13 tuổi làm osin, từ ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành

21/10/2020 12:00
13 tuổi làm osin, từ ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành

Từ một đứa trẻ phải bỏ học đi làm giúp việc từ năm 13 tuổi, bước ngoặt cuộc đời của Đặng Thị Hương đã sang một trang mới khi cô tìm đến KOTO, một doanh nghiệp xã hội giúp đỡ trẻ em lang thang bằng cách dạy nghề cho họ.

Sau này khi du học ở Australia về, Hương vận hành Hope Box, tổ chức giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành.

Thời điểm tôi thực hiện bài phỏng vấn Đặng Thị Hương, founder của HopeBox, một doanh nghiệp xã hội muốn hỗ trợ cho các phụ nữ bị bạo hành, cách đây hơn nửa năm. Khi đó HopeBox đang gây quỹ để có chi phí vận hành và đào tạo hỗ trợ những phụ nữ bị bạo hành gia đình, cho họ những kỹ năng để có thể tự tin làm chủ cuộc đời mình.

Covid ập đến, tôi đã dừng lại đề tài này để theo dõi các sự kiện kinh tế liên quan đến Covid. Không phải tôi quên câu chuyện của Hương, mà tôi thực sự không biết phải viết như thế nào để có thể nói hết về cô gái nhỏ bé nhưng có sức mạnh phi thường này.

Hương giành học bổng đi du học ở Australia, đã từng đi tới nhiều vùng đất ở Châu Âu và Mỹ, sang làm việc ở Anh, Hương trở thành diễn giả trao đổi tại các sự kiện về phụ nữ, về lãnh đạo (leadership), Hương điều hành một doanh nghiệp xã hội. Nhưng ít ai biết rằng, tuổi thơ của Hương đã từng phải nghỉ học để đi làm osin (giúp việc) từ năm 13 tuổi, phải ngủ dưới gầm cầu, có những ngày chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ để nuôi một niềm ao ước được đi học và được làm cô giáo.

Tôi nghe chuyện của Hương đã phải ồ lên: "Giống câu chuyện cô bé bán diêm vậy sao?", nhưng câu chuyện đời thật của Hương, cái kết có hậu hơn rất nhiều.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 1.

Một sản phẩm của Hope Box ngày 20/10

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 2.

Hương sinh ra ở một làng quê nghèo ở Vĩnh Phúc. Bố mất sớm, mẹ đau yếu thường xuyên. Năm lớp 7, mẹ ốm nặng nên Hương phải nghỉ học ra Hà Nội làm giúp việc. "Ngày đầu tiên ra Hà Nội, chủ nhà cân đo chỉ nặng 27kg và cao 1m30, bé xíu", Hương kể.

Trong suốt 4 năm làm osin, Hương vẫn nói với mẹ, sau này con sẽ kiếm tiền để thay đổi cuộc đời mẹ, giúp mẹ sống cuộc sống tốt hơn.

Một lần, Hương giúp việc cho một gia đình giàu có, cô chủ nhà đã nói chuyện với cô gia sư dạy tiếng Anh của con mình về việc Hương lúc nào cũng khao khát được đi học nhưng vì hoàn cảnh nên phải đi làm giúp việc, cô gia sư đã nhắn nhủ: "Cháu cố gắng rồi đi học sau vậy".

Lúc đó, Hương chưa hiểu khái niệm "đi học sau" là như thế nào. Sau này, cô chủ nhà giúp Hương đi học bổ túc lớp 8 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy. Tối tối Hương đi học, để hi vọng sẽ có bằng cấp 3.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 3.

"Khi đó mình chỉ có quyết tâm sẽ đi học và ước mơ sẽ thi Đại Học Sư Phạm, ở quê 17-18 tuổi đã bắt lấy chồng, mình nghĩ đến cảnh về quê làm ruộng và không được đi học, mình rất sợ", Hương nhìn lại khoảng thời gian đó.

Trong thời gian đi học bổ túc để thi hết cấp 3, Hương bị chủ nhà cho nghỉ việc vì dành nhiều thời gian cho việc học. Không có bạn bè, không người thân, không có chỗ ở, Hương xin tá túc ở gầm cầu thang của một nhà chủ. Cô chủ nhà cho Hương mượn cái nồi bán xôi, sáng Hương dậy từ 2h sáng thổi xôi, tối đi học bổ túc. Hương làm đủ thứ việc để ra tiền, từ lau nhà thuê, bán bánh khoai bánh chuối, ngày nào cũng chỉ ngủ 2 tiếng.

