Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có những trải nghiệm về dịch bệnh khốc liệt như thời gian qua. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến từng đoàn người tìm cách rời khỏi thành phố bằng đủ các loại phương tiện, thậm chí là đi bộ hàng trăm, hàng ngàn cây số để về quê, về nhà.
Không chỉ những người già mắc kẹt ở thành phố muốn về quê, về nhà mà những người trẻ cũng quay quắt muốn về. Đói no gì cũng về nhà, nơi có mẹ có cha. Đặc biệt, hình ảnh những đôi vợ chồng trẻ bồng bế con thơ chỉ vài tháng tuổi, rong ruổi xe máy về quê, khiến cho chúng ta không khỏi nghẹn ngào xúc động.
Ở thành phố Sài Gòn, họ chưa có một mái nhà để an cư lạc nghiệp, cho nên hành trình về quê cũng là dự định làm lại cuộc đời. Về nhà, còn mang ý nghĩa là cuộc trở về với trái tim mình, cùng bao cảm xúc chân thành và đẹp đẽ.
Nhưng cũng có biết bao người ra đi mà không thể về nhà. Với biết bao người, mái nhà ấm êm vẫn còn là giấc mơ giữa lận đận và khó nhọc mưu sinh. Và, không thể không kể tới đội ngũ y tế, các tình nguyện viên suốt mấy tháng ròng trong các bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19- chưa thể về nhà, dù chỉ cách vài cây số…
Từ sự đồng cảm đó, ngày 24.11, NXB Hội Nhà văn (Chi nhánh miền Nam) phối hợp cùng trang của Hội Nhà văn Việt Nam chính thức phát động cuộc thi viết "Về nhà". Cuộc thi kêu gọi mỗi người hãy kể lại chuyến về nhà của chính mình, hay chia sẻ câu chuyện của bạn bè, của bà con, đồng bào mình để cùng nhau trao truyền chút ấm áp nhân văn trong những ngày tháng đầy khó khăn và thách thức.
Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về ý nghĩa của cuộc thi, nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi nói: “Về nhà, không phải là câu chuyện của trend (xu hướng) mà thực sự là tâm thức, hiện thực xã hội rất đáng khắc ghi, suy ngẫm. Khi đại dịch COVID-19 ập tới, “ai ở đâu ở yên đấy” thì ngôi nhà không chỉ là nơi trú ngụ, mà nó còn là chốn để tinh thần mình cảm thấy được xoa dịu. Do vậy, ngôi nhà vừa là vật chất vừa là tinh thần. Nhưng có biết bao con người không có một mái nhà, thậm chí một chỗ nằm để có thể duỗi thẳng chân. Biết bao con người “về nhà” đồng nghĩa với “về quê”. Chỉ có về quê thì họ mới có một mái nhà để có thể bền bỉ chống chọi với đại dịch".
Dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, giờ thì chúng ta phải sống chung với nó, cứ nghĩ tới những điều đó thì ai cũng canh cánh những toan lo, trăn trở. Cũng chính vì thế mà câu chuyện “Về nhà” lại càng thêm ý nghĩa. “Về nhà” là trở về với những gì nguyên bản nhất của mộc mạc yêu thương nơi mỗi con người…
Cuộc thi viết “Về nhà” dành cho tất cả các bạn viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp. Mỗi tác giả có thể dự thi từ 1 - 3 bài. Bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên sách báo, mạng xã hội, diễn đàn, trang cá nhân; thể hiện dưới dạng tạp văn, ghi chép, có độ dài không quá 1.200 chữ; gửi kèm ảnh tác giả và ảnh liên quan bài viết.