Bí quyết trường thọ của người Nhật Kỳ 3: Già chính là chín muồi, không phải 'người cao tuổi'

28/09/2018 08:30
Bí quyết trường thọ của người Nhật Kỳ 3: Già chính là chín muồi, không phải 'người cao tuổi'

Xã hội hiện nay đang xem những người trên 65 tuổi là “người cao tuổi” nhưng trong mắt tôi thì những người này vẫn còn “trẻ” và đương nhiên là “khỏe”. Phải tập hợp trí tuệ cuộc sống, sức mạnh của những người đã trên 75 tuổi nhưng vẫn khỏe khoắn.

Quý vị nào muốn đứng vào hàng ngũ này nhưng chưa đến độ tuổi xin mời tiếp tục giữ gìn sức khỏe đợi đến tuổi 75.

Hãnh diện trở thành “người già thời đại mới” ở tuổi 75

Mùa thu năm 2000, tôi khởi xướng phong trào “Người già Thời đại Mới”. Ở thời điểm đó, người ta ước tính đến năm 2020, cứ bốn người Nhật sẽ có một người trên 65 tuổi. Tỷ lệ già hóa bùng phát này chưa từng có tiền lệ trên thế giới.

Ở đây cần nêu rõ là phong trào “Người già Thời đại Mới” không phải là cuộc vận động nhằm mục đích kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi, cũng không đòi hỏi phải chăm sóc họ chu đáo hơn trước kia. Phong trào này nhằm mục đích vận động để thực hiện những việc không phải là người già thì không phù hợp, những việc chỉ có người già mới có thể làm được, hoàn thành sứ mệnh của người già bằng chính đôi tay của họ.

Nhật Bản là một quốc gia giàu có. Người dân Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới. Nếu mọi người an phận với những điều đó rồi chây ì không làm gì cả thì tương lai Nhật Bản sẽ đi về đâu? Chỉ nghĩ đến điều đó thôi cũng đủ khiến tôi phải rùng mình. Chỉ có những người già mới có thể thay đổi quỹ đạo của con đường tương lai ấy. Chính vì vậy mà tôi muốn lôi kéo nhiều người già cũng thực hiện một cuộc vận động lớn.

Điều kiện phù hợp để được gọi là “người già thời đại mới” là phải từ 75 tuổi trở lên, có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt. Thêm vào đó, đây phải là những con người có mong muốn thông qua công việc, hoạt động tình nguyện để đóng góp năng lực bản thân cho xã hội hoặc đang tìm kiếm cơ hội để đóng góp, hoặc là người muốn tiếp tục làm việc sau tuổi hưu. Những người còn rất khỏe nhưng chỉ muốn ở nhà để con cháu, gia đình chăm sóc sẽ không là đối tượng của “người già thời đại mới”.

Xã hội hiện nay đang xem những người trên 65 tuổi là “người cao tuổi” nhưng trong mắt tôi thì những người này vẫn còn “trẻ” và đương nhiên là “khỏe”. Phải tập hợp trí tuệ cuộc sống, sức mạnh của những người đã trên 75 tuổi nhưng vẫn khỏe khoắn. Quý vị nào muốn đứng vào hàng ngũ này nhưng chưa đến độ tuổi xin mời tiếp tục giữ gìn sức khỏe đợi đến tuổi 75!

Chấp nhận vai phản diện  để rạch ròi yêu ghét

Những người trên tuổi 75 hiện nay ắt hẳn ở thời 20 tuổi thì nam giới tòng quân ra trận, nữ giới ở lại hậu phương quán xuyến gia đình, cùng sống qua thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trước khi những trải nghiệm đó thực sự “trở thành lịch sử”, chúng ta cần phải thuật lại sự thật về cuộc chiến cho thế hệ sau. Đó chính là sứ mệnh, là nghĩa vụ mà chúng ta phải gánh vác.