Ở lớp học bổ túc của Hương, có chị chỉ cho Hương có một tổ chức dạy nghề miễn phí cho trẻ em đường phố, còn dạy cả tiếng Anh và chỉ cho cách học nghề, chỗ đó là KOTO. Hương nghe bán tín bán nghi, không thể có chỗ nào tốt như thế. Mẹ Hương nghe chuyện chỉ sợ con bị lừa bán sang Trung Quốc, ngày Hương nhận giấy báo được vào vòng phỏng vấn, mẹ Hương thuê xe ôm chạy từ Vĩnh Phúc ra Hà Nội để đến tận nơi xem KOTO là gì.

"Cuộc đời mình đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi vào KOTO, nên sau này dù đi đến đâu mình vẫn quyết tâm làm điều gì đó cho KOTO, nếu không có KOTO mình không biết ở phương trời nào rồi", Hương chia sẻ.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 4.

Năm 1996, Jimmy Phạm, một hướng dẫn viên du lịch sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở Australia trở về Việt Nam trong một chuyến công tác cho một doanh nghiệp lữ hành nổi tiếng của Australia. Chuyến đi đó, ông Jimmy Phạm đã gặp những đứa trẻ đường phố ở quận 1, Tp.HCM, nghe chúng tâm sự về cuộc sống. Ông muốn làm gì đó cho những đứa trẻ, và một trong số đó nói rằng: "Chú cho cháu những thứ này không đủ, cháu muốn có một công việc để ổn định cuộc sống".

Cuộc trò chuyện với cậu bé lang thang đã giúp Jimmy Phạm hiểu rằng, những đứa trẻ lang thang cần một cái cần câu hơn là một con cá. Chúng cần được đào tạo một nghề gì đó để có công việc và có thể nuôi sống bản thân thay vì đi xin ăn.

Jimmy Phạm đã quay lại Việt Nam ngay sau đó, với 200$ trong túi và một công việc hướng dẫn viên du lịch, giúp đỡ các trẻ em đường phố trong suốt 3 năm. Năm 1999, Jimmy Phạm thành lập KOTO, một quán sandwich nhỏ với 9 trẻ em đường phố. Năm 2016, KOTO trở thành doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam. KOTO chuyên đào tạo nghề miễn phí và chắp cánh ước mơ cho hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên đất Việt. KOTO được viết tắt của từ "know one teach one" (biết một, dạy một). Triết lý của KOTO là người đã biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít, như thế sẽ tạo ra một cộng đồng luôn yêu thương và giúp đỡ nhau.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 5.

Năm 2000, cựu Thủ tướng Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam và ăn tối tại nhà hàng KOTO, Jimmy Phạm (áo trắng) đứng giữa

KOTO đào tạo nghề, dạy các em nấu ăn, pha chế và nghiệp vụ khách sạn. KOTO còn dạy các bạn tiếng Anh, kỹ năng sống, cho các bạn một mái nhà, hỗ trợ sinh hoạt và chỗ ở trong 2 năm. Hơn 20 năm qua, KOTO đã góp phần tạo ra rất nhiều cái kết có hậu cho một câu chuyện cổ tích. Rất nhiều em đã và đang làm việc tại những khách sạn 5 sao nổi tiếng trong nước và thế giới như Hilton Hanoi, Intercontinental Hotel Groups, Jaspas Saigon, Sheraton, Sofitel Metropole…, được học bổng du học, trở thành giám đốc khách sạn, mở doanh nghiệp riêng.

Và Hương là một phần của KOTO, một phần trong câu chuyện cổ tích đó.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 6.

Mỗi năm KOTO chỉ đào tạo 200 bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, miễn phí hoàn toàn, nên không phải ai cũng được nhận. Ngày đi phỏng vấn ở KOTO, kể về câu chuyện cuộc đời mình, Hương khóc như mưa. Hương đỗ, và đi học ở KOTO 18 tháng, thời gian đấy Hương vẫn học bổ túc để thi hết cấp 3.

Với Hương, Jimmy Phạm, founder của KOTO vừa là người anh, vừa như một người cha, ông đã động viên Hương học tiếng Anh và khuyến khích Hương dành học bổng du học Australia.

