Đằng sau một quyết định lớn - Làm thế nào để giải quyết những vấn đề hóc búa?

12/01/2022 08:30
Đằng sau một quyết định lớn -  Làm thế nào để giải quyết những vấn đề hóc búa?

Đây có lẽ là một câu hỏi mà tất cả chúng ta đều gặp phải trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là đối với các nhà quản lý và việc đưa ra những quyết định là vô cùng khó khăn.

Những quyết định đó được gọi là “vùng xám”, nơi mà chúng ta và tất cả đồng nghiệp đã cật lực làm việc để đưa ra câu trả lời, mặc dù đã phân tích những dữ liệu tốt nhất. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định là tất yếu dù sớm hay muộn, nó đòi hỏi nhà quản lý phải chọn lựa, cam kết, đối mặt với những hệ quả có thể xảy ra. “Vùng xám là nơi không chỉ có màu trắng hoặc màu đen, là nơi không dễ dàng gì để phán xét đúng sai.” Nhưng có lẽ đây cũng là cơ hội để kiểm tra, đánh giá khả năng lãnh đạo, phán xét, hoặc tính nhân văn của nhà quản lý. Vậy làm thế nào để đưa ra những quyết định đúng đắn? Cuốn sách “Đằng sau một quyết định lớn” của tác giả Joseph L. Badaracco sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó.

Về tác giả Joseph L. Badaracco

Ông là giáo sư dạy về đạo đức kinh doanh tại Harvard Business School, nơi ông giảng dạy về lãnh đạo, chiến lược, trách nhiệm doanh nghiệp, và quản lý cho các chương trình MBA của trường. Những năm gần đây, giáo sư là chủ nhiệm của chương trình MBA và giám đốc của trường nội trú Currier House của Harvard College. Ông đã giảng dạy các chương trình sau đại học tại Hoa Kỳ, Nhật, và nhiều quốc gia khác, từng là diễn giả về các vấn đề như lãnh đạo, giá trị doanh nghiệp và đạo đức doanh nghiệp.

Cuốn sách này nói về điều gì?

Quyển sách này cung cấp những phương pháp thực tế và mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề trong vùng xám, dựa trên những hướng dẫn mang tính nền tảng, nó không xuất phát từ những CEO nổi tiếng hay thành công, không phải tập hợp những tuyên bố của doanh nghiệp với lợi ích cổ đông, mà đó là những hướng dẫn bao gồm năm câu hỏi mà nhà quản lý trong nhiều thế kỷ qua, ở những nền văn hóa khác nhau đã từng đề cập đến khi phải đối mặt với những vấn đề trong vùng xám. Những câu hỏi đó là:

  • Hệ quả thuần của vấn đề là gì?

  • Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?

  • Kế hoạch hành động nào phù hợp với tình hình thực tế?

  • Chúng ta là ai?

  • Liệu có thể sống chung với quyết định này không?

Sẽ không ít người thắc mắc năm câu hỏi này có thực sự hữu dụng hay không và câu trả lời là chúng đã được kiểm chứng qua thời gian và chúng được ví như “những công cụ hằng ngày” của nhà quản lý, phù hợp với truyền thống đào tạo của Harvard Business School , nơi đã hơn một thế kỷ qua phát triển những ý tưởng quan trọng và hữu ích cho các nhà quản lý trên thế giới.

Hệ quả thuần của vấn đề là gì?

Câu hỏi đầu tiên này, yêu cầu nhà quản lý phải suy xét cặn kẽ về hệ quả của từng hành động sẽ thực hiện, bởi vì nó không chỉ đơn thuần là một quyết định thông thường mà là quyết định ảnh hưởng tới rất nhiều người trong một tập thể. 

“Hệ quả thuần được định nghĩa là kết quả của phép trừ giữa hệ quả tích cực và hệ quả tiêu cực.”

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta có thể xem xét câu chuyện của một doanh nhân Mỹ là Aaron Feuerstein. Khi nhà máy may của ông bị thiêu rụi hoàn toàn, thì ngay lập tức ông cho xây dựng lại nhà máy với mức giá đắt đỏ trên đất Mỹ, trong khi đó các đối thủ cạnh tranh đáng gờm lại mở rộng kinh doanh ở châu Á - nơi có chi phí nhân công, nguyên liệu rẻ. Không những vậy, ông còn thuê lại tất cả nhân viên cũ và trả lương cho họ trong thời gian nhà máy được xây dựng. Hành động này của Feuerstein rất được tán dương và ông được coi là anh hùng của nước Mỹ. Nhưng kết quả vài năm sau, nhà máy của ông lại phải nộp đơn phá sản. Vậy nguyên do ở đây là gì?

