Trong tập 2 của Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ), CEO nữ xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Hằng muốn kêu gọi đầu tư vốn cho sản phẩm xe đạp trợ lực điện của đứa con tinh thần Wiibike. Đến với chương trình, start-up này muốn kêu gọi 1,5 tỷ đồng cho 1% cổ phần, tương đương định giá công ty ở mức 150 tỷ đồng.
Sau khi nghe trình bày về sản phẩm của Thu Hằng, Shark Bình đề nghị đầu tư 3 tỷ cho 33% cổ phần còn Shark Phú đề nghị 1,5 tỷ cho 10% cổ phần kèm với câu nói gây-ấn-tượng-mạnh:
"Em không cần giải thích gì thêm về bussiness (mô hình kinh doanh – PV). Với anh chỉ cần liếc mắt là biết bussiness nào rồi. Nên anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến bussiness, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1,5 tỷ cho 10% cổ phần".
Không chỉ có vậy, ngay từ ban đầu xuất hiện, khi CEO Thu Hằng hỏi các Shark có thấy điều gì khác biệt ở chiếc xe mình đang đi không. Shark Phú liền cười "tít mắt" nói: "Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì ở chiếc xe cả".
Cuối cùng, sau khi cân nhắc hai lời đề nghị, CEO Wiibike đã lựa chọn Shark Phú trở thành nhà đầu tư và người đồng hành cũng start-up của mình. Thỏa thuận xong, Shark Hưng liền "phán" một câu về deal này: "Cứ xanh, sạch, xinh là xong".
Những phát ngôn này sau khi được phát sóng trên truyền hình đã nhận về những ý kiến trái chiều, đặc biệt từ những khán giả nữ. Trong đó, TS Nguyễn Phương Mai - hiện đang nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành quản trị xuyên văn hóa, quản trị đa dạng/thiên kiến/thay đổi, văn hóa doanh nghiệp châu Á, văn hóa Trung Đông và Hồi giáo, thương lượng, và thiết kế giảng dạy tại ĐH Kinh doanh quốc tế Amsterdam (AMSIB) và ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, và còn là một nhà báo tự do - đã phản ánh gay gắt về sự việc.
Trước tiên, nữ tiến sĩ đồng ý là "tất nhiên, được khen ai cũng thích". Tuy nhiên, sau đó nữ tiến sĩ đã chỉ ra 4 điểm vô lý trong những lời khen này.
Thứ nhất, TS Nguyễn Phương Mai định nghĩa: "Những thứ được khen là do thực lực và cố gắng hay do trời sinh ra. Nếu ta khen một người tài giỏi, thành công, tự tin, tiến bộ thì đó là cả một quá trình cố gắng. Khen ngợi dựa trên những thứ trời sinh ra thì không những thiếu công bằng cho kẻ khác, mà còn là một lời khen thừa. Không cố gắng mà có được thì có gì đáng khen?"
Chị nhận định chỉ có Xanh và Sạch là về chất lượng của doanh nghiệp, còn chữ Xinh thì chưa rõ là tiêu chuẩn gì.
Chân dung TS Nguyễn Phương Mai. Ảnh: Forbes Việt Nam.
Thứ hai, đó là những thứ được khen KHÔNG LIÊN QUAN đến chuyên môn. Chúng ta có thể khen bất kỳ bạn nam hay bạn nữ nào là xinh đẹp. Đó là một lời khen dễ chịu, ai cũng muốn nghe. Nhưng theo TS Nguyễn Phương Mai, Shark Phú đang đóng vai trò giám khảo trong một cuộc thi phát sóng toàn quốc với số lượng đông người xem, tham gia vào một cuộc đàm phán kinh tế thực sự. Xinh đẹp hoàn toàn không nên liên quan đến cả ngữ cảnh lẫn tính chất của cuộc mặc cả kinh doanh này.
Thậm chí, chị thẳng thắn dùng từ "lố bịch" nếu áp đặt cuộc hội thoại này vào một cuộc phỏng vấn thông thường với lý do: "Trên tư cách là người được phỏng vấn, bạn chắc cũng không thể cười nổi khi biết mình vì xinh mà được chọn".
Thứ ba, những lời nhận xét dựa trên vẻ ngoài tạo ra cả hai hệ quả, tích cực và tiêu cực. Sắc đẹp càng được TÔN VINH công khai thì thì sự xấu xí càng bị DÈ BỈU công khai. Ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân của body shaming (nhận xét chê bai về cơ thể). Không ai hoàn hảo cả.
Nữ tiến sĩ bày tỏ quan điểm: "Xã hội sẽ ngày càng văn minh hơn khi ta có thể dần dần hạn chế những lời bình phẩm chú trọng vào ngoại hình và tập trung vào tính chất cũng như năng lực của mỗi cá nhân - nhất là khi các cá nhân đó không chỉ đơn thuần là bạn bè gia đình, mà là những yếu nhân có vai trò lãnh đạo, chuyển biến xã hội, đối tác làm ăn, đồng nghiệp, và nhất là môi trường chuyên môn, công việc."
Thứ tư, chị cho rằng lời khen thì không nên hạn chế nhưng "nên hiểu rõ khen thế nào để không tạo ra sự phản cảm và thiếu chuyên môn trong môi trường công việc, tạo ra sức ép cho người được/ bị khen, thậm chí tạo ra sức ép cho chính bản thân chúng ta."
Ví dụ, khen đàn ông tài hoa kiếm tiền giỏi là một lời khen có thể tạo ra sức ép cho cả một nửa thế giới, là đàn ông đồng nghĩa với kiếm nhiều tiền, không kiếm ra tiền không phải đàn ông. Chị nhấn mạnh, "lời khen nào cũng là tấm huy chương hai mặt."
Bên cạnh ý kiến của nữ TS Nguyễn Phương Mai, nhà văn Ý Yên trước đó cũng bày tỏ bức xúc về những lời khen này. Nữ nhà văn trẻ tự vấn "Từ bao giờ "xinh" trở thành tiêu chí đánh giá năng lực phát triển sự nghiệp của phụ nữ?" và cho rằng phụ nữ cần được tôn trọng về công việc cũng như năng lực giống như nam giới vậy.
"Cái này là ví dụ cho "em không cần giỏi toán nhưng phải biết tính anh" hả Shark ơi?
Nếu mục đích của tôi là xinh đẹp và kiếm một người đàn ông nuôi cho 100 triệu một tháng tôi sẽ rất biết ơn khi được Shark khen xinh và cho tôi tỷ rưỡi lấy 10% để đốt.
Nhưng nếu mục đích của tôi là đến đó và trình bày với các Shark về công việc và nỗ lực của tôi để khi không may mắn gọi được đầu tư thì cũng có cơ hội được quảng bá cho thương hiệu của mình, thì hi vọng những người đàn ông ngồi nó xem lại thái độ của mình.
Từ bao giờ "xinh" trở thành tiêu chí đánh giá năng lực phát triển sự nghiệp của phụ nữ?"
Chân dung nhà văn Ý Yên.
Hiện, phía BTC chương trình Shark Tank Việt Nam chưa có phản hồi gì về sự việc này.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị