Lên Facebook nói xấu công ty cũ: Lớn rồi, muốn chứng tỏ thì giỏi hơn đi, đừng trẻ con thế!

07/07/2019 09:04
Lên Facebook nói xấu công ty cũ: Lớn rồi, muốn chứng tỏ thì giỏi hơn đi, đừng trẻ con thế!

Nguyên tắc đầu tiên khi đi làm: Không nói xấu công ty cũ sau khi nghỉ việc công khai, nhỏ to thì được. Đây không hẳn nguyên tắc đạo đức mà nó còn ảnh hưởng tới cả sự nghiệp của bạn.

Nếu có ai đóng vai ác trong một câu chuyện công việc, đôi khi sẽ là sếp cũ hay đồng nghiệp cũ, nhưng 100% sẽ là “công ty cũ”. Nhân danh tất cả thể loại những người đồng nghiệp cũ bạn không thích, công ty cũ phải hứng hết “gạch đá” đủ để người ta xây được một công ty mới. 

Nói xấu công ty cũ không hiểu sao lại trở nên “thịnh hành” đến vậy, nhất là từ thời điểm mạng xã hội cho người ta quyền na ná “tự do ngôn luận”, các group kín tâm sự chuyện công sở. 

Công ty cũ không phải luôn đúng, chắc chắn - nếu cần viết hoa; nhưng nói xấu công ty cũ công khai không chỉ bạn đã sai mà còn cực kỳ thiệt thòi.

Lên Facebook nói xấu công ty cũ: Lớn rồi, muốn chứng tỏ thì giỏi hơn đi, đừng trẻ con thế! - Ảnh 1.

Trào lưu “kể tội công ty cũ đi nào các bạn ơi”

Tôi có anh bạn X (vâng, vẫn là những anh bạn tôi) nghỉ ở công ty cũ được một thời gian, bị đuổi. Bản thân cũng là một người nghỉ việc ở công ty, tôi thấy điều đó cũng hoàn toàn bình thường, không hợp thì nghỉ. Anh X thì khác, anh X từ hồi nghỉ hay nhắc tới công ty cũ nhiều hơn, thường là như này.

“Sản phẩm sao giờ xấu thế, khiếp vài tháng này chán chẳng buồn nhìn mấy thiết kế công ty nữa” - vài tháng là từ hồi anh ấy nghỉ. 

Công ty có đăng tin tuyển dụng, anh X biên ngay một status mới: “Có không giữ, mất đừng tìm” kèm “feeling hihi”. Thỉnh thoảng cũng có đăng story Instagram hay Facebook: “Để chống mắt lên xem kiếm được ai không”.

Ôi anh X, làm như anh X là không khôn ngoan rồi - tôi tính vào nói như vậy. Hóa ra, cuộc đời không chỉ có một anh X bạn tôi như vậy, còn có chị Y, chị Z, anh A B C nào đó. Nếu có nói chuyện, họ sẽ bảo rằng mình thẳng thắn, không phải luồn cúi, nghỉ rồi thì có gì đâu mà phải sợ.

“Tao chỉ nói sự thật thôi”. Các công ty thường chẳng mấy khi bận tâm đến những người như vậy, họ có một tầm nhìn về phía trước, còn những nhân viên nói xấu đáng tiếc chỉ thích nhìn lại phía sau một cách đầy khó chịu. 

Lên Facebook nói xấu công ty cũ: Lớn rồi, muốn chứng tỏ thì giỏi hơn đi, đừng trẻ con thế! - Ảnh 2.

Nói bóng gió là một chuyện, có những người làm việc thì không dám nói nhưng đến lúc nghỉ việc rồi mới lên trên mạng “bóc phốt” công ty cũ. Là một người cũng làm công ăn lương, tôi hiểu việc chia sẻ thẳng thắn với công ty đôi khi nó khó khăn như thế nào. Trước khi nghỉ, tôi cũng nói chuyện với sếp về những bức xúc; cả hai đều hiểu lý do và có những giải thích- giải pháp phù hợp. Những nhân sự như vậy luôn cho mình là khôn ngoan, “tao có đi khỏi công ty này cũng đầy chỗ mời tao về làm” nhưng không hiểu toàn khôn lanh cái đâu đâu. 

Có nhiều công ty thực sự có vấn đề, không trả lương, xâm hại chỗ công sở… tôi không coi đó là “bóc phốt” hay nói xấu trong câu chuyện này. Đó là nói đúng và thực sự là vấn đề nghiêm trọng, không phải câu chuyện “bà sếp cũ chắc ghét tao lắm, hôm nào tao ăn cũng lườm lườm”.

Những nhân viên hay buôn chuyện sẽ kể “tao có trao đổi với đồng nghiệp cũng bị nhắc”, nhân viên hay đi làm muộn nói là “quẹt vân tay quên 1s mà bị trừ lương cả ngày”; còn những người năng lực kém, làm việc lười không chủ động có lý luận: “Sếp dốt thực sự, không hiểu nhân viên, lại còn hay bắt làm này làm nọ”.

Nói xấu công ty cũ có được lợi lộc gì đâu?

Bạn nghĩ sẽ được gì sau vài cái status hả hê như vậy? Chắc chắn là có nhiều like share, may mắn hơn thì viral. Trong ít trường hợp, công ty có thể nhảy vào xử lý, còn không thì nó vẫn chỉ là một cái status như vậy trên Facebook. Mọi người cũng chán ngán với những câu chuyện như vậy rồi.

