Giả sử bạn đang thả bộ trên đường, bất ngờ bạn thấy một tòa nhà đang bốc cháy. Rồi sau đó, bạn nhìn thấy ba đứa trẻ trong tòa nhà. Bạn nghĩ rằng có thể cứu được chúng mà không màng đến tính mạng nên bạn bắt đầu chạy về phía tòa nhà.
Khi con tim có lý lẽ riêng
Nhưng khi đến gần, bạn phát hiện còn một đứa nữa cũng ở trong tòa nhà nhưng đứng một mình ở phía khác, và đó chính là con của bạn. Ngọn lửa đang thổi bùng và bạn chỉ có thể vào và ra một lần mà thôi trước khi tòa nhà đổ sập xuống. Bạn sẽ làm gì bây giờ? Cứu ba đứa trẻ kia, hay cứu con của bạn?
Xét về hệ quả thuần, ba mạng nhiều hơn một mạng người. Xét về trách nhiệm cơ bản, tất cả những đứa trẻ đều có quyền sống như nhau, cho nên bạn sẽ có trách nhiệm nhiều hơn để chọn cứu ba đứa trẻ kia. Nhưng xét về mặt hiện thực đang diễn ra, cứu một đứa trẻ và cứu con của bạn cũng đều thực hiện được như nhau. Vì thế, câu trả lời là bạn nên cứu ba đứa trẻ kia và để con của bạn “cho Chúa lo”. Nhưng dường như có cái gì đó sai sai về luân lý ở đây.
Ai cũng nghĩ rằng nên đặt gia đình lên trên hết và xét về trách nhiệm, bản thân chúng ta phải có trách nhiệm với người trong nhà nhiều hơn những người khác. Cũng có thể lý luận rằng bạn không cần có trách nhiệm cứu bất kỳ đứa trẻ nào, vì thế bạn sẽ không áy náy khi chọn cứu con của mình.
Trong tất cả mọi trường hợp, nhiều lý lẽ khác cũng được nêu ra chỉ nhằm để chứng minh hay biện hộ điều mà hầu hết bậc cha mẹ phải làm theo bản năng và không hề do dự: chạy ngay vào tòa nhà để cứu con mình.
Trên thực tế, những người đàn ông và phụ nữ lo lắng cho gia đình mình, và hy sinh cho người thân đều không cần lý do gì cả bởi vì đó là trách nhiệm của họ. Tính nhân văn thật sự của con người không thể đem ra cân đong đo đếm. Đối với hầu hết mọi người, bảo vệ và chăm sóc con cái không chỉ là trách nhiệm mà còn là bản năng.
Vậy tại sao các mối quan hệ quan trọng đến như vậy? Một phần bởi vì các mối quan hệ tạo ra tiêu chuẩn và giá trị để dẫn hướng cho những quyết định của chúng ta. Ngoài ra, mối quan hệ còn định hình và tạo dựng nên tính cách, đem đến ý nghĩa, mục đích và cấu trúc cho cuộc sống của mỗi người. Nói cách khác, chúng ta bị gắn chặt từ bên trong tâm thức và không thể thoát ra khỏi các mối quan hệ xung quanh.
Các mối quan hệ tổ chức này có nguồn gốc sâu xa trong quá khứ, Abraham Lincoln gọi là “sự bí ẩn của ký ức”, bao gồm nguồn cảm hứng chung của một tập thể hay cộng đồng cùng nhau trên một hành trình chung. Không thể xem các mối quan hệ này như là những công thức tính toán chính xác, như nhà toán học Blaise Pascal mô tả “trái tim có những lý do riêng mà lý trí không hề biết được”.
Câu chuyện toàn bộ nhà xưởng dệt may Malden Mills bị thiêu rụi trong đám cháy, khiến giám đốc Aeron Feuerstein đối diện với “vùng xám”: Liệu có nên xây dựng lại nhà xưởng khi toàn bộ ngành dệt may của Mỹ đang dịch chuyển sang châu Á - nơi có nhân công rẻ? Và nếu xây dựng lại nhà máy, trong thời gian đó, công nhân sẽ lấy gì sống?
