Giáo sư Lý Mai Cẩn là một chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý Tội phạm và Nuôi dạy con cái. Hiện tại, bà đang công tác tại Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc. Những chia sẻ của bà về lĩnh vực giáo dục luôn được giới chuyên gia, các bậc phụ huynh đánh giá cao vì tính đúng đắn, thiết thực.
Theo nữ giáo sư, 0-12 tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng giúp trẻ phát triển tính cách, trí tuệ. Giáo dục sớm sẽ làm "nảy mầm hạt giống" và cha mẹ cần phải tận dụng giai đoạn vàng. Giáo sư Lý Mai Cẩn cũng cho hay, có 4 kỹ năng cực kỳ quan trọng mà cha mẹ cần dạy con trước năm 12 tuổi. Tương lai trẻ thành công hay không nhờ vào giai đoạn này.
Khả năng phục hồi tinh thần - Con át chủ bài giúp trẻ thành công trong cuộc sống
Thời gian trước, cư dân mạng từng phát sốt với clip một cậu bé mẫu giáo ở Nhật Bản hoàn thành bài thể dục nhờ sự cổ vũ của các bạn. Cậu bé có tên Kamimura Ryo, sống tại tỉnh Kagoshima. Trong lễ tốt nghiệp, Ryo quyết định nhảy 10 bục gỗ để động viên người mẹ chiến đấu với ung thư. Thử thách quá khó với 1 cậu bé 6 tuổi nên Ryo liên tục nhảy hỏng. Dẫu vậy, cậu nhóc vẫn gạt nước mắt để chiến đấu tới cùng vì mẹ.
Sau đó, thầy giáo và bạn bè đã chạy xuống bên Ryo, tạo thành một vòng tròn hét vang: "Làm được mà! Cậu làm được mà!". Cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến. Sau 6 lần thất bại, Ryo nhảy thành công qua 10 bậc gỗ trong tiếng vỗ tay của cả hội trường.
Câu chuyện của Ryo chính là một ví dụ điển hình của khả năng phục hồi tinh thần, chống chọi với sự thất vọng và vượt qua khó khăn. Đây cũng là kỹ năng quan trọng mà giáo sư Lý Mai Cẩn muốn các bậc phụ huynh phải rèn luyện cho con mình.
Nữ giáo sư cho biết, nếu không có kỹ năng này trẻ sẽ rất rụt rè, dễ thu mình và lùi bước khi gặp khó khăn. Tính cách này dễ dẫn đến những bi kịch không lường trước. Cuộc đời sẽ luôn có những thăng trầm và trẻ phải được tôi luyện để không bị đánh bại bởi một hai sự chỉ trích hay thất bại. Những đứa trẻ có sức chịu đựng tâm lý kém thường choáng ngợp trước thách thức trong cuộc sống và dĩ nhiên, khó mà thành công.
Cậu bé Nhật Bản nhảy qua 10 bậc gỗ.
Có một câu nói như này: "Dấu hiệu thành công của một người không phải bằng độ cao khi anh ta leo lên đến đỉnh, mà là sức bật trở lại của anh ta khi rơi xuống vực". Sự kiên cường là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ ban tặng cho con cái, và đó cũng là nguồn sức mạnh để chúng có thể đi ngược chiều gió.
02
Trách nhiệm - Yếu tố cần thiết cho sự phát triển
Nhiều năm trước, ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc có một cậu bé 9 tuổi họ Vương. Trong kỳ nghỉ đông năm nọ, vì quá bận rộn nên bố mẹ cậu bé không thể về quê và phải đưa con trai đến Tây An sống tạm cùng mình. Ông bà Vương vốn làm công việc bán rau ở Tây An. Khi chứng kiến sự vất vả của cha mẹ, dù không bị bắt phụ giúp nhưng cậu bé Vương vẫn xắn tay vào làm.