Tuy quyết định của Feuerstein xuất phát từ lòng nhân ái, nhưng lại thiếu suy xét và hệ quả. Một nhà máy may với quy mô lớn như vậy, đáng lẽ ra phải thu thập dữ lại thông tin để phân tích, xây dựng chiến lược kinh doanh và dự đoán hệ quả sẽ phải đối mặt và giải pháp để đối mặt là gì. Nếu vị doanh nhân này thực hiện được điều đó thì nhà máy của ông sẽ không phải đóng cửa đáng tiếc như vậy.

 

Bởi vậy, suy xét về hệ quả thuần khi giải quyết một vấn đề trong vùng xám là cực kỳ quan trọng. Đầu tiên chúng ta cần phải suy nghĩ về vấn đề ở diện rộng và đào sâu thêm những hệ quả có thể xảy ra. Nói một cách đơn giản, trước khi chúng ta đưa ra một quyết định quan trọng, hãy đoán trước những hệ quả - dựa trên tiêu chí hạnh phúc, lợi ích - cho tất cả mọi người ảnh hưởng bởi quyết định đó.

“Hành động này có đem lại hạnh phúc, lợi ích nhiều nhất cho nhiều người hay chưa?”

Câu hỏi này đã dẫn hướng hàng thế kỷ nay cho các nhà quản lý, nó đòi hỏi chúng ta phải làm gì cho người khác và vì người khác, dựa trên quyết định mình đã chọn. Suy nghĩ theo cách này không chỉ giúp ta có được một quyết định tốt mà còn làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Thứ hai, để tìm ra hệ quả thuần chúng ta cần phải suy xét những thử thách khi áp dụng vào cuộc sống sẽ như thế nào. Câu hỏi này liên quan trực tiếp đến giải quyết những vấn đề khó khăn trong vùng xám với hai vấn đề quan trọng là sự biến động không ngừng của thế giới và những suy nghĩ bên trong não bộ của ta. Ở vấn đề thứ nhất, chúng ta không thể nào lường trước được những gì sẽ xảy ra trong tương lai, bởi vậy ngay cả các chuyên gia uy tín cũng có thể đoán sai tương lai mặc dù dữ kiện nằm trong chuyên môn của họ. Thứ hai, đó là thật khó có thể suy nghĩ một cách lý trí và hoàn toàn khách quan, những vấn đề khó khăn nằm trong vùng xám tạo ra cảm xúc hết sức khó khăn và càng khiến khó có thể suy nghĩ một cách đúng đắn.

Để giải quyết vấn đề trên, ở đây tác giả đã đề xuất một phương pháp - một quy trình gồm năm giai đoạn:

  1. Dừng đoàn tàu lại: Tránh vẽ ra những kết luận quá sớm, phải biết dẹp bỏ những trực giác ban đầu làm cho ta tin hệ quả đó là đúng.

  2. Tập trung vào quy trình: Khi đối mặt với vấn đề khó trong vùng xám, ta cần phải đưa ra một quy trình xử lý đúng đắn và kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng khâu xử lý.

  3. Chọn lựa đúng người tham gia quy trình xử lý.

  4. Hoạch định một tương lai đơn giản.

  5. Hiệu ứng tâm lý bầy đàn và tư duy phản biện: có chiến thuật phản biện để thuyết phục mọi người.

Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?

Ý tưởng cơ bản của câu hỏi này là để đưa ra những quyết định đúng đắn, chúng ta phải hiểu trách nhiệm của con người là gì? Các nhà lãnh đạo cần chuẩn bị trả lời cho câu hỏi:

“Trong hoàn cảnh này, trách nhiệm cơ bản của tôi là cần phải làm gì và không cần làm gì?”

Vậy tại sao chúng ta cần phải có trách nhiệm với con người? Đơn giản bởi vì chúng ta cũng là con người, nói cách khác có những thứ thuộc về bản năng chung của con người đã trực tiếp tạo ra những trách nhiệm và nghĩa vụ của con người với nhau. Hơn nữa, chỉ khi chúng ta có trách nhiệm với nhau thì mới xây dựng nên một nền tảng cho cuộc sống tốt và một quyết định tốt. Như vậy sau khi đã trả lời được câu hỏi thứ nhất dựa trên dữ liệu, bước tiếp theo các nhà quản lý cần làm đó là suy nghĩ về trách nhiệm đạo đức giữa con người với con người.

Có một cách để trả lời cho câu hỏi thứ hai này đó là “tưởng tượng đạo lý” và để sử dụng khái niệm này tác giả đã đưa ra năm bước.

