Hơn một tuần trước, nhiều người có mặt tại nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) không khỏi bất ngờ trước đơn sách đồ sộ của một khách hàng xếp tại quầy thu ngân.
Tổng số đầu sách vị khách mua là 195 cuốn, số tiền thanh toán lên tới hơn 27 triệu đồng. Vì số lượng sách hàng trăm cuốn nên hóa đơn in ra dài tới 1,9m.
Đại diện nhà sách cho hay, việc khách mua nhiều sách có thể lạ với nhiều khách hàng khác nhưng lại thường xuyên diễn ra ở các cửa hàng của nhà sách tại TPHCM và Hà Nội.
Trước sự nở rộ của công nghệ và các nền tảng giải trí, nhiều người lo ngại về thực trạng lười đọc sách, đặc biệt là ở giới trẻ.
Vì vậy, khi thấy những vị khách mua đơn hàng "khủng" như trên, nhiều người cảm thấy bất ngờ xen lẫn thán phục trước tinh thần say mê đọc, học tập và nghiên cứu của những cá nhân này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hóa, Phó Tổng giám đốc Công ty Fahasa, chia sẻ rằng, trước sự nở rộ của công nghệ và các nền tảng giải trí, nhiều người không mặn mà với các cuốn sách. Vì vậy, mới có những lo ngại về hiện tượng "không thích đọc", "lười đọc" trong cộng đồng.
Tuy nhiên, bà Hóa cho rằng, văn hóa đọc vẫn có rất nhiều điểm sáng và sách vẫn là cánh cửa tri thức mở ra thế giới được nhiều người lựa chọn.
"Trình độ văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao. Công tác xuất bản ở Việt Nam cũng phát triển, cập nhật với xu hướng của thế giới. Có nhiều ấn bản mới hoặc được mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam.
Công tác truyền thông sách hay, sách mới được cải thiện. Chất lượng sách in đẹp hơn, các nhà sách được đầu tư trang trí hiện đại với nhiều phong cách để phục vụ khách hàng.
Có rất nhiều gia đình, cơ quan, trường học đã xây dựng các tủ sách riêng. Tất cả các yếu tố này khiến văn hóa đọc, đặc biệt là đọc sách giấy vẫn đang được nâng cao mỗi ngày chứ không hề bị giảm đi so với trước", bà Hóa nhận định.