Trong thế giới võ hiệp Kim Dung, các câu chuyện chủ yếu xoay quanh những nhân vật quyền lực, võ công cái thế, góp phần tạo nên những ân oán giang hồ đầy kịch tính. Trong số các cao thủ, tác giả đã tạo ra những cao thủ hàng đầu võ lâm được gọi là Ngũ tuyệt thiên hạ. Để tìm ra những người mạnh nhất này, họ đã tổ chức một cuộc tranh tài được gọi là Hoa Sơn luận kiếm.
Trong các kỳ Hoa Sơn luận kiếm thì lần luận kiếm thứ nhất là quan trọng và nổi tiếng nhất. Trong kỳ luận kiếm thứ nhất, ngoài mục đích chọn ra người vô địch thiên hạ, sự kiện này còn nhằm chọn ra chủ nhân cho cuốn Cửu âm chân kinh, một bảo vật của võ lâm.
5 cao thủ mạnh nhất là Vương Trùng Dương, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong, Đoàn Trí Hưng, Hồng Thất Công tranh tài trong 7 ngày 7 đêm. Vương Trùng Dương võ công nhỉnh hơn 4 người kia, được bọn họ tôn là võ công đệ nhất thiên hạ.
Điều thú vị là cả bốn vị cao thủ còn lại đều dành sự kính trọng đặc biệt cho Vương Trùng Dương, vị chưởng môn phái Toàn Chân giáo. Hồng Thất Công - bang chủ Cái Bang, từng thừa nhận: "Nói về võ công, rốt cuộc vẫn là Toàn Chân giáo mới là chính tông, điều này lão khiếu hóa như ta đây cũng phải tâm phục khẩu phục". Còn Nhất Đăng đại sư, vị cao tăng đã giác ngộ, cũng nhận xét: "Vương Chân Nhân phong độ bậc anh hùng, nhân nghĩa hơn người, đời này không ai sánh bằng".
Hoàng Dược Sư, người được mệnh danh là Đông Tà với tính cách ngạo mạn, luôn cho mình là vô địch thiên hạ, lại dành cho Vương Trùng Dương sự nể phục hiếm có. Ông từng nói: "Từ khi Vương Trùng Dương qua đời, trên đời không còn ai xứng đáng với danh hiệu Thiên hạ đệ nhất nữa". Những lời khẳng định của ba vị cao thủ hàng đầu võ lâm đã phần nào cho thấy vị thế độc tôn của Vương Trùng Dương trong giới võ lâm.
Tuy nhiên, trong Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung bất ngờ giới thiệu đến độc giả một nhân vật nữ với võ công sánh ngang, thậm chí là vượt trội hơn cả Vương Trùng Dương - đó chính là Lâm Triều Anh. Thông tin về vị nữ hiệp này được hé lộ qua lời kể của Khâu Xứ Cơ, đồ đệ của Vương Trùng Dương. Ông nhận xét về Lâm Triều Anh như sau: "Nói về võ công, người này chỉ có thể xếp trên tứ tuyệt, hơn cả sư phụ ta. Chỉ vì là nữ lưu, không muốn phô trương thanh thế nên ít khi xuất đầu lộ diện, người đời ít biết đến, danh tiếng cũng chìm vào quên lãng".
Là hậu bối, việc Quách Tĩnh chưa từng nghe đến danh tiếng của Lâm Triều Anh là điều dễ hiểu. Nhưng thật khó tin khi bốn vị cao thủ đương thời như Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái lại không biết đến sự tồn tại của một nhân vật tầm cỡ như vậy. Hơn nữa, bà còn là người đã từng đánh bại Vương Trùng Dương. Dù cho có người cho rằng đó là chiêu trò, dùng mưu kế để chiến thắng thì trong thực chiến, mọi cách thức để giành chiến thắng đều hợp lý. Nếu không, chẳng phải chiêu Đàn chỉ thần công của Hoàng Dược Sư cũng bị coi là gian lận hay sao?
Sự xuất hiện đầy bí ẩn của Lâm Triều Anh cùng võ công cái thế đã khiến độc giả không khỏi tò mò về lai lịch cũng như nguồn gốc võ công của bà. Ai đã truyền thụ võ công cho Lâm Triều Anh để bà có thể sánh ngang với cả Vương Trùng Dương?
