30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon

12/07/2019 08:30
30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon

Sự trưởng thành hay lớn lên với nhiều người như một điều tất yếu. Có những người thì khác, họ quyết định trì hoãn điều đó, chẳng vội vã lao theo vòng xoáy để làm một "người lớn". Người khen, kẻ chê - nhưng lựa chọn chẳng phải nằm trong tay mỗi người sao?

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 1.

Mua son, sắm váy mới, cố gắng mua xe xịn, kiếm tiền nhiều để mua nhà. Đi du lịch phải sang chảnh, có người yêu rồi lấy một anh chồng giàu có. Cuộc đời như thế là viên mãn.

Nhưng đấy không phải chuyện của tôi, mà là của một cô nàng X Y Z nào đó. Tôi cũng gần "chạm ngõ" 30 tuổi, vừa viết bài vừa nhồm nhoàm bánh mì. "Hình như truyện này mới ra chap mới", nghĩ đến vậy, tôi phải vào thử ngay xem có chương mới chưa.

Những niềm vui kiểu như này, tôi chỉ dám cười tủm tỉm mỗi tối, chứ kể ra với đám bạn thì chúng nó sẽ lại cười vào mặt: "Lớn tướng rồi còn đọc truyện tranh". Trộm vía, chúng nó còn không biết tôi vẫn thích uống trà sữa, thích ăn bim bim, thỉnh thoảng chán lại nghịch lại mấy trò chơi điện tử.

Tôi tự hỏi, những người trưởng thành chẳng vội vã lớn lên như tôi có nhiều không? Liệu chúng tôi có đang đi ngược lại đám đông? Và vì sao chúng tôi chẳng phải (hoặc không muốn) lao theo vòng xoáy lớn lên của cuộc đời.

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 2.

Có một ranh giới được vạch ra giữa người lớn và trẻ nhỏ, một đường ranh được người ta tự vẽ lên để phân định, không phải dựa vào tuổi tác mà bằng tính cách.

Trẻ nhỏ: ngây thơ, khờ dại, bông đùa, thiếu trách nhiệm, giàu trí tưởng tượng, bồng bột, ham thích cái mới, vô lo vô nghĩ… Người lớn: nghiêm túc, không quan tâm nhiều chuyện, kỷ luật, sống có trách nhiệm, thực tế, không chơi các trò con nít…

Đó không phải định nghĩa chính xác, nhưng nhiều người nhìn vào đó để đánh giá người khác là một "đứa trẻ" hay "người trưởng thành" đích thực.

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 3.

Nhiều khi tôi cũng tự hỏi bản thân, tại sao đôi khi mình chỉ muốn giữ mãi những điều hồn nhiên và vô lo nghĩ như vậy trong đầu? Tôi tin rằng để đi từ một đứa trẻ tới người trưởng thành không phải điều khó khăn, nhưng để nhận ra rằng không có gì xấu hổ hay phải ngại ngùng với việc bạn có một số tính cách của trẻ nhỏ - những điều tích cực, mới thực sự chật vật.

Đi qua một phần cuộc đời, chưa nhiều nhưng cũng đủ trải bão táp tôi thường tự đặt ngược lại những câu hỏi: Tại sao mọi thứ trên đời này chưa đủ mệt mỏi, toan tính hay sao mà người ta phải ngại ngùng mỗi khi muốn ngồi xuống nghỉ ngơi, vô lo nghĩ và làm một thứ gì đó đơn giản?

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 4.

Vấn đề không nằm ở tính cách "người lớn" hay tính cách "trẻ con" mà ở những tính cách tích cực và tiêu cực - nói như vậy là tôi đã triệt tiêu đi sự tương đối trong khái niệm tích cực và tiêu cực. 30 tuổi, nếu thích ăn bim bim và ai đó nói rằng ăn bim bim không tốt cho sức khỏe, tôi tin điều đó có thể đúng. Nhưng nếu ai đó nói rằng đó là một "tính cách trẻ con" - tôi sẽ tự động bỏ nó ra khỏi mối bận tâm.

Ở tuổi 30 , khi ai đó lựa chọn những tính cách của một đứa trẻ, với sự hiểu biết của người trưởng thành, đó hẳn phải là những điều tích cực để nhìn nhận cuộc đời một cách hồn hậu, giản dị và bớt đi sự xô bồ. Không ai trong số chúng tôi đi ngược đám đông, chúng tôi vẫn đang đi cùng đám đông với một câu chuyện khác mà thôi. Không ai ôm vào mình 100% tính cách "trẻ con", chỉ là ai đó thấy ta trong khoảnh khắc muốn quên đi sự bức bối của cuộc đời phức tạp.

Tất nhiên, có nhiều người thể hiện những tính cách trẻ con đó hơi quá: Họ vùng vằng giận dỗi, không chịu đi làm, chỉ thích sống ở nhà với bố mẹ. Bản thân tôi không coi đó là người với "tính cách trẻ con"; đó hẳn là những đứa trẻ không bao giờ lớn hoặc những người lớn không được nuôi dạy phù hợp khi còn nhỏ. Những người như vậy, sẽ phải là một câu chuyện dài hơi hơn để nghĩ về cuộc đời họ, chứ không phải như tôi hay kiểu người trong câu chuyện này.

