Với Hsieh, tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian

05/03/2020 12:06
Với Hsieh, tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian

Với Hsieh, chẳng cần tuyên ngôn, chẳng cần vật vã, chỉ cần giữ cho mình “còn sống” là còn thời gian. Cứ còn thời gian là còn tất cả.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 1.

 

Sinh năm 1950 tại Đài Loan, là con trai của một ông bố đông con (15 người con) nhiều vợ (5 bà), Tạ Đức Khánh (Tehching Hsieh) bỏ học sớm, chỉ thích vẽ và làm những điều mà người thường coi là vô bổ, thậm chí ngu ngốc.

Thí dụ, vào năm 23 tuổi, Hsieh thực hiện một màn “trình diễn” có camera ghi lại: nhảy từ cửa sổ tầng hai, kết quả là vỡ luôn hai mắt cá chân.

Thế rồi “chân vỡ lại lành”, theo đường tàu biển, Hsieh “chuồn” bất hợp pháp đến Mỹ, tới thẳng New York. Tại đây, trong suốt bốn năm đầu, Hsieh rửa bát và quét dọn cho một quán ăn.

Hsieh biết TP New York là trung tâm của nghệ thuật. Hsieh biết SoHo là hang ổ của nghệ sĩ, nhưng anh không biết chính xác nó nằm đâu. Sau hai năm, một hôm vô tình Hsieh tìm ra SoHo. Anh bước vào, làm quen với vài nghệ sĩ Đài Loan ở đó, rồi xin vào dọn dẹp tại một quán ăn Tàu bên trong SoHo.

Mỗi đêm, Hsieh xếp một trăm cái ghế lên bàn, xong lau sàn, đánh bóng sàn. Suốt những năm đầu sống chui rúc đó, "tôi không làm nghệ thuật, chỉ nghĩ ngợi. Tôi phải làm việc, phải vượt qua cú sốc văn hóa", Hsieh kể lại.

Ba mươi năm sau, chính Marina Abramovic - "bà ngoại" của nghệ thuật trình diễn - phải gọi Tehching Hsieh là "bậc thầy".

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 2.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 3.

Quay lại năm 1978, Hsieh 28 tuổi cảm thấy mình bốn năm qua đã quá phí thời gian. Bỏ việc dọn dẹp hàng ăn, anh thực hiện màn trình diễn đầu tiên trên đất Mỹ, có tên gọi “Màn trình diễn một năm 1978 - 1979” (hay Cage Piece - Cái chuồng).

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 4.

Hsieh làm một cái chuồng bằng gỗ, kích thước 2,4 x 2,7m, đặt trong studio của mình trên đường Hudson. Trong chuồng có một bồn rửa mặt, một cái giường đơn, một cái xô, đèn. Anh tự nhốt trong đó từ ngày 29-9-1978 tới ngày 30-9-1979. Trong suốt 365 ngày đó, anh buộc mình không nói chuyện, không đọc, không viết, không nghe đài, không xem TV.

Hằng ngày có người mang thức ăn tới, đổ chất thải cho Hsieh, và mỗi ngày chụp một bức ảnh để làm tài liệu. Ngoài chuồng có luật sư Robert Projansky, làm công việc ghi chép toàn bộ tiến trình và đảm bảo Hsieh không “sổng” khỏi chuồng trong suốt một năm. Cuộc trình diễn này mở cửa cho người ta vào xem, hai lần một tháng, từ 11h trưa tới 5h chiều.

Sang năm tiếp theo, trong “Màn trình diễn một năm 1980 - 1981”, Hsieh cạo trọc đầu vào lúc bắt đầu. Từ ngày 11-4-1980 đến 11-4-1981, cứ mỗi tiếng anh lại bấm vào đồng hồ tính giờ một lần, chụp một cái ảnh chân dung, kèm theo thẻ bấm lỗ cho mỗi lần bấm, bỏ vào hồ sơ để chứng minh mình đang thực hiện dự án và tóc mình đang mọc dài ra.

Rồi Hsieh bước tiếp vào “Màn trình diễn một năm 1981 - 1982”. Từ ngày 26-9-1981 tới 26-9-1982, Hsieh chỉ sống trên đường phố New York, không hề bước vào bên trong một căn nhà nào, một chỗ trú ngụ nào, trừ 15 tiếng ấm áp trong bốt cảnh sát vì kiểu gì Hsieh cũng đang là dân nhập cư bất hợp pháp.