Từ trước đến nay, chúng ta cũng đã nhiều lần kể lại, nhưng nếu chỉ nói về những điều đó như là những “trải nghiệm quá khứ” thì không đạt yêu cầu. Điều thực sự muốn nói sẽ không được chuyển tải đến người nghe. Câu chuyện chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó được kể liền mạch từ chiến tranh, thời hậu chiến khó khăn cực độ đến sự sinh tồn để có ngày hôm nay.

Không được để xảy ra chiến tranh lần nữa. Tuy nhiên, ngay trong lỗi lầm tham chiến đó, những người già chúng ta cũng nhận được nhiều bài học. Cũng chính chúng ta mới là những người thực tế cảm nhận và so sánh được khoảng cách một trời một vực giữa thời hậu chiến thiếu thốn và sự phồn thịnh ngày nay. Đó chính là trí tuệ sống.

Chỉ những người già mới có thể gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội hôm nay về việc chỉ lo chạy theo sự giàu có vật chất mà đánh mất luôn cả năng lực phân biệt cái gì hay cái gì dở. Nếu chúng ta làm ngay thì vẫn còn kịp.

Dù có bị người khác nhăn mặt chau mày, chúng ta cũng phải khôi phục những nét văn hóa đẹp của Nhật Bản, những tập quán tốt của làng quê, hoặc kiên quyết bảo vệ những điều cần phải bảo vệ. Tôi ước mong mọi người có khí thế sẵn sàng nhân rộng nét đẹp văn hóa của chúng ta ra khắp thế giới. Ví dụ như nét văn hóa trong việc con cái chăm sóc cha mẹ là điều tôi cho rằng người Nhật Bản có thể tự hào với người nước khác.

Đó cũng là nét đẹp trong mối quan hệ cha mẹ - con cái so với ý hướng muốn giải quyết tất cả bằng tiền bạc của chính phủ như hiện nay. Tất nhiên những việc đó tạo ra gánh nặng không nhỏ. Khi sự gánh vác dồn hết lên một ai đó thì điều đó là một vấn đề, nhưng nếu việc con cái chăm sóc cha mẹ già là niềm vui từ cả hai phía thì tại sao gia đình lại không thể chăm sóc cha mẹ già nhỉ? Nhiều người già nhận ra điều này nhưng im lặng. Sự né tránh này không nên có.

Những người già của thời đại mới 

Ít nhất cũng phải biết kiềm chế,  không phát tán văn hóa lệch lạc ra bên ngoài

Nhật Bản có những nét văn hóa đáng tự hào nhưng cũng có những vấn đề như quan hệ gia đình đang gần như đổ vỡ hoàn toàn, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình rất mờ nhạt. Sự vắng bóng người cha, đôi khi là cả cha lẫn mẹ, trong bữa cơm gia đình được bào chữa bằng lý do bất khả kháng là “vì công việc” nhưng liệu như thế mãi có ổn không? Vai trò không ai ưa vì bị ghét do nói thẳng sẽ được giao cho “người già thời đại mới”. Chúng ta hãy đóng góp những bí quyết để thay đổi. Nếu không thể sửa được ngay thì ít ra chúng ta cũng ngăn không cho mang những thứ xấu, dở ra khỏi Nhật Bản. Đó là đạo đức tối thiểu cần phải có.

Có những quốc gia rầm rộ phong trào cấm thuốc lá nhưng lại xuất khẩu thuốc lá ồ ạt. Đầu này thì bảo vệ sức khỏe người trẻ ở xứ họ, đầu kia thì bóp chết tương lai của giới trẻ nước khác. Liệu Nhật Bản có thể nói rằng chúng ta không làm điều gì ích kỷ tương tự như thế không? Chúng ta không để những văn hóa lệch lạc của Nhật Bản lọt ra bên ngoài, và ngược lại cật lực ngăn chặn không để bị áp đặt những kiểu văn hóa xấu, dở. Tôi ước mong Nhật Bản có được khả năng tự tiết chế như vậy. Tôi tin rằng nếu sức mạnh vừa đề cập lan tỏa rộng khắp trên thế giới thì chiến tranh sẽ không còn có thể xảy ra.

