Trò chuyện với vĩ nhân: Gặp gỡ những lý tưởng định hình đời sống tinh thần nhân loại

12/11/2020 08:30
Trò chuyện với vĩ nhân: Gặp gỡ những lý tưởng định hình đời sống tinh thần nhân loại

Hãy đọc "Trò chuyện với các vĩ nhân" để bạn có thể vượt qua các vĩ nhân và đi tìm con đường đi cho riêng mình.

Bậc thông tuệ thường nói: "Trí tuệ siêu việt bàn luận về những ý tưởng. Trí tuệ tầm thường bàn luận về những sự kiện. Trí tuệ nhỏ nhặt bàn luận về con người". Trong cuốn sách "Trò chuyện với vĩ nhân", nhà hiền triết Osho đã quy tụ 20 nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế giới để cho chúng ta cơ hội chiêm nghiệm về những trí khôn đắt giá nhất mà loài người từng may mắn có được.

Ở bộ phim hiện tượng "V for Vendetta”, một bản hùng ca của lý tưởng có câu: "Chúng ta được dạy rằng hãy ghi nhớ lý tưởng chứ đừng ghi nhớ con người, bởi vì con người có thể gục ngã. Anh ta có thể bị bắt, bị giết và bị lãng quên, nhưng 400 năm sau, một lý tưởng vẫn có thể thay đổi cả thế giới... Có dưới lớp mặt nạ này không chỉ là da thịt. Dưới lớp mặt nạ này là một ý tưởng, Ông Creedy, và ý tưởng thì đạn bắn không thủng". Và cuốn sách này là một minh chứng cho sự trường tồn của những triết lý sống mãi với nhân loại đó.

20 nhân vật mà Osho đề cập, họ không thay đổi thế giới bằng bạo lực, nhưng vẫn có thể chinh phục cả nhân loại bằng những triết lý thông tuệ của mình. Từ các lãnh tụ tôn giáo như Đức Phật, Chúa Jesus, Lão Tử đến triết gia Friedrich Nietzsche, nhà tư tưởng J. Krishnamurti... họ là những tài năng kiệt xuất, đánh thức cả thế giới khỏi cơn mê. Hãy thử tưởng tượng, nếu không có những người đặt nền móng cho các luồng tư tưởng này, đời sống tinh thần của chúng ta sẽ nghèo nàn ra sao.

Không có họ, có thể chúng ta vẫn có một đời sống vật chất sung túc, nhưng sẽ chết yểu về mặt tâm hồn. Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Họ cần nói về sự tự do, về ý nghĩa cuộc đời, về Chúa, về giá trị của thơ ca, về triết học... Nhờ có họ, và nhờ có những người như Osho giúp bắc cầu cho người hiện đại để tiếp cận họ, chúng ta mới có một sự sống, chứ không chỉ là đang tồn tại.

Họ như những dòng sông tươi mát, đưa chúng ta từ bờ bên này của đau khổ sang bờ bên kia của sự tự do tâm trí. Giống như những vị Bồ Tát sống, các bài học họ truyền thụ lại như những liều thuốc giải cho các vấn nạn của kiếp người: sự vô thường của đời sống, khao khát được vươn tới cái vô hạn, khổ đau sinh ra từ gắn bó, cách trở nên tự do thực sự... Mỗi "chuyên gia" cuộc đời lại có một giải pháp khác nhau, và khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy rất nhiều vấn đề của mình và của nhân loại đang được cất tiếng nói.

Tuy nhiên, đặc điểm chung của 20 nhà tư tưởng, và cũng là tinh thần cốt lõi của Osho là họ đều không muốn chúng ta trở thành những con vẹt, học thuộc giáo điều và sống cuộc đời của mình theo lời chỉ dạy của người khác. Hãy sống theo cách của bạn, tất cả những lời lẽ cao siêu này chỉ nên để tham khảo, đừng coi nó là chân lý.

Có lẽ, đấy là lý do mà Osho đã đánh đổi chiều rộng lấy chiều sâu trong cuốn sách: Ông muốn bạn tiếp xúc với rất nhiều luồng triết lý khác nhau để bạn có thể tìm được cái phù hợp nhất cho mình, nhưng vẫn mở lòng với sự khác biệt. Bởi không gì nguy hiểm hơn khi bạn coi mình là một tín đồ của Jesus, của Đức Phật, của Krishnamurti..., hay của chính Osho, và coi thường những hệ thống niềm tin khác.

Osho dẫn lại lời mà người đời cho rằng Đức Phật đã nói với các đệ tử của mình: "‘Nếu gặp ta trên đường, hãy giết ta ngay lập tức. Đừng bao giờ cho phép ta đứng giữa con và thực tại của con. Hãy nắm tay ta đến chừng nào con không có khả năng đi một mình và tự lập. Khoảnh khắc con có thể bước đi một mình và tự mình, hãy quên ta đi. Tiến lên. Sau đó thì đừng bám víu vào ta. Đừng cố mãi là cái bóng của ta. Nếu gặp ta trên đường, hãy giết ta ngay lập tức!".

Trong cuốn sách Homo Deus, sử gia Yuval Harari viết về quan điểm của ông về sự khác biệt giữa tôn giáo và tâm linh: "Mọi con đường tâm linh đều đưa con người vào những lối mòn huyền bí hướng tới những phương trời chưa từng được biết. Sự truy vấn thường bắt đầu với những câu hỏi lớn, chẳng hạn: Tôi là ai? Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Điều gì là tốt đẹp?... Những cuộc hành trình như vậy có những khác biệt căn bản đối với tôn giáo, bởi vì tôn giáo tìm kiếm việc cố kết các trật tự xã hội trong khi hoạt động tâm linh tìm kiếm việc thoát ra khỏi trật tự ấy.

Chẳng có gì để nghi ngờ rằng đòi hỏi quan trọng nhất ở những kẻ tìm kiếm về tâm linh là sự thách thức những niềm tin và những quy ước của các tôn giáo đang thống trị. Trong Thiền tông của Phật giáo, người ta từng nói rằng, “Nếu gặp Phật, tôi sẽ giết Phật”. Điều này có nghĩa là trong lúc lang thang trên con đường tâm linh và ta tình cờ gặp những luật lệ cố định cùng những ý niệm khô cứng của một nền Phật giáo đã bị định chế hóa, ta phải tự giải phóng ta khỏi những điều đó".

Hãy đọc "Trò chuyện với các vĩ nhân" để bạn có thể vượt qua các vĩ nhân và đi tìm con đường đi cho riêng mình.

Trạm Đọc 


Gửi bình luận
(0) Bình luận