Trải suốt thu, đông, xuân, rồi hè, Hsieh chỉ tắm đúng một lần bằng họng nước cứu hỏa bên sông Hudson, ăn gì thì gọi món qua cửa hoặc cửa sổ của hàng ăn, đúng nghĩa quăng mình ra giữa giông gió đô thị.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 5.

Một năm sau, Hsieh làm tiếp “Nghệ thuật/Đời: Màn trình diễn một năm 1983 - 1984” (hay Rope Piece). Anh và nghệ sĩ Linda Montano cùng buộc nhau bằng một sợi dây thừng dài cỡ 2,5m vào hông, ở chung một phòng, đi đâu cũng có nhau, làm gì cũng có nhau, nhưng không chạm vào nhau, trong suốt một năm. Mỗi ngày, Hsieh đi cùng Montano lên tàu điện tới chỗ làm. Họ buộc lấy nhau 24/7.

“Chúng tôi cãi nhau rất nhiều và tôi không thấy có gì là dở”, Hsieh nhớ lại. “Ngay cả một cặp đẹp đôi mà bị buộc kiểu này cũng phải cãi nhau thôi. Tác phẩm này là về việc sống như một con vật, trần trụi, không thể giấu mặt xấu của mình, không còn xấu hổ. Còn hơn cả chân thật - chúng tôi cho người kia thấy hết nhược điểm của mình”.

Làm thêm hai màn trình diễn nữa, trong đó có một màn suốt mười ba năm Hsieh bảo là cho riêng mình, không cho công chúng xem, đến năm 2000, bước vào tuổi 50, Hsieh thề không làm nghệ thuật nữa. “Tôi chẳng còn gì mà nói nữa”. Giữa một thế giới nghệ thuật sôi động và lấy phương Tây làm chủ đạo, Hsieh chìm nghỉm.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 6.

Thế rồi, Ngu Công cũng phải dời được núi, nếu quyết tâm. Vào năm 2008, Adrian Heathfield và Hsieh chào được MIT Press xuất bản Out of Now, The Lifeworks of Tehching Hsieh (Ra khỏi Hiện tại, các tác phẩm trọn đời của Tehching Hsieh), tập hợp ảnh, tư liệu, các bài viết của các nghệ sĩ, các nhà phê bình... Hsieh xoa tay nói với tờ New York Times: “Có sách này rồi mai tôi chết cũng được”.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 7.

Và Hsieh, người vốn nhận là mình kém về ngôn ngữ, giờ phải trả lời phỏng vấn nhiều, bàn tới một khái niệm vừa cụ thể vừa mơ hồ mà ngay cả người giàu ngôn ngữ cũng còn vật vã khi diễn giải: thời gian.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 8.

Hsieh bảo, cả đời ông quan niệm “sống là một án chung thân, sống là để thời gian trôi, sống là tự do suy nghĩ”. Chất liệu của Hsieh trong tất cả các màn trình diễn của ông là thời gian. Lúc ở trong chuồng của tác phẩm đầu tiên, Hsieh chỉ tập trung vào việc “thời gian trôi”.

Hsieh không trình diễn một tác phẩm mà trình diễn “thời gian trôi” cùng những hệ quả của nó về tâm lý, tình cảm, sinh học. (Khi chui ra khỏi cái chuồng sau một năm tự nhốt, Hsieh thấy ai cũng như sói. Chẳng qua vì vắng mặt trời, cơ thể ông quá yếu, quá nhạy cảm, đến nỗi “thấy được bản chất thú ở con người, đến cô gái dễ thương nhất trông cũng hung tợn”).

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 9.

“Mỗi người đều có cái chuồng của riêng mình. Nghệ thuật của tôi khác tranh và tượng. Nghệ thuật của tôi là xoay xở với thời gian, không khác gì kiếm sống hay làm nghệ thuật. Dù có đang sống trong ‘thời gian của nghệ thuật’ hay ‘thời gian của đời thực’ thì tôi cũng đang để thời gian trôi” - ông nói. Thời gian, với Hsieh, là nhân vật chính, còn lại ai nói gì mặc họ.

