Trong buổi thuyết trình chủ đề: Cải lương thật & đẹp do Hội đồng Anh tổ chức tại TP.HCM hay buổi họp báo kỷ niệm 60 ca hát của NSND Lệ Thủy, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân xuất hiện một cách khiêm tốn.
Cải lương là định số
Hà Mỹ Xuân tên thật là Tiết Xuân tức tiết trời mùa xuân. Chị là em gái thứ 8 của NSƯT Thanh Điền. Trong khi ngay từ nhỏ người anh thứ sáu tức Thanh Điền mê ca hát bao nhiêu thì cô em thứ 8 Tiết Xuân không thích hát bấy nhiêu. Chị càng không mơ mộng một ngày sẽ thành nghệ sĩ.
Dẫu vậy, người cha là nghệ nhân đờn ca tài tử bắt chị học ca, chị vẫn học. Nhờ năng khiếu bẩm sinh mà Tiết Xuân ca rất chắc nhịp và sở hữu giọng ca rất lạ. Năm 13 tuổi chị được làm đào con tại đoàn Kim Chưởng. Chính nghệ sĩ Bích Hợp là người trang điểm khai nghề đầu tiên cho chị.
Về sau, chị được nghệ sĩ Diệu Hiền dạy hát còn nghệ sĩ Ba Vân dạy diễn nên trình độ ca diễn của chị còn được nâng lên một bậc cao hơn. 16 tuổi, Hà Mỹ Xuân bắt đầu hát đào chánh tại đoàn Sao Ngàn Phương. Vở tuồng Đường vào xứ mộng ( tác giả Huy Sắc, đạo diễn Ba Vân ) đánh dấu tài sắc của Hà Mỹ Xuân.
Lúc này, các đại bang khác như Kim Chưởng và Dạ Lý Hương săn đón chị. Thế nhưng cuối cùng chị đầu quân cho đoàn Hương Mùa Thu. Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân nhớ lại: “Giá trị hợp đồng của tôi với Hương Mùa Thu là 1 triệu đồng. Số tiền này có thể mua 2 căn nhà tại Sài Gòn vào giữa thập niên 1960”.
Được nữ hoàng sân khấu Thanh Nga dẫn dắt
Hà Mỹ Xuân tung hoành trên sân khấu một thời gian thì về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Tại đây chị bên cạnh nghệ sĩ đàn chị Thanh Nga. Năm 1976, vở tuồng Tiếng trống Mê Linh với cặp đôi Thanh Nga - Thanh Sang tạo viên địa chấn trong công chúng. Hà Mỹ Xuân rất xuất sắc trong vai Trưng Nhị. Hay vở Bên cầu dệt lụa, nếu Thanh Nga đóng vai tiểu thư Quỳnh Nga thì Hà Mỹ Xuân đóng vai đối trọng là công chúa.
Theo đánh giá những người am hiểu cải lương, sở dĩ Hà Mỹ Xuân được chọn đóng cạnh ngôi sao lừng lẫy Thanh Nga là vì xét về sắc và tài chị khá toàn diện. Diễn bên cạnh đàn chị quá tài năng, Hà Mỹ Xuân đủ sức tung hứng chứ không kéo chìm một Thanh Nga đang thì rực rỡ.
Hà Mỹ Xuân kể lại thời gian ở bên cạnh đàn chị Thanh Nga: “Chị Thanh Nga là người rất kỷ luật. Không bao giờ đi tập trễ giờ. Học thuộc thoại như cháo ngay lúc tập luyện. Chị cũng là người giỏi quan sát để học theo những hành động kịch hợp lý. Nhờ vậy chị diễn xuất tinh tế”.
“Có khi tôi vào vai diễn trẻ con cần hờn dõi, tập mãi không được, chị Thanh Nga kêu tôi về quan sát con gái tôi hành xử lúc nó hờn dõi. Tôi làm theo và diễn rất ngọt. Hoặc khi tập tuồng cùng chị, chị có cách gợi ý và bơm tâm lý cho bạn diễn một cách độc đáo. Diễn với chị tôi luôn cảm giác như mình sống bằng con người thật và ở trong câu chuyện thật”, Hà Mỹ Xuân cho biết thêm.
