Cuộc sống rất đơn giản: cho đi điều gì, bạn nhận lại điều đó. Chúng ta nghĩ về bản thân thế nào thì chúng ta sẽ trở thành người thế đó. Tôi cho rằng, tất thảy chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với mọi thứ xảy ra trong đời mình, cả tốt lẫn xấu. Suy nghĩ là thứ sẽ quyết định tương lai của chúng ta vì con người đúc kết trải nghiệm qua suy nghĩ và cảm nhận. Suy nghĩ trong đầu và lời nói ra sẽ tạo thành trải nghiệm cho chúng ta. Chúng ta tự tạo ra những tình huống khó khăn, rồi khiến bản thân yếu đuối hơn bằng cách đổ lỗi cho người khác vì sự túng quẫn của mình.
Không có ai, không có nơi nào, cũng như không có bất cứ điều gì có nhiều sức mạnh hơn chính bản thân ta trong việc làm chủ suy nghĩ của mình. Khi tạo được sự đồng điệu, thanh thản và cân bằng trong suy nghĩ, chúng ta sẽ có được chúng trong cuộc sống. Còn bây giờ, câu nào dưới đây giống với suy nghĩ của bạn? “Ai cũng muốn lợi dụng tôi.” “Mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ tôi.” Hai kiểu niềm tin khác nhau về cuộc sống (trong hai câu trên) sẽ tạo ra những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Chúng ta tin tưởng điều gì ở bản thân và cuộc sống thì điều đó sẽ trở thành hiện thực cho chúng ta.
Vũ trụ hoàn toàn ủng hộ ta trong mọi suy nghĩ và niềm tin ta chọn Nói cách khác, tiềm thức của ta luôn chấp nhận mọi điều ta tin tưởng. Dù là cách nói nào thì cũng đều có nghĩa là tôi tin tưởng điều gì ở bản thân và cuộc sống, những điều đó sẽ trở thành hiện thực đối với tôi. Và hơn thế, chúng ta không bao giờ bị giới hạn trong việc lựa chọn suy nghĩ của mình. Khi hiểu được điều này, sẽ thật hợp lý khi ta chọn thái độ nhìn đời: “Mọi người luôn sẵn sàng giúp tôi” thay cho cách nghĩ: “Ai cũng muốn lợi dụng tôi”.
Sức mạnh vũ trụ không bao giờ phán xét hay chỉ trích chúng ta Sức mạnh vũ trụ luôn nhìn nhận chân giá trị của ta và phản chiếu niềm tin của ta vào cuộc sống. Nếu tôi cứ tin rằng cuộc sống của tôi quá cô độc và không được ai thương yêu, đó sẽ là những gì tôi nhận được trong thế giới của mình. Tuy nhiên, nếu tôi sẵn lòng thoát ra khỏi niềm tin ấy để khẳng định với chính mình rằng: “Tình yêu có ở khắp mọi nơi, và tôi thật đáng yêu, đáng mến”, rồi giữ chặt niềm tin này và không ngừng lặp đi lặp lại với chính mình, thì điều đó sẽ biến thành hiện thực. Thế rồi những người đáng yêu sẽ xuất hiện trong cuộc sống của tôi, những người đã xuất hiện trong đời tôi sẽ càng trở nên đáng yêu hơn, và tôi sẽ dễ dàng biểu lộ tình yêu của mình ra với người khác hơn.
Đa số chúng ta đều có những suy nghĩ ngây ngô về mình là ai, và có quá nhiều, quá nhiều những quy định cứng nhắc về việc phải sống như thế nào Đây không phải là lời chỉ trích, bởi lẽ ngay lúc này, mỗi người chúng ta đều đang làm tốt hết mức có thể. Song, nếu có kiến thức và hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, chúng ta sẽ hành xử hoàn toàn khác. Xin bạn đừng bao giờ có ý nghĩ phải hạ thấp bản thân chỉ để phù hợp với con người hiện tại của mình. Một sự thật hiển nhiên là, khi bạn tìm đến với cuốn sách này và muốn khám phá điều tôi truyền đạt, tức là bạn đã hoàn toàn sẵn sàng để tạo ra sự thay đổi mới mẻ và tích cực cho đời mình. Hãy nhìn nhận điều đó. Đừng tự giới hạn bản thân bằng những tư tưởng quá sức hạn hẹp như “Đàn ông không được khóc” hay “Phụ nữ không thể xử lý chuyện tiền bạc”.
