Có thể nói, lễ cưới là một ngày vô cùng quan trọng của các cặp đôi. Nhiều cô dâu, chú rể kỹ lưỡng chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất trong ngày trọng đại của mình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dở khóc, dở cười hay muốn tạo ấn tượng riêng cho hôn lễ của mình trở nên đặc biệt hơn.
Mới đây, một đám cưới nhiều "không", không tiệc rượu, không tiệc trà, không xe hoa, không cổng chào... được cặp đôi cô dâu Tuyết Mai (36 tuổi) và chú rể Tú Anh (36 tuổi) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức gây chú ý của dư luận.
Thay vì nhận phong bì chúc mừng, cặp đôi chỉ nhận những cuốn sách thiếu nhi để tặng trẻ em vùng cao.
Chú rể Tú Anh chia sẻ, anh và vợ quen nhau tại kho sách thiện nguyện "Chủ nhật yêu thương" gần ba năm trước, mỗi chủ nhật hàng tuần cả hai lại cùng nhau soạn sách, "gieo sách" đến vùng cao cho học sinh khó khăn.
Dần dần, niềm đam mê sách đã kết duyên hai người đến gần nhau hơn và tiến tới hôn nhân.
Đến với nhau từ niềm đam mê sách, anh Tú Anh muốn sự kiện quan trọng nhất của đời mình sẽ thật ý nghĩa và gắn liền với sách. Vì vậy, anh thông báo với tất cả khách mời, lễ cưới sẽ không có tiệc trà, không nhận phong bì mà chỉ muốn nhận những cuốn sách thiếu nhi.
Những ngày cuối tháng 11, anh Tú Anh vui vẻ thông báo lên mạng xã hội rằng mình sắp kết hôn, buổi lễ sẽ được diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình hẹn anh chị em, bạn bè đến chung vui cùng hai vợ chồng.
Tuy lời mời khá bất ngờ, nhưng cũng rất thú vị nên bạn bè ai cũng háo hức chờ mong. Buổi sáng hôn lễ được diễn ra tại đường sách, còn buổi chiều cả nhóm "Chủ nhật yêu thương" cùng nhau kết một cổng hoa từ cỏ dại trên bãi đất trống ven sông cùng nhau vui đùa, vẽ tranh, kể chuyện... để tô điểm cho lễ cưới thêm phần đặc biệt.
Được sự giúp đỡ của bạn bè thân quen, người thì phụ trách chụp ảnh, người thì trang điểm cô dâu, người thì trang trí cổng cưới bằng cỏ dại. Còn bàn ghế đón khách cũng được anh tận dụng từ quán cà phê ngay tại đường sách. Đơn giản là vậy, nhưng buổi lễ đã diễn ra trọn vẹn và ý nghĩa với anh Tú Anh và chị Tuyết Mai.
Có lẽ, đây là đám cưới "có một không hai" giữa lòng Sài Gòn bởi nhiều cái "không". Nhưng hai vợ chồng anh Tú Anh nhận lại nhiều thứ, đó là tình yêu thương của tất cả mọi người. Thậm chí, hôn lễ không có sự hiện diện của hai bên gia đình cũng không quá đông người do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhưng cả hai đều vỡ òa trong sự hạnh phúc.
"Mình vui lắm, khi thấy mọi người dành thời gian đến chúc phúc cho vợ chồng mình. Người thì mang hộp quà cưới đẹp mắt bên trong là những cuốn sách thiếu nhi, người thì mang chồng sách thật cao, người thì kỹ càng chọn lựa sách cũ từ ở nhà rồi mang đến. Người thì rủ mình đến quầy sách tự chọn rồi thanh toán khiến mình rất cảm động", chú rể Tú Anh tâm tình.
Theo lời kể của chú rể, có cả những người chưa quen từ ở rất xa, khi đọc được thông báo cũng tìm cách mua sách gửi đến... Vì thế, chỉ một buổi sáng, tài sản sách của hai vợ chồng anh đã thùng lớn thùng nhỏ phải thuê xe trở về phòng trọ.
"Ngày trọng đại của cuộc đời mình chỉ muốn đơn giản và nhẹ nhàng, chứ không muốn nặng nề cầu kỳ, tiệc tùng linh đình.
Mình chỉ mong mọi người đến chơi, gửi vài lời chúc phúc đến vợ chồng mình. Vì cả hai đều "yêu" sách mà đến với nhau, nên mình cũng sẽ để sách là cầu nối và là "người bạn" thân thiết trong đám cưới của chúng mình", anh Tú Anh cho hay.
Tại đường sách, khách mời đến tham dự ai cũng háo hức cầm trên tay những quyển sách cũ, sách mới đến tặng và chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Chú rể cho biết, trong buổi sáng diễn ra lễ cưới, anh và vợ đã nhận được gần 1.000 quyển sách từ mọi người.
Điều khiến anh và vợ cảm động nhất trong buổi lễ khi được bạn bè, người quen, người lạ đến chúc phúc và tặng cho hai vợ chồng những quyển sách yêu thương. Đặc biệt là đôi bạn nữ lặn lội từ Cần Thơ lên Sài Gòn để tặng sách và mừng hạnh phúc cho người "thủ lĩnh" nhóm thiện nguyện sách.
Được biết, chú rể Nguyễn Tú Anh quê ở Yên Bái, từng theo học tại Đại học kinh tế TPHCM. Sau khi tốt nghiệp anh chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp và theo đuổi niềm đam mê sách, cũng như công việc thiện nguyện của mình.
Cách đây gần 14 năm, anh đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện mang tên "Chủ nhật yêu thương", đồng thời khởi xướng chương trình "1.001 thư viện bản xa" quyên góp sách vở, dụng cụ học tập dành cho trẻ em vùng sâu xa.
Trong những ngày Sài Gòn bị giãn cách do đại dịch, nhóm Chủ nhật yêu thương chuyển hướng thu mua nông sản giúp bà con ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai rồi đem về Sài Gòn tặng cho người lao động nghèo.
Nói về dự định trong tương lai, anh Tú Anh chia sẻ, sau đám cưới, anh và vợ vẫn tiếp tục hành trình "gieo sách" đến với các em ở vùng cao và xây dựng tổ ấm của mình ngày càng hạnh phúc để lan tỏa tình yêu sách đến tất cả mọi người.
Hoài Trang