Nhà tâm lý học Carl Jung từng viết: “Trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ đang ẩn náu – một đứa trẻ tồn tại mãi mãi, luôn muốn trưởng thành, không bao giờ hoàn thiện và luôn đòi hỏi sự quan tâm không ngừng, sự chú ý không ngừng và sự giáo dục không ngừng. Đây là phần tính cách luôn muốn phát triển và trở nên trọn vẹn trong mỗi con người”.
Đứa trẻ tổn thương này có thể bộc lộ ra trong suốt cuộc đời bạn, dưới dạng những phản ứng bốc đồng hay những kiểu phản hồi cảm xúc thái quá. Có thể bạn không hiểu vì sao bản thân mình cứ hay gặp những người đối xử với mình không ra gì. Có thể bạn thích giao du với những người miệng thì nói là bạn tốt của bạn nhưng sau cùng lại chỉ mang đến cho bạn bi kịch… và còn vô vàn những mô thức đang diễn ra mà bạn không ý thức được.
Như tác giả Robert Jackman đã chỉ ra trong cuốn sách “Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong”: “Những tổn thương tinh thần hình thành ngoài ý muốn của chúng ta, thông qua những trải nghiệm trong quá trình chúng ta lớn lên, khi chúng ta bị phớt lờ, bị từ chối hay xa lánh. Với một số người, sự tổn thương diễn ra ở mức độ sâu sắc khi họ có những trải nghiệm dữ dội như bị bạo hành, bị bỏ rơi hoặc những chấn thương tâm lý khác. Trong suốt quá trình này, chúng ta vận dụng tất cả khả năng của mình, với những công cụ tốt nhất mình có, để ứng phó với tình huống ngay tại thời điểm sự việc xảy ra. Tuy nhiên, dù chúng ta có tâm thế chủ động đón nhận sự tổn thương đến đâu, vết thương ấy vẫn lưu dấu lại sâu bên trong chúng ta, chiếm một chỗ nhất định và tác động đến cách chúng ta cảm nhận về bản thân trong mối quan hệ với phần còn lại của thế giới”.
Có thể bạn đã quen với cảm giác có nỗi đau sâu kín trong lòng. Có thể bạn nghĩ: “Mình biết chuyện này đã xảy đến với mình, nhưng chuyện đã qua lâu rồi, và mình không muốn nhớ lại sự việc đó nữa”. Tuy vậy, nỗi đau vẫn ở lại bên trong bạn, nó sẽ không tự động biến mất nếu bạn không làm gì để xử lý nó. Nó sẽ liên tục thể hiện ra, thông thường bằng cách gián tiếp, đẩy bạn chệch hướng khỏi hành trình bạn đang đi, khiến bạn mất thăng bằng và góp phần đưa bạn đến tình trạng lo âu và trầm cảm.
Để tự chữa lành, chúng ta cần kết nối lại với đứa trẻ bên trong và trao cho phần bản ngã đó cơ hội bày tỏ cảm xúc và giải phóng nỗi đau. Một khi chúng ta kết nối được với vết thương bên trong mình, cánh cửa đi vào hành trình chữa lành liền mở ra.
Trong “Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong”, tác giả Robert Jackman sẽ giúp bạn tự chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong mình thông qua quy trình chữa lành – chữa lành và chào đón một cuộc đời đích thực – giúp bạn chữa lành và giải phóng những mô thức sai lệch bắt nguồn từ những tổn thương đã hình thành từ rất lâu trong quá khứ. Quy trình này kết hợp nhiều phương thức và bài thực hành để bạn có thể kết nối với những nguyên nhân tiềm ẩn, giúp lý giải tại sao bạn lại phản ứng và hồi đáp như vậy. Bằng cách làm theo quy trình chuyển hóa này, bạn sẽ bắt đầu thấu hiểu và thừa nhận những mô thức phản ứng do tổn thương cụ thể mà mình đang bám giữ bên trong.
Một khi bạn đi qua toàn bộ quy trình này, những phần tổn thương của bạn sẽ bắt đầu hợp nhất với phần người lớn có trách nhiệm và không còn cảm thấy bị lờ đi hay lạc lõng nữa. Bạn sẽ không chỉ hiểu được nguyên nhân khiến bản thân liên tục đưa ra những quyết định bốc đồng bấy lâu, mà còn nhận diện rõ được những mô thức lớn hơn trong cuộc sống đang kìm hãm bạn, ngăn bạn cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn. Vị thế cảm xúc của bạn thay đổi từ chỗ chỉ cố gắng tồn tại sang phát triển lành mạnh.