Bên cạnh vấn đề môi trường, thách thức còn nằm ở “mớ bong bóng tranh chấp” đến từ các quốc gia có cùng yêu sách với Biển Đông. Có thể thấy rằng những căng thẳng chính trị dường như đang “quyện chặt” với những sóng gió môi trường: Môi trường cạn kiệt khiến các nước càng muốn tranh chấp ngư trường, chủ quyền. Và sự tranh chấp đó lại càng gây ảnh hưởng tiêu cực ngược lại với môi trường. Như việc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, từ đó phá hủy nghiêm trọng các hệ sinh thái rạn san hô, nơi được xem là “thánh đường của biển”, rất quan trọng với sự sinh sản của cá và môi trường biển nói chung.
Ngoài ra, tranh chấp của các quốc gia cũng khiến các bên không cởi mở chia sẻ dữ liệu về đại dương; gây hạn chế trong việc giám sát, điều tiết hoạt động đánh bắt và quản lý môi trường biển...
Với vai trò là nhà nghiên cứu độc lập về chính sách môi trường, cựu phóng viên thường trực nước ngoài của tờ The Washington Times. James Borton đã đưa tin về Đông Nam Á suốt nhiều thập niên và thường xuyên đóng góp bài cho các trang tin như Asia Sentinel, Asia Times, The South China Morning Post…. Trong cuốn sách “Xoay chuyển tình hình biển Đông”, ông đã nêu lên một số đề xuất phương án khả thi mà các nhà khoa học biển và các nhà hoạch định chính sách có thể áp dụng để quản lý tranh chấp ở Biển Đông, như sau:
- Thiết lập tự do tuyệt đối cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại các đảo san hô đang tranh chấp và các đảo được bồi lấp tôn tạo.
- Mở rộng hợp tác khoa học giữa tất cả các nhà khoa học biển ở ASEAN thông qua nhiều hội thảo học thuật hơn.
- Đưa ra một khuôn khổ hợp tác khoa học ở khu vực ASEAN có thể thúc đẩy các quốc gia giải quyết các vấn đề xuyên biên giới.
- Gác mọi yêu sách lãnh thổ sang một bên.
- Mời các NGO về môi trường của ASEAN tham gia.
- Thành lập một hội đồng khoa học biển khu vực để giải quyết vấn đề suy thoái môi trường.
- Thúc đẩy đối thoại về kế hoạch xây dựng một công viên hòa bình trên biển.
- Đề xuất thành lập một ủy ban hoạt động dựa trên khoa học ở ASEAN để nghiên cứu Hiệp ước Nam Cực và sáng kiến Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động Các vùng biển Đông Á.
- Tổ chức các buổi hội thảo để thúc đẩy việc hợp tác giải quyết vấn đề trong các tranh chấp chính sách phức tạp, quy tụ đại diện của các bên liên quan chính để cùng thảo luận các kế hoạch hoặc chiến lược qua các cuộc trao đổi không chính thức.
“Xoay chuyển tình hình Biển Đông”: Bức tranh đa chiều, đầy cảm xúc về tình trạng sụp đổ nghề cá, suy thoái môi trường và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.