Trải qua 3 mùa phát sóng và đang chuẩn bị bước vào mùa 4, S.T vẫn là show truyền hình hàng đầu về khởi nghiệp, gọi vốn với cả giới đầu tư, startup lẫn những người ưa thích kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, phía sau S.T là một số câu chuyện bất cập mà có lẽ chỉ người trực tiếp tham gia mới hiểu rõ.
Trên trang cá nhân của mình, anh Tăng Ngọc Hải Sơn, CEO, đồng sáng lập ứng dụng thời trang Drobebox đã chia sẻ trải nghiệm không mấy dễ chịu trong quá trình ghi hình S.T mùa 4.
Anh Sơn cho biết, Drobebox được phía ban tổ chức S.T chủ động mời tham gia chương trình. Sau khi vượt qua vòng loại, họ lọt vào top 100 startup để tiếp tục được thẩm định trước khi ghi hình.
Và đây là lúc mọi chuyện bắt đầu.
Phía S.T yêu cầu Drobebox gửi báo cáo tài chính để chứng minh startup không thuộc dạng "chém gió". Nhưng khi anh Sơn yêu cầu ký thỏa thuận bảo mật thông tin giữa 2 bên (Non – disclosure agreement) thì ban tổ chức S.T không phản hồi và tự động cho anh đi tiếp.
Trước khi ghi hình chính thức, startup như Drobebox sẽ có một buổi tập dượt (rehearsal). Tại buổi này, vì xác định S.T vẫn là một show giải trí nên phía ban tổ chức yêu cầu Drobebox làm một số chiêu trò lúc mở màn như founder "cầm đàn chill chill hát cho các Shark nghe". Thậm chí theo lời anh Sơn, phía S.T cho rằng Pitch-deck (phần thuyết trình của startup khi gọi vốn, PV) chỉ là "trò vớ vẩn" nên gợi ý anh "in các con số trên áo, xong nói đến đâu lột đến đó".
Sau quá trình trao đổi, thảo luận, phía Drobebox đồng ý thuê 2 bạn mẫu để lên diễn phần mở màn, với một cái kịch bản mà anh Sơn đánh giá là "tương đối sến sẩm". Theo kế hoạch, buổi ghi hình tập dượt sẽ diễn ra vào ngày 9/4 trước khi ghi hình chính thức vào 11/4.
"10h đêm ngày 8 các bạn lại gọi, bảo ngày ghi hình đầu tiên có một số startup không ổn, nên các bạn muốn dời lịch lên hình của Drobebox lại, để chuẩn bị kỹ hơn, không lại uổng. Mình hỏi cụ thể là chuẩn bị gì, thì các bạn cũng vòng vòng, nói biên tập sẽ có thể làm việc để hấp dẫn hơn", Anh Sơn chia sẻ và cho biết, vì không thể tìm thêm lý do trì hoãn, phía S.T đồng ý để Drobebox vẫn lên hình thử vào ngày 9/4 như dự kiến.
Hai bên hẹn nhau ghi hình vào 5h chiều ngày 9/4. Đúng 4h30 phía Drobebox đã có mặt nhưng sau khi đợi 2 tiếng, tức là đến 6h30, thì họ khá bất ngờ vì thấy ban biên tập lũ lượt ra về.
"Lúc này, khi mọi người đã gom đồ về sạch, bạn biên tập mới tiến lại, bảo ‘bọn chị quyết định dời bọn em qua lần ghi hình lần sau, vì bla bla bla’, đại ý là chương trình phải cần có tính giải trí. Mình hỏi vì sao giờ chị mới nói, trong khi bọn em ngồi đợi gần 2 tiếng đồng hồ thì bạn bảo ‘giờ chị mới biết ?????", anh Sơn tường thuật.
"Đùa chứ mình hỏi là mọi người có thấy như vậy là rất mất thời gian và cực kỳ không tôn trọng startup không? Trong khi chương trình là đầu tư chứ đâu phải múa hề?".
Kết thúc câu chuyện, CEO Drobebox khẳng định "cạch mặt S.T" vì tốn thời gian của startup trong khi công việc đang chất đống. Chưa kể dù có được đầu tư thì startup vẫn chịu rủi ro không nhận vốn vì nhà sản xuất mới là bên có toàn quyền quyết định cuối cùng.
Một trong những điều khoản S.T gửi cho startup, yêu cầu startup đọc kỹ và ký trước vòng ghi hình tập dượt. Nguồn: Facebook Sơn Tăng.
"Mình thà tốn thêm mớ tiền chạy quảng cáo chứ không tiếp tay để quốc gia khởi nghiệp thành quốc gia tấu hài được", anh Sơn nói về quyết định rúi lui khỏi S.T đồng thời hài hước chia sẻ thêm, "Anh em bạn dì trên facebook mình nếu đang/sắp làm khởi nghiệp mà có ý định lên Shark Tank thì inbox mình nhé, mình giao cho trăm cái đầm mà ủi, ít ra còn giúp ích cho đời, đóng góp vào sự nghiệp giúp chị em phụ nữ xinh đẹp và tự tin mỗi ngày".
Phía dưới bài đăng của anh Sơn, rất nhiều bạn bè đã bày tỏ thái độ không đồng ý với cách làm việc từ ban tổ chức S.T.
Một số người dùng bình luận: "Ban tổ chức/nhà đài làm việc sao thiếu chuyên nguyên. Rõ ràng không tôn trọng nhau!! Kiểu ‘Các bạn chỉ là hạt cát được chúng tôi mời là may mắn lắm. Đây để chúng tôi ban phước cho bạn’".
"Giờ mới hiểu tại sao có mấy cái startup lên làm mấy trò nhảm nhảm, ra là chiêu trò của tụi này. Đó giờ toàn coi quốc gia tấu hài rồi Sơn ơi".
Một người khác cũng đồng cảm với câu chuyện của founder Drobebox: "Cùng cảnh ngộ, may hơn bạn xíu là bị rớt từ vòng loại, chắc do không gửi tài liệu cho họ".
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị