Trong guồng quay công việc, chúng ta vẫn "gặp" được gia đình, vẫn được trò chuyện với nhau qua màn hình điện thoại. Nhưng Tết lại mang một ý nghĩa khác. Bởi vì Tết là phải trở về, Tết để sum vầy, Tết đoàn viên.
Những hoài bão mà các bạn trẻ nuôi dưỡng đã vô hình trở thành những tảng đá áp lực đè nặng trên vai từ bao giờ. Chúng ta liều mình lao vào công việc tất cả các ngày trong năm. Khi hương vị Tết len lỏi qua từng ngõ ngách bạn đi qua, đó là lúc buông gánh nặng, trở về với vòng tay bố mẹ.
Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến các bạn trẻ chọn làm việc đến 29, 30 Tết mới bắt đầu về nhà đón Tết. Nhìn chung, các bạn đa số có suy nghĩ muốn kiếm thêm một ít tiền nữa cho cái Tết của gia đình mình được trọn vẹn hơn.
Hạnh phúc của mẹ là được đón Tết cùng con sớm hơn một chút
Người ta thường nói, bạn sẽ cảm nhận được hương vị Tết từ rất sớm, nhưng dư âm của nó sẽ đọng lại rất lâu. Do vậy, tâm lý của những người bố, người mẹ sẽ càng vội vã mong muốn được đón đứa con xa nhà của mình về sớm hơn.
Những ngày cuối năm, cư dân mạng liên tục chia sẻ bức thư của một người mẹ gửi đến vị giám đốc công ty con trai mình đang làm để xin cho bạn ấy nghỉ Tết sớm, về nhà cùng gia đình.
Những ngày cận Tết là thời điểm quan trọng của các doanh nghiệp, công ty và cũng là cơ hội cho nhân viên nâng cao thu nhập trước khi về nghỉ Tết. Người con trai trong bức thư ấy cũng thế. Anh chàng luôn cố gắng làm thêm từng chút đến 30 Tết mới về quê.
Kết quả là người con mang về nhà số tiền thưởng nhiều hơn nhưng tinh thần mệt mỏi, không còn chút sức lực cho cái Tết bố mẹ mong chờ được sum vầy.
Còn nhìn từ phía bố mẹ, ước mơ của họ đơn giản chỉ là được ở bên cạnh con mình thật lâu, chứng kiến các con sống hạnh phúc và khỏe mạnh.
Dù có áp lực, bạn trẻ cũng đừng quên ý nghĩa của Tết
Ánh Quỳnh (27 tuổi, Khánh Hòa) nói về lý do cô chọn làm việc đến 29 Tết: "Mình không yêu công việc đến mức mọi người thấy. Mình chỉ muốn bố mẹ bớt cực khổ hơn qua mỗi năm nên mình cố gắng nhiều hơn chút thôi".
"Bức thư đã gửi đến trái tim mình một thông điệp, rằng Tết năm nay và những năm sau nữa mình cần về nhà sớm để Tết của cả nhà được trọn vẹn hơn. Mình sẽ kịp bù đắp cho bố mẹ bằng cách nỗ lực gấp đôi vào những ngày bình thường", cô gái trẻ bày tỏ sau khi đọc lá thư trên.
Quyết định đi làm tới khuya mới về, làm không nghỉ cuối tuần, làm xuyên cả Tết. Những quyết định này dễ bị cho là "thiếu suy nghĩ", "tham lam". Phía sau quyết định đó, là cả một câu chuyện.
Đối với Trung Hiếu (24 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh), anh chàng chia sẻ mình nhận khoảng 3-4 công việc những ngày cận Tết vì giai đoạn này số tiền kiếm được sẽ nhiều hơn ngày thường.
Chàng trai trẻ mang theo áp lực phải giàu sớm, Hiếu coi điều đó như một "nhiệm vụ bắt buộc phải hoàn thành". Gia đình lại ở thành phố nên đôi khi chàng trai trẻ cũng quên mất ý nghĩa thật sự của Tết đoàn viên mà mọi người thường nhắc đến.
Trên trang cá nhân có nickname Hoài, cô gái thường kể và chia sẻ những câu chuyện của mình. Trong đó, có một câu văn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ: "Cái năm mình chạy việc xuyên Tết đó, mình không nhớ lắm mình đã trải qua như thế nào.
Mình cũng không rõ là có thật sự làm được nhiều tiền không, chẳng nhớ nó để dùng cho việc gì. Mình đã không giàu lên sau cái Tết đó. Nhưng mình biết Tết này bản thân rất giàu, dù không còn đi làm công ty và nhận lương tháng 13 nữa.
Giàu có là một loại điểm nhìn. Đôi khi, Tết giàu có, chỉ là cả nhà được khỏe mạnh và bình an bên nhau".