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 5.

Khi tôi còn nhỏ, ba đưa cho tôi một cuốn sách. Tôi cầm cuốn sách lên và đọc, rồi tôi xếp những chồng sách thành "hàng rào" trên giường, tôi dùng sách làm thành một cái giá thật đẹp... Lớn lên, tôi vẫn mua những cuốn sách, để đọc và rồi để lại lên giá sách.

Trưởng thành với nhiều người, là làm một thứ gì đó theo thói quen thật nhuần nhuyễn, là khi mọi thứ đều theo thứ tự ABC chặt chẽ, cái gì cũng có quy trình. Chúng ta nhìn mọi thứ theo cái cách xã hội sắp đặt, rằng cuốn sách phải để đọc, rằng cô gái 30 tuổi phải lấy chồng và ăn uống ngon lành. Không còn gì sáng tạo, những sự mới mẻ cũng chẳng còn nữa.

Nếu tôi ngồi xếp chồng sách thành một hình thù thật đẹp, bọn bạn sẽ bảo tôi là trẻ con. Không ai biết cốc trà sữa sẽ khiến đầu óc của một người đang cần ý tưởng nảy ra cái gì, hay rubik thực sự giúp tôi tập trung vào công việc. Chúng tôi chọn nhiều tính cách của một đứa trẻ vì chúng tôi cần sáng tạo, cần gạt khuôn mẫu sang một bên, cần nhìn thế giới trong lăng kính muôn màu hơn mọi điều cố hữu.

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 6.

Chúng ta tôn vinh sự khác biệt, cá tính của mỗi người nhưng đôi khi lại dè bỉu những người có tính cách trẻ con. Họ không chọn lối mòn trưởng thành để đi vì trưởng thành không đồng nghĩa với mọi điều đều tích cực - như tôi đã nói ở trên. Không vội vã lớn lên vì tôi biết rằng, nếu cứ lao theo những điều người ta đặt ra cho người trưởng thành, bạn sẽ tự sa lầy vào thất vọng khi không tìm được việc, chán chường và bế tắc sau khi chia tay, phức tạp hóa mọi điều trong cuộc sống, để ước mơ tự do khiến bạn muốn rời xa gia đình…

30 tuổi, chúng tôi vẫn đọc truyện tranh vì hiểu rằng đó là nơi có nhiều bài học cuộc sống không nhuốm màu dạy đời, thượng đẳng. Ai bảo tôi không muốn lấy chồng? Tôi vẫn nghĩ về chồng con trong lúc chọn trà sữa, chỉ là tôi vẫn muốn tìm cho mình một người phù hợp hơn mà thôi.

Ai đó có thể nói bạn trẻ con, điều đó hoàn toàn ổn; còn nếu bạn thấy không vui, hãy nói rằng chỉ là bạn không chọn một lối mòn trưởng thành cho cuộc đời.

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 7.

Tôi sẽ là một người mẹ, đúng rồi.

Tôi là một người viết, và thế giới trên những trang giấy trải dài mênh mang với nhiều chủ đề và câu chuyện. Bạn là bác sĩ, giáo viên, kiến trúc sư, nhân viên du lịch, diễn viên múa… đâu đó trong công việc, lũ trẻ vẫn là một phần quan trọng của bạn.

Sẽ không ai có thể hiểu trẻ nhỏ nếu không đặt mình vào những "tính cách trẻ con" hay thú vui của đám trẻ. Nhiều người thành công trong việc mua xe, xây nhà, phát triển sự nghiệp nhưng phải cúi đầu trước bậc thềm của một đứa trẻ. Chẳng phải mục đích của một người phụ nữ 30 tuổi là kiếm chồng và sinh con như nhiều cô gái trưởng thành vẫn nói sao?

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 8.

Nhưng bạn sẽ giằng một cuốn truyện tranh ra khỏi đứa trẻ vì cho rằng nó sẽ khiến các con mãi kẹt trong tuổi thơ hay bắt lũ trẻ học bài ngày đêm, không có những phút chạy chơi trên cánh đồng phải không?

Không ai có thể hiểu được một đứa trẻ nếu không thực sự đặt mình vào cuộc sống của các con. Tôi từng chia tay một cậu bạn trai chỉ vì anh ấy "quá trẻ con" - thích chơi Pokemon dù đã 25, 26 tuổi. Điều gì khiến tôi hối tiếc nhất? Rằng "sự trẻ con" ấy đã khiến anh thành một ông bố tuyệt vời, luôn bên cậu con trai 4 tuổi và thực sự làm bạn của thằng bé.

Những người lớn chẳng vội trưởng thành: 30 tuổi người ta lo chồng con còn mình chỉ nghĩ trà sữa đâu ngon - Ảnh 9.

"Sự trẻ con" mà nhiều người đang phủ nhận có thể sẽ có ảnh hưởng tích cực, nếu không muốn nói quá rằng tạo nên một phép màu, trong cuộc đời ai đó. Miễn là đó là điều tích cực, cuộc sống sẽ trở nên "dễ thở" hơn nhiều nếu bạn ngồi xuống đây, đọc một cuốn truyện tranh và quên đi ngày dài áp lực.

"Nghĩ vậy, tôi đi đọc truyện rồi ngủ, có gì mai viết tiếp…".

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025