"Thời gian mình học ở Úc, mình có tham gia hỗ trợ một em gái bị bạo hành gia đình ở Việt Nam rất nặng. Hương giúp cho em tiền và trốn đi giữa đêm, tạm lánh ở một trung tâm hỗ trợ phụ nữ, tuy nhiên tất cả những điều đó không giúp em thay đổi. Cuối cùng em quay lại với người chồng đã bạo hành mình, lý do thì có nhiều nhưng lý do lớn nhất là con cái và gia đình, những áp lực của xã hội và họ hàng", Hương chia sẻ.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 7.

Dự án HopeBox Hương đã nghĩ ra ý tưởng từ năm 2015, khi đang học ở Australia. "Lúc đấy chỉ là ý tưởng thôi, vì mình nghĩ đến em gái ấy. Mọi người đều bảo không làm được đâu em vì em muốn giải quyết quá nhiều vấn đề trong một mô hình kinh doanh: vừa tạo công ăn việc làm, đồ ăn phải sạch, lại bảo vệ môi trường", Hương chia sẻ về những ngày đầu của HopeBox, doanh nghiệp xã hội cung cấp thực phẩm mà Hương đang quản lý.

Nhưng đúng là "nghề chọn người". Năm 2017, Hương được chọn tham gia vào chương trình lãnh đạo trẻ Việt Úc ở Sydney, ban tổ chức muốn các thành viên tham gia đưa ra một giải pháp để giải quyết được thách thức cho xã hội ở nước mình, khi đó Hương đã nghĩ đến ý tưởng bán đồ ăn trưa cho khối văn phòng được làm từ những bà mẹ bị bạo lực gia đình. Trong 20 người tham gia, ý tưởng của Hương được chọn và đánh giá cao nhất.

Đã có thời điểm Hương nghĩ đấy chỉ là một bài tập khi đi thuyết trình và mình sẽ nhường ý tưởng này cho người khác thực hiện. Năm 2017 Hương về Việt Nam làm việc cho KOTO với vai trò quản lý phòng quan hệ đối tác quốc tế, sau này làm giám đốc marketing và quan hệ đối tác, gây quỹ xin tài trợ.

"Tình cờ năm đó mình gặp nhiều người và lắng nghe nhiều câu chuyện bị bạo lực gia đình. Lúc đó mình quyết tâm làm. Tháng 3/2018 gây quỹ vì mình không có vốn, đến tháng 8 không đủ tiền nhưng vẫn làm, và HopeBox đã bán suất cơm đầu tiên", Hương kể.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 8.

"Vỡ mộng. Ban đầu mình nghĩ mô hình của HopeBox rất hay, network của mình rất rộng nhưng vì công việc chính ở KOTO rất bận nên dự án không hiệu quả. Sản phẩm ban đầu của mình ra không tiện lợi. HopeBox ban đầu bán cơm trưa cho dân văn phòng đựng trong các hộp thuỷ tinh Lock & Lock. Nhưng thị trường chưa sẵn sàng cho việc đó. Hôm được vài suất, hôm không có hộp nào, nhân viên phải ngồi không. Tâm lý các bạn bị bạo hành cũng rất thất thường, doanh thu không mang lại như mình nghĩ", Hương chia sẻ về những ngày đầu của HopeBox.

Sau này Hương chuyển hướng sang làm bánh, làm khô gà, sốt spaghetti để có thể mở rộng sản phẩm và gửi bán ở các cửa hàng hay siêu thị. "HopeBox mang lại công ăn việc làm cho các bạn, sử dụng hình thức nấu ăn như một liệu pháp chữa lành. Các chị em được làm việc, tự chủ về tài chính, hỗ trợ về chỗ ở và các hoạt động liên quan tới phát triển bản thân", Hương chia sẻ về hướng đi của HopeBox theo mô hình doanh nghiệp xã hội.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 9.

Sản phẩm của Hope Box làm ngày khai trương Uniqlo

Năm nay dịch Covid-19 ập đến đã ảnh hưởng nặng nề lên tất cả các doanh nghiệp dịch vụ, nhà hàng, khách sạn. May mắn thay, HopeBox của Hương vẫn trụ vững nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng cũng như sự sáng tạo của các chị em HopeBox.