Còn bạn mất gì?

Bạn khiến những nhà tuyển dụng tương lai nhìn nhận bạn bằng một con mắt khác. Status của bạn càng dài, càng hằn học, càng hả hê thì các công ty mới càng “sợ” - lỡ một ngày nào đó bạn vào công ty họ và không thoải mái rồi nghỉ việc, liệu Facebook sẽ xuất hiện thêm một bài “tế” công ty cũ không? Facebook đã không còn là sân chơi của những trò vô thưởng vô phạt, đó còn là sân chơi cho một số nhà tuyển dụng để kiểm tra nhân viên tương lai. Góc nhìn tiêu cực, thái độ hậm hực - không công ty nào muốn nhận những nhân sự như vậy, trừ khi họ là đối thủ của công ty cũ và cần châm thêm một mồi lửa nữa.

Lên Facebook nói xấu công ty cũ: Lớn rồi, muốn chứng tỏ thì giỏi hơn đi, đừng trẻ con thế! - Ảnh 3.

Tin tôi đi, đó cũng phải là thứ lâu dài hay tích cực được cho bạn đâu. 

Bạn không phải người giỏi giải quyết vấn đề. Có một vài vấn đề cỏn con bức xúc với công ty đã đưa lên mạng, vậy bạn giỏi giải quyết vấn đề gì? Thử tưởng tượng làm trong một lĩnh vực với khách hàng, nếu không đáp ứng được nhu cầu của khách, bạn có sửng cồ lên chửi khách không? Không, chắc chắn là không được, đó là một thảm họa. 

Và cuộc đời có 3000 vấn đề, không chỉ trong công việc mà cả đời sống, tình cảm, bạn bè, gia đình. Một ngày viết vài chục cái status bức xúc, thời gian nào để làm việc?

Lên Facebook nói xấu công ty cũ: Lớn rồi, muốn chứng tỏ thì giỏi hơn đi, đừng trẻ con thế! - Ảnh 4.

Họ sẽ coi bạn là những đứa trẻ không lớn. Lũ trẻ thường có thói quen trầm trọng hóa các vấn đề, như đứa trẻ thấy cái bóng của mình trên tường và nghĩ đó là một con ma. Một lần sếp mắng biến thành câu chuyện sếp khắt khe, không quan tâm nhân viên. Một sản phẩm của công ty không tốt là nghĩ: “Không có mình thì công ty sống sao”. Đó là suy nghĩ của những “đứa trẻ không lớn”. Công ty là nơi ươm mầm những người có năng lực để cùng nhau làm việc phát triển chứ không phải một vườn trẻ. Dĩ nhiên, sếp bạn cũng không phải cô giáo mầm non để âu yếm ve vuốt suốt ngày. 

Không chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng và cực kỳ bảo thủ. Tôi nghĩ là bạn hiểu vì sao người ta lại có thể gán cho các bạn những cái mác như vậy sau khi thấy một status dài như dòng sông nói xấu công ty. Ai đó đã từng cố gắng hết mình để vào một công ty rồi sau đó lại quay ra nói xấu công ty như một đống rác rưởi, phải chăng như vậy là phủ nhận sạch trơn hết nỗ lực của bản thân? Hãy nhớ là, bạn cũng từng ở trong thứ hỗn độn đó đấy.

Vì chúng ta còn một tương lai dài 

Tôi nói đó là một việc không những sai mà còn không khôn ngoan. Vì sao? vì bạn còn có một tương lai dài phía trước trong môi trường làm việc. Sẽ không khôn ngoan hơn nếu bạn đang chọn một lĩnh vực hẹp làm sự nghiệp của mình. 

Cô bạn tôi làm trong ngành xuất bản sách; thử hỏi ở Việt Nam có được nhà xuất bản hay công ty sách lớn? không nhiều. Nói xấu công ty cũ xong, không công ty xuất bản nào dám nhận cô ấy. Những công ty biết hết nhau cả, đôi lúc trong sự nghiệp bạn lại chạm mắt công ty cũ, liệu lúc đó bạn còn có thể cười trừ và nói: Em chào anh chị, lâu lắm rồi không gặp? Thị trường công việc khắc nghiệt hơn những điều tôi có thể viết ra đây, chắc ai cũng hiểu cả. Vì chúng ta còn cả một tương lai dài, đừng đánh đổi vài phút bốc đồng để cả sự nghiệp về sau vào “black list” của một công ty nào đó.

Lên Facebook nói xấu công ty cũ: Lớn rồi, muốn chứng tỏ thì giỏi hơn đi, đừng trẻ con thế! - Ảnh 5.

Khi nghỉ việc, trước khi suy nghĩ muốn nói xấu công ty hay bất cứ điều gì, hãy cho công ty một lời cảm ơn trước. Nghĩ mà xem, đó không phải một sự nịnh bợ, thảo mai hay giả tạo, công ty cũ - dù đúng hay sai trong mắt bạn, cũng đã dạy bạn vô cùng nhiều điều, nhất là những người trẻ mới ra trường. Nếu không có thể nghĩ tích cực hơn về mọi điều trong cuộc sống, cuộc đời cứ lênh đênh trong bực dọc, giận hờn, khó chịu thế thôi bạn hiền ơi. 

Helino

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 08/12/2024