Tấm lòng nhân hậu của công đã được tờ Chiết Giang Nhật báo (Zhejiang Daily) chia sẻ lại đầy xúc động.
Sinh ra trong một gia đình khó khăn ở làng Diêu Thôn, thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang vào năm 1935, tuổi thơ của ông Yao là chuỗi ngày đầy vất vả. Vì nghèo, gia đình ông không đủ khả năng chi trả học phí. May mắn thay, người dân trong thôn làng và các nhà hảo tâm lân cận đã chung tay quyên góp để tài trợ học phí cho Yao.
Chính lòng tốt của những người xung quanh thôi thúc ông ấm ủ khát vọng đền đáp cho cộng đồng. Nhờ nỗ lực chăm chỉ, ông Yao đã có thành tích học tập xuất sắc. Ông thi đỗ vào một trường đại học ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây và theo học ngành dầu khí. Sau khi tốt nghiệp, ông tìm được công việc tại miền đông Trung Quốc.
Năm 2002, khi đang làm việc tại Thượng Hải, ông Yao hay tin quê hương đang có ý định thành lập quỹ từ thiện, ông đã ngay lập tức quyên góp 600.000 nhân dân tệ. Năm 2004, dưới bí danh “Mộc Thốn” (Mu Cun), ông đã âm thầm đóng góp hơn 3 triệu nhân dân tệ để xây dựng một trung tâm dành cho người cao tuổi ở Lan Khê, quê hương ông. Ban đầu, người dân không hề biết đến nhà tài trợ.
Jiang Libiao, giám đốc Liên đoàn từ thiện Lanxi cho biết: “Ông Yao muốn làm việc tốt, nhưng không muốn mọi người biết nên đã để bí danh Mộc Thốn”. Trong tiếng Trung, mộc có nghĩa là “gỗ” và thốn là một đơn vị đo thời xưa. Khi ghép hai chữ này lại với nhau, chúng sẽ tạo ra từ mới có nghĩa là “làng”.
Ông từng chia sẻ: “Tôi không thể ví mình như cây cao bóng cả, nhưng tôi rất muốn đóng góp sức mình, làm những gì mình có thể và giúp đỡ nơi tôi gọi là quê hương”.
Hàng chục năm trôi qua, quỹ của ông đã thay đổi cuộc đời của hàng trăm học sinh, sinh viên, trở thành tấm gương cống hiến cho xã hội. Ước tính, số tiền ông quyên góp là hơn 15 triệu nhân dân tệ (hơn 53 tỷ VNĐ).
Không chỉ quan tâm đến giáo dục, ông Yao Baoxi còn quan tâm đến các công trình kiến trúc cổ kính ở quê hương cần được trùng tu. Ông từng đóng góp 4 triệu tệ và giới thiệu một đội ngũ chuyên nghiệp cho việc tu sửa.
Dù hào phóng chi số tiền lớn cho cộng đồng, bản thân ông Yao lại sống một cuộc sống bình dị. Ông sử dụng một chiếc thắt lưng trong suốt 20 năm. "Tôi sinh ra và lớn lên từ quê hương, tôi phải làm điều gì đó để đền đáp", ông Yao từng tâm sự.
Tấm lòng của ông đã được cả xã hội ghi nhận. Năm 2021, ông được vinh danh là “Người Samari nhân hậu của Trung Quốc”. Câu chuyện về cuộc đời ông là minh chứng cho tinh thần “lá lành đùm lá rách”, truyền cảm hứng về lòng tốt, để lại những dấu ấn đẹp trong lòng mọi người.
Theo China Daily, CGTN, Sohu