1. "Vùng an toàn" của bạn là nguồn gốc của sự nghèo khó!
Cách đây một thời gian, một người quen của tôi đã đầu tư thành công và hiện tại đang trên đường mở rộng công ty. Vì thế, anh ấy vui mừng mời chúng tôi đi ăn tối.
Mỗi người chúng tôi đều khen anh ấy thật dũng cảm, dù lúc đầu bị gia đình ngăn cấm, anh ấy vẫn không ngần ngại giữ vững mục tiêu và ước mơ của mình.
Thực tế chứng minh, anh ấy đã làm được.
Tôi biết, trong gia đình anh ấy có rất nhiều người là doanh nhân, họ không muốn anh ấy phải trải qua nhiều chông gai của cái nghề mang tính rủi ro cao này.
Hai năm nay, anh ấy sống rất vất vả. Một bên vừa phải lo tạo kế hoạch, thúc đẩy việc kinh doanh, một bên lại phải lo giải quyết đống hồ sơ, hợp đồng trong công ty.
Ai trong đời rồi cũng có một lần muốn dũng cảm bỏ thuyền, tự mình cảm thụ vùng biển mênh mông, xanh mát. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó.
Ổn định chính là vùng an toàn mà con người ta thường khó vượt qua nhất. Mà hai từ này, cũng là nguồn gốc của sự nghèo đói.
Có thể bạn không tin điều này, nhưng có đôi khi, khoảng cách giữa người với người chỉ kém nhau bởi một sợi dây nhỏ gọi là dũng khí.
Năm 1991, Mã Hóa Đằng, 20 tuổi, vẫn còn là một lập trình viên hướng nội, không thích giao tiếp với mọi người. Khi đó, ông muốn tạo ra một sản phẩm mà nhiều người có thể dùng, nhưng công ty lại không ủng hộ.
Vì thế, ông mới bắt đầu kinh doanh riêng, và có Tencent ngày hôm nay.
Tôi không ủng hộ những người không kế hoạch, không suy nghĩ kĩ càng, không xác định rõ bản thân muốn gì đã đòi ra riêng kinh doanh. Nhưng tôi dám khẳng định rằng, nếu bạn chỉ lo cắm đầu đi làm công, và an phận nhận một mức lương chết hằng tháng, vậy bạn sẽ chỉ càng ngày càng nghèo!
Bây giờ đa số mọi người đều than mình nghèo, nhưng khi cho họ cơ hội để giàu có, lại có rất ít người dám làm. Bởi vì nếu theo đuổi cơ hội kia, có quá nhiều thứ không chắc chắn, họ không nắm chắc được xác suất thành công là bao nhiêu?
Vậy nên phần lớn người ta thà làm công 10 năm để tích góp, tiết kiệm tiền bạc, chứ cũng không dám nghĩ nhiều đến việc kinh doanh, bởi vì họ sợ kết quả không được như ý, lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Nhưng nếu bạn không muốn mình lạc hậu phía sau, thì phải "ép" bản thân chạy thật nhanh về phía trước.
2. Dù nghèo đến đâu, cũng phải biết "theo đuổi" người giàu!
Có nhiều người, chỉ vì hiện tại quá nghèo nên họ chưa bao giờ dám đặt chí hướng to lớn như cố gắng để có một ngày được trở nên giàu có. Mà mỗi ngày cái họ làm chính là xin ông trời, thần Phật cho mình có cuộc sống ấm no.
Nhưng suy nghĩ "an phận" đó chỉ khiến bản thân họ đi chậm nhịp hơn sự phát triển của xã hội.
Tôi từng gặp qua rất nhiều người nghèo có tư duy thế này:
"Người ta giàu là do người ta thông minh, người ta giàu là do người ta có gia thế sẵn, người ta giàu là do người ta may mắn... Còn tôi nghèo là do cái mệnh nó khổ sẵn, trời sắp đặt sao thì nghe vậy, thôi thì cứ an phận đi làm công kiếm chén cơm ăn cho qua ngày..."
"Người giàu ấy hả? Người ta thì sống để ăn, để hưởng thụ. Còn tụi tôi chỉ ăn để mà sống, sống qua được ngày nào hay ngày đó..."
Nói tóm lại, họ không bao giờ dám dùng người giàu làm mục tiêu theo đuổi, phấn đấu. Cái mà họ làm chỉ là "nhận mệnh".
Tôi không đồng ý với quan điểm này lắm.