Trong các tác phẩm của Kim Dung, nhân vật dù là chính hay phụ đều được xây dựng với lai lịch rõ ràng. Đặc biệt là với những cao thủ võ lâm như Ngũ Tuyệt, việc họ sở hữu võ công thượng thừa đều xuất phát từ quá trình khổ luyện và được cao nhân chỉ điểm.
Nhìn vào "Tân ngũ tuyệt", có thể thấy mỗi người đều có một vị sư phụ, một người thầy dẫn dắt trên con đường võ học. Vương Trùng Dương là nhân vật có nguyên mẫu lịch sử. Vì vậy, sư phụ của ông trong tiểu thuyết cũng dựa theo ghi chép về nhân vật này trong lịch sử. Hồng Thất Công là bang chủ Cái Bang, kế thừa Hàng long thập bát chưởng từ đời trước và truyền lại cho Quách Tĩnh.
Đoàn Trí Hưng là con cháu của Đoàn thị Đại Lý, võ công được truyền thụ qua nhiều thế hệ. Trong bản sửa đổi của Thiên long bát bộ, Kim Dung đã bổ sung thêm đoạn Đoàn Dự truyền ngôi cho con trai là Đoàn Chính Hưng. Như vậy, có thể khẳng định Đoàn Trí Hưng chính là con trai của Đoàn Chính Hưng và là cháu nội của Đoàn Dự.
Còn Hoàng Dược Sư và Âu Dương Phong, nhiều độc giả phỏng đoán rằng Hoàng Dược Sư có thể là truyền nhân của phái Tiêu Dao. Bởi lẽ, phong cách của ông có nhiều điểm tương đồng với phái này. Ngoài ra, việc ông tinh thông cầm kỳ thi họa và sở hữu nhiều đầy tớ câm trên đảo Đào Hoa càng củng cố thêm giả thuyết này. Trong khi đó, Âu Dương Phong giỏi sử dụng độc chiêu nên rất có thể ông ta là hậu duệ của Đinh Xuân Thu.
Ngoài ra, trong bản sửa lại của Thần điêu hiệp lữ, tác giả đã nhắc tới cái tên của Hư Trúc. Đó là phân đoạn nói về việc vì không muốn để các tuyệt học của Cái Bang bị thất truyền, Tiêu Phong đã bắt Hư Trúc học Ðả cẩu bổng và Hàng long thập bát chưởng, khi nào Cái Bang tìm được một bang chủ thích hợp thì người đó có thể học 2 tuyệt kỹ này từ Hư Trúc.
Trang tin Sohu đã đưa ra giả thuyết, Lâm Triều Anh có thể đã học được võ công tuyệt học từ cao thủ nào đó trong Thiên long bát bộ. Và phát hiện này được phân tích dựa trên tên của bà.
Mặc dù trong Thiên long bát bộ không có cao thủ nào họ Lâm nhưng có một môn hạ có tên tương tự là Linh Thứu cung (trong tiếng Trung Quốc chữ "Linh" có phát âm gần giống chữ "Lâm") . Trong cung toàn bộ đều là nữ đệ tử do Đồng Lão cứu được từ những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, vì vậy mà họ một lòng một dạ trung thành với chủ nhân. Trước khi qua đời, Thiên Sơn Đồng Lão đã giao lại vị trí thủ lĩnh Linh Thứu cung cho Hư Trúc.
Những nữ đệ tử này đều không có tên, rất có thể họ đã lấy họ "Lâm" để ghi nhớ môn hạ của mình. Lâm Triều Anh cũng có thể là một trong số họ và là người kế vị Hư Trúc. Sở dĩ, Sohu đưa ra lý lẽ này là bởi khi Quách Tương đột nhập Thiếu Lâm, nàng đã sử dụng một chiêu thức từ Ngọc nữ kiếm thuật mà chiêu thức này kỳ thực ra là Lăng ba vi bộ.
Từ những điều này cho thấy Lâm Triều Anh là đệ tử của Hư Trúc và lĩnh hội võ công của Tiêu dao phái từ ông. Do đó, các chiêu thức của Ngọc nữ tâm kinh có nhiều nét tương đồng của Tiêu dao phái. Điều này dẫn tới việc thực lực của Lâm Triều Anh mạnh ngang, thậm chí là vượt cả Vương Trùng Dương.
*Nguồn: Sohu, Sina