Khi còn trẻ thơ, chúng ta đã học cách cảm nhận về bản thân và cuộc sống thông qua phản ứng của những người lớn xung quanh Đó là cách nhìn nhận về bản thân và thế giới mà bạn đã học được. Thế nên, nếu bạn từng sống với những người luôn cảm thấy bất hạnh, lúc nào cũng lo sợ, mặc cảm và giận dữ, bạn sẽ học từ họ rất nhiều những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và về thế giới xung quanh, kiểu như: “Tôi không bao giờ làm đúng điều gì cả.”; “Là lỗi của tôi.”; “Nếu tức giận thì tôi là người xấu.” Những niềm tin kiểu này sẽ tạo ra một cuộc sống chán nản và tuyệt vọng.
Khi lớn lên, chúng ta có xu hướng lặp lại những gì đã tiếp nhận được từ môi trường xung quanh khi còn nhỏ Điều này không tốt, không xấu, cũng không đúng hay sai. Nó chỉ là những gì đã ăn sâu vào tâm hồn ta. Trong những mối quan hệ cá nhân, ta cũng có xu hướng tái lập tình trạng những mối quan hệ của người thân trong gia đình (như mối quan hệ với cha, với mẹ, hoặc tình trạng mối quan hệ giữa cha và mẹ). Hãy thử ngẫm lại xem bạn đã bao lần có người yêu, hoặc sếp “giống hệt” với cha hoặc mẹ của mình. Chúng ta cũng thường đối xử với bản thân theo cách cha mẹ chúng ta đối xử với mình. Ta cũng trách mắng và trừng phạt bản thân theo cách từng bị cha mẹ trách mắng, trừng phạt. Thậm chí, nếu lắng nghe kỹ, bạn còn có thể nghe rõ trong đầu mình những lời cha mẹ từng nói. Vì thế, nếu khi còn nhỏ, ta được yêu thương và động viên thì khi lớn lên ta cũng sẽ biết cách yêu thương và động viên chính mình. Bạn có thường nói với mình những câu kiểu như: “Mình chẳng bao giờ làm đúng chuyện gì”, “Đây đều là lỗi của mình” không? Và đã bao nhiêu lần bạn tự nói với mình những câu như: “Mình thật tuyệt vời”, “Mình rất yêu thương bản thân”?
Dẫu sao, chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ vì những điều này Tất thảy chúng ta đều là nạn nhân của những nạn nhân. Cha mẹ đâu thể nào dạy dỗ ta những điều họ không biết. Nếu mẹ bạn không biết yêu thương bản thân, cha bạn cũng không biết yêu thương bản thân, thế thì hầu như họ không thể dạy bạn cách yêu thương bản thân. Họ đã hết sức dạy dỗ bạn bằng những điều họ học được khi còn thơ trẻ. Nếu muốn thấu hiểu cha mẹ mình hơn, hãy hỏi về thời thơ ấu mà họ đã trải qua. Và nếu lắng nghe bằng cả tấm lòng, bạn sẽ khám phá được căn nguyên của những nỗi sợ và sự khắt khe họ dành cho bạn. Những người mà bạn luôn cho rằng đã “khiến tôi trở thành thế này đây” thật ra cũng lo lắng và sợ hãi như chính bạn thôi.
