Giờ đây, dù đã vào cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng người lái tàu năm xưa vẫn đau đáu niềm mong ước sẽ có một ngày những con tàu lại nối nhịp bờ vui giữa đồng bằng và cao nguyên.
Mỗi ngày, con tàu già nua vẫn lầm lũi đi về. Sân ga vẫn còn đây, đường ray còn đó và trên toa vẫn xôn xao tiếng nói cười vậy mà chẳng hiểu vì sao tôi cứ ngỡ đó chỉ là ảo ảnh và từng hồi còi rúc lên giục giã kia cũng chỉ là thứ âm thanh mơ hồ vọng về từ quá khứ.
Trong cuộc đời này, có những thứ dù hôm nay vẫn còn đấy nhưng nó chẳng phải là nó nữa. Như người tình cũ, như con chim bị tách khỏi rừng, như con tàu mắc cạn nằm nhớ sóng khơi xa… Con tàu, nhà ga và từng chuyến đi - về ngắn ngủi hôm nay đâu còn là nơi diễn ra những cuộc hội ngộ và chia ly, làm sao đến được những bến bờ xa lắc. Có chăng, nó chỉ là tàn dư của một ký ức huy hoàng, là phương tiện để thỏa mãn chút đam mê, khám phá, tìm về quá khứ của lữ khách mà thôi.
Tuy nhiên, sự đứt đoạn, mất mát, hoang phế nào cũng thường vẽ nên nhiều hình dung, mộng tưởng. Cũng như tôi, mỗi khi đứng giữa sân ga, nơi có chiếc đầu máy hơi nước hoen gỉ, câm lặng hay những lần đứng trước đường hầm rêu phong, quạnh vắng mạn Xuân Thọ, Xuân Trường, D'ran… tôi lại hình dung ra một không gian cổ tích với tuyến đường sắt răng cưa như dải lụa vắt ngang đồng bằng và cao nguyên.
Ga Đà Lạt do hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron thiết kế. Hình dáng nhà ga tượng trưng cho núi Langbiang – đỉnh núi cao nhất vùng. Ảnh: Giang Huy
Khởi đầu từ bờ biển Nam Trung Bộ, tuyến đường xuyên qua thảo nguyên khô cằn toàn xương rồng, cát trắng, nơi mà dấu vết của nền văn minh Chăm-Pa vẫn còn lấp lánh trên tháp Chàm ngàn năm tuổi và công trình đại thủy nông Nha Trinh do vua Po Klong Garai chỉ đạo xây dựng cách đây hơn 8 thế kỷ.
Từ thung lũng Ninh Sơn, nó ngập ngừng dừng lại đôi chút như muốn lấy đà rồi vượt lên những đỉnh núi cao chất ngất, băng qua sông Đa Nhim, tiếp tục chinh phục đèo D'ran sau đó thong thả men theo những triền đồi bốn mùa thông reo, sương phủ.
Trên cung đường ấy, vào những ngày rất xa có những đoàn tàu xuôi ngược, phả khói mơ màng vào không gian, chở theo người và hàng hóa đi-về khắp nẻo. Đứng trước khung cảnh lẫm liệt, tôi làm sao quên những phu đường gầy gò, rách rưới năm xưa mà giờ đây, dấu tích của họ vẫn còn đó qua những nấm mồ lạnh lẽo nằm rải rác hai bên đường.
Công trình được kiến tạo đâu chỉ bằng ý tưởng táo bạo và lãng mạn, nó còn phải đánh đổi từ bao mồ hôi và xương máu. Theo một con số thống kê thời ấy, trung bình cứ 10 công nhân tham gia xây dựng đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm thì 5 người chết vì tai nạn, bệnh tật. Ký ức đau thương về quá trình xây dựng tuyến đường vẫn còn được lưu truyền cho qua bài vè: "Kể từ níp-đớp-vanh-đơ (tức năm 1922 - TG)/ Quan tây, thầy thuốc me-xừ Rô-ca/ Kể từ làm sở Sông Pha/ Làm hai cây số đục qua miệng hầm/ Bạc vàng không biết mấy trăm/ Nhơn dân hao phí ăn nằm gió sương/ Kẻ sụp đất người nghiến xương/ Kẻ bị hột nổ tan xương nát đầu/
Nói ra kẻ thảm người sầu/ Bất đắc kì tử thác sâu linh hồn/ Người nào không giấy bổn thôn/Không hình căn cước bắt dồn lên quan/ Làm sao cho khỏi mang mền/ Làm ba bốn bữa trốn lên hòn Bồ/ Cây khô thì lá cũng khô/ Phận nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo”.