Mỗi ngày, cậu nhóc dậy từ lúc 4h sáng, bận bịu mang vác và đóng gói rau củ cho bố mẹ. Khi được báo chí phỏng vấn, em cho biết: Trước đây không biết bố mẹ bận rộn như thế nào, nhưng bây giờ đã biết và rất thương bố mẹ.
Cậu bé có thể không giúp được nhiều cho bố mẹ nhưng điều mà ai cũng cảm động và nể phục ở em, đó là tinh thần trách nghiệm. Đây chính là khởi đầu cho sự trưởng thành của Vương.
Lại có câu chuyện khác như này: Một người đàn ông nọ đã hơn 30 tuổi, tốt nghiệp đại học nhiều năm nhưng không có việc làm ổn định. Lúc thì anh ta cãi nhau với sếp, lúc thì chê công việc nhàm chán, chê đồng nghiệp,... và chỉ đi làm trong một thời gian ngắn rồi nghỉ.
Anh chàng này cũng chưa bao giờ có ý thức phụng dưỡng cha mẹ, đóng góp tiền bạc cho gia đình mà luôn sống với tâm lý nhởn nhơ vì nghĩ cha mẹ già vẫn còn tiền lương hưu.
Nói về điều này, giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết: Nếu cha mẹ không dạy con có trách nhiệm với những điều nhỏ nhặt thì con sẽ không học được cách chịu trách nhiệm cho tương lai của chính mình. Bên cạnh đó, con cần phải học cách chia sẻ với người khác. Người không biết chia sẻ thì sẽ không học được tính trách nhiệm.
03
Khả năng diễn đạt - Vũ khí hóa giải xung đột
Theo giáo sư Lý Mai Cẩn, khả năng diễn đạt là một công cụ quan trọng giúp trẻ thành công trong cuộc sống, cả về công việc và đời tư. Những người không giỏi bày tỏ, diễn đạt dễ rơi vào bẫy tình cảm, đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm trong các cuộc xung đột, và tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm. Ngược lại, người biết ăn nói lại có thể hóa giải xung đột trong phút chốc.
Khéo ăn nói có được thiên hạ - Đây chính là thực tế trong cuộc sống!
Khả năng diễn đạt tốt không chỉ khiến con người thoát khỏi phiền phức, mà còn có thể khiến người ta tự tin hơn, tác động tích cực đến người xung quanh và cuối cùng có được hạnh phúc. Nhà văn, nhà thuyết trình nổi tiếng người Mỹ Dale Carnegie Carnegie cũng cho biết: 15% thành công của một người phụ thuộc vào công nghệ và kiến thức, và 85% phụ thuộc vào ngôn ngữ.
04
Sự độc lập - Sức mạnh mềm giúp trẻ phát triển tốt nhất
Giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, trong cuộc sống, cha mẹ thông minh cần giả vờ lười biếng, kém cỏi trước mặt con. Cha mẹ càng "lười", con càng tài giỏi. Hiểu một cách đơn giản, nếu như cha mẹ chăm quá mức, bao bọc con mọi lúc, mọi nơi thì con sẽ dần ỷ lại, sống dựa dẫm. Ngược lại, cha mẹ "lười", giao việc cho con làm, để con tự mày mò việc nhà, sai thì sửa - đây chính là cách giúp con rèn luyện được tính độc lập sống mạnh mẽ hơn.
Là cha mẹ, chúng ta luôn muốn dành tất cả tình yêu thương cho con cái, nhưng sự sắp đặt và kiểm soát quá nhiều sẽ chỉ trở thành chướng ngại trên con đường trưởng thành của con..
Độc lập là niềm tin cho mọi đứa trẻ để tồn tại trên thế giới. Đứa trẻ có thể không khôn ngoan nhưng phải tự lập. Dạy trẻ tự lập cần thiết hơn nhiều dạy trẻ phải giành vị trí nhất bảng trong các kỳ thi.
Pháp luật & bạn đọc