Đằng sau một quyết định lớn - Sếp không có tầm nhìn không thể làm 'minh chủ'

10/07/2021 08:30
Đằng sau một quyết định lớn - Sếp không có tầm nhìn không thể làm 'minh chủ'

Tiếng nói nội tâm giúp nhà quản lý nhận ra những sai lầm nghiêm trọng, tiềm ẩn đằng sau mỗi quyết định. Nhưng nó cũng được ví như "một người mù không biết đường". Nếu bạn không dẫn lối, tiếng nói nội tâm ấy sẽ sớm bị lệch lạc.

Cuốn sách "Đằng sau một quyết định lớn" chứa đựng 5 câu hỏi giúp nhà quản lý đối mặt với vùng xám - "nơi không chỉ có màu trắng hay màu đen, là nơi không dễ dàng để phán xét điều đó đúng hay là sai". Ở câu hỏi thứ 2 "Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?", tác giả Badaracco đã thôi thúc nhà quản lý đánh thức tiếng nói nội tâm của mình. Từ đó, giúp họ biết được đâu là trách nhiệm thuần giữa con người với con người trong giải quyết các vấn đề ở vùng xám.

Badaracco đã hướng người đọc đến với 3 yếu tố then chốt khiến cho phần tiếng nói nội tâm của lãnh đạo bị che mờ đi.

Sự bận rộn

Được ví như những "sợ đai băng chuyền trong các dây chuyền sản xuất tự động", nhà quản lý lúc nào cũng tất bật và chẳng khi nào họ ngừng nghỉ. Điều này vô tình khiến các nhà quản lý "hầu như không nghĩ ngợi nhiều về công việc hằng ngày, thay vào đó họ làm việc theo thói quen và những quy trình đã được vạch sẵn". Hệ quả là đôi lúc, họ quên mất rằng đằng sau những quyết định của mình không chỉ là vấn đề có được tháo gỡ hay không, mà còn là liệu có ai bị thiệt hại sau đó không.

Trong "Đằng sau một quyết định lớn", Badaracco đã kể câu chuyện có thật giữa người quản lý Alisha Wilson và thư ký Kathy Thompson. Khi nhận thấy sự sa sút trong công việc, người quản lý trực tiếp của Thompson đã kiến nghị trả cô về phòng nhân sự với mong muốn cô sẽ bị sa thải sau đó. Đây cũng chính là một quy trình được vạch sẵn mà người viết đã nhắc đến phía trên.

Sếp không có tầm nhìn không thể làm minh chủ: 3 chướng ngại lớn nhất khiến họ không thể đi đường dài  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, với vai trò là một người đứng đầu, Wilson đã chủ động dừng lại mọi việc để lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình. Nhờ đó, cô thấy được những hệ luỵ có thể xảy ra nếu miễn cưỡng giải quyết vấn đề theo lối mòn của quy trình. "Viễn cảnh Thompson phải lang thang đầu đường xó chợ và có thể tự sát vì những vấn đề sức khỏe và tâm lý nghiêm trọng mà cô đang phải chịu đựng một mình", thời khắc ấy, Wilson đã gác lại sự bận rộn để tiếng nói nội tâm của mình cứu lấy một người không đơn thuần chỉ là đồng nghiệp, mà còn là người bạn đồng hành cùng mình trong một thời gian dài.

Sự thành công

"Cứ mỗi lần thăng chức, anh ấy lại tách bản thân mình càng ngày càng xa với cuộc sống của mọi người xung quanh", sự thăng tiến trong công việc là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp, dĩ nhiên sẽ đem lại quyền lực, nhưng đôi khi cũng mang đến những ảo tưởng, khiến cho nhà quản lý dần xa rời nhân viên của mình.

Nhiều người sẽ rất bất ngờ về quan điểm của Badaracco khi ông đưa sự thành công vào một trong 3 yếu tố then chốt, che mờ đi tiếng nói nội tâm của nhà quản lý. Tuy nhiên, ông lý giải rằng, những thứ mà người ta có được sau khi thăng chức, như địa vị, quyền lực, hay tiền bạc, hoàn toàn đủ khả năng mê hoặc, khiến họ dễ dàng quên đi xuất phát điểm của bản thân, và đối đãi không mấy tử tế với đồng nghiệp.

Badaracco đã nhắc đến một người quản lý lúc trước và sau khi thăng chức. Đó là câu chuyện mà có lẽ tất cả chúng ta đều dễ dàng nhận thấy ở một vài người có chức có quyền, thậm chí nếu ngẫm nghĩ kỹ, thì nó cũng có thể đang diễn ra ngay trong chính bản thân mình.

Sếp không có tầm nhìn không thể làm minh chủ: 3 chướng ngại lớn nhất khiến họ không thể đi đường dài  - Ảnh 2.

Bản chất con người

Hàng rào ngăn cản nhà quản lý đến với tiếng nói nội tâm của họ không chỉ nằm ở yếu tố ngoại cảnh, mà còn ở chính bản chất con người. Nói nôm na, chúng ta lúc nào cũng thương yêu bản thân nhất, và luôn đặt lợi ích của mình lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Vậy thì làm sao chúng ta có thể thấu cảm được nỗi khổ của người khác.

Tác giả nhận định, con người tiến hoá như những sinh vật bầy đàn, luôn có xu hướng phân định rạch ròi giữa bản thân và người khác, giữa người trong cuộc và kẻ ngoài cuộc. Bàn về vấn đề này, nhà sinh vật học E.O. Wilson từng nói, sự đối kháng giữa bộ lạc này với bộ lạc kia đã ăn sâu vào trong máu loài người cho đến tận ngày hôm nay.

Do đó, nếu nhà quản lý chỉ biết giải quyết mọi thứ theo bản năng, hay vô thức theo lối mòn của những quy củ, thì "tiếng nói nội tâm cũng giống như một người mù không biết phương hướng", cứ thế mà dần bị lệch lạc đi.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 27/10/2024