Vào một ngày đã xa, cũng trên sân ga này có một chàng nhạc sĩ nghèo chờ đón người yêu. Ở đó, anh đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc từ háo hức, khắc khoải, thất vọng, sướng vui, hạnh phúc. “Em lên ngày mai, đường gió trăng cài/ Mong em từng giây/ Rộn ràng như ngây/ Ô hay mùa Đông mà Xuân đã lâng lâng… Nhưng trên thềm ga, chờ đến trăng tà/ Em ơi vì đâu, hẹn rồi thờ ơ? Xuân sang rồi sao mà hoa nở không tươi? Xuân qua rồi sao mà tim đã đơn côi?...” (Một ngày vui mùa đông, nhạc sĩ Lê Uyên Phương).
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà ca từ, giai điệu ấy vẫn luôn đồng điệu, tươi mới trong tâm hồn những kẻ đang yêu và nhân vật chính trong bài hát đã trở thành một trong những biểu tượng nghệ sĩ của phố núi.
Hàng vạn phu đường được trưng dụng để thi công tuyến đường sắt vô cùng hiểm trở. Ảnh tư liệu
Khu tập thể hỏa xa do người Pháp xây dựng cách đây một thế kỷ tại đường Quang Trung, Phường 9, thành phố Đà Lạt vẫn còn một người lái tàu duy nhất trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm từ thời Pháp thuộc. Đó là cụ Nguyễn Văn Viễn, sinh năm 1922, làm việc tại Sở hỏa xa Đà Lạt từ năm 1947.
“Tôi sinh tại làng Quý Lý, xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 20 tuổi, đi làm phu trà tại Sở trà Cầu Đất (Đà Lạt), đây là nhà máy chè đầu tiên do người Pháp lập tại Đông Dương.
Khi Nhật vào xâm lược nước ta sở trà Cầu Đất đóng cửa, tôi lên Đà Lạt đi làm bồi cho người Pháp, ngày 1.4.1947, tôi được một sĩ quan Pháp giới thiệu vào làm tại Sở hỏa xa Đà Lạt”, cụ Viễn nhớ lại.
Cụ Viễn đang giải thích tài liệu về các chặng đường sắt răng cưa. Ảnh: TLTN
Khi mới vào làm, cụ Viễn cũng chỉ được giao vài việc lặt vặt như đốt lò, dọn vệ sinh, soát vé trên tàu. Đến năm 1953, mới chính thức trở thành phụ lái rồi lái chính. Ngày ấy, mỗi đầu máy hơi nước thường có 1 lái tàu, 2 nhân viên phụ trách tiếp nước, đốt than. Là người kỹ tính nên cụ Viễn thường xuyên có cuốn sổ ghi chép lại nhật kí công việc thường ngày.
Chỉ vào những trang giấy cũ nhàu, cụ Viễn giải thích: “Quãng đường từ Phan Rang lên Krông Pha khá bằng phẳng nên chạy bằng đầu máy loại thường, mỗi đầu có thể kéo 20 toa. Tuy nhiên khi tới Krông Pha thì phải thay bằng đầu máy vượt đèo, lúc này mỗi đầu máy chỉ kéo được tối đa khoảng 65 tấn, tương đương 4 toa. Thời gian trung bình đi từ ga Tháp Chàm Lên Đà Lạt mất khoảng 3 tiếng rưỡi”.
Để vượt đèo, mỗi đầu máy có lắp hệ thống bánh răng, khi lên đèo, lái tàu sẽ điều khiển cho hệ thống này “ngoạm” chặt vào đường răng cưa nằm giữa 2 đường ray để leo lên dốc. Nếu như ở đường bằng, tàu có thể chạy với tốc độ 35km/h thì ở những đoạn răng cưa, tàu chỉ đạt khoảng 5-10km/h. Đây cũng là những giây phút căng thẳng nhất đối với những lái tàu bởi chỉ cần sơ sểnh một chút cả đoàn tàu sẽ bị tuột hoặc lật về phía sau.
Tàu chạy qua cầu D'ran, huyện Đơn Dương. Ảnh tư liệu
Năm 1969, do tình trạng chiến tranh ác liệt, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt ngừng hoạt động. Cụ Viễn chuyển xuống lái tàu lửa tuyến Tháp Chàm - Sài Gòn. Năm 1975, cụ Viễn được chính quyền cách mạng tuyển dụng, tiếp tục phục vụ trong ngành đường sắt, cụ cũng là một trong những người lái 6 chiếc đầu máy hơi nước về ga Đà Lạt để chuẩn bị khởi động lại tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm. Tuy nhiên, lúc này do yêu cầu phải thông tuyến đường sắt Bắc Nam nên ngành đường sắt chủ trương tháo dỡ toàn bộ vật tư tại các tuyến đường xương cá, trong đó có tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt để phục vụ cho việc khôi phục đường sắt Thống Nhất.
“Ngày ấy nếu có khôi phục lại tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt thì hiệu quả kinh tế sẽ không đạt vì toàn bộ máy móc sau một thời gian dài dầm mưa dãi nắng đã quá cũ, xuống cấp nghiêm trọng, nếu sử dụng có thể xảy ra tai nạn. Vì vậy ngành đường sắt chỉ khôi phục khoảng 7km từ Đà Lạt đi Trại Mát để phục vụ khách du lịch”, cụ Viễn cho biết.