  1. Nhìn vào con số: Hãy tập trung nhìn vào những con số có tính chất kinh tế và xem xét con số nào là quan trọng và phải đặt các định kiến thông tin đã có từ trước sang một bên để không ảnh hưởng đánh giá về con số ấy. Ở bước này, chúng ta phải xử lý vùng xám với tư cách cả một con người, tức là chúng ta không được vứt bỏ bất kỳ một yếu tố nào trong hai yếu tố là trách nhiệm kinh tế và trách nhiệm con người.

  2. Dựa trên trách nhiệm với cổ đông: Đây là một lựa chọn trách nhiệm truyền thống, nhưng đặt ở đây nó còn là trách nhiệm đối với khách hàng, nhân viên, đối tác, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

  3. Đánh thức tiếng nói nội tâm: Khi ở trong vùng xám, để nhận biết được trách nhiệm của mình là gì và nó có ý nghĩa như thế nào thì ta phải dựa vào tiếng nói nội tâm, hay hiểu một cách đơn giản đó là “độc thoại nội tâm”.

  4. Tấn công vào những trở ngại: Để đánh thức được trí tưởng tượng đạo lý cần trải qua hai bước. Bước đầu tiên là phải nhận diện được những chướng ngại ngăn cản trí tưởng tượng đạo lý của mình. Bước thứ hai là cần phải làm việc tích cực với những người khác để cùng nhau hiểu được tiếng nói nội tâm đã nói gì với chúng ta.

  5. Hãy nói điều gì là đáng ghét: Để giải quyết những chướng ngại và giải quyết những vấn đề ở vùng xám mà không bỏ sót trách nhiệm nào, chúng ta phải hiểu được cảm giác, suy nghĩ của người khác - những người chịu tác động từ trách nhiệm cơ bản của người ra quyết định.

Kế hoạch hành động nào phù hợp với tình hình thực tế?

Theo như Machiavelli, tác giả của thuật quản trị nổi tiếng, nếu có trách nhiệm nghiêm túc thì phải tránh nhìn thế giới với cái nhìn lý tưởng, ngây thơ. Hay nói cách khác chúng ta phải hiểu thấu bản chất con người và viễn cảnh thực dụng. Câu hỏi thứ ba này yêu cầu nhà quản lý phải có kế hoạch hành động linh hoạt, thực dụng và sẵn sàng biến đổi để ứng phó tình hình thực tế.

Bước đầu tiên để vạch ra kế hoạch, chúng ta cần phải vạch rõ đâu là quyền lực, đâu là quyền lợi, phải suy nghĩ thật kỹ càng và thực tế về tư lợi của bản thân. Hầu như chúng ta khi ở trong vùng xám đều bị bao vây bởi trường lực giữa quyền lợi và quyền lực, nhưng khi chúng ta hiểu rõ được trường lực này sẽ giúp chúng ta đoán trước được đường đi nước bước của đối phương và có thể hồi đáp một cách hiệu quả. Ngoài ra nó còn giúp xây dựng một kế hoạch đủ linh hoạt cho hầu hết các khả năng có thể xảy ra.

Vậy liệu một kế hoạch như trên đã thực sự đủ để đối mặt với khó khăn hay chưa? Câu trả lời là “chưa”, bởi một kế hoạch hoàn hảo phải là một kế hoạch rõ ràng nhưng phải phù hợp với thực tế, tức là phải biết linh hoạt và tranh thủ cơ hội. Kết quả cuối cùng không đơn thuần là kết quả bù trừ giữa quyền lực và quyền lợi. Đó là kết quả của những giao thoa phức tạp rất khó đoán trước. Vì vậy chúng ta cần phải biết thích ứng với thời thế, kiên trì dò dẫm cả cơ hội và nguy hiểm.

Đôi khi các nhà quản lý phải đối mặt với điều mà Machiavelli gọi là “điều bắt buộc”, đó là trường hợp chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác. Sự linh hoạt trong trường hợp này là tiến thẳng về phía trước dù có chướng ngại rõ ràng, chúng ta phải bỏ lại quyền lợi và sử dụng quyền lực, dẫu cho điều đó không thoải mái chút nào, thậm chí là tổn thương bản thân.

Câu hỏi thứ ba này thức tỉnh chúng ta đừng chỉ lo tìm con đường ngắn nhất để thoát thân mà phải suy nghĩ và hành động bền bỉ, sáng tạo, dám dấn thân, không sợ rủi ro.

Chúng ta là ai?

