mộ mẹ tại xã Nhị Bình, Hốc Môn. Còn lại tôi chỉ ở nhà. Trong mấy ngày Tết, ngoài giờ cúng, chăm sóc cây, ăn uống tôi dành hết thời gian cho việc viết truyện. Tôi sắp hoàn thành 3 truyện ngắn dự kiến sẽ được in vào tháng 8.2019”.

Tôi hỏi thêm: “Anh đã nhiều lần tuyên bố sẽ in sách, nhưng lần lữa mãi đến giờ vẫn chưa xuất bản. Vì sao vậy?”. Anh trầm ngâm: “Nói thật lòng, tôi không đủ tự tin mình là người viết văn giỏi. Tôi sợ người ta chửi tôi là kẻ đèo bồng, thích chơi trội. Đến giờ, được bạn bè động viên, tôi thấy mạnh dạn hơn đôi chút”.

Rồi anh kể cho tôi nghe nội dung ba truyện ngắn có tựa đề là “Cái miếu bên đường”, “Tiếng lục lạc trong sương”, “Hoa dấp ơn”. Tôi ngồi lặng yên và cuốn theo giọng kể có cao trào của anh. Cả ba câu chuyện đều nhắc đến nỗi buồn mang mác của thân phận người phụ nữ. Cuối cùng đọng lại trong tâm trí tôi là lời nhắc nhở về đạo lý làm người.

Trung Dân vốn dĩ là tác giả của nhiều kịch bản đau đáu thân phận người yêu thế trong xã hội. Thế nên truyện ngắn của anh cũng bàng bạc nỗi buồn của kiếp người. Ở đó, có nhiều tình tiết khiến lòng người se lại. Tôi buột miệng: “Anh hãy nhanh chóng in những truyện ngắn này. Đừng do dự nữa. Bởi vì trong môi câu chuyện có cái để người đọc suy ngẫm về tình đời và tình người”.

Chúng tôi tiếp tục thưởng thức bữa ăn ngày Tết, và tiếp tục chủ đề văn chương. Đến một lúc sau, câu chuyện chuyển hướng sang ý niệm về hào quang danh vọng. Theo Trung Dân, ngay từ khoảnh khắc quyết định trở thành diễn viên, anh cảm nhận được đây là niềm hạnh phúc tự thân chứ không phải là phương tiện để nổi danh. Thế nên, anh không kén những vai nhỏ nhưng cũng dám từ chối những dự án lớn nếu anh nhận ra nó không có giá trị nghệ thuật.

Anh sống trong nghệ thuật bằng nguyên tắc bất biến là mỗi vai diễn dù hài, dù cá tính phải gửi gắm điều gì đó tốt đẹp cho người xem, giúp ích cho cộng đồng. Đó mới là niềm hạnh phúc thực sự của một người nghệ sỹ. Nhờ vậy, dù chưa bao giờ được xưng tụng là danh hài đình đám nhất, nhưng anh hạnh phúc và hài lòng với những gì mình có.

Nguyễn Huy


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024