Từ một tuyến đường mang vẻ đẹp độc đáo, tuyến giao thông sầm uất, đóng góp quan trọng đối với phát triển của Đà Lạt, đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dần bị lãng quên. Những chiếc đầu máy hơi nước cổ bị ngành đường sắt bán cho một công ty đường sắt Thụy Sĩ, công ty này đã mang về Thụy Sĩ, phục chế lại và chạy trên tuyến đường sắt răng cưa Furka (Thụy Sĩ) phục vụ du lịch. Nhiều đoạn đường ray, cầu sắt trên tuyến đường cũng bị phá dỡ. Thế hệ những người lái tàu như cụ Viễn giờ đây hầu hết đã thành người thiên cổ. Tuy nhiên, ký ức và dấu vết của tuyến đường thì vẫn còn đó.
Kể từ khi có nhà ga Đà Lạt thì số lượng khách du lịch đến với thành phố du lịch và nghỉ dưỡng ngày càng nhiều. Ảnh: Giang Huy
Với thâm niên gần nửa thế kỷ lái tàu cùng trí nhớ phi thường, cụ Viễn đã trở thành “pho sử sống” của tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm. Giờ đây, dù đã vào cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng người lái tàu năm xưa vẫn đau đáu niềm mong ước sẽ có một ngày những con tàu lại nối nhịp bờ vui giữa đồng bằng và cao nguyên.
Mà đâu chỉ cụ Viễn, mỗi lần đứng trước di sản của quá khứ huy hoàng ấy, làm sao không ước mơ tuyến đường sẽ sống lại cuộc đời năm xưa và “ảo ảnh” con tàu, tiếng còi sẽ trở thành hiện thực.
Vũ Đình Đông/ Người Đô Thị
Theo Wikipedia, Ga Đà Lạt là nhà ga tàu hỏa của thành phố Đà Lạt, được người Pháp xây dựng từ năm 1932, đến 1938 hoàn thành, là nhà ga đầu mối trên tuyến Đường sắt Phan Rang - Đà Lạt.
Ga Đà Lạt là nhà ga cổ, cùng với ga Hải Phòng, lâu đời nhất ở Đông Dương.
Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron thiết kế. Người thi công là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng 200.000 francs.
Nhà ga có 3 chóp nhọn, tượng trưng cho núi Langbiang – đỉnh núi cao nhất vùng, với chiều dài 66,5m; chiều ngang 11,4m và chiều cao 11m. Phía trước còn có mặt đồng hồ to ghi lại thời gian mà bác sĩ Alexandre Yersin đã phát hiện ra Đà Lạt. Nhà ga đã được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Tuyến đường sắt nhà ga xây dựng từ năm 1932, là đường ray và đầu máy răng cưa. Tuyến đường sắt này dài 84 km và 16 km đầu máy. Lúc bấy giờ, đường ray răng cưa và đầu máy răng cưa được xem là độc đáo nhất thế giới, xây ròng rã suốt 10 năm và phải tốn chi phí cao gấp 2, 3 lần bình thường.
Đường sắt răng cưa được thiết kế theo kiểu Thuỵ Sĩ, có 3 đường ray. Một nằm giữa được thiết kế có răng cưa để tàu có thể leo dốc an toàn. Đây là kiểu đường sắt chỉ có ở Đà Lạt và Thuỵ Sĩ. Hiện cả tuyến đường sắt Đà Lạt không còn dấu tích các đoạn răng cưa.
Một đoạn đường sắt răng cưa leo đèo Tháp Chàm - Đà Lạt. Ảnh tư liệu
Từng có đề án khôi phục tuyến đường sắt này trên cơ sở tuyến đường cũ với các thông số kỹ thuật trước đây. Theo kỳ vọng của ngành đường sắt Việt Nam thì việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015 với tổng vốn khoảng 5 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên cho đến nay, dự án này vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Nhà ga cổ Đà Lạt từ lâu đã không còn sử dụng để vận chuyển mà là nhà ga phục vụ du lịch. Với tuyến đường 7 km, tàu sẽ đưa du khách khám phá phố núi. Tuy chạy tốc độ rất chậm và đầu tàu kêu to, thế nhưng, đây là nơi hấp dẫn của nhà ga phục vụ du khách tham quan ngắm cảnh trên đường đi. Điểm cuối cùng khách tham quan là Chùa Linh Phước – hay còn được gọi là chùa Ve Chai – một kiến trúc Phật giáo đặc sắc và cùng khám phá thị trấn Trại Mát...
(Lược thuật từ nguồn: Báo Lâm Đồng, Báo điện tử Ninh Thuận, Wikipedia...)