Thời kỳ huy hoàng ở Thanh Minh Thanh Nga kéo dài đến năm 1978. Lúc đó, vì mâu thuẫn cá nhân, Hà Mỹ Xuân muốn bỏ nghề diễn. Chính nghệ sĩ Thanh Nga đã giữ chị lại. Chị kể: “Sau khi đã suy nghĩ cẩn thận, tôi nói với chị Thanh Nga rằng tôi không muốn hát nữa. Chị Thanh Nga nói được làm nghệ sĩlà một đặc ân, trong hàng ngàn người, tổ mới chọn một người, em không nên dễ dàng bỏ đặc ân này”.
Chính nhờ lời khuyên của nghệ sĩ Thanh Nga mà Hà Mỹ Xuân tiếp tục đứng dưới ánh đèn sân khấu. Để rồi đến năm 1978 chị bàng hoàng nghe tin người chị, người thầy mình qua đời.
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân nhớ lại: “Phải mất mấy tháng sau trong đầu tôi mới chấp nhận sự thật chị Thanh Nga qua đời. Tối nào tôi cũng nằm mơ thấy chị và khi tỉnh ngủ nước mắt ướt đầm trên gối”.
Kể từ khi Thanh Nga qua đời, các vai diễn của Thanh Nga như Trưng Trắc, Thái Hậu Dương Vân Nga, tiểu thư Quỳnh Nga đều do Hà Mỹ Xuân hoá thân. Chị góp sức giữ cho các vở tuồng hay tiếp tục phục vụ khán giả.
Mang cải lương sang Pháp
Năm 1987, Hà Mỹ Xuân sang Pháp định cư. Chuyến đi này khiến chị nghĩ rằng mình không còn tiếp tục được ăn cơm tổ. Thời gian đầu ở xứ người, chị mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Sau cùng, nhờ đôi tay khéo léo, chị được nhận vào làm thợ gia công cho các hãng thời trang nổi tiếng. Mức lương của chị cao gấp 2,3 lần so với người khác.
Dần dà chị cũng quay lại với sinh hoạt cải lương của cộng đồng người Việt trên đất Pháp. Về sau chị làm hội trưởng câu lạc bộ cải lương Về Nguồn tại Paris. Với vị trí này chị tổ chức nhiều đêm diễn cải lương trang trọng tại các rạp hát trang trọng. Tại đó, khán giả đi xem phải mặc veston và áo dài.
Về sau, Hà Mỹ Xuân mở một nhà hàng Việt Nam rất nổi tiếng gần tháp Effiel tại Paris. Chị tập hợp nhiều nghệ sĩ trẻ trình diễn cải lương tại đây. Tuy nhiên, chị chỉ diễn sau khi đã ăn uống xong.
Tiến sĩ Lê Phước, phó khoa tiếng Pháp Trường đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn TP.HCM nhận xét: “Tôi nghiên cứu cải lương 20 năm nên biết rành nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân. Năm 2010 - 2015, tôi sang Pháp học tiến sỹ. Lúc này tôi được mời diễn cải lương và gặp cô Hà Mỹ Xuân. Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chịu ảnh hưởng nghệ sĩ Thanh Nga rất nhiều nên cô diễn rất sâu nội tâm. Giọng ca của cô cũng thuộc dạng đặc biệt. “Cô làm cải lương tại Pháp theo một cách chỉn chu và trang trọng nên khán giả rất yêu thích”.
Cách đây vài tháng, nghệ ĩỹ Hà Mỹ Xuân quyết định về Sài Gòn. Chị và ông xã mở một nhà hàng Việt Nam ở Quận 1. Tại đây, chị gặp gỡ bạn văn nghệ. Đôi khi cao hứng thì cùng nhau hát hò vài trích đoạn tuồng hay vài câu vọng cổ.
Nguyễn Huy