Tôi tin chính chúng ta đã chọn cha mẹ cho mình. Mỗi người chúng ta quyết định đến với thế giới này vào đúng địa điểm và thời điểm. Chúng ta đã chọn đến với thế giới này để đón nhận những bài học giúp ta tăng tiến trên con đường tiến hóa về tinh thần và tâm linh. Chúng ta chọn giới tính, màu da, dân tộc của mình, và rồi chúng ta ngó quanh các cặp cha mẹ, tìm kiếm những người phản chiếu chuẩn xác con người mà chúng ta muốn trở thành trong cuộc sống. Rồi khi lớn lên, chúng ta thường chỉ tay vào cha mẹ và rên rỉ buộc tội: “Cha mẹ đã khiến con thành thế này”. Nhưng sự thật là chúng ta chọn họ vì họ hoàn hảo cho điều ta muốn vượt qua ở cuộc đời này. Ngay khi còn rất nhỏ, ta đã học và thấm nhuần các hệ thống niềm tin của mình, sau đó ta sống và xây dựng những trải nghiệm khớp với các niềm tin ấy. Hãy nhìn lại cuộc đời của bạn và xem thử bạn thường có những trải nghiệm giống nhau đến thế nào. Chà, tôi tin việc bạn tạo ra những trải nghiệm đó hết lần này đến lần khác là vì chúng phản chiếu điều bạn tin tưởng về bản thân. Thế nên việc bạn gặp một rắc rối nghiêm trọng và dai dẳng, hay đe dọa cuộc sống của bạn đến thế nào thì cũng chẳng phải là chuyện gì quan trọng.
Sức mạnh luôn tồn tại trong khoảnh khắc hiện tại Mọi sự kiện bạn trải nghiệm trong cuộc sống cho đến thời điểm hiện tại đều hình thành từ suy nghĩ và niềm tin của bạn trong quá khứ. Chúng được tạo thành bởi những suy nghĩ và lời nói của bạn ngày hôm qua, từ tuần trước, tháng trước, năm trước, thậm chí từ 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm, hoặc lâu hơn nữa, tùy vào tuổi đời của bạn.
Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ. Tất cả đã qua và đã kết thúc. Điều thực sự quan trọng là ngay khoảnh khắc này, bạn đang chọn tin, nghĩ và nói gì, bởi lẽ những suy nghĩ và lời nói đó sẽ tạo nên tương lai của bạn. Sức mạnh của bạn nằm ngay trong khoảnh khắc hiện tại và đang hình thành trải nghiệm của bạn về ngày mai, tuần tới, tháng tới, năm tới và cứ thế. Bạn có thể nhận thấy ngay lúc này mình đang nghĩ gì. Những suy nghĩ đó là tích cực hay tiêu cực? Bạn có muốn suy nghĩ đó tạo nên tương lai của mình không? Hãy chú ý đến chúng và luôn tỉnh táo.
Thứ duy nhất chúng ta phải xử lý chính là suy nghĩ, mà suy nghĩ thì có thể thay đổi Trong bất kỳ tình huống nào, những trải nghiệm của ta chính là tác động được bộc lộ ra bên ngoài của những suy nghĩ bên trong. Ngay cả sự căm ghét bản thân cũng chỉ là sự căm ghét ta dành cho chính mình vì những suy nghĩ tồi tệ ta tạo ra. Bạn có một suy nghĩ rằng “Mình là một thằng tồi”, suy nghĩ đó sẽ tạo ra cảm xúc, rồi bạn bị nhấn chìm trong cảm xúc ấy. Tuy nhiên, nếu không có suy nghĩ, bạn sẽ không có cảm xúc, và suy nghĩ thì có thể thay đổi. Hãy thay đổi suy nghĩ của bạn, cảm xúc chắc chắn sẽ thay đổi theo và cảm xúc tồi tệ sẽ tan biến. Điều này giúp ta nhận thấy nơi xuất phát những niềm tin của ta. Đừng sử dụng điều này làm lời bào chữa để giúp ta tiếp tục mắc kẹt trong nỗi đau của mình. Quá khứ không có bất kỳ sức mạnh nào đối với chúng ta cả, bất kể ta đã sống với kiểu suy nghĩ tiêu cực như vậy bao lâu, vì sức mạnh thực sự là ở ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Có quá nhiều điều tốt đẹp để khám phá ở phía trước! Thế nên, ngay từ khoảnh khắc này, ta có thể bắt đầu trả tự do cho chính mình!
