Maria Varela sẽ bước sang tuổi 21 trong tháng này. Sau rất nhiều ngày tháng phải ở trong nhà vì dịch bệnh, cô đã tìm được lý do để ăn mừng. “Mọi năm tôi thường đến nhà bạn và tập hợp một nhóm người trẻ để ăn mừng”, Maria chia sẻ.
Nhưng hầu hết những người sẽ có mặt trong bữa tiệc sinh nhật đều không tiêm chủng và Varela cũng vậy. “Vì vậy, bây giờ tôi không thể trực tiếp tổ chức sinh nhật. Tất cả bạn bè của tôi ở trường đều sống ở ngoài tiểu bang vì vậy tôi rất khó có thể gặp họ. Tôi đã cảm thấy khá cô lập trong một khoảng thời gian”, Varela nói.
Cuối cùng kế hoạch của Varela là tổ chức một bữa tiệc Zoom trong dịp sinh nhật của mình.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở những người trẻ tuổi tại Mỹ đang dẫn đến những sự lo ngại. Theo một cuộc thăm dò của Washington Post và ABC News tính đến ngày 30.6, 45% thanh niên từ 18 đến 29 tuổi đã được tiêm chủng. Trong số những người còn lại, 11% nói rằng họ chắc chắn sẽ tiêm phòng và 9% nói rằng họ có thể sẽ tiêm phòng. Tuy nhiên, 18% cho biết chắc chắn sẽ không đi tiêm trong khi 14% cho rằng họ do dự không tiêm.
Các chuyên gia cho biết có một số lý do khiến nhóm người trẻ tuổi có xu thế không muốn tiêm vắc xin, Jodie Guest, giáo sư dịch tễ tại trường sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Emory cho biết một phần của vấn đề bắt nguồn từ thông điệp về sức khỏe cộng đồng cùng với suy nghĩ rằng người trẻ có hệ miễn dịch tốt có thể dễ dàng chống chọi với bệnh tật.
Thông điệp ban đầu “tập trung rất nhiều vào việc người cao tuổi có nguy cơ dễ mắc COVID-19 và dễ diễn biến nặng. Hậu quả của suy nghĩ này đã khiến mọi người cảm thấy nếu như mình không cao tuổi thì sẽ không gặp phải rủi ro và sẽ không cần phải quan tâm những hậu quả khôn lường”, Guest cho biết.
“Điều này lại càng làm cho những người trẻ tuổi nghĩ rằng bệnh tật sẽ không tìm đến họ và nếu như có nó cũng sẽ không kéo dài. Nó không phải là vấn đề quá lớn”, cô cho biết thêm.
Guest cũng chỉ trích những chính sách chính trị khác biệt và các quy tắc chi phối cuộc sống của những người được tiêm chủng. “Ban đầu thông điệp đưa ra nếu được tiêm chủng bạn sẽ được tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội bình thường. Nhưng khi các bang nới lỏng các hạn chế, bạn có thể nhận được những điều đó mà không cần tiêm phòng”.
Varela cho biết cô sẽ đi tiêm phòng nhưng sẽ phải tìm hiểu kĩ trước khi quyết định. Cô cho biết những người bạn chưa tiêm phòng đã đưa ra những lý do khác nhau để không đi tiêm bao gồm cả việc khi tiêm sẽ cảm thấy mệt mỏi không thể làm việc và họ không tin tưởng hoàn toàn vào các công ty dược phẩm.
Jordan Tralins, một sinh viên tại Đại học Cornell và là người sáng lập ra Covid Campus Coalition, một nhóm đang sử dụng Instragram và TikTok để quảng bá thông tin chính xác về việc tiêm vắc xin thì có những suy nghĩ khác.
Tralins cho biết khi vắc xin lần đầu tiên được triển khai, cô nhận thấy rằng “không thấy bất kỳ thông tin chính xác nào về vắc xin COVID-19 mà thay vào đó, điều duy nhất lại là một số thuyết âm mưu và thông tin sai lệch”.
“Hầu hết những người trẻ tuổi như tôi không dành thời gian rảnh rỗi để tìm các tài liệu khoa học để xác minh những điều chuẩn xác. Chúng tôi chỉ tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội và điều đó ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của chúng tôi”, Tralins nói.
Cùng với một vài sinh viên khác, Tralins đã thu thập thông tin về hiệu quả của các loại vắc xin từ các nguồn như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới và Tạp chí Y học New England thành những sơ đồ thông tin đầy màu sắc, dễ hiểu cho những sinh viên đại học. Kế hoạch đã được triển khai tại Đại học Cornell và mở rộng ra hơn 30 trường đại học khác.
Đối với Tralins, chìa khoá để vượt qua sự chần chừ trong việc tiêm chủng là chống lại những thông tin sai lệch mà những người trẻ dễ dàng tiếp nhận trên mạng xã hội. “Càng nhiều người biết thông tin chính xác, tôi nghĩ họ sẽ không còn do dự và tin tưởng nhiều hơn vào hiệu quả của vắc xin. Hy vọng rằng họ sẽ tự ý thức hơn trong việc phải tiêm chủng”, Tralins chia sẻ.
Guest cũng cho biết thông điệp về sức khỏe cộng đồng cần phải được điều chỉnh lại cho chính xác và đồng bộ. “Cần đưa ra thông điệp rằng những người dễ mắc COVID-19 không phải là người lớn tuổi mà là những người không được tiêm chủng”.
Cô cũng đề nghị đưa ra những hậu quả lâu dài của việc nhiễm COVID-19. “Chúng ta cần phải hiểu rằng nếu mắc COVID-19, ngay cả có triệu chứng rất nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng không có nghĩa là không có những hậu quả về mặt sức khỏe”.
Khi nói chuyện với bạn bè và người thân, Guest hỏi mọi người tại sao lại do dự tiêm vắc xin và được biết, đối với phụ nữ trẻ những lo lắng về ảnh hưởng khả năng sinh sản dường như đang được quan tâm nhiều nhất. Nhưng những lo lắng đó đã được chứng minh là vô căn cứ.
Varela thì coi việc được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới là quan trọng.“Thành thật mà nói, rất nhiều người ở độ tuổi của tôi không gặp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe vì họ không đủ khả năng. Tôi nghĩ sẽ phải cần một điều gì đó thực sự quyết liệt để khiến những người trẻ và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận điều này. Bởi vì những điều tồi tệ mà chúng tôi lo ngại về vắc xin hầu như đã không xuất hiện, ít là ở Mỹ”, Varela chia sẻ.