"Uy quyền" của phụ huynh ảnh hưởng, huỷ hoại trí tuệ của trẻ ra sao?

Nguyễn Phương20/10/2022 08:00
"Uy quyền" của phụ huynh ảnh hưởng, huỷ hoại trí tuệ của trẻ ra sao?

Sợ uy quyền, sợ bị trừng phạt, các em luôn phải làm theo những lời giáo huấn, bảo ban của người lớn và không có sự nhận biết hay chính kiến riêng của mình.

“Khi được bố mẹ thấu hiểu, con sẽ nhận ra bản thân mình xứng đáng được quý trọng, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Con dám nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình vì biết mình sẽ được thấu hiểu và giúp đỡ, thay vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình có đang làm gì sai không.” - theo Alicia Vu, Chuyên gia Tâm lý Trẻ em tại Anh Quốc phát biểu ý kiến về cách giáo dục con trẻ hiện nay.

Các em từ khi sinh ra đã được dạy bảo rằng phải biết vâng lời cha mẹ, kính trọng thầy cô và những người lớn tuổi. Thực chất, họ đang sử dụng quyền uy để áp đặt các em làm theo những điều họ mong muốn và cho rằng đúng đắn.

Chẳng hạn như các em phải đến trường đi học, phải ngủ trước 10h tối, hoặc nên ăn những món nào, không được chơi với những người bạn ra sao,…

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ uy quyền đã tạo ra hai con đường buộc các em phải lựa chọn. Nếu các em thi hành theo mệnh lệnh của người lớn thì mọi việc đều bình an. Còn nếu các em không nghe lời thì sẽ phải nhận hình phạt thích đáng. Chính điều này đã dấy lên nỗi sợ hãi trong lòng các em – nỗi sợ “uy quyền”.

Triết Gia J. Krishnamurti đưa ra lý giải về nỗi sợ quyền uy được hình thành dựa trên nhu cầu giao tiếp, ứng xử của con người thế này: Mỗi người chúng ta đều có ước muốn tìm thấy một lối cư xử an toàn, ta muốn được khuyên bảo phải làm gì. Ông nhận định vì sống trong tâm trạng hỗn loạn, lo âu và không biết phải làm gì, nên ta mới tìm đến các giáo sĩ, thầy cô, cha mẹ hay người nào đó khác để tìm một lối thoát khỏi tình thế hỗn loạn ấy. Bởi vì ta nghĩ họ am tường, họ biết rõ sự đời hơn ta.

Bên cạnh đó, uy quyền còn hạn chế sự tự do và không gian phát triển của các em. Vì nỗi sợ uy quyền, sợ bị trừng phạt, các em luôn phải làm những lời giáo huấn, bảo ban của người lớn và không có sự nhận biết hay chính kiến riêng nào của bản thân.

Đặc biệt trong môi trường học đường, thay vì chỉ biết gò ép học sinh vào kỷ luật để làm những điều người khác bảo, thì các em nên được giúp đỡ để hiểu, để sống thông minh và tự do, các em sẽ đủ khả năng để giáp mặt tất cả những khó khăn của cuộc sống mà không sợ hãi – trích từ “Cuộc đời phía trước” của J. Krishnamurti.

Trong trường hợp các em hành xử chưa đúng, thay vì dùng uy quyền để buộc các em sửa đổi, thì hãy kèm theo lời giải thích tại sao các em phải thay đổi, phải làm điều này mà không được làm điều kia. Việc này không chỉ giảm bớt nỗi sợ của các em mà còn giúp chúng thấu hiểu hành vi của mình. Từ đó các em không còn chịu áp lực uy quyền mà sẽ có tính tự giác và không lặp lại những sai phạm tương tự nữa.

“Trí tuệ chỉ có thể xuất hiện khi có sự tự do, tự do suy nghĩ, cảm nhận, quan sát, học hỏi.” – đây là lời nhắn nhủ của J. Krishnamurti không chỉ dành cho các bậc làm cha làm mẹ, thầy cô giáo mà còn dành cho các em – thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

Đừng để uy quyền huỷ hoại cơ hội khai phá trí tuệ, khả năng sáng tạo hiểu biết của các em.

Và nếu bạn có những quan điểm nào khác về chủ đề này thì đừng ngại bình luận bên dưới để chia sẻ với mọi người nhé! Cùng triết gia J. Krishnamurti khám phá hơn những triết lý giáo dục trong cuốn sách “Cuộc đời phía trước” - Những suy ngẫm về giáo dục và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024