Dù bạn có tin hay không, chúng ta thật sự chọn suy nghĩ của mình. Chúng ta thường có thói quen lặp đi lặp lại những suy nghĩ giống nhau nhiều đến nỗi khiến ta cảm thấy ta không được chọn cách suy nghĩ. Nhưng quả thật, ngay từ đầu, chúng ta đã lựa chọn rồi. Chẳng phải ta có thể từ chối không suy nghĩ về một số điều sao? Hãy tự nhìn lại xem, bạn đã bao lần bác bỏ những suy nghĩ tích cực về bản thân? Nếu thế thì bạn cũng có thể bác bỏ những suy nghĩ tiêu cực về chính mình. Với tôi, dường như mọi người trên Trái đất này, những người tôi quen biết hoặc từng cùng làm việc, thường xuyên sống trong đau khổ vì tự căm ghét bản thân và luôn cảm thấy tội lỗi ở mức độ này hoặc mức độ khác. Ta càng căm ghét bản thân, càng cảm thấy mình tội lỗi bao nhiêu thì cuộc sống của ta càng bế tắc, càng ít sức sống. Song, chỉ cần làm ngược lại, cuộc sống sẽ tốt lên từng ngày, trên mọi phương diện.
Niềm tin sâu kín nhất của những người tôi gặp lúc nào cũng là “Tôi chả giỏi giang gì cả”. Thêm vào đó, chúng ta thường tin rằng “Tôi làm chưa đủ” hay “Tôi không xứng đáng”. Nghe có giống với những gì bạn thường nghĩ không? Bạn có thường nói, thường mặc định, thường xuyên cảm thấy “Bạn không giỏi giang gì cả” không? Thế nhưng, giỏi là giỏi cho ai? Và giỏi theo tiêu chuẩn nào? Nếu niềm tin này đã ăn quá sâu, làm thế nào bạn có thể tạo dựng một cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng, vui vẻ và đầy yêu thương? Theo một cách nào đó, niềm tin chính trong tiềm thức của bạn sẽ luôn mâu thuẫn với cuộc sống lý tưởng ấy. Và cách nào đó, bạn sẽ không bao giờ thật sự hòa giải được hai điều đó, vì luôn có điều gì đó đi lạc hướng.
Tôi nhận ra rằng: oán hận, chỉ trích, tội lỗi và nỗi sợ hãi gây ra nhiều rắc rối hơn mọi thứ khác Đây là bốn cảm xúc gây ra những vấn đề chính cho cơ thể và cuộc sống của chúng ta. Những cảm xúc này đến từ việc ta đổ lỗi cho người khác và chối bỏ trách nhiệm của mình đối với những việc xảy ra trong cuộc sống. Bạn thấy đấy, nếu mỗi người chúng ta biết chịu trách nhiệm đối với mọi thứ xảy ra trong cuộc sống thì sẽ không ai cần đổ lỗi cho ai cả. Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống “ngoài kia” chỉ là sự phản chiếu những suy nghĩ “bên trong” của mỗi người.
Ở đây, ý tôi không phải là ta phải tha thứ cho tất cả những người cư xử tồi tệ với mình, nhưng chính việc ta tin như thế sẽ thu hút những người đối xử giống vậy với ta sẽ đến bên ta. Nếu bạn thấy mình thường thốt ra những câu kiểu như: “Mọi người luôn làm thế này thế kia với tôi, luôn phán xét tôi, không bao giờ ở bên cạnh tôi, lúc nào cũng coi tôi như miếng giẻ chùi chân và làm nhục tôi v.v…” thì đó chính xác chính là MẪU NGƯỜI của bạn. Những suy nghĩ nào đó trong bạn đã thu hút những người có kiểu cư xử như thế. Nếu bạn ngừng suy nghĩ theo lối đó, họ sẽ đi tìm người khác vì bạn không còn sức hút đối với họ nữa. Dưới đây là một số kết quả của các khuôn mẫu cảm xúc nói trên thể hiện ra trên cơ thể chúng ta. Sự oán hận kéo dài có thể ăn mòn cơ thể, thậm chí dẫn đến bệnh ung thư.