“Trong tác phẩm của tôi, tôi làm cật lực, nhưng lại chẳng làm ra một thứ gì cả. Tôi để thời gian trôi nhưng lại không làm gì hết, trừ việc đợi đến giờ kế tiếp. Nhưng bởi vì tôi không làm ra cái gì, xã hội bảo, ‘Anh phí thời gian ghê’. Nhưng nếu có người trả cho tôi một triệu đô để làm điều tôi đã làm, lập tức xã hội bảo, ‘Anh đang làm một việc hay đấy’”.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 10.

Hsieh nhận là mình lao động cật lực trong các tác phẩm, quả có vậy. Ai như ông không ngủ, canh mỗi giờ để bấm đồng hồ và chụp một cái ảnh đúng một tư thế? Ai như ông dám bắt mình phải tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt và một không gian bó buộc?

Người đến xem có thể bảo cái tay nghệ sĩ này chẳng làm gì cả, nhưng nghệ sĩ trong chuồng lại nghĩ mình đang làm một tác phẩm, rất cực, bằng cả thân xác. Người xem có thể nói, chà, tay này phí thời gian ghê, nhưng tay trong chuồng lại nghĩ, mình đang “đương đầu với thời gian”.

Các tác phẩm của Hsieh thường lấy một năm làm hạn. Theo ông, “một năm là đơn vị căn bản để con người tính toán đời mình, đó cũng là thời gian để quả đất quay hết một vòng quanh mặt trời”.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 11.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 12.

“Mỗi người đều lên lịch cho mình để thời gian trôi. Tôi cũng có lịch cho tôi. Tôi không muốn đưa ra khái niệm gì về ‘thời gian trôi’, trôi thế nào không quan trọng, tôi đơn giản là để thời gian trôi. Dù bạn có chăm hay lười, có tài hay bất tài, cốt lõi cũng là để thời gian trôi. Sống hay làm nghệ thuật cũng vậy thôi, cũng là xoay xở với thời gian...”. Hsieh nói như một người bất cần, nhưng thực ra không phải thế.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 13.

Hơn ai hết, ông là người quý thời gian. Ai không làm tan nát thời gian là biết quý thời gian. Ai chịu ghi lại thời gian là người biết quý thời gian. Hsieh dành cả năm làm đi làm lại một việc cho đến khi điều vô nghĩa cũng phải thành có nghĩa. Hsieh không để cái gì cướp mất thời gian: điện thoại, truyền hình, đàn đúm; ông hiện diện đúng kiểu “tại đây, lúc này”, và ghi lại cẩn thận thành tư liệu. Một nghệ sĩ “vớ vẩn” sẽ không có được thứ kỷ luật như ông. Và kỷ luật đó đã được đền đáp.

Thử hỏi, đến năm 2008, nếu không có những ảnh tài liệu chụp mỗi tiếng một cái, những thẻ bấm lỗ mỗi giờ, những ghi chép của luật sư ngồi canh Hsieh bên cái chuồng, thì cuốn sách Out of Now có ra đời được không?

Và thời gian lẫn khổ cực của Hsieh rồi cũng vô tăm tích, mai một, chẳng qua chỉ là trò đùa của một kẻ điên, vô tích sự. Nghệ sĩ Marina Abramovic, trước sự chịu đựng, lì lợm và triết lý nhất quán của Hsieh trong trình diễn, đã phải gọi ông là “bậc thầy”.

Hsieh - tưởng là phí thời gian mà là quý thời gian - Ảnh 14.

***

Đã nói là giữ lời, Hsieh không làm nghệ thuật nữa từ năm 2000. “Tôi chẳng còn gì để nói... Tôi được tự do. Chẳng ai nói tôi phải làm gì hoặc mong chờ tác phẩm kế tiếp của tôi phải ra sao.

Nếu họ bảo, ông giờ không còn hay nữa, tôi cũng chẳng màng”, Hsieh phát biểu năm 2019, khi ông chỉ còn một năm nữa là bước sang tuổi “cổ lai hy”. Nhiệm vụ của ông, như ông tuyên bố khi giải nghệ, là “Tôi giữ cho mình còn sống”.

Có lẽ với Hsieh, chẳng cần tuyên ngôn, chẳng cần vật vã, chỉ cần giữ cho mình “còn sống” là còn thời gian. Cứ còn thời gian là còn tất cả.


 T.L

 HẢI PHI

 BẢO SUZU


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024