Hội đồng giám khảo của giải thưởng Kiến trúc Arcasia Awards for Architectures 19 mới đây đã công bố danh sách các công trình đạt giải của năm, trong đó có 3 công trình của Việt Nam.
Arcasia Awards for Architectures (AAA) được tổ chức từ 1992 đến nay. Đây là giải thưởng Kiến trúc do Arcasia thiết lập trong nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn môi trường xây dựng trên khắp Châu Á nói chung và các nước thành viên nói riêng nhằm khuyến khích và công nhận những công trình tiêu biểu của các KTS đang làm việc tại châu Á. Hội đồng giám khảo của giải AAA là độc lập, bao gồm các kiến trúc sư hàng đầu của châu Á do Hội đồng Arcasia chỉ định.
Sau đây là 3 công trình kiến trúc của Việt Nam có tên trong danh sách đoạt giải năm nay.
1. Hang gạch (Brick Cave) ở Hà Nội
Công trình của KTS Đoàn Thanh Hà thuộc H&P architects
Nhà hang hay còn gọi là hang gạch nằm ở một xã thuộc ngoại thành Hà Nội có cấu trúc giống như cái hang. Tổng thể ngôi nhà được tạo nên bởi những lớp tường bằng gạch nung chạy khép kín, xen kẽ giữa chúng là các mảng cây xanh, rau, củ, quả,..
Với phương pháp xây dựng thủ công đơn giản, hang gạch là một không gian được kết nối liên hoàn với nhau thông qua các ô thủng ngẫu nhiên. Sự hòa trộn đóng, mở này chính là sự chuyển dần tính chất từ mở/công cộng tới đóng/riêng tư và ngược lại, giúp xóa mờ các ranh giới giữa trong và ngoài, giữa ngôi nhà và đường phố, giữa con người với thiên nhiên.
Nhà hang gợi nhắc những mảnh ghép cảm xúc vừa quen vừa lạ trong tâm trí Việt Nam với những góc sân, khoảng trời, mảnh vườn, ngõ xóm,…
2. Nhà Long An (Long An House)
Công trình của KTS Nguyễn Hải Long, thuộc Tropical Space
Cũng tương tự như nhà Hang Gạch ở Hà Nội, Nhà Long An được xây dựng chủ yếu bằng gạch trần với những lỗ thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên qua chính sự sắp xếp giữa các viên gạch. Chúng tạo thành những khoảng trống ở giữa đặc – rỗng tạo nên một công trình thẩm mỹ tối giản kiểu Việt, có khả năng “tự thở” giữa vùng đất nhiệt đới.
Chi tiết khe lấy sáng với các lỗ thở làm từ gạch đặc xây ken tạo lỗ dựa trên nguyên lý đối lưu không khí do chênh lệch nhiệt độ và áp xuất. Ngoài ra, ngôi nhà có hồ nước lớn ở giữa không gian, tạo vùng áp suất giữa ngôi nhà khiến gió với hơi nước luôn len lỏi khắp ngôi nhà.
Các khu vực công năng trong ngôi nhà dường như không bị giới hạn hay ngăn cách tạo thành mạch nối liên tục.
3. Castaway Island Resort
Công trình nằm ở Vịnh Lan Lạ, đảo Cát Bà của KTS Võ Trọng Nghĩa, VTN Architects
Nằm ở Vịnh Lan Hạ, Castaway Island Resort bao gồm nhiều “ngôi nhà nhỏ” làm từ vật liệu tre, tầm vông. Đây là loại vật liệu vừa thân thiện với môi trường, vừa dễ tích hợp hoặc sau này có thể loại bỏ mà không quá ảnh hưởng tới môi trường.
Cấu trúc tre của công trình kết hợp với mái tranh, mang lại cho du khách một trải nghiệm đặc biệt về văn hóa Việt Nam cũng như giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường.
Những cây tre tầm vông sau khi được xử lí bằng các phương pháp tự nhiên truyền thống như các làng nghề cổ truyền của dân tộc (ngâm dưới bùn, sau đó hun khói) sẽ được liên kết với nhau bằng các chốt tre, sau đó được buộc chặt bằng dây dù.
Công trình có khu vực nhà hàng nổi bật với kết cấu hyperbolic-paraboloid shell, tạo nên một không gian mở giúp cho du khách có thể trò chuyện, tương tác với nhau và hòa mình với thiên nhiên một cách dễ dàng.
Nhật Hạ