Thường xuyên có thói quen phán xét, chỉ trích sẽ rất dễ dẫn đến chứng viêm khớp. Những cảm giác tội lỗi khiến con người luôn muốn tìm kiếm sự trừng phạt, và sự trừng phạt nào cũng mang đến những nỗi đau. (Khi một bệnh nhân chất chứa trong lòng nhiều nỗi đau tìm đến tôi, tôi biết rằng họ đang chịu rất nhiều mặc cảm tội lỗi.) Nỗi sợ, và sự căng thẳng do nó gây ra, có thể dẫn đến chứng hói đầu, ung nhọt, thậm chí lở loét bàn chân. Tôi nhận ra rằng tha thứ và buông xả oán hận có sức mạnh chữa lành, thậm chí chữa được cả bệnh ung thư. Nghe qua thì có vẻ thiếu thuyết phục, nhưng tôi đã chứng kiến và trải nghiệm được hiệu quả.
Chúng ta có thể thay đổi thái độ đối với quá khứ Quá khứ là những gì đã qua, đã kết thúc, mà ở hiện tại chúng ta không thể thay đổi. Nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi cách nghĩ của mình về quá khứ. Sẽ thật khờ dại nếu ta cứ mãi trừng phạt bản thân trong khoảnh khắc hiện tại chỉ vì những tổn thương ai đó đã gây ra cho ta từ rất lâu trong quá khứ. Tôi thường nói với những người mang trong lòng những oán hận nặng nề rằng: “Xin hãy bắt đầu giải tỏa những oán giận trong lòng ngay lúc này, khi bạn còn có thể. Đừng đợi cho đến khi bạn nằm trong phòng phẫu thuật hoặc hấp hối trên giường bệnh, khi bạn đang lo lắng, sợ hãi”. Khi ở trong trạng thái lo lắng, sợ hãi, ta rất khó tập trung đầu óc để tự chữa lành bản thân. Vì vậy, trước tiên ta cần dành thời gian để giải thoát bản thân khỏi những nỗi sợ.
Nếu chúng ta tin rằng mình là một nạn nhân hoàn toàn bất lực và không còn hy vọng gì, thì vũ trụ sẽ ủng hộ niềm tin đó của ta. Kết quả là, chúng ta sẽ nhanh chóng bị nhấn chìm và kiệt quệ. Từ bỏ những ý nghĩ và những niềm tin khờ khạo, lỗi thời, tiêu cực, không giúp nuôi dưỡng tâm hồn là một vấn đề mang tính sống còn. Thậm chí, niềm tin của ta vào Thượng đế cũng phải là niềm tin nuôi dưỡng, che chở chứ không chống lại ta.
Để buông xả quá khứ, ta cần sẵn lòng tha thứ Chúng ta cần chọn cách buông xả quá khứ và tha thứ cho tất cả mọi người, kể cả bản thân mình. Có thể ta không biết cách hoặc chưa sẵn lòng tha thứ, nhưng sự thật hiển nhiên là khi ta nói mình sẵn sàng tha thứ thì đó có nghĩa là quá trình chữa lành nỗi đau cho bản thân đã bắt đầu hoạt động. Buông xả quá khứ và tha thứ cho mọi người là điều kiện tiên quyết cho quá trình tự chữa lành. “Tôi tha thứ cho bạn vì đã không như tôi mong đợi, tôi tha thứ cho bạn và tôi cho phép bạn được tự do.” Lời khẳng định này cũng sẽ trả tự do cho chính chúng ta.
