Vì vậy, chúng ta đếm ngược từ cái chết không phải để sống nơm nớp trong lo sợ mà là để luôn biết cảm ơn mỗi ngày mới mà chúng ta có để sống. Ý thức được như thế, hôm nay chúng ta được thêm một ngày sống vui tươi, thanh khiết.
Chết già không khổ sở như ta tưởng
Tôi đã khám bệnh và ra sức chữa trị cho rất nhiều người. Trong những ngày tháng ấy, tôi cũng đã chứng kiến và tiễn biệt hơn 4.000 người bệnh.
Nếu nói sứ mệnh của y học là cứu bằng được sinh mệnh của con người thì tôi có trăm trận đánh cả trăm trận đều thua, như thể ngay từ đầu đã biết là sẽ thua mà vẫn chấp nhận đương đầu. Vốn dĩ việc cứu được tính mạng của một ai đó cũng chỉ là kéo dài thời gian tiến đến cái chết của họ thêm chút ít, bởi không ai mà không chết. Không chết vì bệnh thì cũng chết vì tai nạn.
Cái chết của người bệnh luôn nhắc nhở tôi về giới hạn của y học, nhưng đó không phải là cảm giác bại trận bởi không một nền y tế nào, dù tiên tiến đến đâu đi nữa, có thể chinh phục được cái chết. Chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc khiêm tốn hơn nữa trước sự sống.
Người bệnh đã dạy tôi rất nhiều bài học qua cái chết của họ. Tôi đã rút ra được bài học rằng nếu không cố thực hiện những thủ thuật kéo dài sự sống một cách miễn cưỡng thì cái chết đến cùng với tuổi già rất an lành, không mấy đau đớn. Chúng ta cần hiểu rằng đỉnh cao nhất chúng ta có thể đặt chân đến nằm ở bậc thứ 80, cách đỉnh mục tiêu mà chúng ta nhìn thấy 20 bậc.
Bài học từ bệnh nhân qua đời
Tiến trình đi đến cái chết của con người không ai giống ai, tương tự như sự khác biệt trong cuộc sống của mỗi người. Tôi luôn cảm khái về sự khác nhau ở “màn cuối của vở kịch đời” này.
Tôi có người bạn cũng là bác sĩ, tốt nghiệp cùng khóa, tự phát hiện căn bệnh ung thư của chính mình. Ngày tôi đến thăm, anh ấy nhẹ nhàng đưa tay lên chào: “Tớ đi trước một bước nhé”, và ngay hôm sau khép cánh cửa cuộc đời ở tuổi 73. Có một cô bệnh nặng, đón sinh nhật tuổi 39 của mình trong phòng bệnh, mỉm cười dịu dàng, pha trò với chồng mình rằng: “Tuổi em còn trẻ nên có khi lên thiên đường còn gặp người khác cầu hôn, chứ anh ở lại dưới này một mình thì không biết thế nào, em lo lắm”, rồi hôm sau cô ra đi.
Một cô khác là điều dưỡng có hai đứa con, khi biết bệnh tình của mình đã nặng, cô đã dành thời gian còn lại trên giường bệnh để viết trước tám tấm thiệp chúc sinh nhật và lá thư chúc mừng đứa con trai lớn năm ấy mới 9 tuổi sẽ vào trung học ở tuổi 16. Cho đứa con thứ mới 7 tuổi, cô viết tám bức thiệp chúc sinh nhật và lá thư chúc mừng con lên cấp hai. Lúc lâm chung, khi nhịp thở của cô dưới 10 nhịp trong một phút, hai đứa bé lần lượt ghé vào tai mẹ thì thầm: “Mẹ ơi, cám ơn mẹ đã cho con 9 năm vừa qua”, “Con cám ơn mẹ cho con 7 năm vừa qua”.
Cũng có người đón giây phút cuối đời một cách đáng tiếc. Một bác sĩ trẻ không được bác sĩ điều trị chính nói thật cho mình biết về căn bệnh trước lúc tắt thở đã thốt lên nuối tiếc: “Tôi bị gạt rồi”.
Ký ức không thể quên được của tôi là cái chết của cô bé 16 tuổi, bệnh nhân đầu tiên do tôi điều trị sau khi trở thành bác sĩ. Đó là một cô bé có niềm tin sâu sắc vào Phật giáo. Khi biết mình không còn sống bao lâu nữa, cô bé nhờ tôi nhắn nhủ những lời cuối cho người mẹ của cô, nhưng lúc ấy tôi đã tiêm cho cô bé, một mũi tiêm không hề có ý nghĩa gì vào giờ phút đó, và nói đi nói lại với cô bé: “Cháu không chết đâu, mạnh mẽ lên!”.
Cho đến giờ tôi vẫn ân hận tại sao mình không dũng cảm nói với cô bé ấy rằng: “Chú sẽ nhắn lại với mẹ cháu. Cháu cứ yên lòng mà siêu thoát nhé!”. Tại sao lúc ấy tôi chỉ biết bắt mạch mà không nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay cô bé. Cái chết này giúp tôi nhận thức về sự tự cao của bác sĩ.
Để lại lời cảm ơn trước lúc ra đi
Đời người cũng giống như tên một vở kịch do đại văn hào William Shakespeare (1564 – 1616) sáng tác là All’s Well That Ends Well. Tôi hiểu câu này mang ý nghĩa là đời người có tốt hay không tùy thuộc vào việc cái chết có diễn ra viên mãn không, vào việc chúng ta có thể nói lời cảm ơn trước khi chết hay không.