Tháng 3/2020, HopeBox giành được hợp đồng làm hai nghìn gói bánh cho lễ khai trương của Uniqlo ở Hà Nội. "Do may mắn trước đấy khoảng 1-2 tuần mình được mời tham gia chương trình "Việc tử tế" của VTV1, từ đó nhiều người biết đến HopeBox và giới thiệu. Dự án với Uniqlo diễn ra trong thời điểm dịch nên mọi việc rất gấp, mình phải chuẩn bị trong 1 tuần từ việc kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã và chất lượng theo đúng chuẩn của Nhật. Nhưng qua dự án này, mình đã học được rất nhiều điều và chị em có cơ hội được thực hiện một đơn hàng lớn như vậy", Hương kể.

 Chuyện cô bé bán diêm đời thật: 13 tuổi xa nhà đi làm osin, ngủ dưới dầm cầu đến học bổng Australia và dự án Hope Box giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành  - Ảnh 10.

Khi tôi hỏi về công việc ở HopeBox có giống câu chuyện "vác tù và hàng tổng không", khi Hương có thể sống một cuộc sống an nhàn với công việc ở KOTO hoặc ở lại Australia làm việc. Hương cười, "tôi đã làm việc cho KOTO 10 năm, nhìn hành trình của anh Jimmy tôi cũng sợ. Anh đã bỏ cả cuộc đời cống hiến cho KOTO. Mình đi theo con đường này có những mục tiêu cá nhân bị đánh đổi, nhiều lúc tự hỏi mình đang đi đúng đường hay đi sai đường, có nên tiếp tục hay không. Nhiều lúc thấy cô đơn lắm, với số tiền này có thể sống thoải mái cho mình, đi du lịch chỗ này chỗ kia. Mẹ mình muốn nhìn thấy những thứ hiện hữu như mua cái nhà, mua xe, có chồng, có con thì mới là đủ đầy. Mục tiêu của mình không phải là sống ở đây lâu dài, nhưng nghĩ đây là một sứ mệnh mà mình được giao để làm. Qua HopeBox, mình học được cách chăm sóc bản thân hơn, mình rất mạnh tính và chủ động, nhưng mình cũng phải thay đổi bản thân, chăm sóc sức khoẻ để có thể chạy đường dài được".

Trong quá trình vận hành HopeBox, Hương cũng nhận được sự hỗ trợ từ ông Jimmy Phạm, cha đẻ của KOTO. "Jimmy vừa là cha, vừa là anh, Jimmy giống anh bụt của tôi và KOTO là điều gì đó rất đặc biệt. Tôi quay lại Việt Nam để làm việc KOTO và vì đã quá hiểu anh Jimmy nên mình hiểu KOTO sâu hơn. Tham gia vào các đợt tuyển sinh của KOTO, mình nhìn thấy mình ở chính cái ghế đó, và các quyết định của mình sẽ mang tính quyết định đến cuộc đời của các em. Mình được truyền cảm hứng nhiều từ anh Jimmy và chính các em, các cộng sự ở KOTO trong hành trình mình trở về KOTO làm việc".

Trong giai đoạn dịch vừa rồi, phải cách ly xã hội, Hương đã phải đóng cửa quán, cho nhân viên nghỉ một tuần và giảm lương. Trước đó Hương đã thuê một nhà hàng ở Âu Cơ để có thể đón khách đoàn quốc tế, là các sinh viên ở các trường đại học sang Việt Nam học. Năm nay Covid khách đoàn không có, các sự kiện bị hoãn huỷ, HopeBox phải tính toán nhiều cách để có thể duy trì hoạt động.

Tháng 9/2020, lần đầu tiên HopeBox bán bánh trung thu có lãi, và Hương không phải bỏ tiền túi ra để nuôi dự án. Trong quãng thời gian gần 2 năm vận hành, Hương vừa làm HopeBox, vừa đi làm ở KOTO, nhận làm việc từ xa cho một công ty ở bên Anh để lấy tiền nuôi dự án, trả lương cho nhân viên và trao học bổng cho con của các mẹ bị bạo hành. Với mô hình của HopeBox và chưa có vốn lớn, Hương cần phải đi từ từ và từ những bước nhỏ để HopeBox có thể phát triển bền vững sau này. Có những thứ không thể đi nhanh.

Hương muốn gửi thông điệp đến các chị em đang ở môi trường bị bạo lực, "chị em phụ nữ hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc đời mình và đó không phải là cuộc đời bị sắp đặt. Chỉ cần có công việc và tự chủ về mặt tài chính, các bạn sẽ thương bản thân hơn. Tự đến lúc nào đấy các bạn sẽ bước ra khỏi môi trường bạo lực và biết rằng mình xứng đáng một cuộc sống tốt hơn".

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 12/10/2024