Đêm 27/11, tại nhà hát Cao Văn Lầu (nhiều người ví von gọi là nhà hát 3 nón lá vì phần mái có hình 3 chiếc nón lá) của tỉnh Bạc Liêu đã sáng đèn trở lại sau nhiều ngày "khép màn nhung" vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điều đặc biệt của đêm diễn này các nghệ sĩ của đoàn cải lương Cao Văn Lầu đã diễn vở cải lương "Đêm lạnh chùa hoang", do đạo diễn Quốc Khánh của Nhà hát Cao Văn Lầu dựng lại từ kịch bản của cố soạn giả Yên Lang.
Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu thực hiện diễn nguyên vở cải lương và trực tiếp trên đài truyền hình đến khán giả mộ điệu.
Kịch bản "Đêm lạnh chùa hoang" là một trong những vở cải lương kinh điển của cố soạn giả Yên Lang. Vở này ra đời hàng chục năm trước, từng được nhiều nghệ sĩ tên tuổi thể hiện, trong đó có Minh Vương và Lệ Thủy mà những người yêu cải lương thế hệ 6X, 7X có thể biết nhiều.
Nội dung vở cải lương nói về sự đối đầu giữa quân Mông Cổ và nhà Tống, mối tình giữa quận chúa Mông Cổ Hồ Bảo Xuyên và chàng trai người Tống Tần Lĩnh Sơn. Trong vở diễn, 2 nữ nghệ sĩ Mỹ Hạnh, Như Huỳnh và 2 nam nghệ sĩ Hoàng Dững, Giang Tuấn thay nhau diễn vai quận chúa Hồ Bảo Xuyên và Tần Lĩnh Sơn.
Với giọng ca trẻ trung và yêu mến nghệ thuật cải lương, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Cao Văn Lầu như NSƯT Mỹ Hạnh, NS Như Huỳnh (vai Hồ Bảo Xuyên), NSƯT Giang Tuấn, NS Hoàng Dững (vai Tần Lĩnh Sơn)... đã thể hiện rất đặc sắc vai diễn của mình.
NS Như Huỳnh chia sẻ: "Được diễn vở cải lương kinh điển này em cảm thấy vinh dự và hạnh phúc. Dù vậy, lần đầu tiên em diễn nguyên vở cải lương và truyền hình trực tiếp nên cũng thấy có áp lực vì lâu quá rồi, dịch bệnh căng thẳng, ít tiếp xúc sân khấu như trước.
Nhưng với niềm tin của các lãnh đạo ngành, tỉnh Bạc Liêu dành cho ê kíp, em và các nghệ sĩ đã cố gắng diễn tròn vai cũng như trong các lời ca, để khán giả cảm được những cung bậc cảm xúc của nghệ thuật cải lương".
Có thể nói, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Cao Văn Lầu đã cố gắng "vực dậy" và mang đến một "hơi thở mới" của nghệ thuật sân khấu cải lương sau những ngày tháng bị ảnh hưởng của dịch bệnh trên đất Bạc Liêu, nơi nổi tiếng với bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lâu, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết việc thực hiện diễn nguyên vở cải lương ở Nhà hát Cao Văn Lầu là một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch bảo tồn, phát huy lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương của tỉnh.
Huỳnh Hải