Vốn đam mê với nghề nhiếp ảnh nên sau tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh anh Nhật quyết định trở thành "phó nháy". Hiện anh đã mở một studio áo cưới phục vụ làm đẹp ngày kết hôn cho các cặp đôi.
Năm 2019, anh Nhật quyết "biến" con hẻm cũ kỹ thành "phố ông Chảnh". Trước đó vào dịp Tết Nguyên đán TP Cần Thơ đều tổ chức ngày hội Phố ông đồ cho khách đến xin chữ, check-in, mua quà lưu niệm…
Tuy nhiên, do con đường diễn ra Phố ông đồ khá hẹp, khách đến tham quan rất khó lựa góc chụp ảnh, thậm chí phải chen chúc nhau. Thấy được tiềm năng "sống ảo" của nhiều người đặc biệt là giới trẻ, anh Nhật đã nảy ra ý tưởng "set-up" một khu phố tái hiện không gian Tết xưa kết hợp bán vé cho khách vào chụp ảnh.
"Sau nhiều lần lựa địa điểm tôi quyết định cho phố ông Chảnh tọa lạc ngay chính con hẻm của gia đình. Được sự đồng thuận của cả xóm, tôi bắt tay vào thi công mất đến 2 tháng mới cho ra lò thành phẩm", anh Nhật kể.
"Tôi muốn tái hiện không gian Tết xưa cho mọi người hiểu hơn về nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Thời buổi hiện đại mọi người không còn quây quần, sum họp nhau như lúc xưa. Mỗi tiểu cảnh mà tôi dựng nên đều sẽ tái hiện hình ảnh đặc biệt nào đó trong ngày Tết", chủ khu phố ông Chảnh chia sẻ.
Nhờ sự độc lạ, bày trí tinh xảo, lung linh ngay lúc mở dịp Tết 2019 lượng khách đổ về phố ông Chảnh của anh Nhật đông đến mức nhân viên phải tăng ca đến tối để đón khách.
Sang Tết năm 2020, chủ khu phố lại thay đổi ý tưởng sang trang trí lấy trái bắp làm chủ đạo ngụ ý "chắc như bắp".
"Những năm trước khi có dịch bệnh lượng khách đến phố ông Chảnh chụp hình rất nhiều, những năm đó tôi có thể kiếm được từ 200 đến 300 triệu đồng/vụ Tết. Thông thường tôi sẽ mở cửa trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng và kéo dài đến hết mùng Mười tháng Giêng để cho khách có nhiều thời gian check-in", anh Nhật tiết lộ.
Tết Nhâm Dần 2022 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng anh Nhật và ekip vẫn cố gắng hoàn tất trang trí sớm cho khu phố. Năm nay, phố ông Chảnh mở rộng diện tích lên 400m2, chia bố cục làm không gian Tết ba miền Bắc-Trung-Nam.
Nổi bật nhất là con đường xuân dài 25m được thiết kế các tiểu cảnh như nhà lá, đám cưới quê, gian lồng đèn và chữ thư pháp, làng bánh tráng…
Vẫn là không gian Tết xưa nhưng anh Nhật đã khéo léo lồng ghép hình ảnh lá dừa và trái dừa vào cách bày trí. Theo đó, chất liệu lá dừa được anh chủ 8x đan thành quạt, nón, vỉ phơi bánh tráng hay những chiếc bánh lá dừa. Riêng phần trái dừa anh Nhật tận dụng phần gáo chẻ đôi để làm background (nền phía sau) Tết.
Lần đầu đến chụp ảnh tại phố ông Chảnh, cô gái trẻ Thái Thị Ngọc Quý (21 tuổi, quê ở Cần Thơ) tỏ ra rất hào hứng và ấn tượng với cách bày trí ở đây. "Em rất thích khu phố này vì nó giản dị, gần gũi gợi nhớ lại không khí Tết ngày xưa. Em đã mặc áo dài trắng và trang điểm nhẹ nhàng để thợ chụp hình có thể chụp lại những hình ảnh đẹp đẽ này", Ngọc Quý vui vẻ nói.
Hiện còn cách Tết Nguyên đán hơn 2 tháng nhưng con hẻm nhỏ mang tên "phố ông Chảnh" đã rộn ràng. Anh Nhật hy vọng, tình hình dịch bệnh sớm ổn định, cuộc sống được bình thường mới hoàn toàn, người người nhà nhà đón được cái Tết ấm no, sum vầy, hạnh phúc.
Bảo Kỳ