Thứ nhất: Bạn đang sống trong thời bình, lại còn là cái thời khoa học công nghệ phát triển, có vô số cách để bạn đi đến con đường thành công, chẳng qua phải xem bạn có biết nắm bắt hay không?
Thứ hai: Trong số những người giàu, có rất nhiều người xuất thân từ gia đình nghèo khó. Hơn nữa, người thông minh dễ làm giàu, nhưng chưa chắc 100% số người thông minh đều giàu hết. Mà những người sống nỗ lực, tư duy tích cực mới chiếm đại đa số trong những người giàu có.
Thứ ba: May mắn hay rủi ro là do trời quyết định, nhưng bạn có dám thay đổi vận mệnh hay không là do bạn nhận định.
Giá trị con người bạn chỉ tăng lên khi bạn giàu có. Mà nếu muốn có cuộc sống thật đầy đủ, sung túc, dư dả tiền để làm từ thiện, đi du lịch, bạn phải quyết tâm phấn đấu hết mình.
Khi bạn "theo đuổi" người giàu, dù chưa đuổi kịp đi nữa, tầm nhìn và phạm vi cuộc sống của bạn cũng sẽ khác hơn nhiều so với quá khứ.
3. Nỗi khổ của startup
Cách đây một thời gian, một sinh viên đại học bắt đầu tự gọi vốn kinh doanh riêng, khiến không ít người ngưỡng mộ và ghen tỵ.
Lúc đó, cô ấy chỉ nghĩ một điều, cố gắng đến ngày công ty ổn định, được tự do tài chính, vậy là cô ấy đã thành công rồi. Khi đó có thể tha hồ bay nhảy, ngồi trong khoang hạng nhất mà bay đi du lịch vòng quanh thế giới. Chỉ mới nghĩ thôi đã thấy thật tuyệt vời!
Nhưng bây giờ, khi cô ấy đã điều hành công ty, cô ấy mới nhận ra rằng: Cô ấy không có thời gian.
Có nhiều người nghĩ rằng chỉ cần giàu có, tự do tài chính là có thể cầm thật nhiều tiền đi du lịch khắp nơi mà không cần phải làm gì nữa.
Nhưng điều đó chỉ phù hợp với một số người. Đa phần khi bạn nắm giữ sự giàu có trong tay, bạn lại càng có nhiều trách nhiệm hơn trên vai.
Bạn còn có công ty cần quản, có nhà đầu tư cần gặp, và có nhân viên cần trao đổi.
Đối với doanh nhân mà nói, có quá nhiều yếu tố cần thiết phải làm để thành công. Phải đúng nơi, đúng thời điểm, đúng người, sai lầm một chút là thất bại ngay!
Mỹ đã từng thực hiện một cuộc khảo sát về sức khỏe tâm lý của 242 doanh nhân và phát hiện ra có đến 49% CEO từng mắc các chứng bệnh tâm thần với mức độ khác nhau: 30% người bị trầm cảm, còn lại thì làm việc quá sức, lao lực, hay lo lắng dẫn đến rối loạn cảm xúc...
Lôi Quân nói rằng ông ấy đã không thể ngủ cả đêm từ năm 1999. Từ khi thành lập Xiaomi, ông chỉ ăn trưa trong vòng 3 phút, trung bình mỗi ngày có đến 11 cuộc họp.
Nhiều vị CEO khác cũng vậy, thức dậy từ 4 giờ sáng và làm việc đến tận 7 giờ tối. Có khi ngồi ở văn phòng 16 tiếng đồng hồ mà không ra ngoài.
Những người khởi nghiệp khác chúng ta ở chỗ nào?
Họ không có thời gian để nghĩ xem hôm nay ăn gì, chiều mai đi trà sữa ở đâu...
Thời gian của bạn là của bạn, nhưng thời gian của họ không phải là của họ, mà là của công việc.
Nhiều người nghĩ rằng những người giàu thật sung sướng vì được tự do tài chính. Nhưng trong quá trình đó, họ vừa phải có tố chất tâm lý cao, chịu đủ loại áp lực, vừa phải có sức khỏe tốt, cày ngày cày đêm, lại vừa phải có tinh thần thép để bình tĩnh đối diện với mọi sự cố... Đặc biệt là còn phải có một ý chí kiên cường, nỗ lực không ngừng nghỉ.
Nếu bạn có thể vượt qua được những nỗi khổ đó, cố gắng chạy về phía trước, thì tôi tin rằng thành công nhất định sẽ đến với bạn!
Theo Trí Thức Trẻ