Có thể bạn từng cố gắng “yêu thương bản thân” bằng những buổi spa, những lớp thiền, những lần viết nhật ký hay nỗ lực ngủ sớm – nhưng rồi vẫn rơi vào trạng thái kiệt sức, mất phương hướng. Nếu mọi thứ bạn đang làm để cảm thấy tốt hơn lại khiến bạn mệt mỏi hơn, thì có lẽ, vấn đề không nằm ở bạn – mà nằm ở định nghĩa sai lệch về việc chăm sóc bản thân.
Mặt nạ của “self-care”: khi chăm sóc bản thân trở thành tiêu chuẩn mới của sự kỳ vọng
Theo bác sĩ tâm thần Pooja Lakshmin – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần phụ nữ – xã hội ngày nay đang nhầm lẫn giữa chăm sóc bản thân thật sự và những phương pháp đối phó giả tạo.
Thông qua câu chuyện của Monique – một phụ nữ trẻ liên tục tham gia các khóa “chữa lành” ở Bali, Montana hay New York để thoát khỏi nhịp sống ngột ngạt – Lakshmin cho thấy: chăm sóc bản thân giả tạo chỉ là hình thức nạp lại năng lượng bề mặt, không chạm đến gốc rễ của sự tổn thương.
Nó khiến bạn tưởng rằng mình đang kiểm soát cuộc sống, nhưng thực chất, bạn đang dùng một chiếc mặt nạ mới để tiếp tục gồng mình sống trong hệ thống cũ – nơi phụ nữ được kỳ vọng phải tử tế, chu đáo, hy sinh và không bao giờ được ích kỷ.
Vậy, chăm sóc bản thân thật sự là gì?
Không nằm ở những gì bạn mua hay những việc bạn “phải làm để tốt hơn”, "Chăm sóc bản thân thật sự" (Real self-care) – theo Lakshmin – là một quá trình nội tâm, sâu sắc và đầy can đảm, nơi bạn học cách lắng nghe chính mình và đưa ra những quyết định có ý thức để bảo vệ sức khỏe tinh thần, thể chất và giá trị sống.
Lakshmin định nghĩa self-care thật sự dựa trên 4 nguyên tắc cốt lõi:
- Thiết lập ranh giới, kể cả khi người khác không hài lòng
- Tử tế với bản thân, đặc biệt trong những khoảnh khắc dễ tổn thương
- Xác định điều gì có giá trị với mình, thay vì chạy theo tiêu chuẩn xã hội
- Chủ động chọn lựa con đường phù hợp, không phải con đường “được chấp nhận”
Chăm sóc bản thân như thế không hào nhoáng, không dễ chịu ngay lập tức, và thường đi kèm với sự cô đơn, nghi ngờ, thậm chí dằn vặt. Nhưng chính quá trình ấy mới là cách sống tử tế nhất mà bạn có thể dành cho chính mình.
Từ kiệt sức đến thấu hiểu bản thân: Hành trình trở về chính mình
Pooja Lakshmin nhìn nhận: “Trong khi chăm sóc bản thân giả tạo khiến bạn ngày càng xa rời chính mình, chăm sóc bản thân thực thụ sẽ luôn đưa bạn đến gần phiên bản thật nhất của mình. Đó là quá trình tìm hiểu bản thân bạn, con người thật của bạn, với những giá trị cốt lõi, niềm tin và mong muốn của riêng bạn. Đó là quá trình ra quyết định diễn ra bên trong buộc chúng ta phải tự suy ngẫm và quan sát chính mình một cách trung thực và kiên định. Khi bắt đầu thấy vẻ ngoài của mình phản ánh đúng phần bên trong con người mình, đó chính là lúc bạn biết mình đang chăm sóc bản thân thực thụ”.
Cuốn sách của cô không chỉ giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt giữa hai kiểu “chăm sóc bản thân”, mà còn cung cấp những bài tập, ví dụ đời thực và câu hỏi gợi mở để bạn từng bước xây dựng một lối sống lành mạnh về tinh thần, không vì người khác, không để được công nhận, mà để bạn được sống như chính mình.
Nếu bạn từng cảm thấy bối rối trước quá nhiều lời khuyên về “self-care”, hãy dừng lại. Và đọc cuốn sách này như một cách bắt đầu lại – không để trở nên tốt hơn, mà để trở nên thật hơn.