Bất kì một ai dù là nhà quản lý, giám đốc hay nhân viên bình thường thì chúng ta đều chung sống, làm việc trong một cộng đồng hay tổ chức. Mỗi cá nhân đều là một mắt xích quan trọng, vì vậy các nhà quản lý khi đưa ra quyết định đều phải dựa vào lợi ích chung của tổ chức. Ngạn ngữ châu Phi có câu: “I am because we are”. Câu nói này nhắc nhở chúng ta về lợi ích to lớn của tổ chức và cộng đồng đem lại cho con người. Hơn nữa, tổ chức và cộng đồng sẽ định nghĩa chúng ta là ai và định hướng chúng ta hành động như thế nào trong các tình huống quyết định.

Câu hỏi thứ tư này đòi hỏi các nhà quản lý khi đối mặt với những quyết định khó khăn phải nhìn nhận bản thân như là một sợi tơ trong một mảnh vải - có nghĩa là phải đưa bản thân vào bối cảnh của cộng động. Điều đó sẽ giúp họ đưa ra được quyết định phù hợp để phản ánh, diễn tả được gí trị, lợi ích của cộng đồng mà họ là một thành viên.

Như vậy chúng ta đã có thêm một công cụ để nâng cao khả năng đánh giá vấn đề ở trong vùng xám. Nếu kết hợp câu hỏi này với câu hỏi thứ ba, ta có thể thấy sự phức tạp của vấn đề liên quan đến con người. Chúng ta đều chia sẻ với nhau một quan điểm nhân văn, đều có trách nhiệm với nhau và đều phải chịu trách nhiệm trước mọi hệ quả có thể xảy ra. Do vậy, mọi quyết mà nhà quản lý đưa ra đều rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của cả một cộng đồng. Điều đó dẫn tới một vấn đề đó là trách nhiệm và hành động của nhà quản lý sẽ diễn ra như thế nào. Bởi vì có quá nhiều yếu tố làm cho vấn đề trở nên phức tạp, nên việc chúng ta cần làm ở đây là giải quyết vấn đề trong vùng xám bằng sự đơn giản và rõ ràng.

Ở một bình diện nào đó, phải tự nói với chính mình và nói với người khác: “Đây là điều chúng ta sẽ làm, và đây là cách chúng ta sẽ làm.” 

Liệu có thể sống chung với quyết định này hay không?

Chúng ta đã đi qua bốn bước thu thập dữ liệu, phân tích hệ quả, xác định trách nhiệm và quyền hạn. Cuối cùng, vì các vấn đề trong vùng xám thường không có giải pháp hoàn hảo, đôi khi ta phải đưa ra quyết định có sự chấp nhận được ở mức thấp nhất. Khí đó, “Liệu có thể sống chung với quyết định này hay không?” là câu hỏi cuối cùng mà các nhà quản lý phải đối mặt. 

Câu hỏi thứ năm đưa ta đến một thông điệp mạnh mẽ, đó là dù làm việc cực nhọc, phân tích giỏi đến đâu thường thì vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho vùng xám, cho nên mặc dù chúng ta đã cố gắng hết sức thì vẫn phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Vấn đề khó khăn trong vùng xám được xem là bài kiểm tra về năng lực và tính cách của nhà quản lý. Đó là những đoạn giao nhau của cuộc sống và công việc. Thấu hiểu được câu hỏi thứ năm đòi hỏi sự can đảm thực sự. Là một nhà quản lý, bên cạnh việc có trách nhiệm về pháp lý, tài chính, doanh nghiệp,... còn có trách nhiệm cá nhân đối với những quyết định của mình.

Một nhà quản lý cấp cao, nhìn lại sự nghiệp thành công trong một quãng thời gian dài đã nhận xét: “Chúng ta muốn ai đó hoặc những nguyên tắc nào đó nói cho mình biết phải làm gì, nhưng đôi khi điều đó không xảy ra và chính bản thân mình phải quyết định những nguyên tắc nào là quan trọng nhất và thực dụng nhất cho những trường hợp cụ thể. Chúng ta không thể trốn trách nhiệm đó được.”

Lời kết

Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề trong vùng xám , sẽ có cảm giác như vừa thành công nâng một quả tạ nặng - không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho những người khác và cho cả xã hội nữa. Khi ta xử lý thành công một vấn đề trong vùng xám nghĩa là ta cũng đang kiểm tra và phát triển kỹ năng quản lý của mình. Những kinh nghiệm xử lý vấn đề trong vùng xám sẽ trở thành những gạch đầu dòng đắt giá trong lý lịch công việc của nhà quản lý. Năm câu hỏi mà tác giả đặt ra trong cuốn sách này sẽ là kim chỉ nam giúp bạn trở thành một nhà quản lý tài ba.

Tác giả: Quỳnh Anh - Bookademy


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024