Trong thời điểm dịch bệnh cách ly như hiện tại, nhiều khán giả đã tìm đến hình thức giải trí online, trong đó có các tựa phim không chỉ đến từ trong nước hay các thị trường lớn, mà một số phim nước ngoài cũng ghi dấu ấn sâu nét. Gần đây, Ba Lan cũng bước vào cuộc chơi khi giới thiệu đến khán giả tựa phim lãng mạn pha hành động siêu hấp dẫn - 365 Days (tựa Việt: 365 Ngày Yêu Anh).
Được chuyển thể từ phần đầu trong bộ 3 truyện cùng tên của tác giả Blanka Lipińska, 365 Days là cuộc chạy trốn của Laura Biel (Anna-Maria Sieklucka) trước kẻ bắt cóc cô Massimo (Michele Morrone). Nhận ra Laura chính là cô gái xuất hiện ở bãi biển nơi cha của anh bị ám sát, Massimo tiếp cận cô vào ngày sinh nhật 29 tuổi rồi cho người bắt cóc cô, sau đó cho cô 365 ngày để yêu anh và ở lại bên anh.
Là tựa phim đang làm mưa làm gió các bảng xếp hạng và top trending phim ảnh trên khắp thế giới, đứng hạng 1 Netflix Việt Nam vào ngày 12.6, nhưng 365 Days không phải là tựa phim chất lượng ở phần nội dung hay cách xây dựng nhân vật sâu sắc. Sản phẩm của đất nước Ba Lan là một chuỗi diễn biến ngôn tình phi thực tế, tràn ngập những cảnh nóng bỏng vô cùng đen tối và "bỏng mắt", thậm chí "hường hóa" những hành vi phạm pháp để phục vụ cho phim.
Tiền tài, danh vọng có là gì nếu không có tình yêu?
Cả hai nhân vật đều là nạn nhân của xã hội tàn nhẫn, vô cảm, một cộng đồng vốn đặt quyền lực và lợi ích lên trên hết. Có trong tay những gì mà ai ai cũng mơ ước, từ nhà cao, cửa rộng đến chức vụ cao vút, nhưng Laura và Massimo đều thiếu đi một thứ quan trọng trong đời - tình yêu.
Laura chán nản với người bạn trai Martin thờ ơ, luôn để cô hiu quạnh và đắm chìm trong nỗi khát khao không được đáp ứng. Còn Massimo sau cái chết của cha lại đứng cô độc trên đỉnh cao danh vọng, trái tim vô cảm trước sắc đẹp nhưng vẫn luôn hi vọng tìm được tình yêu chân chính của đời mình.
365 Days khiến khán giả ấn tượng ở 10 phút đầu tiên, khi khắc họa hai số phận con người khá tương đồng nhau, và sẽ là điều tuyệt vời khi cả hai đến bên nhau, xoa dịu và làm cho nhau hạnh phúc. Những góc quay, cách xây dựng bối cảnh và dụng màu vô cùng đẹp và hợp lý, khiến người xem thật sự đắm chìm trong thế giới hào nhoáng đầy phức tạp của giới tài phiệt. Tuy nhiên, mọi thứ bỗng đi xuống không phanh, để lại nỗi thất vọng tràn trề nơi người xem khi Massimo bắt cóc Laura.
Hội chứng Stockholm và cổ súy nạn bắt cóc
Khi vừa đọc qua tóm tắt ban đầu, sẽ không khó để nhiều khán giả nhận ra 365 Days đang đề cập đến Hội chứng Stockholm - trong đó nạn nhân của bắt cóc, cưỡng bức,... dần nảy sinh tình cảm với chính tên tội phạm đã làm hại mình. Thế nhưng, ở ngoài đời thì nhiều chuyên gia không khuyến khích, thậm chí nhiều lần bác bỏ quan niệm sai lầm này, cho rằng nạn nhân thường trở nên nhạy cảm, dẫn đến nhầm lẫn tai hại mà bỏ qua những nguy hiểm trước mắt mà kẻ xấu gây ra cho mình.
Trong phim, Laura từ một cô gái bướng bỉnh dần "rơi vào bể tình" với anh chàng Massimo điển trai giàu có mà quên đi hắn chính là người đã bắt cóc, giam lỏng cô ngay từ đầu. Cô nàng là một doanh nhân thành công, có thực lực, từng xoay chuyển tình thế để nắm trong tay chuỗi khách sạn xa hoa, nhưng lại mê muội và trở nên tha hóa trước tên trùm mafia dù cho bao lần hắn tấn công cô, hành hạ thể xác và tinh thần cùng những trò tiêu khiển chướng mắt, và cuối cùng cô lại tự thú nhận mình đã yêu hắn chỉ vì hắn cứu cô từ một lần đuối nước.
Từ đó, 365 Days nhận phải điểm trừ gay gắt khi lãng mạn hóa bắt cóc và bạo lực hôn nhân, bằng cách xây dựng một tên lão đại hắc bang chung tình với một cô gái mà mình chỉ thấy thoáng qua trên bãi biển xa lạ, sau đó thay vì theo đuổi chân chính như bao người, hắn lại trói buộc cô bên cạnh mình, sử dụng hành vi bắt cóc ép buộc trái pháp luật.
Tràn ngập tình dục, ân ái nhưng không đọng lại được gì
Dù có một cốt truyện nghe qua tương đối thú vị, song 365 Days gây thất vọng tràn trề khi chỉ dùng nó để làm nền cho những "cảnh nóng" trong phim. Phim vô cùng bạo gan và rộng lượng với các cảnh "lâm trận" của nhân vật, từ dùng tay, dùng miệng đến hàng loạt những màn "ân ái" bạo lực, nảy lửa kéo dài hàng giờ, đồng thời bối cảnh xảy ra ở khắp mọi nơi, từ máy bay, phòng ngủ đến du thuyền, phòng tắm, thậm chí bồn nước công cộng.
Các diễn viên cũng không ngần ngại khoe trọn những nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể, bày ra hàng loạt tư thế ám muội khiến người xem đỏ mặt nhưng khó mà rời mắt. Tuy nhiên, đây không may lại là "điểm sáng" duy nhất của phim bên cạnh cách xây dựng bối cảnh và góc quay, vì cách xây dựng mối quan hệ giữa Laura và Massimo trở nên hời hợt, hấp tấp và quá phi lôgíc.
Không khoa trương khi phải so sánh 365 Days với 50 Shades of Grey, khi đều là phiên bản chuyển thể từ các bộ truyện nổi tiếng, song lại quá ưu tiên cảnh nóng mà thiếu đi phần nội dung vốn quan trọng bậc nhất trong bất cứ bộ phim nào. Tác phẩm của Ba Lan không đọng lại gì ở khán giả ngoài những tiếng rên rỉ, những động chạm đưa đẩy nhuốm màu thác loạn, không khác gì hệ quả của một bộ phim người lớn thông thường.
365 Days là một thất vọng lớn so với những thành công mà nó đang đạt được, khi không có sức nặng ở mặt cốt truyện lẫn xây dựng tình tiết nhân vật. Vẫn còn 2 phần nữa thì câu chuyện giữa Laura và Massimo mới kết thúc, nhưng nếu vẫn đi theo lối "giật tít" bằng hàng loạt cảnh quan hệ nóng bỏng đến dày đặc thì chắc chắn loạt phim sẽ trở thành thảm họa điện ảnh không khác gì 50 Sắc Thái ngày xưa.
B.B (Theo Helino)