Địa vị và danh vọng sẽ mất khi ta chết. Tài sản để lại quá nhiều có thể là mầm mống gây ra tranh chấp, nhưng lời cảm ơn trước lúc ra đi sẽ làm yên lòng người ở lại, là di sản quý nhất. Y tế hiện đại phải quan tâm đến giá trị của lời cảm ơn phút cuối đời này.
Ít nhất là các bác sĩ phải là những người thu xếp cho cái chết của người bệnh được hoàn thành tốt đẹp bằng cách gạt bỏ mọi đau đớn cho người bệnh, giúp họ có thể nói được lời cuối với người thân. Người bệnh chằng chịt dây nhợ, ống dẫn làm sao có thể “diễn” được màn cuối đời? Không cần phải hỏi ý người bệnh về việc “chết an lạc”, đúng ra con người có quyền buông màn sân khấu cuộc đời mình trong an lạc.
Hôm qua, tôi nhận được một lá thư dài từ một người chồng có vợ vừa qua đời cách đây mười hôm vì ung thư. Người vợ trước đó đã tỏ ý nguyện muốn được đón giây phút cuối đời của mình ở bệnh viện quốc tế Sei Luca nên bà đã được đưa vào bệnh viện và lưu lại đó một tháng cho đến ngày mất. Đây là một ca bệnh mà ngoài việc giảm đau, bác sĩ không còn làm được điều gì khác.
Nghĩ rằng âm nhạc có thể xoa dịu phần nào nên tôi đã nhờ kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu cho bà nghe những bản nhạc yêu thích nhất trong suốt thời gian bà nằm viện. Trong bức thư, người chồng viết: “Nhà tôi đã ra đi trong hạnh phúc, được đắm mình trong những giai điệu đẹp. Đó là cuộc ra đi tuyệt vời”. Trong lúc nỗi đau mất mát còn hằn sâu, người chồng đã viết như thế về sự hài lòng và lời cảm ơn dành cho bệnh viện.
Chỉ với nỗ lực của bản thân người bệnh thôi sẽ không thể nào sắp xếp chu toàn cho cuộc ra đi trọn vẹn. Cần phải có một đội hỗ trợ gồm gia đình, bạn hữu và nhân viên y tế. Khi có sự đồng lòng của tất cả các bên thì cái chết tuy là một sự kiện buồn nhưng vẫn có nét sáng sủa, ấm áp, sinh động. Đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để nhìn thấy bước chuyển tiếp của sự sống, gợi lên lòng biết ơn nơi tâm hồn những người ở lại.
Chết không nuối tiếc
Như nhà thơ René Rilke (1875 – 1926) đã viết, mỗi người chúng ta ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình “mầm của sự chết” như quả táo có lõi cứng bên trong. Cấu trúc di truyền của chúng ta đã được lập trình cho sự lão hóa, ngày chết đã được ghi sẵn. Chết là một phần của sự sống, là phần tất yếu phải có, không thể tránh né. Ngay phút giây chào đời, chúng ta đã tiến bước đầu tiên trên con đường hướng về cái chết. Thế nhưng chúng ta không những không quan tâm mà còn không để ý đến sự sống giới hạn này. Thậm chí có nhiều người còn cao giọng rằng chết không liên quan gì đến mình.
Người ta bắt đầu ý thức về giới hạn của sự sống khi già đi, bắt đầu mắc bệnh. Chúng ta vẫn thường nói nôm na là “có bệnh” – chỉ khi sức khỏe mất đi, chúng ta mới có suy nghĩ sâu sắc hơn về sự sống chết. Với ý nghĩa đó, già đi là một quá trình đáng trân trọng, nhưng nếu để già rồi mới nghĩ đến thì e là đã muộn. Ở mỗi độ tuổi từ thanh niên, tráng niên đến lão niên, chúng ta đều phải có sự chuẩn bị cho cái chết của mình.
Chuẩn bị cho cái chết nghĩa là chúng ta phải luôn có ý thức về cái chết, lần ngược từ cái chết để tự vấn, liệu ta sống hôm nay như thế đã tốt chưa. Phải chuẩn bị bởi thần chết có thể lẻn đến âm thầm, không hề lộ tiếng bước chân.
Bệnh nhân nữ 39 tuổi mà tôi kể ở đoạn trước sống ở thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo. Người chồng theo lên Tokyo để đưa vợ mình vào nhập viện ở bệnh viện quốc tế Sei Luca và từ ngày đó luôn ở bên giường bệnh, chăm sóc người vợ.
Thấy người vợ nhập viện cũng đã gần một tháng, biết là không nên xen vào việc nhà người khác nhưng tôi cũng đánh bạo hỏi thăm, vì e rằng người chồng nghỉ quá lâu sẽ mất vị trí công việc. “Cháu có báo với công ty là không biết sẽ nghỉ đến lúc nào ạ. Cháu nghĩ sau này cháu có thể làm thêm giờ, làm cả ngày nghỉ để bù vào nhưng thời gian ở cạnh vợ cháu thì chỉ có lúc này thôi ạ”, người chồng trả lời rất bình thản.
Đối với người đang cận kề cái chết thì ngày hôm nay sống như thế nào là điều hết sức thiết thực. Nhưng thành thực mà nói, đây luôn là câu hỏi quan trọng dành cho tất cả mọi người, bất kể người đó gần kề hay còn xa cái chết. Vì vậy, chúng ta đếm ngược từ cái chết không phải để sống nơm nớp trong lo sợ mà là để luôn biết cảm ơn mỗi ngày mới mà chúng ta có để sống. Ý thức được như thế, hôm nay chúng ta được thêm một ngày sống vui tươi, thanh khiết.
Trích Bí quyết trường thọ của người Nhật