Mọi bệnh tật đều đến từ việc không biết tha thứ Bất cứ khi nào ngã bệnh, bạn cần tự hỏi bản thân để tìm hiểu xem mình có cần tha thứ cho ai không. Trong cuốn Course in Miracles có câu “Mọi bệnh tật đều đến từ việc không biết tha thứ” và “Mỗi khi đau bệnh, chúng ta cần nhìn xung quanh và tìm kiếm người mà ta cần tha thứ”.
Tôi muốn bổ sung thêm cho quan điểm đó như thế này: Người mà bạn cảm thấy khó tha thứ nhất chính là người mà bạn CẦN THA THỨ TRƯỚC TIÊN. Tha thứ ở đây nghĩa là buông xả, là để mọi thứ trôi qua. Điều này không liên quan gì đến việc bỏ qua, bỏ mặc mà chỉ đơn giản là để mọi thứ trôi đi. Chúng ta cũng không cần học CÁCH tha thứ, tất cả những gì ta cần làm là SẴN LÒNG tha thứ. Và vũ trụ sẽ đảm nhiệm những cách tha thứ. Hầu hết chúng ta đều hiểu rõ những nỗi đau của mình, nhưng lại không dễ dàng hiểu được rằng những người cần được ta sẵn sàng tha thứ kia cũng mang trong lòng những nỗi đau không kém. Chúng ta cần hiểu rõ một điều là họ cũng đang làm hết sức mình bằng khối kiến thức, sự hiểu biết và tầm nhìn của họ khi ấy. Khi một người mang theo vấn đề của họ đến tìm tôi, tôi không quan tâm vấn đề đó là gì – là sức khỏe yếu kém, thiếu hụt tiền bạc, các mối quan hệ đổ vỡ hay những vấn đề tinh thần v.v… Tất cả đều không quan trọng. Điều duy nhất tôi quan tâm là họ có YÊU THƯƠNG BẢN THÂN hay không. Tôi nhận ra rằng, một khi chúng ta CHẤP NHẬN và YÊU THƯƠNG BẢN THÂN NHƯ CHÍNH CON NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH, mọi thứ trong cuộc sống sẽ trở nên suôn sẻ.
Cứ như phép màu có ở khắp mọi nơi vậy, sức khỏe chúng ta sẽ tốt lên, tiền bạc kiếm được nhiều hơn, những mối quan hệ xung quanh trở nên tốt đẹp hơn và chúng ta bắt đầu thể hiện trọn vẹn bản thân một cách sáng tạo. Những điều đó dường như tự động đến với ta kể cả khi ta không cố kiếm tìm. Yêu thương và chấp nhận bản thân, tạo không gian an toàn, tin tưởng và cảm thấy mình xứng đáng, thoải mái sẽ giúp đầu óc ta tổ chức tốt hơn, mang đến cho ta nhiều mối quan hệ tràn đầy thương yêu hơn, giúp ta tìm được việc mới hay một nơi sinh sống tốt đẹp hơn, thậm chí có thể giúp ta điều chỉnh lại cân nặng như ý muốn. Những người biết yêu thương bản thân và cơ thể của mình sẽ không đối xử tệ với bản thân hay người khác.
Chấp nhận và tán thành bản thân ngay trong khoảnh khắc hiện tại là chìa khóa chính yếu cho những thay đổi tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Theo tôi, yêu thương bản thân nên bắt đầu từ việc không bao giờ phán xét hay chỉ trích bản thân vì bất cứ điều gì. Sự chỉ trích sẽ khóa chặt chúng ta vào mẫu người mà ta đang muốn thay đổi. Việc thấu hiểu và cư xử dịu dàng với bản thân sẽ giúp ta thoát ra khỏi mẫu người ấy. Hãy nhớ rằng bạn đã tự chỉ trích mình trong rất nhiều năm rồi; song, điều đó chẳng giúp ích gì. Thế nên hãy thử chấp nhận bản thân và chờ đợi những điều tốt đẹp đến.
Độc giả có thể sử dụng mã giảm giá FHSFNS để được giảm thêm 5% tại: http://bit.ly/chualanhnoidau-fhs . Có giá trị đến 31/5/2020