Feuerstein đã chọn nghe theo trái tim, quyết định xây dựng lại nhà máy và tiếp tục trả lương cho công nhân trong thời gian nhà máy xây dựng lại. Đáng tiếc, câu chuyện lại kết thúc không có hậu. Sau 3 năm, nhà máy bị phá sản.
Có người chỉ trích Aaron Feuerstein vì quyết định sai lầm này, nhưng trong thâm tâm, nhiều người cũng ngưỡng mộ hành động của ông. Một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình cho thấy Feuerstein và người phụ trách nhà máy Malden Mills trao đổi, chia sẻ với nhau một cách khá thông cảm và tôn trọng nhau. Những cuộc phỏng vấn với các nhân viên khác cũng cho thấy như thế, họ gọi Feuerstein là “người đáng kính” (mensch) - một từ cổ của người Do Thái để mô tả người mà họ vô cùng kính trọng.
Đối với Feuerstein, cũng giống như cha ông ấy, nhà máy Malden Mills, công nhân và cộng đồng ở đó quyện chặt vào nhau không thể tách rời với cuộc sống, công việc và suy nghĩ của ông. Các mối quan hệ đó đã định nghĩa Feuerstein là người như thế nào.
Sự phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đồng
Nếu nhà quản lý không quan tâm đến các mối quan hệ này khi đối mặt với những quyết định khó khăn, họ không những từ chối một phần bản thân mình mà còn là một quan điểm lâu đời của bản năng con người.
Kinh thư cổ của đạo Hindu, Upanishad, đã giải thích về quan điểm này bằng hình ảnh ẩn dụ: “Trên một cái bánh xe, tất cả cây căm đều hướng về tâm bánh xe và gắn chặt vào niềng bánh xe, vì thế mỗi cá nhân đều gắn chặt với nhau, vào thánh thần, vào thế giới xung quanh, vào hơi thở và thân thể của các cá nhân khác”.
Chúng ta đều biết tổ tiên loài người là những sinh vật chịu tác động lớn về các mối quan hệ và có khuynh hướng thiên về sự hợp tác với nhau. Vì chỉ như thế mới có hy vọng sống sót và duy trì nòi giống qua thời gian. Nhiều chứng cứ cho thấy con người gắn chặt vào mối quan hệ xã hội. Ví dụ, các nhà nghiên cứu về nhân loại học đã nghiên cứu về những trường hợp được gọi là “chú bé hoang dã”, những đứa trẻ được tìm thấy sống trong rừng và được các loài thú hoang dã nuôi lớn trong suốt quá trình trưởng thành mà không có bất kỳ mối tương tác nào với con người. Những đứa trẻ này gặp rất nhiều khó khăn trong việc học ngôn ngữ và không mấy thân thiện với người khác; một số còn không thể học cách đi thẳng lưng như con người.
Những trường hợp này, cũng như các nghiên cứu tâm lý về những đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên trong môi trường bị lạm dụng, đều dẫn đến cùng một kết luận: cấu trúc và sự phát triển của bộ não từ lúc sinh ra đã định hình, con người chúng ta là một thực thể phụ thuộc lẫn nhau.
Nói tóm lại, khi đưa ra những quyết định khó khăn, chúng ta cần chú ý đến mối quan hệ và những giá trị, quy ước chi phối đến đối tượng đó. Như nhà xã hội học Philip Selznick viết: “Ngay từ khi bắt đầu, chúng ta nên nhìn ở góc độ xã hội, chứ đừng nhìn ở góc độ cá nhân”. Điều này có nghĩa là phải nhìn vào cộng đồng và tổ chức xung quanh chúng ta và cố gắng nhận thức được mối quan hệ đó có nghĩa gì đối với vấn đề trong vùng xám, nơi không chỉ có màu trắng hay màu đen, là nơi không dễ dàng để phán xét điều đó đúng hay là sai.
Theo Đằng sau một quyết định lớn