Sức khỏe con người thời hậu chiến nghèo đói,  thiếu ăn vẫn không tệ

Thời hậu chiến đói nghèo, thiếu ăn vẫn không làm sức khỏe người ta xấu đi. Thời bấy giờ đường cũng không có, muối cũng không đủ, không thuốc lá, không rượu bia nhưng chính sinh hoạt thiếu thốn đó lại là sự may mắn đối với sức khỏe. Những người trên 75 tuổi hiện nay vẫn còn khỏe mạnh bởi từng bị buộc phải ăn uống kham khổ lúc trẻ và khi xã hội giàu có hơn vẫn không chạy theo việc ăn uống quá đà. Kết quả là họ tránh được nguy cơ mắc phải những “bệnh do thói quen sinh hoạt” như cao huyết áp, đột quỵ, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan, ung thư phổi,…

Sống thọ và khỏe là kết quả của sự tích lũy từ thời trẻ. Những người trẻ ăn uống thỏa thích như ngày nay khó lòng sống thọ mà vẫn khỏe như lớp người chúng tôi. Ngay cả với sự trợ giúp của y học hiện đại thì vẫn có khối người sống thọ nhưng nằm liệt giường.

Ăn ít là điều kiện cơ bản của sức khỏe. Người già thời đại mới là bằng chứng sống của điều đó và lối sống của những người già kiểu mới này có thể trở thành kiểu mẫu cho thế hệ trẻ.

Hãm đà tiện nghi  và giàu có của xã hội

Người già chúng tôi biết cả những sinh hoạt thời khó khăn, khác với thế hệ trẻ ngày nay chỉ biết đến lối sống xa xỉ. Điểm mạnh của chúng tôi là biết được sự giàu có vật chất, tiện nghi, trình độ cao không luôn luôn là điều hay. Có cần phải di chuyển với tốc độ âm thanh để rút ngắn khoảng 2 đến 3 giờ bay cho mỗi chuyến từ Nhật đến New York vốn mất khoảng 12 giờ đồng hồ bằng máy bay thường hay không? Tôi e rằng có hại nhiều hơn là có lợi.

Văn minh vật chất rất dễ phá hỏng tâm hồn con người. Hãm đà tiện nghi và giàu có vật chất quá mức của xã hội cũng là một việc nữa của người già thời đại mới. Đây là lúc thực hành lối sống như nhà thơ Williams Wordsworth (1770 – 1850) đã nói: “Sống giản dị, chí cao quý”.

Chúng ta hãy cho những người trẻ nhìn thấy sức mạnh của người già. Với khí thế đó, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu những việc mới cùng với tuổi già. Có giả thuyết cho rằng con người suốt một đời chỉ dùng đến một phần ba bộ não nên ta lại càng phải vận dụng bộ não nhiều hơn nữa. Tôi nay ở tuổi 90 nhưng vẫn còn đang tiếp tục làm việc, hoàn toàn không có ý chịu kém người trẻ về năng lực sáng tạo lẫn năng lực hành động. Quý vị ở tuổi 75 vẫn còn tới 15 năm để đến được tuổi 90 như tôi.

Gần đây, người ta có vẻ e ngại, cho rằng từ “người già” nghe không hay nên thay bằng từ “người cao tuổi”, nhưng cá nhân tôi lại muốn được gọi là “người già”. Hơn thế nữa, tôi muốn được gọi là “người già thời đại mới”.

“Cụ già”, “bô lão” vốn là từ dùng để chỉ đối tượng được kính trọng. Chúng ta hãy trở thành những người già được giới trẻ ao ước noi gương. Đã đến lúc bản thân người già phải hành động để lấy lại sự kính trọng xã hội dành cho mình.

Trích Bí quyết trường thọ của người Nhật


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025